Tin Biển Đông – 06/04/2020
Tình hình Biển Đông những tháng đầu năm 2020
Tình hình Biển Đông trong quý I năm 2020 không có những “đợt sóng lớn” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng “sóng ngầm” thì vẫn âm ỉ.
Về nghĩa đen, do đây chưa phải là mùa mưa bão nên tàu thuyền và ngư dân không phải đối phó với những cơn bão bất thình lình đổ về Biển Đông. Về nghĩa bóng, tình hình Biển Đông mấy tháng qua không xảy ra những vụ việc xâm lấn nghiêm trọng như Bắc Kinh đã làm đối với Việt Nam trong năm 2019 (vụ việc tàu thăm dò địa chất Hải Dương 08) do họ phải tập trung chống dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19). Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục âm thầm gặm nhấm Biển Đông.
Theo một số nguồn tin, mặc dù Trung Quốc đã phải hoãn cuộc tập trận quy mô lớn hàng năm ở Nội Mông (hàng năm quân đội Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận chung quy mô lớn tại Chu Nhật, với sự tham dự của tất cả các lực lượng bao gồm bộ binh, không quân, tên lửa và hậu cần) do khủng hoảng dịch Covid-19 ở Vũ Hán nhưng vẫn không “bỏ quên” Biển Đông mà tiếp tục duy trì tuần tra và tiến hành một số hoạt động để củng cố sự hiện diện của họ ở Biển Đông.
Theo ông Chen Jingyuan, người đứng đầu đơn vị quân y của Cục Hỗ trợ Hậu cần của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã phải điều động hơn 10.000 y bác sĩ quân đội đến hỗ trợ dập dịch Covid-19 ở Vũ Hán cùng các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề khác ở tỉnh Hồ Bắc. Đồng thời, quân đội Trung Quốc triển khai nhiều máy bay vận tải các loại, bao gồm Y-20, từ nhiều quân khu khác nhau để hỗ trợ vận chuyển trong công tác dập dịch Covid-19. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phải huy động lực lượng quân đội tham gia xây dựng bệnh viện dã chiến để ứng phó với dịch và làm công tác tẩy trùng, dọn dẹp môi trường. Đây là nguyên nhân Bắc Kinh phải tạm hoãn cuộc tập trận quy mô lớn hàng năm ở Nội Mông.
Tuy nhiên, đối với Biển Đông, Trung Quốc tiếp cận theo cách khác. Không gây ra các vụ việc lớn, song họ tiếp tục cho các tàu cá, tàu dân binh vây ráp, uy hiếp xung quanh đảo Thị Tứ (hiện do Philippines chiếm đóng) và xây dựng các cơ sở nghiên cứu ở Trường Sa.
Trong bản tin hôm 20/3/2020, Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), bao gồm nhiều phòng thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học và môi trường.
Hai trạm nghiên cứu mới đi vào hoạt động có thể hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học tại “Nam Sa” tức Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, Trung Quốc xây dựng một trung tâm nghiên cứu trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa.
Các nhà quan sát hết sức bất bình trước việc trong lúc thế giới chạy đua kiểm soát đại dịch Covid-19, Trung Quốc tiếp tục có những hoạt động mới ở Biển Đông. Ông Collin Koh, một chuyên gia về an ninh biển hàng đầu khu vực thuộc Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho rằng việc Trung Quốc khánh thành hai trạm nghiên cứu mới vào lúc này là một diễn biến nghiêm trọng. Ông Koh nhận định: “Một số người có thể nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh không thể để mắt đến các điểm nóng trên biển này. Tuy nhiên, sự thật là tình hình hoàn toàn ngược lại. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được động viên để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu bất chấp virus corona”.
Sự nguy hiểm trong việc làm của Bắc Kinh là họ sử dụng cái mà họ gọi là sáng kiến “khoa học phục vụ dân sinh” để khẳng định yêu sách. Đây là cách Bắc Kinh thường làm để mọi người không để ý. Tuy nhiên, những hệ quả mang tính chiến lược sinh ra từ đó rất quan trọng, giúp Bắc Kinh củng cố thêm chỗ đứng của họ ở Biển Đông.
Một báo cáo của hải quân PLA hôm 20/3/2020 cho biết, máy bay quân sự Trung Quốc gần đây tiến hành tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông. Cuộc tập trận có sự tham gia của hai máy bay được tiến hành vào đầu tháng 3, không lâu trước khi các đơn vị hải quân Mỹ tham gia khóa huấn luyện tấn công viễn chinh ở Biển Đông. Quân đội Trung Quốc rất muốn phát huy khả năng chống tàu ngầm và virus corona không thể ngăn cản được các hoạt động này của họ ở Biển Đông.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp do Trung Quốc gia tăng các hoạt động xâm lấn trong vùng biển các nước láng giềng và tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi “cuộc chơi” ở Biển Đông thì Mỹ có thái độ mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông cả trên lời nói lẫn hành động.
Năm 2019 có thể được coi là năm đánh dấu mốc chuyển hướng mạnh trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Mỹ thẳng thắn lên án Trung Quốc cưỡng ép, bắt nạt các nước ở Biển Đông; tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông cả về tần suất, quy mô lẫn phạm vi; điều thêm tàu tác chiến ven bờ của lực lượng tuần duyên Mỹ tới Biển Đông để tham gia các hoạt động FONOP; tăng cường diễn tập quân sự ở Biển Đông; phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trên vấn đề Biển Đông.
Năm 2020, Mỹ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong 3 tháng đầu năm, Mỹ đã tiến hành 2 cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông ở cả khu vực quần đảo Trường Sa lẫn Hoàng Sa.
Cuối tháng 01/2020, lần đầu tiên Mỹ cho một tàu chiến đấu ven bờ thuộc lực lượng tuần duyên Mỹ – tàu USS Montgomery tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải xung quanh cấu trúc Chữ Thập và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
Đầu tháng 3/2020, Mỹ tiếp tục cho khu trục hạm USS McCampbell tiến hành FONOP ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Mỹ không thông báo cho Bắc Kinh về việc này mà chỉ lên tiếng xác nhận việc FONOP của hải quân Mỹ sau khi Người Phát ngôn Chiến khu miền Nam của Trung Quốc lên tiếng về hoạt động của tàu USS McCampbell. Việc Mỹ không cần thông báo trước cho Bắc Kinh về việc này chính là thông điệp của Washington nhằm khẳng định đó là khu vực thuộc vùng biển quốc tế, nên việc di chuyển không cần thiết phải thông báo. Điều đó nhằm tạo ra một thông lệ cho tự do hàng hải ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời cũng là để thực thi Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye.
Trong phát biểu xác nhận hoạt động FONOP của tàu USS McCampbell, bà Reann Mommsen, Người Phát ngôn Hạm đội 7 còn nhấn mạnh: “Những tuyên bố [của Trung Quốc] mang tính bao quát và phi pháp ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa chưa có tiền lệ đối với tự do lưu thông ở vùng biển này. Bằng cách thực hiện hoạt động này, Mỹ cho thấy những vùng biển này vượt ra ngoài khu vực mà Trung Quốc có thể tuyên bố hợp pháp là lãnh hải của họ và rằng những đường cơ sở thẳng Trung Quốc tuyên bố xung quanh Hoàng Sa là không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Cùng với các hoạt động FONOP, trong tháng 3 hải quân Mỹ còn có nhiều hoạt động khác ở Biển Đông như chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt từ ngày 5 – 9/3/2020. Trước đó nhóm tàu sân bay này cùng một đơn vị đổ bộ đã thực hiện cuộc huấn luyện ở Biển Đông.
USS Theodore Roosevelt là một trong những hàng không mẫu hạm Mỹ được bảo vệ chặt chẽ nhất trong lịch sử hải quân Mỹ đã rời cảng San Diego (bang California, Mỹ) từ ngày 17/1/2020 để thực hiện sứ mệnh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Phát biểu tại lễ xuất hành của nhóm tác chiến USS Theodore Roosevelt, quan chức căn cứ không – hải quân North Island nhấn mạnh: “Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt sẽ bảo vệ an ninh hàng hải, duy trì sự di chuyển tự do trên biển theo luật quốc tế, và phối hợp với các đối tác đồng minh để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của khu vực”.
Đúng là “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, những hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong 3 tháng đầu năm 2020 là để đáp trả việc Trung Quốc tranh thủ lúc cả thế giới phải đối phó với Covid-19, âm thầm tiến hành các hoạt động bất hợp pháp ở Biển Đông.
Các chuyên gia về Biển Đông đều cho rằng sự hiện diện thường xuyên của hải quân Mỹ ở Biển Đông là nhân tố hết sức quan trọng để thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc; ngăn chặn Trung Quốc thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển; duy trì hòa bình ổn định và tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông; bảo vệ luật pháp quốc tế.
Lịch sử cho thấy nhà cầm quyền Bắc Kinh thường lợi dụng lúc các nước gặp khó khăn để tiến hành các hành động xâm lược thực hiện tham vọng của họ ở Biển Đông. Năm 1974, lợi dụng lúc Hà Nội đang phải tập trung cho cuộc chiến ở Miền Nam và chính quyền Sài Gòn gặp khó khăn vì Mỹ rút khỏi Việt Nam, những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa đang do chính quyền Sài Gòn quản lý; năm 1988, lợi dụng lúc Việt Nam khó khăn do khủng hoảng kinh tế và sự giúp đỡ của Liên Xô khi đó giảm, Bắc Kinh đã dùng vũ lực để đánh chiếm 6 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa.
Hiện cả thế giới đang phải đối phó với dịch Covid-19, Mỹ cũng bận tập trung chống dịch nên không loại trừ Bắc Kinh sẽ có những hành động gây hấn mới ở Biển Đông, nhất là hiện Hà Nội cũng đang phải tập trung mọi nỗ lực để chống dịch Covid-19. Các nước ven Biển Đông cần hết sức cảnh giác.
http://biendong.net/bien-dong/33945-tinh-hinh-bien-dong-nhung-thang-dau-nam-2020.html
Việt Nam trao công hàm
phản đối TQ vụ đâm chìm tàu cá ở Hoàng Sa
Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải
cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết như vậy trong thông cáo đưa ra ngày 3/4 để trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 08 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Bà Hẳng tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, đến ngày 3/4, tám ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 90617 TS đã được tiếp nhận an toàn.
Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại
về vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm ở Biển Đông
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng tư ra tuyên bố báo chí bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tin phía Trung Quốc cho đâm chìm một tàu cá Việt Nam tại một khu vực gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Tuyên bố báo chí dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Morgan Ortagus nói rõ vụ việc là hành động mới nhất của Trung Quốc trong loạt lâu dài những hành động của Bắc Kinh nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và gây tổn hại cho các nước láng giềng tại Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Hoa Hoa Kỳ nhắc lại kể từ khi bùng phát đợt dịch COVID-19, Bắc Kinh cho công bố ‘những trạm nghiên cứu’ tại các căn cứ quân sự trên hai đá Chữ Thập và Subi ở quần đảo Trường Sa; cũng như cho máy bay quân sự đặc biệt đáp xuống đá Chữ Thập. Trung Quốc tiếp tục bố trí dân quân biển đến quanh quần đảo Trường Sa.
Tòa Thường Trực Trọng tài Liên Hiệp Quốc tại La Haye vào tháng 7 năm 2016 đã ra phán quyết chiếu theo Công ước Luật Biển năm 1982 về tính phi pháp của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra để tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc tiếp tục tập trung hỗ trợ cho nỗ lực của quốc tế chống đại dịch toàn cầu; và chấm dứt khai thác sự mất tập trung cũng như tính tổn thương của những quốc gia khác nhằm mở rộng tuyên bố chủ quyền phi pháp tại khu vực Biển Đông.
Theo tường thuật của chính những ngư dân bị nạn với cơ quan chức năng Việt Nam: vào lúc khoảng 3 giờ sáng ngày 2 tháng tư, Tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 cố tình đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS tại khu vực biển gần đảo Phú Lâm. Tàu này do ông Trần Hồng Thọ, 33 tuổi ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm chủ tàu.
Ba tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi khi hay tin đã đến để cứu nạn. Ba tàu cá này gồm chiếc QNg 90045 do ông Đặng Tằm làm chủ, chiếc QNg 90399 do ông Đặng Dũng làm chủ; và chiếc QNg 90929 do ngư dân Nguyễn Thành Linh làm chủ.
Tuy nhiên đến khoảng 6 giờ sáng ngày 2 tháng 4, phía Trung Quốc cho điều thêm 2 tàu hải cảnh 4001 và 4002 đến để vây bắt tàu của hai ngư dân Đặng Dũng và Nguyễn Thành Linh đưa vào đảo Phú Lâm. Tại đó hai tàu này bị lục soát; trang thiết bị trên tàu bị đập phá, tịch thu.
Trong khi đó tàu cá của ngư dân Đặng Tằm bị tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng truy đuổi làm hư hỏng nhiều tài sản trên tàu và tàu này buộc phải quay về bờ.
Đến chiều cùng ngày phía Trung Quốc trao 8 ngư dân trên tàu bị đâm chìm cho hai tàu cá của ông Đặng Dũng và Nguyễn Thành Linh; mỗi tàu 4 người rồi đuổi đi, buộc phải rời khu vực Hoàng Sa.