Tin Biển Đông – 06/08/2020
Biển Đông: Bắc Kinh đơn phương phân loại lại các tuyến vận chuyển quốc tế – Hương Thảo
Bắc Kinh cố gắng biến vùng biển ngoài khơi đang tranh chấp thành “khu vực vịnh ven biển” của riêng mình.
Trung Quốc đã thay đổi cách phân loại một vùng biển quốc tế rộng lớn giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, cố gắng sử dụng luật pháp trong nước để biện hộ cho các yêu sách mờ ám của mình ở vùng biển tranh chấp, theo Taiwan News ngày 5/8.
Bằng cách sửa đổi một quy định vận chuyển nội địa, được soạn thảo lần đầu tiên vào năm 1974, Bắc Kinh đang cố gắng phân loại vùng biển này là một “khu vực vịnh ven biển”, thay vì là “vùng biển ngoài khơi”, theo SCMP. Việc phân loại lại bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/8 và thiết lập một khu vực điều hướng từ Đảo Hải Nam xuống tới quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, nằm ở phía đông của bờ biển Việt Nam, The Telegraph đưa tin.
“Động thái này nhằm hợp lý hóa mô hình tìm kiếm ‘quyền tài phán leo thang’ rộng lớn hơn của Trung Quốc, bằng cách sử dụng luật pháp trong nước để khẳng định yêu sách của nó và mở rộng quyền kiểm soát ở Biển Đông”, ông Nott Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore nói với The Telegraph.
Với những luật lệ và quy định trong nước được thực thi một cách lặng lẽ mà không phô trương, nó sẽ càng ít thu hút sự chú ý từ bên ngoài, do đó, theo thời gian, một kẻ lừa đảo được tạo ra – nói cách khác, để Bắc Kinh thay đổi sự thật trên mặt đất, ông nói. Theo Koh, rủi ro dài hạn là Trung Quốc có thể cố gắng biến khu vực hàng hải thành khu vực cảnh báo an ninh trong tương lai.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông đang tranh chấp là của riêng họ, một khu vực rộng khoảng 3,6 triệu km2, dựa trên bản đồ đường chín đoạn mơ hồ. Năm 2016, một tòa án tại Tòa án Trọng tài Thường trực đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển, tuy nhiên, Trung Quốc từ chối chấp nhận phán quyết, theo CNBC.
Trong khi thế giới tiếp tục đối phó với đại dịch virus Vũ Hán, Trung Quốc bị cáo buộc đã đẩy mạnh xâm lấn hàng hải ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh các hoạt động ở eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông, chọc tức Đài Loan và Nhật Bản.
Theo Taiwannew
Hương Thảo biên dịch
Mỹ và ASEAN kêu gọi xử lý
tranh chấp Biển Đông theo luật quốc tế
Mỹ và các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, mới lên tiếng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình và theo luật quốc tế.
Biển Đông là một trong các chủ đề được đưa ra thảo luận trong cuộc đối thoại giữa Mỹ và ASEAN lần thứ 33, với sự tham dự của Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông David R. Stilwell.
“Các nước tham gia [đối thoại] tái khẳng định sự cần thiết phải giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, theo luật quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016”, Bộ Ngoại giao Mỹ viết trong thông cáo ra ngày 5/8.
Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích chủ tịch Trung Quốc thất hứa về Biển Đông
Bộ này cũng cho biết rằng Hoa Kỳ cũng “tái khẳng định cam kết làm việc với ASEAN nhằm bảo đảm một khu vực dựa trên các luật lệ minh bạch và rõ ràng, cũng như nhằm củng cố cấu trúc khu vực đặt trọng tâm vào ASEAN”.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David R. Stilwell đối thoại với ASEAN ít lâu sau khi nhà ngoại giao này cảnh báo rằng Washington có thể áp đặt cấm vận và trừng phạt các quan chức hay doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến các hành động sử dụng vũ lực ở Biển Đông.
Ngoài Biển Đông, đôi bên cũng thảo luận về hợp tác giữa Mỹ và ASEAN về y tế, trong đó có khoản “hơn 87 triệu đôla hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp để phòng chống COVID-19 ở ASEAN”.
Nhân cuộc đối thoại, Hoa Kỳ cũng “khẳng định tầm quan trọng của mối Quan hệ đối tác Chiến lược Mỹ – ASEAN trong việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Biển Đông: Malaysia tuyên bố
không muốn rơi vào bẫy của cuộc đấu Mỹ-Trung
Trọng Nghĩa
Vài tiếng đồng hồ trước hai cuộc điện đàm, lần lượt với đồng nhiệm Trung Quốc và Hoa Kỳ, ngoại trưởng Malaysia vào hôm qua 05/08/2020 đã xác định rằng nước này sẽ không để bị “lôi cuốn” rồi “vướng vào bẫy rập” của cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường ở Biển Đông.
Trước Quốc Hội Malaysia, khi được hỏi về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và tác động trên vấn đề an ninh và chủ quyền của Malaysia, ngoại trưởng Hishammuddin Hussein cho biết là Kuala Lumpur chủ trương giải quyết tranh chấp một cách xây dựng, thông qua “các cuộc đàm phán ngoại giao phù hợp”.
Tuy nhiên, theo ông Hishammuddin, Malaysia phải chú ý đến hai vấn đề quan trọng.
Trước hết là cần phải tránh để cho Malaysia bị “kéo vào và mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các siêu cường”, ý muốn nói đến Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, ngoại trưởng Malaysia cho rằng cần ngăn chặn, không cho bất kỳ sự cố không mong muốn nào xảy ra trong lãnh hải của nước này, cũng như ngăn chặn mọi xung đột quân sự tại Biển Đông giữa các bên.
Kêu gọi ASEAN đoàn kết trên đối sách với Trung Quốc
Vấn đề thứ hai cần lưu ý là phải bảo đảm sự đoàn kết trong khối ASEAN khi giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, không nên dùng vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông để gây bất hòa giữa các nước trong khối.
Đối với ngoại trưởng Hishammuddin, Malaysia không chỉ có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông mà còn có những “yêu sách chồng lấn” với những nước ASEAN khác như Việt Nam, Philippines và Brunei. Do đó, theo ông, “để giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, phải bảo đảm sao cho sự đoàn kết của ASEAN được vững chắc và các nước trở thành một khối thống nhất”.
Ngoại trưởng Malaysia cho biết là ông sẽ nêu vấn đề này trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Trung Quốc vào tối 05/06, và với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày 06/08.
Biển Đông được nêu lên nhân Đối Thoại ASEAN – Mỹ lần thứ 33
Trong cuộc Đối Thoại ASEAN-Mỹ mở ra vào ngày 05/08 thông qua video, tình hình cẳng thẳng ở Biển Đông với các động thái của Trung Quốc đã được nêu lên.
Cuộc Đối Thoại diễn ra ở cấp thứ trưởng ngoại giao, dưới quyền đồng chủ tọa của trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell và thứ trưởng ngoại giao Lào Thongphane Savanphet, và có sự tham dự của thứ trưởng ngoại giao các thành viên khác của ASEAN.
Trong một thông cáo báo chí về cuộc họp, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là hai bên đều nhấn mạnh tính chất quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN trong việc bảo đảm an ninh cho một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Về Biển Đông, thông cáo ghi nhận là “Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết hợp tác với ASEAN trong việc đảm bảo an ninh cho khu vực dựa trên các luật lệ rõ ràng và minh bạch, và củng cố kiến trúc an ninh khu vực lấy ASEAN làm trung tâm”.
Thông cáo cũng nói rõ : “Các bên tham gia đối thoại khẳng định sự cần thiết phải giải quyết trong hòa bình cuộc tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016”.
Mỹ cũng “tái khẳng định ý định mở rộng quan hệ đối tác ở sông Mêkông để thúc đẩy chủ quyền, độc lập kinh tế và cách tiếp cận minh bạch dựa trên cơ sở luật pháp để giải quyết các thách thức xuyên biên giới”.