Tin Biển Đông – 05/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 05/02/2018

Trung Quốc gần hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông

Trung Quốc gần như đã hoàn thành quân sự hóa 7 rạn san hô mà Philippines tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, tờ Inquirer của Phillippines mới đưa tin, dựa trên các bức ảnh chụp từ trên không.

Báo The Straits Times hôm 5/2 nói rằng những bức ảnh này cho thấy các rạn san hô đã được biến đổi thành các hòn đảo nhân tạo trong giai đoạn hoàn thành để phục vụ cho căn cứ không quân và hải quân. Tờ báo này cho biết hầu hết các bức ảnh được chụp từ tháng 6 đến tháng 12/2017 từ độ cao 1.500 mét.

Khi được cho xem ảnh, ông Eugenio Bito-onon Jr., cựu thị trưởng thị trấn Kalayaan trên đảo Pag-asa, hòn đảo lớn nhất mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, còn được gọi là đảo Thị Tứ, đã nhận ra sự hiện diện của các cơ sở mới trên đảo nhân tạo.

Tin cho hay, hai năm trước, khi bay qua các hòn đảo này cùng với các nhà báo nước ngoài, ông Bito-onon đã chứng kiến các công trình xây dựng đang diễn ra.

Ông Bito-onon nói: “Những bức ảnh này phản ánh đúng sự thật. Tôi đã bay với hãng truyền hình HBO trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào năm 2016. Khi ấy, chúng tôi nhận được cảnh báo từ phía Trung Quốc vì chúng tôi bay vòng quanh các hòn đảo. Còn bây giờ đã có thêm các cơ sở mới.”

Theo báo chí Philippines, với việc xây dựng nhanh chóng này, Trung Quốc sẽ sớm có các pháo đài quân sự nhằm tăng cường sức mạnh trên các bãi đá khác mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, trong đó có Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn hay Đá Subi.

Trong một phúc trình về việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông hồi tháng 12 năm ngoái, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Hoa Kỳ cho biết rằng Đá Chữ Thập được xây dựng nhiều nhất, với 110.000 mét vuông diện tích công trình vào năm 2017.

Các đường băng sân bay trên ba rạn san hô lớn nhất – Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi, dường như đã hoàn thành hoặc gần như đã sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Các ngọn hải đăng, đài radar, cơ sở truyền tin, nhà chứa máy bay (hangar) và các tòa nhà nhiều tầng cũng đã được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo này.

AMTI còn đã ghi nhận có cả các đường ngầm, hầm trú ẩn, radar và ăng-ten có tần số cao hiện diện trên các hòn đảo nhân tạo.

Các bức ảnh mà tờ Inquirer có được cho thấy sự hiện diện liên tục của các tàu chở hàng được cho dùng để vận chuyển vật liệu xây dựng cho các hòn đảo nhân tạo.Ba tàu quân sự có khả năng vận chuyển binh sĩ và vũ khí đã cập cảng tại Đá Vành Khăn trong một bức ảnh được chụp vào ngày 30/12 vừa qua. Đây là hai tàu vận tải và một bến đỗ di động.

Tàu khu trục có tên lửa Lạc Dương 527, thuộc lớp Giang Vệ II 053H3, cũng đã bị phát hiện ở cách Đá Subi khoảng một km vào ngày 15/11/2017.

Một bức ảnh chụp ngày 16/6/2017 cho thấy tàu tuần dương Lộ Châu 592, tàu khu trục tên lửa lớp Giang Đảo 056, đã hiện diện ở Đá Vành Khăn.

Mức độ phát triển trên các rạn san hô cho thấy rằng Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa bất chấp thỏa thuận năm 2002 giữa Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên nói rằng các bên không được thay đổi bất kỳ đặc điểm nào ở khu vực này.

Ngoài Philippines và Trung Quốc, các nước như Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan cũng ra tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc đã phớt lờ phán của Trọng tài Quốc tế vào tháng 7/2016 trong đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và tuyên bố Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tờ The Straits Times nói rằng sự im lặng của khối ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh Manila vào cuối năm 2017 về phán quyết trọng tài đối với Philippines là một thắng lợi ngoại giao cho Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-gan-hoan-tat-viec-quan-su-hoa-bien-dong/4239479.html

 

Một Năm Mỹ Ly Gián VN, TQ

Vi Anh

Về Biển Đông trong năm đầu TT Trump nắm chánh quyền Mỹ, bên cạnh những hành động quân sự tuần tra sâu sát vào bên trong vùng 12 hải lý một số đảo quân sự hoá của TC, công tác chánh trị ngoại giao, là ly gián CSVN với CS Trung Quốc [xin gọi tắt là VC và TC]. TT Trump gửi thơ mời Chủ Tịch Nước Trần đại Quang và Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc công du Mỹ. Và Ông cũng đã công du sang Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC ở Đà Nẵng.

Còn TC, sau khi TT Trump đắc cử, Chủ Tịch Tập cận Bình đã triệu Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn phú Trọng sang Bắc Kinh gặp Chủ Tịch Tập cận Bình để nhận định hướng ngoại giao cho Đảng Nhà Nước CSVN, là phải “một đường máu chảy về tim”, gắn bó đồng hành với đồng chí TQ, chấm dứt  trò đi đu dây với Mỹ, dứt khoát thoát Mỹ, để kềm chế phe Nhà Nước không hướng về Mỹ như thời Nguyễn tấn Dũng nữa. Nhưng trước tình hình khó khăn kinh tế của VN và với lời mời của TT Mỹ, Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc công du Mỹ, được TT Trump tiếp rước tại Toà bạch Ốc và trên đường về ghé Nhựt được Nhựt đồng minh chí thân với Mỹ gởi cho một gói quà 22 tỷ Đô giao thương và đầu tư, tăng uy tín TT Phúc.

Phân tích dưới khía cạnh khác không thể không thấy nổi bật tương quan tam giác TC, Mỹ, và VC qua chuyến công du Mỹ, Nhựt của Thủ Tướng Phúc của CSVN. Đó là TT Trump, Ngoại Trưởng Tillerson  kinh nghiệm đàm phán đầy mình của Mỹ chơi đòn ly gián quá lợi hại, độc hơn vịt xiêm lai nhiều, đối với hai chế độ CS lớn nhứt còn sót lại ở Á châu. Mỹ mời mọc, lôi kéo CSVN xích lại gần Mỹ để gây nghi ngờ, chia rẽ (1)  giữa CSVN và CSTQ; (2) giữa Đảng CSVN và Nhà Nước CSVN.

Qua phản ứng phẫn nộ của một viên chức cao cấp của Trung Cộng, bỏ phòng họp ra về, lần đầu tiên trong hội nghị cấp lãnh đạo quốc phòng giữa hai chế độ CS láng giềng cho thấy Chủ Tịch Tập cận Bình của TC, Tổng bí Thư Nguyễn phú Trọng của CSVN đã bị sập bẫy của chánh quyền Mỹ. Với nhà tỷ phú Trump làm giàu nhờ kinh doanh, được dân Mỹ tín nhiệm bầu lên làm tổng thống Mỹ, và Ngoại Trưởng Mỹ Tillerson vốn tổng giám đốc điều hành của công ty xăng dầu lớn nhứt Mỹ Exxon Mobil với 40 năm kinh nghiệm kinh doanh, đàm phán với cả 40 nước. Hai nhà kinh doanh thành đạt này, hai ông già gân Mỹ này đã đem hết kinh nghiệm của mình ra phụng sự quốc gia, đối đầu với CS, đối đầu với đối thủ TC đáng gờm. Hai Ông đã xuất sắc mưu tính, chỉ dùng một mũi tên mà bắn trúng hai con chim CS ở Á châu Thái bình dương như  trên. Cái kế mời Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc công du Mỹ và Nhựt cấp cho CSVN rủng rỉnh một gói hợp đồng đầu tư và giao thương 22 tỷ Mỹ kim và một số tàu tuần duyên tân trang làm cho Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng không những khó  đính chánh với Đảng Nhà Nước TC mà còn làm nội bộ Đảng CSVN thêm chia rẽ nữa. Chủ Tịch Bình nghi kỵ Đảng Nhà

Nước CSVN khi TT Trump mời cả Chủ Tịch Nước Trần đại Quang và TT Nguyễn xuân Phúc công du Mỹ sau khi TT Trump đắc cử,  Bắc Kinh không cho CSVN đi du dây với Mỹ. TT Trump mời hai nhân vật có chân trong bộ chánh trị, đứng đầu nắm nhà nước và chánh phủ công du Mỹ, thì chắc chắn Bắc Kinh phải nghi CSVN có đi đêm với nội các Trump. Dù không đa nghi như Tào Tháo, Tập cận Bình cũng phải suy nghĩ về vụ đi đêm, của CSVN với Mỹ.

Việc Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc đi Mỹ gặp TT Trump, gặp Thủ Tướng Abe của Nhựt, đồng minh trụ cột, đầu tàu của liên minh chống TQ ở Á châu Thái bình dương lại thỏa thuận tăng cường tương quan về an ninh thông qua các dự án được Nhật tài trợ, trong đó có việc tăng cường cho CSVN năng lực tuần tra bờ biển, thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ khoản viện trợ 38 tỉ yen (350 triệu đô la) để nâng cấp các tàu tuần duyên Việt Nam và năng lực tuần tra. Việc nâng cấp an ninh hàng hải là một phần của khoản tín dụng 100 tỉ yen (910 triệu đô la) được ký kết hôm (06/06), gồm các dự án trong lãnh vực khoa học, công nghệ và quản lý nước ngoài đem về cho VN 22 tỷ hợp tác đầu tư, làm cho Tổng Trọng rất lo. Lo phe Nhà Nước, trong đó Chủ Tịch Quang là người có thể tranh chức tổng bí thư của Trọng, đang tăng uy tín trong hàng ngũ trung ương uỷ viên.

Vết thương lở lói giữa Đảng và Nhà nước từ thời TT Nguyễn tấn Dũng như bịnh ung thư gan ruột lại bắt đầu đã “di căn”, tái phát trong nội bộ Đảng Nhà Nước CSVN. Số đảng viên CS theo đường lối đổi mới kinh tế, xích lại gần Mỹ để bớt lệ thuộc TQ thấy đó là đường lối đúng, tân chánh quyền Mỹ khai thông lại.

VN là chế độ CS, Mỹ cố gắng “móc nối” lôi kéo vào liên minh phòng chống TC. Một chiến thuật người Việt gọi là một mũi tên bắn hai con chim: lôi kéo CSVN vào liên minh do Mỹ lãnh đạo, và tách rời CS Trung Quốc và CS VN hai chế độ CS lớn mạnh nhứt con sót lại ở Á châu.

Mỹ xả cấm vận vũ khí sát thương cho CSVN, mà vẫn kiên định giữ lịnh cấm vận này đối với TC. Mỹ thấy 78% dân chúng VN mến mộ Mỹ, muốn nhà cầm quyến xích lại gần Mỹ để VN có thể giải toả lệ thuộc chánh trị, kinh tế của TC đối với VN, danh từ người Việt trong nước gọi là ‘thoát Trung’. Mỹ được cái thế là đại siêu cường duy nhứt có thể đối đầu với TC, mà không hề có tham vọng đất đai chiếm biển, lấy đảo của nước nào trong vùng. Trái lại Mỹ  thừa sức làm lá chắn phòng chống đà bánh trướng và xâm lăng của TC.

Sự có mặt của TT Trump tại hai hội nghị thượng đỉnh APEC và ASEAN cho các nước trong tổ chức ASEAN thấy Mỹ thời TT Trump không lơ là trong vấn đề Biển Đông, mà đi sâu, đi  sát hơn. Hải Quân Mỹ đã tuần tra và có kế hoạch tuần tra một tháng 2 lần sâu sát vào bên trong vùng 12 hải lý mà TC đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Richard Heydarian, phó giáo sư về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học De ​​La Salle, cho rằng chuyến đi “là cơ hội quan trọng để Trump nhấn mạnh và khẳng định lại sự dẫn dắt của Mỹ ở Đông Á, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi ngờ về cam kết của Washington đối với khu vực”.

Mới đây Bộ Trưởng QP Mỹ, Đại Tướng hồi hưu Mattis đến VN từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 1, 2018. Báo chí quốc tế nói BT/QP Mattis tới Hà Nội trong chuyến thăm 2 ngày hôm 24/1 để “xây dựng lòng tin” và thắt chặt quan hệ an ninh với Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Vào ngày 25/1 ông Mattis được Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng VN đón tiếp. Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch là nhân vật mà Ô. Mattis đã tiếp đón long trọng tại Bộ Quốc Phòng Mỹ khi Ông công du Mỹ. Từ tháng Tám năm 2017 đến nay Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis và người đồng nhiệm Việt Nam Tướng Lịch  đã gặp gỡ nhau 3 lần. Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ cập bến Cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018. Đây sẽ là một chuyến viếng thăm lịch sử, vì cho tới nay, chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập bến Việt Nam. Trước đây, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, các hàng không mẫu hạm của Mỹ chỉ đi ở ngoài khơi, chứ không ghé vào các cảng của Việt Nam./.(VA)

https://vietbao.com/a277275/mot-nam-my-ly-gian-vn-tq