Tin Biển Đông – 05/05/2017
Tàu đổ bộ của Pháp đã tới căn cứ hải quân của Nhật ở Sasebo, Nagasaki, để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung với Mỹ, Anh và Nhật ngoài khơi đảo Guam.
Anh, Pháp, Nhật, Mỹ diễn tập hải quân Biển Đông
Hạm đội tàu Pháp đã tới Nhật Bản để chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự chung với Anh, Hoa Kỳ và nước chủ nhà trên biển Đông.
Hạm đội của Pháp cập cảng căn cứ hải quân Sasebo ở Nagasaki hôm 29/4 để chuẩn bị cho việc tham gia huấn luyện quân sự trong tháng này, một động thái có phần chắc sẽ làm Trung Quốc tức giận.
Theo Chinatopix.com, đây là một thông điệp mà Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp, Nhật muốn gửi tới Trung Quốc. Một bài viết trên trang mạng thông tin của Trung Quốc viết:
“Nhật và Mỹ đang lo ngại về các nỗ lực của Trung Quốc tiến hành hành động đơn phương khống chế biển Đông, và Pháp, hiện đang nắm giữ 1 số hòn đảo ở Thái Bình Dương bao gồm New Caledonia và French Polynesia, cùng chia sẻ mối lo này.”
Trung Quốc coi tuyến hải lộ trên biển Đông như ao nhà, theo Wall Street Journal, và đang cho xây nhiều đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp. không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở La Haye hồi tháng 7 năm ngoái, trong đó phủ quyết tuyên bố đường lưỡi bò 9 đoạn bao trọn gần hết biển Đông của nước này. Philippines là nước thắng trong phán quyết này nhưng tổng thống Rodrigo Duterte lại đang kết thân với Trung Quốc và xa rời đồng minh Mỹ kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 6 năm ngoái.
Theo ghi nhận của Reuters, cuộc thao dượt chung của 4 cường quốc sẽ diễn ra gần đảo Guam trong đó hải quân tập dược đổ bộ lên đảo quanh khu vực cách thủ đô Tokyo của Nhật khoàng 2.500km.
Các cuộc thao dượt, với sự tham gia của 700 binh lính, đã được lên kế hoạch trước khi Bắc Hàn tiến hành phóng thử phi đạn đạn đạo hôm 29/4.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 3 với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande xác nhận sẽ cử tàu tuần dương Jeanne d’Arc (R97) đến biển Đông tham gia huấn luyện quân sự với Anh-Mỹ-Nhật vào tháng này và trong những tháng tới. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, Nhật-Pháp sẽ tăng cường triển khai hợp tác, giúp việc triển khai chung của lực lượng hai nước trở nên dễ dàng hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên hải quân Pháp tham gia diễn tập quân sự với quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
://www.youtube.com/watch?v=-ZxpYN-dckI
Ðài Loan sẽ ‘tôn trọng Bộ Quy Tắc Ứng Xử’
Ðài Loan theo trông đợi sẽ tôn trọng bất cứ thỏa thuận nào về Biển Đông mà chính phủ của các nước khác có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Ðài Loan ký kết để chứng tỏ thiện chí chiến lược, cho dù Đài Bắc không được tham gia thảo luận mà cũng không được ký kết thỏa thuận.
Trung Quốc và một tổ chức đại diện cho bốn nước Ðông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang thương thảo một bộ khung quy tắc ứng xử để giúp ngăn tránh những rủi ro cho tàu bè đánh cá, giàn khoan và tàu tuần duyên trong khu vực có tranh chấp. Ngoài ra Trung Quốc cũng đang đàm phán với Việt Nam và Philippines về những thỏa thuận riêng trong vùng lãnh hải mà Ðài Loan tuyên bố chủ quyền.
Ðài Loan thiếu quan hệ ngoại giao chính thức ở châu Á do Bắc Kinh xem đảo quốc này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc chứ không phải là một nhà nước có chủ quyền. Bắc Kinh dùng thế mạnh kinh tế để ngăn chặn các nước ký kết các thỏa thuận về kinh tế và an ninh với Đài Bắc.
Ông Alexander Huang, giáo sư khoa nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Ðài Loan, nhận định:
“Phương tiện chúng tôi có được rất hạn hẹp. Nếu Trung Quốc ký kết quy tắc ứng xử, chúng tôi sẽ không có chọn lựa nào khác hơn là sẽ tôn trọng bộ quy tắc đó. Cho dù chúng tôi có tranh cãi đi nữa, theo tôi, chúng tôi sẽ bị cô lập hơn và thậm chí bị trừng phạt.”
Trung Quốc và Ðài Loan là hai chính phủ đòi chủ quyền hơn 90% diện tích Biển Đông.
Các nhà phân tích nói rằng Ðài Loan sẽ tôn trọng các thỏa thuận hải dương theo chính sách ủng hộ chia sẻ nguồn lợi và tôn trọng hòa bình trên vùng biển trải dài từ bờ biển phía nam của đảo quốc này cho tời Singapore.
Ông Denny Roy, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Đông-Tây ở Honolulu, nhận định:
“Tôi luôn có cảm nghĩ rằng chiến lược khôn khéo nhất của Ðài Loan là luôn tỏ ra là một công dân quốc tế gương mẫu. Nếu đó là cách tiếp cận mà Đài Bắc áp dụng, thì có nghĩa là trước tiên họ sẽ kêu nài về vấn đề hiện tại là không được cư xử như một nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển đó, nhưng rồi họ vẫn tôn trọng bất cứ bộ quy tắc nào do các nước khác đạt được.”
Bộ Ngoại giao Ðài Loan hôm thứ Năm tuyên bố trong một thông báo rằng Đài Bắc tin tưởng vào chính sách đặt những tranh chấp sang một bên và hợp tác với nhau để phát triển trên biển. Thông báo không nói sẽ tuân thủ các thỏa thuận mà Ðài Loan không được tham gia ký kết hay không, nhưng có yêu cầu rằng Ðài Loan cần được cử xử “bình đẳng” trong đối thoại về ổn định khu vực hay tự do hàng hải.
Giáo sư Huang nhận định rằng Ðài Loan có thể sẽ chú trọng vào nghiên cứu môi trường biển với những chính sách cổ xúy cho hòa bình và cùng sử dụng chung vùng biển.
Không tôn trọng những thỏa thuận hải dương có thể ảnh hưởng xấu đến chính sách của Ðài Loan di chuyển đầu tư xuống Nam và Ðông Nam châu Á thay vì Trung Quốc, nước có quan hệ chính trị lạnh lùng với Ðài Loan.
Ông Alex Chiang, giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, nhận định :
“Vì sự thịnh vượng và cả quan hệ hữu nghị, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tôn trọng bất cứ thỏa thuận nào có được. Nhất là chính phủ Ðài Loan hiện nay đang tìm cách gia tăng tiếp xúc với các nước Ðông Nam Á, do đó tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ không tìm cách gây hiềm khích với các nước Ðông Nam Á.
https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-chac-se-ton-trong…/3839102.html
Mỹ họp với ASEAN, bàn chuyện Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ ngày 4/5 chủ trì cuộc họp đặc biệt với Ngoại trưởng các nước ASEAN tại thủ đô Washington, củng cố Đối tác Chiến lược và đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ đôi bên, theo thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tại cuộc họp, ông Rex Tillerson đã nhấn mạnh rằng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump và rằng ASEAN là đối tác quan trọng, thông cáo nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Heather Nauert, cho biết Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á hoan nghênh cam kết của Mỹ đối với ASEAN.
Một ngày trước, trong cuộc Đối thoại Mỹ-ASEAN hôm 3/5, các giới chức cấp cao của Mỹ, 10 nước ASEAN, và Thư ký ASEAN đã thảo luận hợp tác trong các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế và nhấn mạnh cam kết chung về thăng tiến hòa bình, an ninh, thịnh vượng khu vực.
Tại cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ và ASEAN hôm nay, các bên thảo luận về căng thẳng bán đảo Triều Tiên do các vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên và mối đe dọa lớn từ hoạt động này đối với ổn định khu vực. Các Ngoại trưởng cũng thừa nhận cần phải thực thi đầy đủ tất cả các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, thông cáo viết.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói Ngoại trưởng Tillerson và giới chức tương nhiệm từ 10 nước ASEAN cũng tái khẳng định tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ ở Châu Á Thái Bình Dương và các nguyên tắc chung đã nêu rõ trong Thông cáo chung của Thượng đỉnh Đặc biệt giữa Lãnh đạo Mỹ-ASEAN 2016, bao gồm giải pháp ôn hòa cho tranh chấp, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, và tuân thủ luật quốc tế.
Vẫn theo người phát ngôn Nauert, Ngoại trưởng Tillerson cũng lưu ý những quan ngại chung của các nước trong khu vực về các hoạt động quân sự hóa và bồi đắp đất ở Biển Đông.
Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm rằng tại cuộc họp đặc biệt này, Ngoại trưởng Mỹ-ASEAN đã nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cần phải bảo đảm thực thi trọn vẹn, hiệu quả Tuyên bố Ứng xử Các bên ở Biển Đông và đề cập tới các nỗ lực hướng tới việc sớm chung quyết một Bộ Quy tắc Ứng xử ý nghĩa.
Ngoài vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông, Mỹ-ASEAN cũng bàn về đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Thông cáo từ Bộ Ngoại giao nói Ngoại trưởng Tillerson trong cuộc gặp cũng bày tỏ ý định đại diện Mỹ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN, Thượng đỉnh cấp Bộ trưởng Đông Á, và các cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa Mỹ với ASEAN vào tháng 8 tới đây tại Philippines.
ww.voatiengviet.com/a/my-hop-voi-asean-ban-chuyen…dong-/3838419.html