Tin Biển Đông – 05/03/2018
Tàu sân bay Mỹ vào Vịnh Đà Nẵng
Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến VN kể từ khi kết thúc chiến tranh VN, đánh dấu mối quan hệ chiến lược giữa hai nước từng là kẻ thù, vào thời điểm ảnh hưởng khu vực của TQ đang gia tăng, theo Reuters.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể được nhìn thấy vào sáng thứ Hai 5/3 tại vùng biển ngoài khơi Vịnh Đà Nẵng, nơi tàu sân bay có lượng giãn nước 103.000 tấn và hai tàu khác của Hoa Kỳ bắt đầu chuyến thăm năm ngày.
Các bạn xemHọp báo của Hải quân Hoa Kỳ trong lễ đón các chiến hạm vào Đà Nẵng chiều 05/03 trên trang Facebook Live của BBC Tiếng Việt.
‘Chuyến thăm lịch sử’
Sự xuất hiện của USS Carl Vinson đánh dấu sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Hoa Kỳ ở Việt Nam từ năm 1975 – nhưng cũng minh hoạ cho mối quan hệ phức tạp và tiến triển của Hà Nội với Bắc Kinh đối với khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Việt Nam đã nỗ lực hàng tháng trời để làm dịu bớt mối lo ngại của người láng giềng Trung Quốc đối với chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson và triển vọng hợp tác an ninh tăng cường giữa Hà Nội và Washington.
Bình luận sự kiện tàu USS Carl Vinson đến thăm VN
Các tàu sân bay Hoa Kỳ thường xuyên qua lại trên Biển Đông trong một đợt triển khai hải quân tăng cường, và hiện nằm trong sự theo dõi của các tàu hải quân Trung Quốc, giới chức hải quân khu vực cho hay.
Việc Trung Quốc nhanh chóng xây dựng trong quần đảo Trường Sa khiến Việt Nam và chính phủ các nước trong khu vực lo ngại khi nước này tìm cách thực thi tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn các khu vực đường thủy đang tranh chấp, nơi hàng trăm nghìn tỷ đô la thương mại đi qua mỗi năm.
Mặc dù không có tàu sân bay Mỹ nào đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc nhưng các tàu chiến nhỏ khác của Hoa Kỳ đã tiến hành các chuyến thăm cấp cao khi mối quan hệ được cải thiện trong những năm gần đây.
Các chuyến thăm nói trên bao gồm chuyến thăm 2016 của tàu ngầm USS Frank Cable và tàu khu trục USS John S. McCain tới vịnh Cam Ranh, một khu hậu cần quan trọng trong chiến tranh Việt Nam.
Một ban nhạc hải quân Hoa Kỳ sẽ trình diễn hòa nhạc tại Đà Nẵng trong chuyến viếng thăm của tàu Vinson, và thuỷ thủ từ tàu sân bay dự kiến sẽ tới thăm một trung tâm điều trị cho những người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh.
Tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson sẽ neo đậu tại thành phố cảng Đà Nẵng, nơi quân đội Mỹ đổ bộ đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, khiến nơi đây trở thành một địa điểm mang tính biểu tượng cao.
Cuộc viếng thăm này nhằm minh chứng cho mối quan hệ quân sự ngày càng tăng của Việt Nam và Hoa Kỳ.
‘Thông điệp tới Trung Quốc’
Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc này chắc chắn sẽ gửi một thông điệp tới Trung Quốc khi nước này tiếp tục bành trướng tại khu vực tranh chấp trên biển Đông.
Phóng viên BBC Jonathan Head hiện đang có mặt tại Đà Nẵng, cho biết mặc dù hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến triển nhưng vẫn còn hạn chế, và Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ thông điệp của chuyến thăm này.
Trung Quốc hiện là một siêu cường trong khu vực và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
Vì vậy, lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang rất thận trọng để tránh bất kỳ động thái nào có thể gây bất lợi cho mối quan hệ với người láng giềng khổng lồ của mình, phóng viên Jonathan Head của BBC bình luận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và hòn đảo mà một số quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền. Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoa Kỳ luôn tuyên bố không can thiệp vào các tranh chấp trên Biển Đông, nhưng Hải quân Hoa Kỳ đã liên tục có các hoạt động “tự do hàng hải” tại các vùng biển đang tranh chấp, một thách thức rõ ràng đối với các tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
Tàu USS Carl Vinson đã thực hiện nhiều chuyến đi đến khu vực rộng lớn hơn trong hàng thập niên qua.
Đà Nẵng là căn cứ quân sự chính của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Việc hàng không mẫu hạm Mỹ, có thể mang tới 90 máy bay, cập cảng Đà Nẵng, sẽ đại diện cho sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh và sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975.
Chiến tranh Việt Nam – cái mà Việt Nam gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ – kéo dài và đẫm máu. Chính phủ Việt Nam ước tính hàng triệu người, cả dân thường và lính Cộng sản, đều bị giết. Chỉ hơn 58.000 lính Mỹ chết hoặc mất tích trong cuộc chiến.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43283117
Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam,
thách thức Trung Quốc
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ vừa đến thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào chiều ngày hôm nay, 5/3, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 4 ngày.
Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ đến thăm cảng Việt Nam kể từ sau cuộc chiến giữa hai nước hơn 40 năm về trước.
Đi cùng tàu USS Carlvinson là tàu tuần dương US Lake Champlain và khu trục USS Wayne E. Meyer, với hơn 5,000 thủy thủ.
Trong thời gian ở thăm, các thủy thủ của tàu Mỹ sẽ tham gia các hoạt động cộng đồng ở địa phương bao gồm thăm quan, biểu diễn văn nghệ và trao đổi chuyên môn, kỹ thuật về hỗ trợ ứng phó thảm họa, phòng cháy chữa cháy.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ra tuyên bố nói rằng chuyến thăm của tàu Carl Vison đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam độc lập, thịnh vượng và mạnh mẽ.
Đây là chuyến thăm đã được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thống nhất từ tháng 10 năm ngoái nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang Mỹ, và được xác định chính thức trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1 năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Các hãng tin quốc tế hôm nay cũng đồng loạt đưa tin về chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới Việt Nam.
Hãng tin Reuters đánh giá chuyến thăm đánh dấu sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ sau năm 1975, đồng thời cho thấy sự phức tạp trong quan hệ của Hà Nội với Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông.
Reuters trích nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết trước đó, những đặc phái viên của Việt Nam đã phải mất nhiều tháng trời thuyết phục người láng giềng Trung Quốc về chuyến thăm này và triển vọng quan hệ hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng chuyến thăm có thể làm Trung Quốc khó chịu nhưng Bắc Kinh sẽ không làm cho điều này thành quá nghiêm trọng. Ông nói Trung Quốc hiểu được mối quan hệ Mỹ Việt Nam do tác động của hành động lấn lướt của Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng biết rằng Việt Nam không thể theo Mỹ mà thách thức Trung Quốc.
Biển Đông là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực châu Á bao gồm Việt Nam.
Việc Trung Quốc gia tăng xây dựng các cơ sở quân sự và bồi đắp các đảo nhân tạo ở khu vực đang tranh chấp đã làm các nước lo ngại.
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc quân sự hóa khu vực biển Đông. Tàu chiến của Mỹ cũng đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực như đi gần các đảo mà Trung Quốc xây lấp.
Một số các nhà bình luận Trung Quốc gần đây cũng lên tiếng về chuyến thăm của tàu Carl Vinson, coi sự hiện diện của tàu ở khu vực biển Đông và nhất là đến thăm Việt Nam đòi hỏi Trung Quốc phải gia tăng việc quân sự hóa khu vực biển Đông. Trong khi đó, giới chức Trung Quốc tỏ ra khá im lặng kể từ khi chuyến thăm được chính thức công bố vào tháng 1 vừa qua.
Việt Nam coi trọng vai trò của Ấn Độ
ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương
Phải đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương và không thể để khu vực này trở thành một Balkan chịu sự chi phối bởi địa chính trị, cản trở bởi chủ nghĩa bảo hộ và chia cắt bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại New Delhi nhân chuyến thăm Ấn Độ hôm 4/3 vừa qua.
Trong ngày cuối cùng của chuyến thăm kéo dài ba ngày tới Ấn Độ, Chủ tịch Trần Đại Quang đã đề cập đến vấn đề tranh chấp biển Đông. Ông nói: khát vọng cho kỷ nguyên “Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương” sẽ trở thành hiện thực khi tất cả các nước tham gia nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải và thương mại. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò Ấn Độ, cho rằng nước này đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và xây dựng hòa bình và an ninh trong khu vực.
Tuyên bố chung hai nước cũng sử dụng cụm từ Ấn Độ Châu Á Thái Bình Dương là một cụm từ được Hoa Kỳ và các nước đồng minh ở châu Á như Úc và Nhật ủng hộ, cho thấy vai trò đang lên của Ấn Độ trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc né tránh đề cập đến khái niệm này.
Manila: Muốn khai thác chung Bãi Cỏ Rong,
TQ phải công nhận chủ quyền của Philippines
Một thẩm phán của Philillpines phát biểu hôm 5/3 rằng bất kỳ một thỏa thuận nào giữa Philippines và một công ty Trung Quốc để khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trên Biển Đông sẽ là bất hợp pháp trừ khi Trung Quốc công nhận chủ quyền Philippines đối với khu vực đó, theo hãng tin Reuters.
Gần đây Manila đã xác định hai khu vực trong thủy lộ nhộn nhịp là địa điểm phù hợp để thăm dò khai thác chung. Hai nước tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao và pháp lý nhưng không đề cập đến vấn đề chủ quyền.
Cả hai nước đều có tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Rong, nhưng luật pháp quốc tế nói rằng bãi này nằm trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines. Trung Quốc nói rằng Bãi Cỏ Rong nằm trong cái gọi là đường chín đoạn do Bắc Kinh đặt ra, trong đó tuyên bố quyền lịch sử đối với cả khu vực.
Ông Antonio Carpio, quyền thẩm phán hàng đầu của Tòa án Tối cao, cho biết việc Bộ Năng lượng Philippines trao đổi với Tập đoàn Dầu khi Quốc gia Trung Quốc (CNOOP) là hợp pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hinh ANC, ông Carpio nói: “Không có vấn đề gì nếu CNOOC công nhận rằng đó là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Nhưng nếu CNOOC không công nhận thì việc đó lại có vấn đề.”
Ông Carpio phát biểu như vừa nêu với tư cách là một chuyên gia về luật pháp quốc tế và là người ủng hộ nhiệt thành cho chủ quyền lãnh hải của Philippines.
Trung Quốc là nước ký kết Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), nhưng không công nhận một phán quyết của tòa án La Hague năm 2016 trong đó vô hiệu hóa đường chín đoạn của Trung Quốc.
Tuần trước, ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào giữa Manila và Bắc Kinh cần phải được thống nhất với một công ty, chứ không phải là với chính phủ Trung Quốc.
Hôm 5/3, ông Roque cho biết Philippines và Trung Quốc sẽ phải ký một hiệp định để cùng tham gia thăm dò và khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong.