Tin Biển Đông – 06/09/2017
Trung Quốc bác phản đối của Việt Nam
về tập trận trên Biển Đông
Hôm 6/9, Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc của Việt Nam về việc các cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vục đang có tranh chấp trên Biển Đông và nói rằng Bắc Kinh thực hiện các quyền chủ quyền của họ.
Trước đó, Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Việt Nam tuyên bố sẽ “kiên quyết bảo vệ quyền hợp pháp” của mình bằng đường lối ôn hòa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại một cuộc họp thường kỳ rằng Trung Quốc không làm gì sai.
Ông Sảng nói: “Chúng tôi hy vọng bên có liên quan nên xem xét các cuộc tập trận một cách bình tĩnh và hợp lý.”
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi mỗi năm có khoảng 3 nghìn tỷ đôla hàng hóa lưu thông. Các quốc gia khác như Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền.
Những căng thẳng giữa Trung Quốc và nước láng giềng Việt Nam đang ở mức cao nhất tính từ ba năm qua liên quan tới vùng biển đang tranh chấp.
Dưới sức ép từ Bắc Kinh, Việt Nam đã ngưng khoan dầu ở các vùng biển ngoài khơi Việt Nam, nơi mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.
Việt Nam hôm 5/9 mạnh mẽ lên án các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật của Trung Quốc ở khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, giữa lúc căng thẳng tiếp tục tăng giữa hai nước.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam viết: “Việt Nam một lần nữa khẳng định kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền hợp pháp trong Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Trung Quốc luôn bày tỏ quan ngại về những nỗ lực của Việt Nam, tìm cách vận động sự hậu thuẫn của các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông, và các mối quan hệ quốc phòng đang tăng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.
VN ‘mạnh mẽ phản đối’ TQ tập trận trên Biển Đông
Một ngày sau khi cuộc diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam kết thúc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có những lời chỉ trích ‘gay gắt’ về hành động này.
Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo nước này tiến hành cuộc diễn tập quân sự từ 29/8 đến 4/9/2017, báo Thanh Niên đưa tin hôm 1/9.
Hôm 5/9, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói hành động của Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa đến hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông.”
Bàn tròn cuối tuần: TQ tập trận ở Biển Đông
Biển Đông: VN phản đối việc TQ tập trận
VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông
Biển Đông: Làm rõ tin ‘VN phải dừng khoan’
Đây là lần thứ hai trong một tuần phía Việt Nam lên tiếng về hành động diễn tập quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, ngày 31/8, người phát ngôn cho biết “Việt Nam hết sức quan ngại”.
Nhưng lần này, một ngày sau khi cuộc diễn tập kết thúc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có một phản hồi với ngôn ngữ “gay gắt”, theo nhận định của AFP.
Bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu tiếp, “Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động này của Trung Quốc, nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không lặp lại các hành động tương tự, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông.
“Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”
Tờ Bloomberg cũng đưa ra nhận định hôm 6/9, khi cả thế giới đang mải dõi theo Bắc Hàn, Trung Quốc đang âm thầm thắt chặt lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.
Tháng trước, một nghị sĩ Philippines đã công bố những bức ảnh chụp cho thấy tàu đánh cá, tàu tuần tra và tàu hải quân của Trung Quốc xung quanh chuỗi đảo gần Trường Sa mà Philippines tuyên bố chủ quyền, ngăn chặn các kế hoạch sửa chữa đường băng.
Việt Nam vào tháng Bảy cũng phải ngừng việc khoan tại một khu vực cho công ty dầu Repsol S.A của Tây Ban Nha khai thác, với các thông tin cho rằng Hà Nội đã bị Trung Quốc gây áp lực.
Với sự cố này, Bloomberg cho rằng Trung Quốc đang tận dụng sự vắng bóng của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á dưới thời Tổng thống Donald Trump, vốn chỉ tập trung vào căng thẳng mậu dịch thương mại với Trung Quốc và các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn.
Việt Nam rất lo ngại trước sự rút lui của Hoa Kỳ trong khu vực.
Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội nói với Bloomberg rằng: “Chúng tôi đang theo dõi họ một cách lo lắng. Chúng tôi muốn thấy sự đóng góp tích cực của Hoa Kỳ đối với sự ổn định trong khu vực và an ninh quốc tế.”
Mới đây, tổ chức nghiên cứu Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) công bố trên trang web của họ các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang mở rộng các đảo nhân tạo.
Điều này trái ngược với lời Ngoại trưởng Trung Quốc nói bên lề Diễn đàn An ninh ASEAN rằng Bắc Kinh đã chấm dứt các hoạt động đó từ hai năm nay.
Trước đó, hồi tháng Bảy, Việt Nam đã ngưng khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực tại Trường Sa.
Một nguồn tin trong ngành dầu khí châu Á nói với BBC rằng Repsol, công ty của Tây Ban Nha đứng sau dự án khoan thăm dò, được lệnh phải rời khỏi khu vực.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi công ty này xác nhận có một mỏ khí đốt lớn.