Tin Biển Đông – 06/10/2018
Tàu ngầm Nhật tập trận ở Biển Đông:
Tokyo thách thức Bắc Kinh mạnh hơn
Mới đây, tàu ngầm Kuroshio của Nhật Bản đã đến Biển Đông tham gia một cuộc tập trận với 3 chiến hạm Nhật Bản khác đang thi hành nhiệm vụ trong vùng. Sự kiện tàu ngầm Nhật xuống tận Biển Đông tập trận là một điều hiếm hoi, nhưng hiếm thấy hơn nữa là Bộ Quốc phòng Nhật Bản lại thông báo công khai hoạt động này, dù biết rằng sự kiện đó sẽ bị Trung Quốc đả kích.
Theo một số nhà phân tích, khi làm như vậy, Tokyo muốn gửi đi thông điệp về quyết tâm giúp các nước trong khu vực chống lại các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh.
Nhật báo Mỹ The New York Times số ra ngày 19/9 cho rằng sự kiện tàu ngầm Nhật tập trận ở Biển Đông là dấu hiệu cho thấy là Nhật Bản đang càng lúc càng kiên quyết hơn trong việc chống lại những yêu sách chủ quyền phi lý bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong khu vực.
Báo Mỹ đặc biệt ghi nhận là đây là lần đầu tiên mà tàu ngầm Nhật được biết là tập trận ở Biển Đông. Cũng đáng ghi nhận là điều mà New York Times cho là “động thái bất thường” của Nhật Bản khi thông báo về cuộc tập trận.
Bộ Quốc phòng Nhật đã khẳng định rằng cuộc tâp trận không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào, nhưng các nhà phân tích đều xem đấy là một thông điệp rõ ràng đối với Trung Quốc.
Ông Narushige Michishita, giám đốc Chương trình Nghiên Cứu Quốc tế và An ninh tại Viện Nghiên cứu Chính sách ở Tokyo nói: “Chúng tôi đang gửi đi tín hiệu để Trung Quốc hiểu rằng họ không thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không hề hấn gì”.
Trả lời The Wall Street Journal, chuyên gia Michishita đã giải thích rõ hơn: “Đó là một phần trong một thông điệp chiến lược mà Tokyo muốn gửi đến Trung Quốc và những nước trong vùng…cho thấy rõ quyết tâm của Nhật Bản trong việc duy trì một sự cân bằng quyền lực trong vùng”.
Đối với chuyên gia Michishita, nội dung tập luyện chống ngầm của Hải quân Nhật Bản rất có ý nghĩa, vì Trung Quốc hiện sở hữu một đội tàu ngầm hạt nhân có thể phóng tên lửa đạn đạo.
Bên cạnh việc tập trận, tàu ngầm Kuroshio còn ghé thăm cảng một nước trong khu vực trong một động thái mà New York Times cho là nằm trong những nỗ lực của Nhật Bản nhằm củng cố quan hệ với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Jeffrey W. Hornung, chuyên gia về Nhật Bản tại RAND Corporation, nhận định: Nhật Bản đang tăng cường và mở rộng quan hệ với các quốc gia có vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc. Chuyến thăm của tàu ngầm Kuroshio, đang gửi tới Trung Quốc một thông điệp, cho biết là Nhật Bản đang tiếp cận và thúc đẩy hợp tác an ninh với những nước khác.
Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp Tòa Thường trực Quốc tế đã bác bỏ cái gọi là “đường 9 đoạn” phi pháp. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép 7 thực thể địa lý chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, biến những nơi này thành căn cứ quân sự, gây lo ngại cho các nước trong vùng và ngoài vùng về nguy cơ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông bị đe dọa.
Nhật Bản không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng cũng như Mỹ và nhiều nước khác, lại rất quan tâm đến quyền tự do lưu thông. Và trong thời gian qua, Tokyo đã đi đầu trong số các đồng minh của Mỹ nỗ lực giúp các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực trên biển.
Úc cảnh báo TQ không nên có hành động
‘hung hăng’ trên Biển Đông
Úc cảnh báo Bắc Kinh không nên sử dụng “các chiến thuật đe dọa hoặc hành động hung hãn” sau khi một tàu khu trục Trung Quốc thách thức một tàu chiến của Hoa Kỳ đang di chuyển trên Biển Đông, theo Business Insider.
“Chúng tôi sẽ xem xét việc sử dụng bất cứ biện pháp đe dọa hoặc hành động hung hăng nào như là hành động gây bất ổn và nguy hiểm”, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, ông Christopher Pyne nói.
“Úc đã liên tục bày tỏ quan ngại về các hành động quân sự hóa không ngừng tiếp diễn trên Biển Đông, và chúng tôi tiếp tục thúc giục tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này kiềm chế các hành động đơn phương tiềm ẩn có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, ông Christopher nói thêm.
Quân đội Australia đã bắt đầu một cuộc tập trận bảo vệ an ninh đa phương kéo dài hai tuần trên Biển Đông vào hôm thứ Ba (2/10) cùng với các lực lượng quân sự của các nước Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh.
Động thái này của Úc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang căng thẳng. Bên cạnh cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc đang leo thang, mới đây nhất, vào hôm Chủ nhật (30/9) hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc đã chạm mặt nhau trên Biển Đông.
Những hình ảnh công bố trên trang gCaptain cho thấy cuộc chạm trán nảy lửa giữa tàu chiến Hoa Kỳ và tàu chiến Trung Quốc, một quan chức bộ quốc phòng Mỹ nói với Japan Times hôm thứ Tư (3/10).
Vị quan chức thuộc bộ quốc phòng Mỹ cũng lưu ý rằng mặc dù tàu chiến của hai bên xảy ra việc đối đầu nhưng vẫn nằm trong giới hạn của “luật pháp”.
Hình ảnh trên trạng gCaptain không được Hải Quân Hoa Kỳ công bố. Và gCaptain không tiết lộ bằng cách nào họ có được hình ảnh về cuộc đụng độ giữa tàu chiến Mỹ-Trung trên khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Ba bức ảnh mà gCratain chia sẻ cho thấy tàu chiến của Trung Quốc đã thực hiện những gì mà Washington gọi là hành vi “không an toàn” trong khi đối đầu với tàu chiến USS Decatur của Mỹ ở Biển Đông hôm Chủ nhật (30/9). Quân đội Mỹ cho biết hôm thứ Ba (2/10) rằng tàu Trung Quốc đã áp sát ở hướng ngược chiều đối với tàu Decatur ở khoảng cách chỉ chừng 40 mét, trong khi tàu chiến của Hoa Kỳ đang thực hiện quyền “tự do hàng hải” ở Biển Đông.
Đây là lần chạm trán ở khoảng cách gần nhất giữa hai tàu chiến của hai nước so với những lần “đối mặt” trước đây. Vào năm 2013, trên Biển Đông, tàu chiến của Trung Quốc cũng đã áp sát tàu chiến USS Cowpens của Hoa Kỳ ở khoảng cách dưới 500m. Sau đó USS Cowpens đã phải nhượng bộ để tránh va chạm. Các phương tiện truyền thông tại thời điểm đó dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ cho rằng hành động của tàu chiến Trung Quốc là bất thường và có chủ ý.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong một thông báo đăng trên website của mình hôm thứ Ba (2/10) viết rằng một trong những tàu hải quân của họ đã cảnh báo một tàu chiến của Mỹ, đồng thời nhắc lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trên Biển Đông và các khu vực biển lân cận”.
Chạm trán trên BĐ đã ‘đổ thêm dầu vào lửa’
trong quan hệ Mỹ-Trung
Việc chiến hạm Trung Quốc áp sát tàu Mỹ tuần tra ở Trường Sa có thể gây thêm căng thẳng giữa hai nước vốn đang có chiến tranh thương mại.
Hải quân Mỹ hôm qua công bố ảnh chụp cho thấy tàu khu trục Lan Châu lớp Type-052C của Trung Quốc áp sát ở khoảng cách nguy hiểm với USS Decatur khi chiến hạm Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Charles Brown, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cho biết tàu Lan Châu đã thực hiện các động tác cơ động ‘càng lúc càng hung hăng’ và áp sát tàu Mỹ một cách ‘nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp’ ở khoảng cách chỉ 41 m, buộc USS Decatur phải đổi hướng để tránh va chạm.
Đây là lần chạm trán thứ hai giữa chiến hạm hai nước trên Biển Đông trong năm nay. Tháng 5/2018, các chiến hạm Trung Quốc phát cảnh báo xua đuổi hai tàu chiến Mỹ đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hải quân Mỹ tàu Trung Quốc hành xử ‘an toàn nhưng thiếu chuyên nghiệp’ trong lần chạm mặt đó, nghĩa là chiến hạm Trung Quốc di chuyển một cách bất thường nhưng không tạo nguy cơ xảy ra va chạm như lần chạm trán ngày 30/9.
Các chuyên gia cho rằng hành động áp sát của tàu Lan Châu với tàu Decatur hôm 30/9 đã đi ngược các cam kết đã được Mỹ và Trung Quốc nhất trí trong Bộ quy tắc về Chạm mặt bất ngờ Trên biển (CUES) ký năm 2014, theo Bloomberg.
‘Khoảng cách 41m theo như báo cáo là rất thấp để đảm bảo an toàn. Tôi cho rằng đây là hành động có tính toán và được chỉ huy cấp cao phê chuẩn như một trong các động thái đáp trả Mỹ của Trung Quốc trong thời gian gần đây’, chuyên gia Collin Koh Swee Lean thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), nhận định.