Tin Biển Đông – 06/09/2018
TQ tức giận khi tàu chiến Anh vào sát Hoàng Sa
Trung Quốc phản ứng gay gắt khi Anh quốc hôm thứ Năm cử tàu chiến vào sát quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đã xây cất các cơ sở quân sự bất chấp sự phản đối từ các nước khác.
Hoa Kỳ và các đồng minh trong thời gian gần đây thường gửi phi cơ và tàu chiến tới khu vực để thực thi quyền “tự do đi lại”, và để gửi tín hiệu tới Trung Quốc về quyền của các nước khác theo luật quốc tế trong việc qua lại các vùng biển có tranh chấp.
VN nằm đâu trong chiến lược của Nga ở châu Á?
Nga mời TQ dự tập trận lớn nhất từ 1981
John McCain từng nói gì về Biển Đông?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu chiến HMS Albion của hải quân Anh đã đi vào khu vực hôm 31/8, tiến sát quần đảo Hoàng Sa, mà phía Trung Quốc gọi là Tây Sa.
Chiến hạm “đi vào vùng lãnh hải Tây Sa của Trung Quốc mà không được phép của chính phủ Trung Quốc,” hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao.
BBC được biết hai bên đã có ít nhất là một lần trao đổi qua lại trên sóng radio giữa hải quân hai bên.
Phía Trung Quốc cử một tàu khu trục và hai trực thăng ra chặn, Reuters tường thuật.
“Hải quân Trung Quốc đã xác định và nhận dạng chiếc tàu chiến theo đúng luật, và đã cảnh cáo yêu cầu tàu rời đi.”
Hải quân Hoàng gia Anh đáp trả bằng thông điệp “Tàu HMS Albion thực thi quyền tự do đi lại, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc coi giới hạn 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp là thuộc vùng biển của mình, khác với cách nhìn nhận quốc tế.
Chiến hạm HMS Albion, tàu đổ bộ 22 ngàn tấn với lực lượng thủy quân lục chiến trên khoang, khi đó đang trên đường từ Nhật Bản tới TP Hồ Chí Minh, nơi tàu tới neo đậu hôm thứ Hai 3/09.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi lời phản đối “bày tỏ thái độ rất không hài lòng,” AFP trích dẫn nội dung tuyên bố.
“Trung Quốc mạnh mẽ thúc giục Anh hãy chấm dứt những hành động khiêu khích ngay lập tức để khong làm tổn hại đến các mối quan hệ song phương, tới hòa bình và ổn định khu vực.”
Bay qua đảo nhân tạo ‘đáng sợ’ của TQ ở Biển Đông
Tàu Anh vào Biển Đông thực thi ‘quyền tự do đi lại’
Nhật điều ba tàu khu trục đến Biển Đông
Vụ việc xảy ra vào lúc quan hệ hai bên đang trong giai đoạn tế nhị, khi mà Anh đang muốn lấy lòng Trung Quốc để đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit, theo Reuters.
Bắc Kinh đã triển khai một loạt các vũ khí, trang thiết bị quân sự, trong đó có hỏa tiễn chống hạm, hỏa tiễn đất đối không và hệ thống máy phá sóng trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đã xây cất, bồi đắp các đảo nhân tạo để củng cố cho các cơ sở quân sự của mình tại đó, giới chức Mỹ nói.
Hồi tháng Năm, Trung Quốc đã cho máy bay ném bom hạng nặng đáp xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, một màn trình diễn sức mạnh quân sự nhằm củng cố thêm những tuyên bố về lãnh thổ trong khu vực.
Đảo Phú Lâm là nơi có căn cứ lớn nhất của Trung Quốc tại quần đảo mà cả Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Bắc Kinh đòi quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi có giàu tài nguyên và có tuyến hải hành thương mại tấp nập trị giá hàng nghìn tỷ đô la qua lại mỗi năm, nơi mà Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45422399
Tàu chiến Anh ‘khiêu khích’ Trung Quốc
trước khi tới Sài Gòn
Bắc Kinh hôm 6/9 đã tỏ ra giận dữ sau khi một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh tiến gần tới một quần đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong hành trình tới Việt Nam cuối tháng trước.
HMS Albion thực thi “quyền tự do hàng hải” gần quần đảo Hoàng Sa, hai nguồn thạo tin giấu tên nói với hãng Reuters.
Tàu tấn công đổ bộ này khi đó đang trong hành trình tới TP HCM, nơi nó cập cảng hôm 3/9 trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 4 ngày.
Trước đó, chiến hạm được triển khai tới Nhật, một quốc gia cũng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhưng tại biển Hoa Đông.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng Bắc Kinh đã triển khai một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức tàu Anh, nhưng cả hai đều giữ thái độ bình tĩnh.
Nguồn tin thứ hai nói rằng Albion muốn chứng tỏ rằng Anh “không công nhận các tuyên bố chủ quyền quá đà đối với quần đảo Hoàng Sa”.
Trong tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tàu Anh đã tiến vào lãnh hải của Trung Quốc quanh Hoàng Sa hôm 31/8 mà không được phép và hải quân Trung Quốc đã cảnh báo tàu này phải rời đi.
Bắc Kinh cáo buộc Albion “xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc” đồng thời “mạnh mẽ thúc giục phía Anh ngay lập tức chấm dứt các hành động khiêu khích nhằm gây tổn hại tới tổng thể quan hệ song phương cũng như ổn định và hòa bình của khu vực”.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh nói rằng HMS Albion “thực thi quyền tự do hàng hải và tuân thủ toàn diện các luật lệ và nguyên tắc quốc tế”.
Sự việc trên xảy ra trong bối cảnh nhạy cảm, khi Anh đang tìm cách thương thảo với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại tự do sau khi Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu.
Đại sứ quán Anh ở Hà Nội nói rằng chuyến thăm thiện chí kéo dài 4 ngày của tàu HMS Albion là “một trong những hoạt động cụ thể trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh”.
Tàu chiến này được cho là cũng “triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước”.
Trên Facebook hôm 3/9, tân Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward đề cập tới “vai trò tích cực về tự do hàng hải” của HMS Albion, nhưng không nói tới chuyện tàu chiến này tiến gần tới Hoàng Sa ở Biển Đông trên đường tới Sài Gòn.
Hoa Kỳ thời gian qua đã triển khai tàu chiến tới thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, và cũng đã vấp phải phản đối của Trung Quốc.
Tàu chiến Anh tới Việt Nam ít lâu sau khi có tin hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của nước này có thể được đưa tới Thái Bình Dương để “hỗ trợ tàu chiến Australia” trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.