Tin Biển Đông – 06/01/2017
Tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc sẽ gườm nhau trên Biển Đông ?
Vào lúc chiếc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc lần đầu tiên vượt chuỗi đảo thứ nhất, ra Tây Thái Bình Dương rồi đổi hướng đi vào tập trận trong Biển Đông, không có một hàng không mẫu hạm Mỹ nào hoạt động trên biển. Thế nhưng tình trạng này không kéo dài vì vào hôm nay, 06/01/2017 chiếc tàu Mỹ USS Carl Vinson đang trên đường đến công tác tại vùng Tây Thái Bình Dương. Giới phân tích đã nghĩ đến một kịch bản nhìn chung khó có thể xẩy ra, nhưng biết đâu chừng. Đó là tàu sân bay Trung Quốc sẽ chạm trán hàng không mẫu hạm Mỹ đang có mặt trong khu vực.
Trong một thông cáo công bố hôm 03/01/2017, Hải Quân Mỹ cho biết hải đội tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson bao gồm một tuần dương hạm và hai khu trục hạm đều được trang bị tên lửa dẫn đường, đã hộ tống chiếc mẫu hạm rời căn cứ ở San Diego, bang California, trực chỉ Tây Thái Bình Dương.
Theo Hải Quân Mỹ, hải đội tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson, với tổng cộng khoảng 7.500 người, sẽ tập trung vào các chiến dịch bảo đảm an ninh hàng hải cũng như hợp tác an ninh trên hiện trường khu vực. Thông cáo nói rõ là cụm tàu này sẽ tiến hành nhưng cuộc tập trận song phương trong khu vực rộng lớn Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có những bài tập chống tàu ngầm, triển khai đội hình, sử dụng vũ khí, cũng như chặn xét các tàu khác…
Hải Quân Mỹ không cho biết là hải đội tàu sân bay Carl Vinson có vào Biển Đông hay không, nhưng báo chí Đài Loan cho rằng mẫu hạm Mỹ và tàu sân bay Trung Quốc của Mỹ hoàn toàn có thể cùng tuần tra ở Biển Đông trong những ngày tới đây.
Ngay cả trong trường hợp chiếc Carl Vinson không vào Biển Đông, mà chỉ quanh quẩn ngoài Tây Thái Bình Dương, thì tàu Liêu Ninh của Trung Quốc cũng có thể chạm trán tàu Mỹ trên đường về căn cứ ở Thanh Đảo, nếu chọn tuyến đường giống như khi đi, tức là băng ngang eo biển Ba Sĩ, ra Tây Thái Bình Dương rồi lại rẽ ngang eo biển Miyako để trở lại biển Nhật Bản và lên Thanh Đảo.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng, đặc biệt là sau vụ Hải Quân Trung Quốc bị Hoa Kỳ tố cáo là cố tình đánh cắp một chiếc tàu lặn Mỹ, giữ lấy trong một vài ngày rồi sau đó trả lại, một cuộc đối đầu giữa hai chiếc tàu sân bay được cho là sẽ đậm nét khiêu khích mà cả hai bên bình thường ra đều tìm cách né tránh.
Dẫu sao thì giới diều hâu Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa trước, là Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đòn nếu Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông.
Phản ứng trước thông tin Mỹ phái hàng không mẫu hạm nguyên tử Carl Vinson trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một lãnh đạo thuộc Học Viện Khoa Học Quân Sự của Quân Đội Trung Quốc đã tố cáo việc Mỹ triển khai chiếc Carl Vinson là nhằm mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông.
Trên báo Anh Ngữ China Daily, nhân vật này nêu bật : « Nên chờ xem là chiếc USS Carl Vinson sẽ ở Biển Đông trong bao lâu. Họ chỉ quá cảnh hay sẽ ở lâu, hay tiến hành tập trận. Và cũng chờ xem là chiếc tàu đó ở cách các đảo của Trung Quốc bao xa ? »
Một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Hải Quân Trung Quốc thì gắn liền việc chiếc Carl Vinson đến công tác ở vùng Tây Thái Bình Dương, với thông tin báo chí theo đó Mỹ có ý định đặt các giàn đại pháo chống hạm trong vùng Biển Đông, để đe dọa là Bắc Kinh « chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó » nếu lực lượng Mỹ đe dọa các lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170106-tau-san-bay-my-trung-quoc-bien-dong-pt
Thượng đỉnh Asean ‘không bàn về Biển Đông ‘?
Tin từ Philippines cho hay cuộc họp thượng đỉnh khối Asean vào tháng Tư tổ chức tại Manila “sẽ không đề cập phán quyết về Biển Đông”.
Philippines là nước chủ tịch luân phiên khối các nước Đông Nam Á năm 2017.
Thứ trưởng Ngoại giao Enrique Manalo nói với các nhà báo hôm 5/1 rằng “phán quyết của Tòa The Hague sẽ không nằm trong nghị trình [cuộc họp thượng đỉnh]” vào tháng Tư.
Tuy nhiên ông này giải thích rằng điều này sở dĩ là do phán quyết này “đã là một phần trong luật quốc tế”.
“Phán quyết đã ở đó rồi nên không cần thảo luận gì nữa.”
Phán quyết ra hôm 12/7 của Tòa Trọng tài Quốc tế PCA đã bác bỏ toàn bộ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngay lập tức Trung Quốc lên tiếng tuyên bố sẽ không thừa nhận phán quyết của tòa.
Phát biểu mới nhất của quan chức ngoại giao Philippines dẫn đến quan ngại rằng cũng giống như lần trước tại Campuchia năm 2012, tuyên bố chung của hội nghị Asean đã bị nước chủ nhà can thiệp loại bỏ phần nói về tranh chấp Biển Đông.
Lúc đó giới chuyên gia cho rằng chính sách “bẻ từng chiếc đũa” trong bó đũa Asean của Trung Quốc đã bắt đầu có kết quả.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tháng trước khẳng định không muốn đối đầu với Trung Quốc và không thấy có nhu cầu cần hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết PCA.
‘Sẽ không nhắc nữa’
Học giả Hoàng Việt, nhà nghiên cứu luật quốc tế ở TP HCM, nhận định với BBC: “Từ nay trở đi, nếu không có sự kiện gì đặc biệt, Philippines sẽ không nhắc tới phán quyết nữa”.
Ông Việt nói chính phủ Philippines hiện nay khá thực dụng, và dường như “mục đích của họ đã đạt được nên họ không đưa chủ đề này ra nữa”.
Vị học giả , người từng có một thời gian khá dài ở Philippines, cho rằng “thực ra Philippines rất khôn ngoan”.
“Họ dùng phán quyết để làm một phương tiện mặc cả với Trung Quốc. Sau phán quyết, Trung Quốc cũng muốn xuống thang với Philippines và Tổng thống Philippines đã chìa tay ra với Trung Quốc”.
Ông nói Bắc Kinh và Manila đã đạt được giải pháp win-win, hai bên cùng có lợi.
“Trung Quốc đã chấp thuận để ngư dân Philippines trở lại vùng đánh cá ở Scarborough và tăng đầu tư kinh tế vào Philippines. Philippines cũng hưởng lợi ích chiến lược nữa, khi ảnh hưởng của Mỹ vào khu vực này đã giảm sút.”
Quyết định của Philippines có thể đặt những nước tham gia tranh chấp Biển Đông khác như Việt Nam vào một sự đã rồi.
Nhiều người hoài nghi rằng Việt Nam sẽ theo đuổi việc mang chủ đề tranh chấp Biển Đông ra thượng đỉnh Asean tháng Tư tới.
Với vị thế bị cho là “bơ vơ”, điều duy nhất Hà Nội có thể làm là kêu gọi hợp tác trong khối.
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Manalo cũng nói các nước thành viên Asean cần nỗ lực để đạt bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông vốn đã đàm phán lâu dài nhưng chưa có kết quả.
Ông Manalo nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một kịch bản thuận lợi trong năm chúng tôi lam̀ chủ tịch Asean”.
“Chúng tôi sẽ nói chuyện với Trung Quốc để đưa ra các quyền lợi của chúng tôi và trông đợi Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy.”