Tin Biển Đông – 05/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 05/11/2018

Anh công bố tài liệu vụ tàu Trung Quốc

đe dọa tàu Mỹ ở Biển Đông

Trọng Nghĩa

Vụ tàu Trung Quốc cản đường chiến hạm Mỹ tuần tra ở Biển Đông cuối tháng 9 vừa qua nghiêm trọng hơn những gì được biết cho đến nay. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post số ra hôm qua, 04/11/2018, tài liệu nội bộ về sự cố mà bộ Quốc Phòng Anh đã cung cấp cho tờ báo, cho thấy là ngoài việc áp sát nguy hiểm tàu Mỹ, khu trục hạm Trung Quốc còn lớn tiếng đe dọa đối phương.

Theo tờ South China Morning Post, tài liệu của bộ Quốc Phòng Anh chứa đựng nhiều chi tiết mới và video chưa từng được công khai về sự cố hôm 30/09 tại vùng biển bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Ga Ven do Trung Quốc kiểm soát tại Trường Sa (Biển Đông). Khi đó, khu trục hạm Trung Quốc Lan Châu xông tới áp sát và cắt mặt khu trục hạm Mỹ USS Decatur trong lúc tàu Mỹ tiến hành tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Một chi tiết chưa hề được công bố là sự kiện trước khi lao về phía tàu Mỹ, khu trục hạm Trung Quốc đã phát đi một lời cảnh cáo: « Quý vị đang theo một lộ trình nguy hiểm. Nếu không đổi hướng, quý vị sẽ phải gánh chịu hậu quả ». Tàu Mỹ chỉ đáp lại đơn giản : « Chúng tôi đang đi qua vô hại ».

Trả lời báo Hồng Kông, chuyên gia Bill Hayton, thuộc Chương Trình Châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Chatham, Anh Quốc đã ghi nhận tính chất hung hăng hẳn lên của tàu Trung Quốc : « Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đe dọa trực tiếp chiến chiến Mỹ bằng những lời lẽ như vậy. Trước đây, họ chỉ nói đại loại như quý vị đang đi vào vùng biển của Trung Quốc, hãy tránh xa. Lời cảnh báo thêm về hậu quả đã làm tăng mức độ đe dọa ».

Trong đoạn video quay lại sự cố do bộ Quốc Phòng Anh cung cấp, người ta thấy một thủy thủ Mỹ trên chiếc Decatur nói rằng chiến hạm Trung Quốc đang áp sát mạn trái của tàu Mỹ chỉ cách khoảng 41 m và tìm cách buộc tàu Mỹ chuyển hướng. Dường như các miếng đệm sườn tàu cũng được thủy thủ Trung Quốc triển khai.

Theo ông Collin Koh, chuyên gia về Hải Quân tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, đây là dấu hiệu cho thấy thủy thủ trên tàu Lan Châu Trung Quốc đã sẵn sàng đâm vào tàu chiến Mỹ.

Về sự cố gần đá Ga Ven, phía Mỹ đã tố cáo khu trục hạm Trung Quốc đã hành động « không an toàn và thiếu chuyên nghiệp », buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm. Phía Trung Quốc thì phản bác lại, tố cáo tàu Mỹ xâm nhập vào lãnh hải của Trung Quốc với những hành vi khiêu khích.

Dẫu sao thì sự cố đã làm gia tăng nỗi lo ngại về nguy cơ xẩy ra một vụ va chạm thực thụ có thể leo thang thành khủng hoảng lớn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181105-anh-cong-bo-tai-lieu-ve-vu-tau-trung-quoc-de-doa-tau-my-o-bien-dong

 

Trạm quan sát thời tiết:

Hình thức “xâm lấn mềm” nhằm hợp thức hóa

yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông

Trung Quốc đã chính thức đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông là Subi, Vành Khăn và Chữ Thập. Mặc dù tuyên bố bao biện rằng các công trình này chỉ nhằm mục đích dân sự, song dư luận vẫn không loại trừ khả năng chúng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và các yêu sách chủ quyền.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 01/11 đưa tinTrung Quốc (31/10) đã đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông là Subi, Vành Khăn và Chữ Thập. Không những vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (01/11) tuyên bố những trạm quan sát này sẽ hòa thiện mạng lưới quan sát thời tiết trên toàn Biển Đông và sẽ chủ yếu được sử dụng để đảm bảo an toàn hàng hải, không chỉ phục vụ người dân Trung Quốc mà còn cho các nước khác trên khắp Biển Đông, nhằm trấn an dư luận quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng các trạm quan sát này vào mục đích quân sự.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động tương tự như việc vận hành 3 trạm quan sát thời tiết trên. Trong bài phóng sự trên báo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” (SCMP)của Hồng Kông tháng 8/2018 cũng đã công bố thông tin Bắc Kinh đã sẵn sàng lắp đặt một cỗ máy ra đa tán xạ khuếch tán cực mạnh tại thành phố Tam Á thuộc cực nam đảo Hải Nam, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore cách đó 2.000 km.Về nguyên tắc, ra đa dùng công nghệ này phát ra chùm năng lượng cực mạnh để khuấy động tầng điện ly. Bằng cách phân tích sóng radio dội ngược lại, các nhà nghiên cứu đo chính xác sự nhiễu động ở tầng điện ly gây ra bởi các tác động vũ trụ, ví dụ như tia mặt trời. Họ có thể biết được nhiệt độ, mật độ và tốc độ của các hạt hạ nguyên tử từ một khoảng cách rất xa; quan sát và thậm chí tác động trực tiếp đến tầng điện ly, điều mà các ra đa thông thường không thể làm được. Công nghệ này có những ứng dụng dân sự lẫn quân sự, nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến khả năng (trên lý thuyết) can thiệp vào thời tiết, gây ra thiên tai trên diện rộng như bão, động đất, sóng thần… dù điều này vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học. Theo báo SCMP, dự án Tam Á của Trung Quốc một khi hoàn thành sẽ là trạm ra đa mạnh nhất và duy nhất dùng công nghệ này ở khu vực Biển Đông. Dù chưa ai xác nhận chức năng “vũ khí thời tiết”, nhưng cỗ máy này chắc chắn có nhiều ứng dụng quân sự khác, chẳng hạn nâng cao khả năng tác chiến tàu ngầm, phá vỡ hệ thống thông tin liên lạc của các quốc gia khác bằng cách tạo ra một “lỗ đen khí quyển”.

Tháng 6/2018, truyền thông Trung Quốc cũng cho biết, tại thành phố Giang Môn tỉnh Quảng Đông, trung tâm Dự báo khí tượng Nam Hải (Biển Đông) thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tuyên bố đơn vị này đã phủ sóng dự báo thời tiết, khí tượng trên toàn bộ khu vực Biển Đông. Trung tâm dự báo khí tượng Nam Hải (Biển Đông) thuộc Cục Hải dương ký văn bản hợp tác với đài truyền hình bờ biển Quảng Châu về cái gọi là dự báo thời tiết, thủy văn trên toàn khu vực biển Đông, một động thái “xâm lấn mềm” hết sức nguy hiểm, vi phạm chủ quyền các bên tranh chấp và bất chấp mọi thỏa thuận không làm phức tạp thêm tình hình. Thông tin này được Thái Dương, Giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng hải dương tỉnh Quảng Đông kiêm Chủ nhiệm Trung tâm dự báo khí tượng Nam Hải (biển Đông) đưa ra. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này đã sớm bắt đầu từ ngày 23/3/2018. Trước đó cơ quan này cũng đã triển khai hoạt động dự báo thời tiết Biển Đông nhưng không qua truyền hình mà bằng hệ thống tin nhắn, sau đó tung nội dung dự báo thời tiết lên mạng, qua các kênh blog, các website để cung cấp thông tin cho tàu cá Trung Quốc. Trung tâm này cũng xây dựng một hệ thống đảm bảo dịch vụ ngư nghiệp hải dương tại khu vực Biển Đông, nhằm cung cấp những thông tin chi tiết hơn về gió, các dòng hải lưu trên từng ngư trường ở biển Đông giúp ngư dân Trung Quốc tăng hiệu quả đánh bắt. Cùng với việc thành lập hiệp hội Đánh bắt cá xa bờ trên Biển Đông, động thái phủ sóng toàn bộ Biển Đông theo đường lưỡi bò 9 đoạn phi lý và phi pháp, xâm phạm vùng biển chủ quyền của các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Hôm 11/6/2018, Trung tâm dự báo Nam Hải thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc và Đài ven biển Quảng Châu (Trung tâm thông tin liên lạc Quảng Châu, trực thuộc Trung tâm đảm bảo hàng hải Nam Hải, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc) đã đưa vào sử dụng Đài “Dự báo tình hình Biển Đông” phiên bản tiếng Anh. Theo giới truyền thông Trung Quốc, Đài dự báo trên chính thức đi vào hoạt động từ ngày 08/6/2018; thời gian phát sóng hàng ngày từ 09h00 – 09h10; 21h00 – 21h10, trên kênh 4209.5KHz, phủ sóng của Đài trên bao trùm phạm vi khoảng 500 hải lý (bao trùm lên cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Truyền thông Trung Quốc cho biết nhiệm vụ chính của Đài trên là cung cấp tin tức về dự báo thời tiết trên biển cho ngư dân Trung Quốc cũng như tàu thuyền các nước đang hoạt động trên Biển Đông. Dư luận cho rằng nhờ những công cụ về thời tiết khí hậu như trên, Trung Quốc muốn củng cố chứng cứ pháp lý về “quyền kiểm soát” của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực Biển Đông, lợi dụng lồng ghép đưa vào những nội dung xuyên tạc, tìm cách lấp liếm và khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những tàu thuyền qua khu vực này có thể ngộ nhận, hiểu lầm rằng “Biển Đông là của Trung Quốc”. Các công cụ này cung cấp nhiều thông tin quan trọng, “hữu ích” cho lực lượng chức năng của Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Na), góp phần lớn để Trung Quốc nắm bắt thông tin thời tiết trên biển để triển khai các hoạt động phi pháp. Ngoài ra, với việc cho rằng các công trình của Trung Quốc không chỉ phục vụ cho người dân nước này mà còn giúp ích cho nhân dân các nước, Trung Quốc đã tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế, từng bước khẳng định Bắc Kinh đang “đóng góp” công sức, trách nhiệm lớn vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

http://biendong.net/bi-n-nong/24554-tram-quan-sat-thoi-tiet-hinh-thuc-xam-lan-mem-nham-hop-thuc-hoa-yeu-sach-chu-quyen-cua-tq-o-bien-dong.html

 

TQ chuẩn bị chiến tranh trên Biển Đông với Mỹ

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc nói chuyện với các sĩ quan quân sự có trách nhiệm về Biển Đông là tốt hơn nên “chuẩn bị cho chiến tranh” khi căng thẳng với Mỹ tiếp tục gia tăng. Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị đối mặt với tình huống xấu nhất trong tranh chấp với Mỹ.

Trong cuộc họp với Bộ tư lệnh quân khu Miền Nam Trung Quốc vào tuần trước, ông Tập Cận Bình đưa ra nhận xét thẳng thắn về sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Mỹ. Bộ tư lệnh quân khu miền Nam là một trong năm quân khu, khu vực phòng thủ của Trung Quốc. Cuộc họp với các sĩ quan cao cấp quân khu phía Nam là một phần của chuyến công vụ bốn ngày của chủ tịch Tập đến tỉnh Quảng Đông ngày 29.10.2018. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thông báo về phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày 30.10.2018.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: “Cần phải tăng cường ý chí chiến đấu… và tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu… Chúng ta cần phải xem xét tất cả các tình huống phức tạp và lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp phù hợp… Chúng ta phải thúc đẩy những cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu, diễn tập chung quân binh chủng hợp thành và các cuộc diễn tập đối kháng nhằm tăng cường năng lực tác chiến của quân nhân và chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh”.

Một trong những trách nhiệm chính của Bộ Tư lệnh quân khu phía Nam là bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp. Biển có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế thương mại Trung Quốc. Mỹ bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi pháp và đã đưa các đơn vị Không quân – Hải quân thực hiện các hoạt động trong sứ mệnh bảo vệ Tự do hành trình trên những vùng biển và không phận, như một hành động thách thức đại lục.

Ngày 29.10.2018, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson cho biết, lực lương hải quân Mỹ và Trung Quốc sẽ đối đầu ngày càng nhiều trên biển khi hai quốc gia có những mâu thuẫn đối đầu trên Biển Đông.

Những phát biểu của ông Tập Cận Bình được cho là dấu hiệu của sự dồn nén những tức giận mà chính phủ Trung Quốc tích lũy nhiều tháng từ những chính sách của chính quyền tổng thống Donald Trump. Ông Victor Gao, giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế của Nhà nước Trung Quốc cho biết.

“Mỹ dồn ép Trung Quốc khắp mọi phía, làm nhục Trung Quốc, áp đặt hàng rào thuế quan đơn phương đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, tuyên bố Trung Quốc là đối thủ và là mối đe dọa lớn đối với sự tồn vong của nước Mỹ”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với RT. “Ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ nhất.”

Gao cho biết: Bắc Kinh không có niềm tin về những chính sách đối ngoại của Washington với Trung Quốc. Vì vậy quân đội sẽ chuẩn bị “chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh cuối cùng với Mỹ”. Cả hai quốc gia đều là cường quốc hạt nhân, một chiến tranh quy mô lớn có thể dẫn đến “ngày tận thế”.

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo Mỹ bỏ “chiến thuật ức hiếp và bắt nạt” đối với Trung Quốc.

“Trung Quốc không muốn có một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trung Quốc không muốn có xung đột vũ trang với Mỹ. Nhưng nếu Mỹ thực sự muốn áp đặt những điều kiện thiếu công bằng lên Trung Quốc, toàn dân Trung Quốc đứng dậy cùng đoàn kết ủng hộ chính phủ Trung Quốc”, ông giải thích.

Mỹ hiện đang tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc, cả hai bên áp đặt thuế quan và nhiều hạn chế nhằm vào các sản phẩm của nhau. Washington đưa ra tuyên bố về mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo Trung Quốc, coi đó là một lý do để rút khỏi hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tầm trung và tầm gần quan trọng với Nga, phá hoại cơ chế không phát triển hạt nhân chiến thuật trên đất liền từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Đồng thời, tổng thống Mỹ Donald Trum tuyên bố Trung Quốc đã và đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống giữa nhiệm kỳ tháng 11.2018.

Trước những đòn tấn công liên tiếp của Washington, Bắc Kinh bắt đấu phản công gây tổn thương vị thế Mỹ, quốc gia nắm giữ hệ thống tiền tệ duy nhất thống trị thế giới. Ngân hàng Trung Quốc bắt đầu bán ra các chứng khoán kho bạc của Mỹ và không sử dụng đồng USD trong giao dịch với các nước thứ ba khác.

http://biendong.net/bi-n-nong/24545-tq-chuan-bi-chien-tranh-tren-bien-dong-voi-my.html

 

Tàu chiến Trung Quốc chào hỏi thân thiện

chiến hạm Nhật trên Biển Đông

Hành động chào hỏi thân thiện giữa hai chiến hạm trái ngược với phản ứng của Trung Quốc trước sự hiện diện của trinh sát cơ Mỹ trên Biển Đông.

“Chào buổi sáng, rất vui được gặp các bạn”, chỉ huy tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc gửi thông điệp vô tuyến tới tàu sân bay trực thăng JS Kaga khi phát hiện chiến hạm Nhật Bản trên Biển Đông hồi tháng 10. Giới phân tích nhận định hành động này cho thấy quan hệ giữa hai cường quốc châu Á gần đây phát triển nồng ấm, SCMP đưa tin.

Việc tàu chiến hai nước liên tục gặp nhau trên Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ hành động của Tokyo trong khu vực. Các tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc từng bám đuôi biên đội tàu sân bay JS Kaga khi nó đi qua Biển Đông hồi cuối tháng 9. Tuy nhiên, hai bên chỉ gửi tín hiệu vô tuyến để thông báo sự hiện diện của nhau.

“Quan hệ Trung – Nhật được cải thiện đồng nghĩa với việc quân đội hai nước có thể hoạt động hòa thuận với nhau. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc chỉ gửi tin nhắn thân thiện như vậy vì tàu chiến Nhật không ở trong khu vực nhạy cảm, cũng như không có hành vi khiêu khích”, nhà phân tích Song Zhongping tại Hong Kong nhận xét.

Sự thân thiện của tàu chiến Lan Châu trái ngược hoàn toàn với thông điệp được gửi tới một trinh sát cơ P-8A Mỹ trong quá trình giám sát hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng 8.

“Máy bay quân sự P-8A của Mỹ, đây là quân đội Trung Quốc. Hãy rời đi ngay lập tức và tránh xa để tránh gây hiểu nhầm”, binh sĩ Trung Quốc thông báo qua điện đài tới chiếc Poseidon khi nó lượn quanh đá Subi, đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Biển Đông rộng 3,5 triệu km vuông, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng. Khoảng 1/3 tuyến vận tải hàng hải toàn thế giới đi qua khu vực này, vận chuyển lượng hàng hóa hơn 3.000 tỷ USD mỗi năm. Biển Đông cũng có nhiều nguồn lợi thủy hải sản, cùng trữ lượng khí đốt và dầu mỏ khổng lồ.

Trung Quốc đơn phương vẽ ra “đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, dù bị Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt. Tòa Trọng tài Thường trực cũng đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý này của Trung Quốc.

Dù vậy, Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế, tăng cường các hoạt động quân sự hóa trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông và liên tục xua đuổi, cảnh báo máy bay, tàu chiến các nước tuần tra tự do hàng hải ở khu vực này

http://biendong.net/bi-n-nong/24548-tau-chien-trung-quoc-chao-hoi-than-thien-chien-ham-nhat-tren-bien-dong.html

 

Mỹ – Nhật soạn kế hoạch

phản ứng vũ trang với TQ trên biển

Nhật Bản muốn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống nếu tranh chấp với Trung Quốc quanh quần đảo Senkakyu/Điếu Ngư trở nên căng thẳng.

Mỹ và Nhật Bản đang phát triển kế hoạch hành động chung nhằm phản ứng bằng lực lượng vũ trang trước các mối đe dọa từ Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Kyodo dẫn lời các nguồn tin chính phủ Nhật Bản hôm qua cho biết. Hai bên đã thảo luận cách ứng phó với những tình huống khẩn cấp tại hoặc xung quanh khu vực nêu trên. Bản dự thảo kế hoạch có thể sẽ hoàn thành vào tháng ba năm sau.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 hiệp định an ninh giữa hai nước, mở rộng tới quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Theo điều khoản này, Mỹ có nghĩa vụ giúp đỡ Nhật Bản bảo vệ lãnh thổ trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang.

Tuy nhiên, Mỹ nhiều lần nói sẽ không đóng bất kỳ vai trò nào trong vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Với việc thảo luận kế hoạch chung nhằm đối phó xung đột quân sự tiềm tàng với Trung Quốc, Nhật Bản hy vọng Mỹ sẽ tham gia chủ động hơn trước vấn đề chủ quyền trong khu vực.

Theo các nguồn tin, kế hoạch đề cập tới một số trường hợp khẩn cấp giả định như ngư dân Trung Quốc có vũ trang đổ bộ lên quần đảo tranh chấp và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cần được triển khai nếu tình hình vượt quá khả năng giải quyết của cảnh sát.

Bản thân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đã nghiên cứu cách phản ứng với những nguy cơ như vậy. Trọng tâm thảo luận giữa giới chức hai nước là tìm cách kết hợp phương án ứng phó của Nhật với năng lực tấn công của quân đội Mỹ.

“Các tổ chức quân sự luôn cần phải tính toán cho những trường hợp xấu nhất, vì vậy việc hai nước phối hợp xây dựng kế hoạch đối phó Trung Quốc là điều tự nhiên”, Bonji Ohara, cựu tùy viên quân sự từng làm việc tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, cho hay.

Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản hồi năm 2012 quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo này, khiến Trung Quốc giận dữ và làm cho quan hệ giữa hai nước xấu đi. Hai cường quốc kinh tế châu Á sau đó đã có những động thái hàn gắn quan hệ nhưng vẫn còn căng thẳng, khi tàu chiến và tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên di chuyển gần nhóm đảo tranh chấp.

http://biendong.net/bi-n-nong/24538-my-nhat-soan-ke-hoach-phan-ung-vu-trang-voi-tq-tren-bien.html

 

Tư lệnh Mỹ dự báo

tiếp tục chạm trán tàu TQ trên Biển Đông

Đô đốc Mỹ dự đoán những vụ chạm trán với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông sẽ tiếp diễn, nhấn mạnh hạn chế tối đa tính toán sai lầm tránh dẫn đến các sự cố chiến lược.

Tàu khu trục USS Decatur cuối tháng 9 đã chạm trán nguy hiểm với tàu chiến Trung Quốc tại Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Hải quân Mỹ.

“Chúng ta nhìn thấy rõ Trung Quốc đang mở rộng hoạt động một cách chiến lược. Không có gì bất ngờ trước sự gia tăng các hoạt động hàng hải trong khu vực, đặc biệt là những hoạt động của hải quân Trung Quốc”, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, ngày 1/11 nhận định trong cuộc trao đổi qua điện thoại với các phóng viên.

“Hải quân Mỹ cũng duy trì sự hiện diện thường xuyên trên vùng biển. (Vì thế) sẽ tiếp tục xảy ra các trường hợp hải quân 2 nước chạm trán”, ông cho biết.

Ông cho rằng các bên cần tuân thủ đúng quy trình liên lạc giữa các lực lượng hải quân, duy trì tính chuyên nghiệp và tránh rủi ro trên biển, đảm bảo sự đi lại an toàn trên vùng biển quan trọng.

Đô đốc Richardson cũng nhấn mạnh nhu cầu giảm thiểu tối đa những tính toán sai sót để không dẫn đến các sự cố mang tính chiến lược.

Đô đốc Richardson đồng thời tái khẳng định lập trường duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, trong đó ASEAN là tổ chức đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của khu vực.

“Tôi nhận thấy việc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiện nay có những diễn biến rất tích cực. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc duy trì các tuyến đường an toàn trên vùng biển quốc tế”, vị tư lệnh hải quân Mỹ trả lời Zing.vn.

Đô đốc nhấn mạnh Mỹ hoan nghênh việc ASEAN cân nhắc cho các bên không ký kết tăng cường tham gia cùng với các nước thành viên COC, đồng thời đánh giá cao việc mở rộng giám sát không chỉ các hoạt động trên biển mà còn trên vùng trời Biển Đông.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những tiến triển đối thoại và kỳ vọng về các bước tiến mới”, ông cho biết.

Về kế hoạch diễn tập chung trên biển Mỹ – ASEAN 2019, Đô đốc Richardson cho biết mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn lên ý tưởng và chưa có thông tin chi tiết.

“Chúng tôi rất trông chờ cuộc diễn tập chung sắp tới. Đây là cơ hội nhấn mạnh sự toàn diện trong chính sách của ASEAN trong khu vực, sẵn sàng tiếp cận những đối tác không phải là quốc gia thành viên”, ông khẳng định.

“Cách tiếp cận này là một minh chứng về khả năng lãnh đạo của ASEAN. Chúng tôi xem ASEAN là một nhân tố then chốt đối với sự ổn định của khu vực và hy vọng các bên có thể tăng cường hợp tác trong tương lai”, đô đốc Mỹ nói.

http://biendong.net/bi-n-nong/24546-tu-lenh-my-du-bao-tiep-tuc-cham-tran-tau-tq-tren-bien-dong.html