Tin Biển Đông – 05/04/2018
Sau ‘Cá Rồng Đỏ’, Trung Quốc nhắm vào
‘Cá Voi Xanh’ của Việt Nam?
Xuất hiện ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể hướng tầm ngắm vào mỏ “Cá Voi Xanh” mà Việt Nam đang hợp tác với một tập đoàn Mỹ, sau khi “gây áp lực”, buộc Hà Nội phải ngưng dự án “Cá Rồng Đỏ” với công ty Tây Ban Nha.
Sau khi phía Việt Nam yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng dự án thăm dò dầu khí trên Biển Đông trước “áp lực của Trung Quốc”, nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi là liệu Bắc Kinh có hành động tương tự với tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, vốn đang hợp tác khai thác mỏ khí tự nhiên với công ty dầu khí PetroVietnam.
Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer từ Australia cho rằng việc thăm dò dầu khí của Repsol ở vùng biển gần Bãi Tư Chính tại Trường Sa và dự án của ExxonMobil ở khu vực ngoài khơi miền Trung Việt Nam là “hai vấn đề riêng rẽ”.
Nhà nghiên cứu về Việt Nam này nói rằng Trung Quốc tuyên bố “đã đạt thỏa thuận với Việt Nam nhằm duy trì nguyên trạng ở Bãi Tư Chính”, và khi chính quyền trong nước tái khởi động thăm dò dầu khí ở khu vực này năm ngoái, Trung Quốc đã “gây áp lực lớn” với Hà Nội, và thậm chí “đe dọa sử dụng vũ lực”, khiến “Việt Nam phải xuống thang”.
Ông Thayer cho rằng ExxonMobil “hoạt động ở một mỏ gần, nhưng không vượt qúa” đường đứt khúc chín đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông.
Giáo sư nghiên cứu lâu năm về Việt Nam dẫn các nguồn tin nói rằng “hai bên đã đạt nhận thức chung, không chính thức, về việc không can thiệp vào các hoạt động của bên kia nếu các hoạt động đó nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế”.
Ông Thayer cho rằng sự thấu hiểu này sẽ “giảm bớt nguy cơ” đối với hợp tác hiện thời của ExxonMobil với Việt Nam.
Trung Quốc gây áp lực đối với công ty Repsol của Tây Ban Nha là chuyện tương đối nhỏ, nhưng sẽ là chuyện lớn nếu Trung Quốc có hành động đối với một công ty của Mỹ.
Giáo sư Carl Thayer nói.
Chuyên gia về Việt Nam này nhận định rằng việc ExxonMobil là công ty Mỹ, và rằng ông Rex Tillerson, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, từng làm giám đốc điều hành tại tập đoàn này đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ có “quyền lợi thương mại trực tiếp”.
Ngoài mối quan hệ kinh tế, Việt Nam và Hoa Kỳ mới đây đã tiến hành một loạt các hoạt động củng cố hợp tác trên biển, nhất là chuyến thăm lịch sử của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cũng như việc Mỹ mới trao cho Hà Nội “sáu xuồng tuần tra”.
“Trung Quốc gây áp lực đối với công ty Repsol của Tây Ban Nha là chuyện tương đối nhỏ, nhưng sẽ là chuyện lớn nếu Trung Quốc có hành động đối với một công ty của Mỹ”, ông Thayer nói.
Repsol chưa phản hồi đề nghị phỏng vấn của VOA tiếng Việt về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác dầu khí với Việt Nam cũng như áp lực từ Trung Quốc.
Tới tối 5/4 (giờ Việt Nam), ExxonMobil chưa hồi đáp với VOA tiếng Việt về hiện trạng dự án “Cá Voi Xanh”, nhưng khi ông Tillerson chuẩn bị lên làm ngoại trưởng năm 2016, hãng này từng cho biết “đang tiến hành các hoạt động phát triển mỏ Cá Voi Xanh theo một hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí với tập đoàn PetroVietnam vào tháng Sáu năm 2009”.
Theo hãng này, nơi tiến hành dự án “nằm ở vùng không có tranh chấp”, đồng thời cho rằng “chủ quyền là vấn đề chỉ các chính phủ mới có thể quyết định” và “chúng không tác động tới kế hoạch kinh doanh của chúng tôi”.
Trung Quốc ráo riết vận động Việt Nam không tiến hành dự án ‘Cá Voi Xanh’ với ExxonMobil hồi tháng 11 năm ngoái, trong khoảng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng.
Tiến sĩ Alexander Vuving nói.
Theo ExxonMobil, mỏ “Cá Voi Xanh” “nằm cách bờ biển miền trung Việt Nam khoảng 80 km và ước tính có trữ lượng khoảng 3 – 8 nghìn mét khối khí đốt tự nhiên”.
Hãng năng lượng của Mỹ cũng cho biết rằng “Cá Voi Xanh” là “phát hiện khí tự nhiên quan trọng” và có khả năng “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” của Việt Nam.
Trả lời Linh Đan của VOA tiếng Việt, tiến sĩ Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii nói rằng “Trung Quốc ráo riết vận động Việt Nam không tiến hành dự án ‘Cá Voi Xanh’ với ExxonMobil hồi tháng 11 năm ngoái, trong khoảng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng”.
Hiện chưa rõ nhà nghiên cứu này lấy nguồn từ đâu. Ông cho biết thêm rằng “dự án ‘Cá Voi Xanh’ không bị ngừng lại”, và vì nó nằm ở ngoài đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố nhận chủ quyền, nên “nó có nhiều cơ hội tồn tại hơn ‘Cá Rồng Đỏ’”.
Chuyên gia Pháp cảnh báo chưa chắc COC có lợi
Mỹ Lan RFA
Bộ Quy Tắc Ứng Xử Của Các Bên Tại Biển Đông- COC được nhiều phía cho là giải pháp đối với các tranh chấp tại khu vực có tuyến đường hàng hải quan trọng ngày.
Tuy nhiên theo tướng Daniel Schaeffer, nguyên tuỳ viên quân sự đầu tiên của ĐSQ Pháp tại Việt Nam, học giả cao cấp về tranh chấp trên Biển Đông của tổ chức tư vấn Asie21 (Pháp) thì cần thận trọng vì có thể CoC sẽ bất lợi cho những nước nhỏ trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Phóng viên Mỹ Lan của RFA có cuộc trao đổi với tướng Daniel Schaeffer xung quanh vấn đề này cũng như vụ việc liên quan.
RFA: Thưa ông, trong một báo cáo được đăng tải trên Diplomaweb vào năm ngoái, ông đã từng đề cập đến những rủi ro của các nước Đông Nam Á khi tham gia ký kết các điều khoản trong Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Tướng Daniel Schaeffer: Điều đầu tiên, tôi cho rằng các nước ASEAN cần phải tính đến những nguy cơ có thể xảy ra khi ký kết các điều khoản hiện đang được thương lượng tại Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Thứ nhất, các nước như Việt Nam, Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines hiện nay đều có vùng đặc quyền kinh tế riêng (EEZ) mở rộng đến 200 hải lý tương đương 370 km từ đất liền ra tới Biển Đông và đều có chủ quyền trên vùng biển này . Điều này đồng nghĩa với việc họ có quyền khai thác, đánh bắt và đặc biệt là quyền thăm dò và khai thác khí đốt tại đây. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc tuyên bố về bản đồ có in hình “đường lưỡi bò” thì một phần vùng biển chủ quyền của các nước này lại nằm bên trong đường 9/10 đoạn mà Trung Quốc cho là thuộc lãnh hải của mình. Và thực tế là Trung Quốc đã đe doạ việc Philippines khai thác dầu tại Bãi Cỏ Rong cũng như mới đây ép buộc Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí tại khu vực Bãi Tư chính, vốn những vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines và Việt Nam.
Do đó, nếu như không vô hiệu hóa được ‘đường 9/10 đoạn’ phi pháp, mà đã vội vàng ký kết một COC có tính ràng buộc pháp lý, thì nếu tiếp tục thực hiện hoạt động khai thác tại khu vực này, Việt Nam sẽ là nước chính thức vi phạm. Cụ thể, nếu như Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) lựa chọn được nhà thầu khai thác 9 lô nhiên liêu hoá thạch mà họ đã xác định được và mặc dù là những lô nhiên liệu này nằm trong EEZ của Việt Nam nhưng Trung quốc lại cho rằng chúng nằm trọn trong đường 9/10 đoạn thì khi đó, việc Việt Nam tiếp tục khai thác dầu khí tại đây sẽ là vi phạm luật pháp quốc tế theo tuyên bố của Trung Quốc.
Điều này cũng tương tự như việc Trung Quốc phản đối Indonesia đổi tên vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc của quần đảo Natuna là biển Natuna hay việc Trung Quốc tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Philippines nằm trong đường 9/10 đoạn của Trung Quốc và buộc tội các nước này khai thác trái phép trong vùng biển của Trung Quốc.
RFA: Ngoài thâm ý như vừa nêu của Trung Quốc, theo ông Bắc Kinh còn đang có những động thái gì nhằm đạt được ý đồ trên biển của họ?
Tướng Daniel Schaeffer: Ngoài việc sẽ dùng “công cụ pháp lý” được ký kết trong COC để chống lại các nước ASEAN thì với việc trở nên ngày càng mạnh hơn về sức mạnh quân sự và an ninh hàng hải, Trung Quốc sẽ càng có cớ để gây áp lực cũng như có quyền can thiệp quân sự đối với các quốc gia Đông Nam Á, một khi các nước này tiến hành những hoạt động mà Trung Quốc cho là vi phạm vùng biển của mình.
Trên thực tế là mặc dù Toà Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế-PCA đã ra phán quyết cho rằng đường 9/10 đoạn của Trung Quốc không có bất kỳ giá trị về mặt pháp lý thì Trung Quốc vẫn không tôn trọng quyết định này bởi vẫn chưa có một biện pháp trừng phạt nào đối với việc không tuân thủ của Trung Quốc trong vấn đề này. Và dường như luật pháp quốc tế đang đứng về phía Trung Quốc bởi vì cách đây khoảng 2,3 năm đã xảy ra một vụ đụng độ giữa một tàu của Nicaragua và một tàu của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư, vốn là vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc xét xử lại diễn ra ở Trung Quốc chứ không phải là ở Nhật Bản và điều này cho thấy là luật pháp dường như đang ngầm công nhận quần đảo Điếu Ngư là thuộc về Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản. Đặc biệt, từ hai năm nay, Trung Quốc đang nghiên cứu việc thành lập những toà án quốc tế riêng cho những yêu sách về hàng hải của mình. Mặc dù lúc này họ còn rất thận trọng khi tuyên bố chưa phải lúc để thành lập những toà án quy mô quốc tế nhưng rõ ràng là họ luôn là nước đi trước trong việc tạo ra những ràng buộc pháp lý có lợi cho họ và rất có khả năng, một ngày nào đó nếu như COC chính thức được thông qua, Trung Quốc sẽ chính là nước đại diện cho Toà án quốc tế để ra phán quyết đối với những quốc gia mà họ buộc tội là vi phạm.
3. RFA: Thưa ông, vì sao Toà trọng tài thường trực quốc tế (PCA), mặc dù là một tổ chức quốc tế nhưng những phán quyết của toà án này lại không đủ mạnh để gây áp lực đối với Trung Quốc trong những tranh chấp nói trên?
Tướng Daniel Schaeffer: PCA đã thực hiện nhiệm vụ của mình là đưa ra những phán quyết trong các vụ tranh chấp quy mô quốc tế. Tuy nhiên, họ không thể can thiệp và ép buộc để Trung Quốc phải thực hiện những phán quyết. PCA đã đưa ra phán quyết của mình trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào năm 2013 nhưng theo Công ước luật biển của Liên hợp quốc thì nếu một phán quyết như vậy được đưa ra thì kết quả của nó cũng sẽ được áp dụng đối với tất cả các nước có liên quan khác. Ví dụ như phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng sẽ có thể được áp dụng đối với các nước khác trong khu vực. Đó là một trong những hạn chế của PCA. Bên cạnh đó là việc Liên Hợp Quốc bao gồm cả Đại hội đồng LHQ đã không lên án mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ những phán quyết mà PCA đưa ra. Ngoài ra, Hội đồng Bảo an LHQ cũng không thể can thiệp trong trường hợp này bởi Trung Quốc là thành viên thường trực thứ 5 trong trong cơ quan này do đó Trung Quốc hoàn toàn có thể phủ nhận phán quyết trên nếu muốn. Ngoài ra, Hoa Kỳ, đối trọng trong nhiều lĩnh vực của Trung Quốc lại tỏ ra thận trọng và không tỏ rõ thái độ ủng hộ hay phản đối phán quyết trên của PCA nên cho đến thời điểm này Trung Quốc đang là một quốc gia rất quyền lực trong những tranh chấp về lãnh hải với các quốc gia có liên quan.
RFA: Vậy theo ông các nước Đông Nam Á và cụ thể là Việt Nam cần phải hành động như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?
Tướng Daniel Schaeffer: Trong trường hợp này các nước Đông Nam Á nên hợp tác với Trung Quốc trên chính những vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với tất cả các quốc gia có liên quan. Ví dụ như Việt Nam hoàn toàn có thể mời Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tham gia khai thác những mỏ dầu mà Việt Nam chưa tiến hành khai thác và thoả thuận hợp tác sẽ được soạn thảo theo hướng để Trung Quốc thừa nhận tiến hành thực hiện khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không phải là của Trung Quốc. Đây cũng là việc mà Philippines đang thực hiện. Mặc dù đã có rất nhiều tranh luận liên quan đến quan điểm chính trị tại Philippines liên quan đến đề xuất này, nhưng trên thực tế việc Tập đoàn dầu khí Philippines và Trung Quốc ký kết với nhau là ở cấp độ hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp chứ không phải ở cấp quốc gia. Do đó Philippines hoàn toàn có thể hợp tác cùng CNOCC khai thác khí đốt tại bãi Cỏ Rong cho dù đây là vùng biển tranh chấp của hai quốc gia này. Và Việt Nam cũng hoàn toàn có thể học tập Philiippines theo hình thức này.
Bên cạnh đó, Việt Nam nên giữ mối quan hệ chặt chẽ với Nga vì mặc dù Nga là đồng minh của Trung Quốc trong cuộc chạy đua với Mỹ, nhưng Nga lại là đối tác trung thành với Việt Nam và nếu tôi nhớ không nhầm đã có lần Nga hứa giúp Việt Nam khai thác các mỏ khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính vì vậy, VietSoPetro có thể đề xuất với Tập đoàn dầu khí Việt Nam trở lại thăm dò và khai thác Mỏ Cá Rồng Đỏ để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước Trung Quốc, trong trường hợp công ty khoan dầu Repsol của Tây Ban Nha bị buộc phải rời khỏi khu vực này.
RFA: Xin cảm ơn ông.
Mỹ bày tỏ quan tâm đến COC
Đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ chỉ có kết quả tốt đẹp nếu đối thoại giữa các bên liên quan diễn ra trong một môi trường thuận lợị và vấn đề Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington hiện nay.
Mạng báo Philstar của Philippines dẫn lời ông Patrick Murphy, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Đông Nam Á loan tin này nhân một cuộc họp báo hôm 5/4.
Tại sự kiện Đối thoại giữa Hoa Kỳ và ASEAN, diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia hôm thứ ba 03/4 vừa qua, vấn đề Biển Đông đã được đưa vào chương trình nghị sự và Washington coi việc đối thoại giữa 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc về vấn đề COC là một tín hiệu tích cực cho các vấn đề trên Biển Đông. Theo ông Murphy, chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận những nỗ lực để đạt được thoả thuận về COC của ASEAN và Trung Quốc đồng thời chia sẻ mối quan tâm của mình trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc cần duy trì một lệnh cấm quân sự hoá,
xây dựng hay cải tạo những khu vực đang xảy ra tranh chấp.
Hoa Kỳ đang hy vọng rằng tiến trình đàm phán COC sẽ diễn ra một cách minh bạch và sẽ thu được “kết quả mang tính ràng buộc pháp lý và tuân thủ theo luật pháp quốc tế”.
Ông Murphy cho biết thêm là gần một nửa giá trị thương mại của thế giới được thực hiện tại khu vực đang có những tranh chấp lãnh hải này do đó COC là một mối quan tâm của tất cả các quốc gia hiện nay.
Hoa Kỳ không nằm trong số những quốc gia có liên quan nhưng Hoa Kỳ quan tâm và muốn tham gia vào vấn đề Biển Đông bởi COC có ảnh hưởng đến vấn đề thương mại của Hoa Kỳ cũng như vấn đề di chuyển bằng tàu biển và hàng không qua khu vực tranh chấp này của Hoa Kỳ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/my-bay-to-quan-tam-den-COC-04052018084054.html
ASEAN Không Ưa Mỹ?
Trần Khải
Nhiều chuyện khó hiểu… Sau một thời thân Mỹ, nhiều quốc gia bây giờ lại e ngại thân Mỹ sẽ bất lợi cho giao hảo với Hoa Lục. Bất ngờ là nhiều quôc gia trong khoi ASEAN lại có vẻ đổi chiều, ít nhất là trong khi chưa có chiến tranh để cần Mỹ trợ thủ.
Báo Jakarta Post hôm 5 tháng 4/2018 đăng bài viết của chuyên gia Mark J Valencia, được đăng lại trên nhiều báo khu vực ASEAN trong đó có báo The Nation của Thái Lan, nhan đề “Does Asean support US military presence in the South China Sea?”
Câu hỏi nhức nhối rằng có đúng là ASEAN muốn Mỹ hiện diện quân sự ở Biển Đông?
Dĩ nhiên, với Việt Nam thì đúng là muốn mời Mỹ vào, nhưng ở mức độ để không bị Trung Quôc gây sự. Nguyên tắc là, Việt Nam đi dây, không để bị nghiêng hẳn về một bên.
Với Singapore là rõ ràng, vì Thủ Tướng Lee Hsien Loong mới nói với truyền thông Úc châu rằng hầu hêt trong khôi ASEAN muôn Mỹ có mặt quân sự ở Biên Đông.
Nhưng nhiêu chiến lược gia Indonesia nói rằng Mỹ vào sẽ chỉ bất lợi cho khu vực vì họ “nghi ngờ ý đồ của Mỹ” và họ không muốn bất ổn khu vực, khi Mỹ-TQ cạnh tranh quân sự trong khu vực.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Indonesia là Ryamizard Ryacudu nói rằng “nếu khu vực tự giải quyết được Biển Đông, không cần ai vào nữa.”
Thế là rõ, vì ai là ai, ngoaì Mỹ, một quôc gia rất xa Biển Đông.
Philippines thì nghi Mỹ cùng cực: Tổng Thống Rodrigo Duterte không tin Mỹ sẽ can thiệp thực sự gì vào Biển Đông, do vậy nhờ Mỹ vào không cần.
Thực tế cũng vì, Philippines đã mất bãi cạn Scarborough Shoal, và khi Haỉ quân TQ bao vây và chiếm nơi naỳ, Hải quân Mỹ không nhúc nhích gì.
Brunei và Thái Lan có vẻ gần gũi với TQ hơn là Mỹ, vì đỡ phaỉ nghe chuyện nhân quyền.
Trong khi đó, ba nước ASEAN không gần Biển Đông — Cam Bốt, Lào, Miến Điện — lại ung dung độc lập, không ủng hộ gì chuyện bảo vệ Biển Đông khỏi bàn tay TQ.
Nghĩa là, lợi ích riêng từng quó6c gia sẽ chi phôi chính sách của ASEAN… Nghĩa là, chuyện Mỹ muôn dấn thân vào Biển Đông cũng là chuyện rất xa, nếu có.
Trong khi đó, bản tin RFI hôm 4/4/2018 ghi nhận: Mỹ và ASEAN quan ngại Biển Đông bị «quân sự hóa»…
Bản tin ghi rằng trong cuộc đối thoại thường niên lần thứ 31 tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 03/04/2018, đại diện Hoa Kỳ và hiệp hội ASEAN đồng bày tỏ mối lo ngại về tình trạng Biển Đông dần dần biến thành vùng quân sự với một hệ thống tiền đồn đã và đang thiết lập mà phần lớn là của Trung Quốc.
Cuộc đối thoại Mỹ-ASEAN do quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ, bà Susan Thornton, và tổng thư ký bộ Ngoại Giao Malaysia, ông Dato Ramlan Ibrahim, đồng chủ tọa, nhằm xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa hai đối tác Hoa Kỳ và Đông Nam Á từ an ninh, kinh tế cho đến giáo dục và xã hội.
Bản thông cáo báo chí cho biết Mỹ và các nước Đông Nam Á đã có những trao đổi quan điểm về khái niệm khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mỹ và ASEAN xác định «gắn bó» với trật tự khu vực đặt trên nền tảng luật lệ và kiến trúc của hiệp hội ASEAN. Trong tinh thần này, Mỹ và ASEAN hoan nghênh các nỗ lực «đi đến một bộ quy tắc ứng xử» ở Biển Đông và nhấn mạnh đến «nhu cầu giải quyết xung đột bằng phương thức hoà bình, luật pháp và ngoại giao».
Nhưng điều làm Mỹ và ASEAN lo ngại là vùng Biển Đông đang bị «quân sự hóa với hàng loạt tiền đồn». Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã biến các bãi đá ngầm thành căn cứ quân sự, trại lính, phi trường, quân cảng.
Liên quan đến tình hình Bắc Á, Mỹ và ASEAN cùng chia sẻ quan điểm hoan nghênh Bắc Hàn tỏ dấu hiệu hợp tác để «giải trừ hạt nhân» nhưng khẳng định sẽ tiếp tục gây sức ép với Bình Nhưỡng cho đến khi đạt được kết quả cụ thể.
Bản tin RFI cũng nêu viễn ảnh: Hàng không mẫu hạm Mỹ -Trung «tập trận» cùng lúc tại biển Đông?
Theo báo chí Hồng Kông, hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt sắp tham gia một cuộc tập trận tại Biển Đông, cùng lúc với một cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai nước.
Nhật báo Orient Daily News cho biết hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Theodore Roosevelt, hiện đang cặp bến Singapore, sẽ dẫn đầu hải đội tác chiến số 9, thuộc hạm đội 7, và rất có thể sẽ tiến hành một cuộc tập trận với «lực lượng của nhiều nước khác» tại Biển Đông. Hành động này có thể bị Trung Quốc xem là «khiêu khích».
Theo Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, kể từ ngày 05 cho đến 11/04, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ cùng với 40 chiến hạm tập trận tại Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là biển Nam Hải để «nâng cao khả năng tác chiến và chuẩn bị đương đầu với một cuộc xung đột nếu xảy ra».
Trong tình hình sôi động như thế, hai miền Đại Hàn có vẻ như sẽ nói chuyện được về thông nhất… Thế là tiết kiệm xương máu.
Bản tin KBS ghi rằng Nam Hàn và Bắc Hàn đồng thuận xúc tiến phương án cùng tiến vào lễ khai mạc Á vận hội 2018.
Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Nam Hàn Do Jong-hwan đang trong chuyến thăm Bình Nhưỡng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Bắc Hàn Kim Il-guk vào sáng hôm 2/4 tại Đại lễ đường Mansudae (trụ sở Hội đồng nhân dân tối cao, cơ quan tương đương Quốc hội).
Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về phương án giao lưu thể thao liên Triều, trong đó đông thuận xúc tiến phương án đoàn thể thao hai miền Nam-Bắc cùng tiến vào lễ khai mạc Á vận hội sắp diễn ra tại Indonesia vào tháng 8 tới.
Trước tiên, Bộ trưởng Thể thao hai nước nhất trí sẽ lập phương án giao lưu thể thao cụ thể sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, trong đó bao gồm phương án cùng tiến vào lễ khai mạc Á vận hội. Bộ trưởng miền Bắc Kim Il-guk bày tỏ tin tưởng nếu hai bên liên tục gặp gỡ, trao đổi tài liệu, tiếp xúc cấp chuyên viên để thảo luận về thể thao, đồng thời cùng hợp sức thì hoàn toàn có thể đứng đầu châu Á, trở thành một đội tuyển mạnh tầm cỡ thế giới.
Về phần mình, Bộ trưởng Nam Hàn Do Jong-hwan cho rằng do hai miền đang phải chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 4 nên việc thảo luận cụ thể về vấn đề thể thao nên để sau khi cuộc họp này kết thúc. Bộ trưởng Do hy vọng thể thao sẽ là lĩnh vực đi đầu trong hòa giải và giao lưu giữa hai miền. Ông cũng đề nghị thảo luận tiếp về việc có hợp nhất đoàn thể thao liên Triều tại Đại hội thể thao châu Á Jakarta (Indonesia) hay không trong thời gian tới.
Thế là, khỏi phải đổ xương máu cho một cuộc thống nhất nữa — hy vọng thế.