Tin Biển Đông – 06/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 06/04/2018

Tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông

đúng lúc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật

Trọng Nghĩa

Vào đúng thời điểm Trung Quốc mở cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, với sự tham gia của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, một hải đội tác chiến tàu sân bay Mỹ đã tiến vào bên trong đường lưỡi bò ngày 05/04/2018. Cùng lúc, hai hải đội tàu sân bay khác của Mỹ cũng đang hoạt động trong các vùng biển gần Biển Đông.

Hãng tin Mỹ UPI đã trích dẫn tờ Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily) của Hồng Kông cho biết, chiếc Theodore Roosevelt cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill và khu trục hạm USS Sampson – cả hai đều được trang bị tên lửa hành trình – thuộc hải đội tác chiến tàu sân bay số 9 đã kết thúc chuyến thăm Singapore và hướng ra Biển Đông.

Nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông đúng vào lúc tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh cùng một lực lượng hải quân hùng hậu đang hiện diện trong khu vực, để tiến hành tập trận bắn đạn thật.

Theo UPI, giới chức tỉnh Hải Nam, phụ trách vùng Biển Đông, đã ra lệnh cấm tàu thuyền không phận sự tiến vào một vùng biển gần hòn đảo này do các hoạt động quân sự từ ngày 05/04 đến ngày 11/04.

Vào cuối tháng Ba, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một lực lượng chiến hạm Trung Quốc đông đảo gồm khoảng 40 chiếc gần đảo Hải Nam, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang) xác nhận một cuộc tập trận hải quân lớn trên Biển Đông.

Nhật báo New Zealand Herald ngày hôm nay còn ghi nhận thêm rằng hai hải đội tác chiến tàu sân bay khác của Mỹ cũng có mặt gần Biển Đông. Theo nguồn tin trên, nhóm tác chiến của chiếc USS Roosevelt rất có thể sẽ tiến hành diễn tập cùng với các hải đội của tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hạm Đội 7 và USS Carl Vinson của Hạm Đội 3 cũng đang ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trích nhận định của một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh về sự hiện diện đông đảo của Hải Quân Mỹ trong khu vực, cho rằng điều đó phản ánh việc « Washington xem Bắc Kinh là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm không chỉ trên mặt trận kinh tế mà cả quân sự ».

Bộ Ngoại Giao Mỹ từng tuyên bố vấn đề Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180406-tau-san-bay-my-bien-dong-trung-quoc-tap-tran-qs

 

Bang Giao Việt-Trung Ngoài Vịnh Bắc Bộ

Phạm Trần

Tình trạng bằng mặt mà không bằng lòng giữa Việt Nam và Trung Hoa ở Biển Đông đã nổi lên trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 4/2018 của Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Nhưng cũng đáng chú ý là khi lãnh đạo Việt Nam  tiếp họ Vương thì  họ lại không có cùng một tiếng nói. Người đứng đầu đảng,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tỏ ra thân thiện với Trung Hoa  hơn các ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi hai bên đề cập đến “khúc xương trên biển” giữa hai quốc gia.

NƯỚC VỚI LỬA

Vương Nghị đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng lần thứ 6 (The Greater Mekong Subregion (GMS-6) gồm Việt Nam, Cambodia, China, Laos, Myanmar and Thailand.

Khi tiếp Vương Nghị ngày 2/4 (2018), theo bản tin tiếng Việt của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa (CRI, China Radio International), ông Trọng cho biết: “Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng hữu nghị, đều là nước xã hội chủ nghĩa, hai nước không có lý do nào không đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.”

Ông Trọng còn mong muốn: “Hai bên nên giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển qua hiệp thương hữu nghị dựa trên tinh thần “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Là biện pháp chuyển tiếp, hai bên có thể thảo luận triển khai khai thác, phát triển chung, cùng bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển.”

Tuy nhiên, không rõ là liệu ý kiến “khai thác, phát triển chung” trên biển giữa hai nước của ông Trọng có được Bộ Chính trị của đảng chấp thuận chưa, hay đó là ý kiến của riêng ông?
Bởi vì bản tin của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã không nói gì đến ý kiến mới mẻ này.
TTXVN chỉ viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tuân thủ những nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và những thỏa thuận đã đạt được, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông.” (TTXVN, 02/04/2018)

Đáp lời, vẫn theo CRI, Vương Nghị nói với ông Trọng: “Trung Quốc nguyện cùng nỗ lực với Việt Nam, quản lý và kiểm soát thỏa đáng bất đồng, tìm tòi cùng khai thác, phát triển, không ngừng cải thiện và tăng cường nền tảng lòng dân cho quan hệ hai nước, đảm bảo quan hệ Trung-Việt trước sau như một luôn duy trì định hướng đúng đắn.”

Nếu bản tin của CRI phản ảnh đúng đề nghị của ông Trọng muốn hai nước “thảo luận triển khai khai thác, phát triển chung”  trên biển, và coi đây “là biện pháp chuyển tiếp”, trong khi hai nước còn tiếp tục đàm phán cho một giải pháp bền vững thì ông Trọng đã nhượng bộ đòi hỏi “hãy gác tranh chấp để cùng khai thác” của Trung Hoa do Đặng Tiểu Bình đưa ra từ năm 1979?

PHẠM BÌNH MINH ĐẾN TRẦN ĐẠI QUANG

Trái với thái độ và ngôn ngữ thiếu cương quyết của ông Trọng, các ông Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đưa ra quan điểm minh bạch và trực tiếp hơn về chủ quyền biển đảo khi tiếp Vương Nghị.

Tin của VTCNews ngày 01/04/2018 viết: “Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ lo ngại về các nhân tố tiềm ẩn làm gia tăng căng thẳng, bất ổn trên biển, nêu rõ những quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam cần được tôn trọng theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Phó Thủ tướng đề nghị hai bên nghiêm túc thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thúc đẩy để có tiến triển mới trong công việc của đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ và của 03 nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), tích cực cùng các nước ASEAN trao đổi các nội dung cụ thể, thực chất của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Tuy VTCNews không nói rõ, nhưng ai cũng biết “các nhân tố tiềm ẩn làm gia tăng căng thẳng, bất ổn trên biển”  mà ông Phạm Bình Minh đã nói thẳng với Vương Nghị là những vụ Tầu và Lính Trung Hoa đâm tầu, dùng súng tấn công, đánh đập và cướp tài sản của ngư dân Việt Nam đánh bắt ở các vùng biển Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Đối với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”  mà các ông Minh, Phúc và Quang đã lưu ý Vượng Nghị là họ nói tới gồm 6 Điểm cam kết giữa hai nước Việt-Trung năm 2011, được ký tại Bắc Kinh ngày 11/10/2011, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Khóa đảng XI thay Nông Đức Mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào đã cùng chứng kiến lễ ký kết giữa hai phái đoàn Chính phủ.

Nguyên văn 6 Cam kết :

1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.

3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).

Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.

4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.

5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.

6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển./.

(Theo TTXVN)

PHÁN QUYẾT HÌNH LƯỠI BÒ

Đọc kỹ 6 Điểm cam kết và so với những yêu sách phi lý và không có chứng tích lịch sử thì ai cũng thấy đòi hỏi chủ quyền trên 85% diện tích của trên 3 triệu cây số vuông Biển Đông của Trung Hoa là vô lý và bất hợp pháp. Bắc Kinh tự vẽ vùng biễn đảo bao la này nằm trong vùng “Lưỡi Bò” là của Tổ tiên họ.

Đó là lý do tại sao Tòa án Trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc “Permanent Court of Arbitration, PCA) đã phán rằng Trung Quốc” không có cơ sở pháp lý để yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.”

Trong thông cáo phổ biến ngày 12/07/2016, Tòa cũng nói: “Dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây.”

Về việc Trung Quốc tự cho các mỏm đá ở Trường Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam (7 vị trí năm 1988) hay của Phi Luật Tân ở vùng Hòang Nham (Scarborough Reef năm 2012 ), có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (1 hải lý dài 1,852 mét), Tòa phán: “Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Phán quyết viết tiếp: “Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét các bằng chứng về các bãi và đảo mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông và kết luận rằng không một đảo, bãi nào có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế. Do Trung Quốc không có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở quần đảo Trường Sa, Tòa quyết định là các đệ trình của Philippines không phụ thuộc vào việc phân định trước ranh giới.…”

Sự khẳng định “không một đảo, bãi nào có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế” rất quan trọng vì có liên hệ đến đảo Ba Bình (Itu Aba Island), hay Thái Bình theo Trung Hoa do Đài Loan kiểm soát từ sau Đệ nhị Thế chiến. Ba Bình có diện tích lớn nhất trong quần đảo Trường Sa (0.443 cây số vuông) hiện đang  tranh chấp giữa Việt Nam, Phi Luật Tân, Trung Quốc và Đài Loan.

Toàn án Liên Hiệp Quốc đã phán quyết như thế sau khi Phi Luật Tân kiện Trung Hoa để phủ nhận chủ quyền của Bắc Kinh về biển đảo trong hình 9 đoạn, hay còn gọi là Lưỡi Bò vì hình vẽ giống lưỡi con bò.

Ấy thế mà Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), Phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương

Trung Quốc vẫn  ngang nhiên nói với các Lãnh đạo CSVN tại Hà Nội hồi tháng 6/2017 rằng “các đảo trên biển Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa.”

Mặc dù không được ai nhìn nhận chủ quyền đơn phương của mình ở Biển Đông nhưng Trung Hoa vẫn ngang nhiên  tân tạo thành đảo và quân sự hóa 7 vị trí chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa. Đó là các Đá Châu Viên. Đá Chữ Thập, Cụm Đá Ga Ven, Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi.

Phía Việt Nam kiểm soát 21 Vị trí gồm 7 đảo san hô/cồn cùng 14 rạn san hô; Phi Luật Tân chiếm 10 gồm 7 đảo san hô/cồn cùng 3 rạn san hô; Mã Lai Á chiếm 6 và Đài Loam chiếm 1 (đảo Ba Bình, lớn nhất trong Quần đảo Trường Sa).

Trong hai cuộc tiếp xúc với ông Phúc và ông Quang,  Vương Nghị đã hứa: “Trung Quốc sẽ nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc; mong hai bên kiểm soát và không làm phức tạp tình hình, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.”

Nhưng chính Trung Hoa mới là nước đã và đang làm phức tạp tình hình Biển Đông bằng các hoạt động quân sự, lấn chiếm và cấm ngư dân các nước lân bang đánh bắt ngư sản từ tháng 5 đến giữa tháng 8/2018.

Ngư dân Việt Nam là nạn nhân thiệt hại nhiều nhất do lệnh cấm đánh bắt của Bắc Kinh và Việt Nam tiếp tục bị Trung Hoa chèn ép phân định vùng biển “bên ngoài Vịnh Bắc Bộ” và đòi hợp tác cùng phát triển.

Đòi hỏi muốn xía phần trong vùng biển “bên ngoài Vịnh Bắc Bộ” vừa có ý nghĩa Quân sự và Kinh tế vì Trung Quốc và Việt Nam đều nói đầy là vùng “chồng lấn lên nhau” giữa Trung Hoa và Việt Nam nên phải phân chia lại, sau khi hai nước ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000.

Theo Hiệp  đình này thì: “Việt Nam và Trung Quốc xác định phạm vi phân định và xác định đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ đi qua 21 điểm có tọa độ địa lý xác định, nối các đoạn thẳng với nhau. Việt Nam được 53,23% diện tích vịnh, Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh.”

Sau khi Hiệp định này được thi hành thì Trung Hoa lại đòi thương thuyết để giải quyết vùng biển gọi là “chồng lấn ngoài Vịnh Bắc Bộ.”

Theo tài liệu phổ biến trên Internet thì tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói rằng: “Vấn đề là phải căn cứ hoàn toàn vào Công ước. Chứ còn nếu người ta không căn cứ vào đó mà căn cứ vào những lập trường, vị trí không đúng thì rõ ràng rất khó để đi đến thống nhất”.

Ông Trục khuyến cáo Việt Nam hãy dựa vào “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982” để đàm phán với Trung Quốc.

Ông nói: “Hai bên đều nói là ‘vùng chồng lấn’, nhưng vấn đề là quan điểm về vùng chồng lấn hiện nay là như thế nào thì mới xác định được phạm vi, hoạch định vùng chồng lấn. Vấn đề đó là dựa trên cơ sở nào để xác định vùng chồng lấn. Khi xác định được vùng chồng lấn rồi thì hai bên tiến hành đàm phán để làm sao có được thỏa thuận đi đến một giải pháp công bằng”.

Thái độ lấn tới của Trung Hoa đã được chứng minh qua vụ Trung Hoa tự ý đem Giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014 để tìm dầu khí. Vị trí đặt giàn khoan, bên ngoài Vịnh Bắc Bộ, chỉ cách  đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông (mỗi Hải lý dài 1,852 mét) đã gây ra cuộc khủng hoảng dài 75 ngày giữa Việt Nam và Trung Hoa.

Chính vì thái độ  muốn “ăn tham” mà Trung Hoa đã tìm mọi cách và lợi dụng mọi cơ hội làm áp lực Việt Nam phải thương thuyết để hợp tác cùng khai thác vùng biển ngoài Vịnh Bắc Bộ.
Nay, qua lời nói hai nước Việt-Trung nên cư xử với nhau trong tình “vừa là đồng chí vừa là anh em”  thì khả năng “hai bên có thể thảo luận triển khai khai thác, phát triển chung”  trên biển của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chẳng bao lâu nữa sẽ thành sự thật. -/-

Phạm Trần

(04/018)

https://vietbao.com/a279484/bang-giao-viet-trung-ngoai-vinh-bac-bo