Tin Biển Đông – 04/10/2018
Báo Mỹ tiết lộ kế hoạch thách thức Trung Quốc
trên Biển Đông của Washington
(VTC News) – Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ đang đề xuất một kế hoạch triển khai lực lượng ở phạm vi toàn cầu, trọng tâm ở Biển Đông nhằm chứng minh Washington đủ sức để ngăn chặn và chống lại các hành động quân sự ngang ngược của Bắc Kinh, theo CNN.
Lộ diện bằng chứng tàu chiến Trung Quốc hung hăng tiếp cận khu trục hạm Mỹ trên Biển Đông
Tàu chiến Trung Quốc hung hăng, tiếp cận nguy hiểm chiến hạm Mỹ trên Biển Đông
CNN đưa tin, theo đề xuất này, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ tăng cường các hoạt động trong tuần đầu của tháng 11/2018. Trọng tâm của kế hoạch, tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ cùng lục quân sẽ tham gia vào các cuộc tập trận tập trung để chứng minh Mỹ có thể chống lại các kẻ thù tiềm năng một cách nhanh chóng trên tất cả các mặt trận.
Cụ thể, các hạm đội và phi đội hải quân Mỹ sẽ di chuyển tới Biển Đông và eo biển Đài Loan để thực thi quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc tàu và máy bay Mỹ sẽ tập trận ở khoảng cách gần với các lực lượng Trung Quốc.
Trên thực tế Mỹ vẫn đang tiếp tục thực hiện các chiến dịch tương tự từ đầu năm tới nay, nhưng kế hoạch này đề xuất nhiều nhiệm vụ được triển khai đồng thời trong thời gian ngắn.
Một quan chức quốc phòng Mỹ mô tả kế hoạch này chỉ là “một ý tưởng”, nhưng theo CNN, nó đã được ban hành tới nhiều cấp trong quân đội.
Lầu Năm Góc từ chối thừa nhận hoặc bình luận về kế hoạch này.
“Như Bộ Trưởng Quốc phòng từng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, chúng tôi không bình luận về bất cứ chiến dịch nào trong tương lai”, Trung tá Dave Eastburn, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho hay.
Hạm đội Thái Bình Dương cũng từ chối đưa ra bình luận.
Thông tin được CNN đăng tải xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc tiết lộ về cuộc chạm trán giữa tàu chiến Trung Quốc và khu trục hạm của Mỹ trên Biển Đông.
Đại Úy Charles Brown, phát ngôn viên Hạm đội Mỹ-Thái Bình Dương trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 1/9 khẳng định tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã tiếp cận không an toàn và không chuyên nghiệp với khu trục hạm USS Decatur, khi chiến hạm Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra trong vùng biển quốc tế gần các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 30/9.
Ông Brown cho biết tàu Trung Quốc đã ngang nhiên gửi đi các cảnh báo buộc USS Decatur phải rời đi và có những hành động hung hăng, tiếp cận ở khoảng cách 40 m phía trước chiến hạm Mỹ.
Ankit Panda, chuyên gia chính sách đối ngoại và biên tập viên của tờ The Diplomat gọi vụ việc là “nỗ lực trực tiếp và nguy hiểm nhất từ trước đến nay của Quân đội Trung Quốc để can thiệp vào chiến dịch tự do hàng hải hợp pháp của Mỹ tại Biển Đông”.
Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông bất chấp cảnh báo từ cộng đồng quốc tế. Hải quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại vùng biển này và kêu gọi các quốc gia khác thực hiện các hành động tương tự.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều cường quốc quân sự trên thế giới đã bắt đầu có những hành động cụ thể để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và là một đòn đánh mạnh vào dã tâm của Trung Quốc tại vùng biển này.
Tuần trước, khu trục hạm HMS Argyll của Anh tham gia vào một cuộc tập trận cùng tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật Bản trên Ấn Độ Dương trước khi tiến vào Biển Đông.
Giữa tháng 9 vừa qua, tàu ngầm Kuroshio của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng các tàu chiến khác, trong đó có tàu sân bay trực thăng Kaga tham gia vào một cuộc diễn tập trên Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm của lực lượng hải quân Nhật Bản góp mặt trong một cuộc tập trận trên Biển Đông.
Lộ diện bằng chứng tàu chiến Trung Quốc hung hăng tiếp cận khu trục hạm Mỹ trên Biển Đông
Đầu tháng 9, tàu chiến HMS Albion Hải quân Hoàng gia Anh đã di chuyển tới gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong một động thái khẳng định quyền tự do hàng hải quốc tế và thách thức các tuyên bố phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Australia trong một tuyên bố đưa ra hôm 3/10 cũng lên án các hành động nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông liên quan tới cuộc trạm chán giữa chiến hạm Mỹ và tàu chiến Trung Quốc. Canberra cho rằng Bắc Kinh đã sử dụng những chiến thuật nguy hiểm trong vụ việc lần này.
Hồi tháng 7/2018, hải quân Australia xác nhận sẽ điều tàu tháp tùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong các hoạt động tuần tra hàng hải trên Biển Đông của hàng không mẫu hạm Anh.
“Giờ không chỉ còn là sự hiện diện của Mỹ. Các cường quốc khác đã bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, đây là những lời cảnh cáo rõ ràng nhất gửi tới Bắc Kinh”, ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định.
Việt Nam lên tiếng về việc tàu chiến Trung Quốc
áp sát tàu khu trục Mỹ ở Trường Sa
ANTD.VN – Chiều 4-10, tại buổi họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã cho biết phản ứng của Việt Nam về việc tàu chiến Trung Quốc áp sát tàu khu trục Mỹ ở Biển Đông.
“Một lần nữa chúng tôi xin khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, và là một quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý liên quan thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.
Trước đó, những bức ảnh được máy bay của Hải quân Mỹ chụp từ trên không cho thấy, tàu khu trục của lực lượng này suýt va chạm với một tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo trang tin CNN, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur của Hải quân Mỹ đang thực hiện chiến dịch “tự do hàng hải” gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc áp sát.
Hải quân Mỹ cho biết, 2 tàu cách nhau 41m, tàu chiến Trung Quốc “thực hiện hàng loạt động tác cơ động càng lúc càng hung hăng, kèm theo những cảnh báo yêu cầu tàu khu trục USS Decatur rời khỏi khu vực”. Trước hành động áp sát “nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp” của tàu Lan Châu, tàu Decatur buộc phải đổi hướng để tránh va chạm.
Theo Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Nathan Christensen, tàu chiến này được Trung Quốc triển khai để cản trở tàu Decatur thực hiện quyền tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.
Căng thẳng Biển Đông có thể gây ra chiến tranh
Kính Hòa RFA
Sự việc tàu khu trục Hoa Kỳ Decatur thực hiện một hải trình sát các bãi đá Trung Quốc đang chiếm giữ ở Trường Sa là Gaven và Garma vào 30 tháng 9, là tiếp nối một loạt các hải trình của tàu chiến phương Tây vào Biển Đông thách thức Trung Quốc, diễn ra chỉ trong thời gian chưa đầy nửa năm.
Cuối tháng 9, một tàu chiến Hàn Quốc, đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á đi sát quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ. Sau khi Bắc Kinh phản đối, Hàn Quốc nói rằng tàu của họ tránh bão.
Ngày 17/9 tàu ngầm Nhật Bản ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam sau một cuộc tập trận trên Biển Đông với các tàu chiến của Nhật.
Đầu tháng 9 tàu chở trực thăng Kaga của Nhật vào Biển Đông.
Cuối tháng 8, chiến hạm Anh HMS Albion đi sát Hoàng Sa.
Tháng 5, tàu đổ bộ Pháp Dixmude đi ngang qua Trường Sa.
Trong cùng thời gian đó máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ đã hai lần bay ngang qua vùng trời Biển Đông.
Bình luận về những sự kiện này, ông Nguyễn Thành Trung, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Sài Gòn nói với chúng tôi rằng dường như liên minh phương Tây đã đạt được một sự đồng thuận trong việc thách thức Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính sách cải tạo đảo của họ là như vậy, lấn từng bước từng bước, và họ đã thành công, tránh làm kinh động các quốc gia khác.
-Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về Biển Đông tại Sài Gòn đồng ý nhận định này:
“Biển Đông là nơi giao thương thương mại rất lớn. Thứ hai là Biển Đông cũng là nơi mà các bên đang thử sức nhau. Một bên là Hoa Kỳ muốn ngăn sự phát triển của Trung Quốc, vì sự phát triển đó không phải là sự phát triển đơn thuần mà kèm theo là sự hung hăng đe dọa toàn bộ thế giới. Vì thế nước Mỹ mới kêu gọi các đồng minh. Ngay từ năm ngoái đã có các quốc gia đồng ý, trong đó có Anh, Pháp,…cho tàu tuần tra khu vực Biển Đông. Và trong năm nay họ đã làm hình thành điều đó.”
Đối diện với sức ép tăng lên đó của phương Tây, Trung Quốc phản ứng như thế nào? Họ có chùn bước hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung trả lời:
“Trung Quốc đã tuyên bố hủy bỏ cuộc đối thoại giữa hai bộ trường quốc phòng trong tháng tới. Tháng rồi thì hủy chuyến thăm của tàu Mỹ vào Hongkong. Trung Quốc đang sử dụng tất cả các con bài có thể để chứng tỏ cho Mỹ biết rằng họ không để cho Mỹ bắt nạt.”
Cuối tháng 9, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói trong bài diễn văn đọc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng Trung Quốc sẽ không để cho mình bị bắt nạt trong bất cứ vấn đề gì.
Bà Nông Hồng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Trung Quốc, sau đó có làm rõ hơn, khi trả lời truyền thông Mỹ rằng một trong những vấn đề mà Bắc Kinh sẽ không để cho mình bị sức ép từ các nước khác, là vấn đề Biển Đông.
Thạc sĩ Hoàng Việt giải thích tiếp thái độ của Trung Quốc:
“Trung Quốc cho rằng họ là một cường quốc và sắp trở thành siêu cường. Cho nên họ sẽ không rút lui đâu. Gần đây nhất là tàu Trung Quốc đã áp sát một cách nguy hiểm, không an toàn tàu khu trục của Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy Trung Quốc không dễ gì bị xuống nước.
Tôi có trao đổi với một số học giả Trung Quốc về cuộc chiến tranh thương mại, thì họ vẫn khẳng định rằng Trung Quốc không dễ gì chịu thua trong cuộc chiến thương mại này. Và chúng ta thấy phản ứng của Trung Quốc là chơi tới cùng với Hoa Kỳ.”
Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, trước mắt Trung Quốc có thể sẽ bị bận rộn với liên tục những hành trình của máy bay và tàu chiến phương Tây, nhưng không bao giờ quên mục tiêu cuối cùng của họ là kiểm soát Biển Đông:
“Có thể là họ nhẹ nhàng hơn chút xíu, rồi khi phe kia mất cảnh giác họ sẽ tiếp tục đạt mục tiêu của họ. Chính sách cải tạo đảo của họ là như vậy, lấn từng bước từng bước, và họ đã thành công, tránh làm kinh động các quốc gia khác.”
Từ hơn hai năm qua, Trung Quốc đã cho bồi đắp các đảo đá và bãi cạn mà họ đang chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước Đông Nam Á, thành cắc căn cứ hậu cần quân sự, đường băng đáp máy bay,….
Tuy nhiên Thạc sĩ Hoàng Hiệp cũng khá lạc quan về tình hình hiện nay tại Biển Đông:
Nếu cuộc chiến thương mại này ảnh hưởng đến tốc độ tăng trường của Trung Quốc, họ sẽ tìm cách hướng các bất mãn trong nước ra bên ngoài, với một cuộc chiến tranh nào đó.
-Thạc sĩ Hoàng Việt.
“Hồi năm ngoái, tôi mất cả niềm tin về Biển Đông, khi thấy Hoa Kỳ để cho Trung Quốc múa gậy vườn hoang. Nhưng bây giờ đã thay đổi. Điều đó cho thấy các quốc gia nhỏ như ASEAN đã có tiếng nói nhất định hơn trong việc này. Bởi vì Hoa Kỳ cũng cần các nước ASEAN đứng với họ. Các nước ASEAN cũng cần Hoa Kỳ hổ trợ, bởi vì trên thế giới bây giờ chỉ có một quốc gia có thể ngăn chận tham vọng biển của Trung Quốc, đó là Hoa Kỳ mà thôi.”
Ông Nguyễn Thành Trung thì cho rằng sự gia tăng sức ép của phương Tây ở Biển Đông là một cơ hội để cho Việt Nam tạo nên uy tín của mình trong việc tranh chấp ở Biển Đông.
“Nếu Việt Nam tuyên bố rõ ràng ủng hộ Mỹ và các quốc gia đồng minh trong chuyện tự do hàng hải, thì Việt Nam sẽ tỏ cho cộng đồng quốc tế rằng mình luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, tạo ra một uy tín rất lớn cho Việt Nam.”
Trở lại với ý định dài lâu của Bắc Kinh tại Biển Đông, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore, cho rằng sức ép của phương Tây chỉ làm cho Trung Quốc càng quyết tâm với mục tiêu độc chiếm Biển Đông của mình. Mà khả năng tệ nhất có thể là nổ ra chiến tranh ở Biển Đông.
Bình luận về khả năng này, ông Hoàng Việt nói với chúng tôi rằng hiện Mỹ đang ép Trung Quốc cả về thương mại lẫn trên biển, và điều đáng lo là cuộc chiến thương mại lại có thể làm Trung Quốc quyết đoán hơn trên Biển Đông:
“Nếu cuộc chiến thương mại này ảnh hưởng đến tốc độ tăng trường của Trung Quốc, họ sẽ tìm cách hướng các bất mãn trong nước ra bên ngoài, với một cuộc chiến tranh nào đó. Cuộc chiến tranh này không thể xảy ra với Mỹ được, vì Trung Quốc chả dại gì mà đụng vào Mỹ, một cường quốc hải quân. Họ sẽ tìm một quốc gia nhỏ nào đấy, có một sai lầm nào đấy, thì đó là một thách thức với các quốc gia ASEAN.”
Ông Nguyễn Thành Trung cũng cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh giữa đôi bên xảy ra.
“Phía Mỹ cùng đồng minh, lẫn Trung Quốc đều cố gắng không đẩy vấn đề quá xa. Chủ yếu dằn mặt nhau. Trong vụ tàu Trung Quốc cản tàu Decatur của Mỹ, khi còn cách khoảng 40 mét, nó đã chuyển hướng để tránh va chạm.”
Nhưng đồng thời ông cho rằng việc một cuộc chiến hạn chế mà Trung Quốc muốn tiến hành với một quốc gia nhỏ nào đấy là có thể xảy ra để làm tan đi sự bất mãn tiềm tàng trong nước.
Trong lịch sử quan hệ Việt Trung suốt 2000 năm qua, các nhà sử học và chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã vài lần tấn công Việt Nam để giải quyết những lộn xộn về chính trị trong nước. Đó là cuộc tấn công của Nhà Tống vào thế kỷ 11 sau khi Tể tướng Vương An Thạch lên cầm quyền, cần đàn áp nhóm quan lại chống đối, và mới đây, 1979, Bắc Kinh đã xua quân tấn công Việt Nam trong một tháng. Cuộc tấn công này được cho là do Đặng Tiểu Bình tiến hành để tạo nên vị thế, thực hiện những thay đổi chính trị trong nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/east-sea-tension-war-10032018130619.html
Sĩ quan Mỹ rùng mình vì những pha chặn đường
“bán mạng” của máy bay, tàu chiến Nga, TQ
Trước vụ việc trên Biển Đông ngày 30/9 vừa qua, lực lượng không quân và hải quân Mỹ cũng từng nhiều lần chạm trán ở cự li gần với tàu chiến và máy bay của Nga và Trung Quốc.
Hôm 30/9 vừa qua, tàu khu trục USS Decatur của Mỹ đã bị tàu chiến Luyang của Trung Quốc chặn đầu “nguy hiểm” gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cụ thể, theo lời quan chức quốc phòng Mỹ, thì tàu Luyang đã tiếp cận và chặn đầu tàu USS Decatur của Mỹ ở khoảng cách 41m – khoảng cách được Mỹ coi là rất “nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp”.
Động thái của tàu chiến Trung Quốc đã khiến thuyền trưởng tàu USS Decatur phải nhanh chóng đổi hướng tàu để tránh va chạm.
Không phải chuyện hiếm
Tuy nhiên, theo hãng tin Mỹ ABC, thì đây không phải lần đầu tiên các lực lượng của Mỹ chạm trán với đối thủ ở cự li gần như vậy ở trên không và trên biển.
Do các tàu chiến và máy bay của Mỹ thường xuyên hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới, nên việc chạm trán ở cự li gần với tàu chiến nước khác, đặc biệt là của Nga và Trung Quốc, vẫn có thể xảy ra.
Tuy không phải là chuyện “cơm bữa”, nhưng những lần chạm trán ấy cũng khiến dư luận được dịp xôn xao.
Nếu Mỹ cho rằng động thái của đối phương gây nguy hiểm tới lực lượng của mình, thì Washington sẽ làm đơn khiếu nại đối với đối phương. Nhưng thông thường thì quân đội Mỹ sẽ chỉ đưa ra thông cáo chung về vụ việc, kèm theo lời tái khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong các vùng không phận và hải phận quốc tế.
ABC cho biết các cuộc chạm trán giữa Mỹ và Nga, Trung Quốc trên biển và trên không xảy ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây, với nhiều lí do khác nhau.
Các quan chức Mỹ cho rằng lí do các tàu chiến và máy bay Nga áp sát các lực lượng của Mỹ là bởi phía Nga muốn khẳng định sức mạnh quân sự của mình tại các khu vực biên giới của nước này.
Trái lại, hành động của Trung Quốc được cho là nhằm bảo vệ cho hoạt động quân sự hóa và bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của nước này trên Biển Đông.
Mỹ từng nhiều lần chạm trán “nguy hiểm” với Nga và Trung Quốc
Trong những năm gần đây, những lần chạm trán ở cự li gần nhất giữa Nga và Mỹ xảy ra trên Biển Baltic và Biển Đen, trong đó phía Mỹ cáo buộc máy bay quân sự của Nga áp sát các tàu chiến và máy bay quân sự của Mỹ.
Ví dụ, ngày 29/1/2018, phía Mỹ đã cáo buộc chiến đấu cơ Su-27 của Nga tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm (chỉ cách 1,5m) và còn cắt ngang đường bay của máy bay trinh sát EP-3 Aries của Mỹ trong vùng không phận quốc tế trên Biển Đen.
Tuy nhiên phía Bộ Quốc phòng Nga khẳng định rằng chiếc Su-27 của nước này đã duy trì khoảng cách an toàn để nhận dạng máy bay của Mỹ – mà Moskva cho là đang tiến vào không phận của Nga.
ABC cho rằng vụ chạm trán ngày 29/1 có nhiều điểm tương đồng với vụ chiến đấu cơ Su-30 của Nga vọt lên chặn đầu trinh sát cơ P-8 Poseidon của Mỹ hồi tháng 11/2017, khiến phi công P-8 Poseidon phải chuyển hướng đột ngột.
Tuy nhiên, có lẽ lần chạm trán liều lĩnh nhất là vụ việc hồi tháng 4/2016 trên cả không phận và hải phận biển Baltic.
Ngày 11-12/4, tàu khu trục USS Donald Cook đã bị hai chiến đấu cơ Su-27 áp sát hơn 30 lần, có lần còn áp sát ở khoảng cách 9m.
Cũng trong tháng đó, phi công điều khiển chiến đấu cơ Su-27 của Nga còn tiếp tục tiếp cận rất gần máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ (ở khoảng cách hơn 7m) và thực hiện các động tác nhào lộn trên không.
Trong khi đó, đa số những lần chạm trán nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc thường xảy ra trên Biển Đông, nơi Trung Quốc bồi đắp nhiều đảo trái phép và tăng cường quân sự hóa trong thời gian gần đây.
Trong nhiệm vụ tự do hàng hải (FONOP), lực lượng hải quân Mỹ được yêu cầu di chuyển qua các đảo đá nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép tại Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Cũng giống như vụ việc mới xảy ra với tàu USS Decatur hồi cuối tuần qua, các tàu Mỹ cũng đôi lần chạm trán với tàu chiến Trung Quốc tại khu vực này.
Phía Trung Quốc thường phát cảnh báo trên sóng vô tuyến, yêu cầu tàu Mỹ (và các tàu thuyền nước khác) rời khỏi khu vực đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Phía Mỹ luôn khẳng định họ đang di chuyển hợp pháp trên vùng biển quốc tế, và giữ khoảng cách an toàn với tàu Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước đây trên Biển Đông từng xảy ra hai lần chạm trán nguy hiểm khiến tàu Mỹ suýt đâm trúng tàu Trung Quốc.
Tháng 12/2013, tàu tuần dương USS Cowpens đã kịp né tàu chiến Trung Quốc “trong gang tấc”, theo ABC. Phía Mỹ cho biết tàu Trung Quốc đã gây hấn trước với họ.
Một vụ việc tương tự đã xảy ra hồi tháng 3/2009, khi 5 chiếc tàu của Trung Quốc gây hấn với tàu do thám USNS Impeccable của Mỹ trên Biển Đông. Một trong số các tàu Trung Quốc đã tiếp cận rất gần với tàu Mỹ (trong khoảng cách hơn 7m), khiến thủy thủ đoàn trên tàu Mỹ phải dùng vòi chữa cháy để ngăn các tàu Trung Quốc tiếp tục tiến sát hơn.
Cuối cùng, tàu do thám của Mỹ đã phải dừng lại để tránh va chạm với các tàu Trung Quốc đang chắn đường di chuyển của họ.
Theo ABC, Trung Quốc không chỉ dùng tàu chiến để chặn đường Mỹ, mà các máy bay và sóng vô tuyến trên Biển Đông cũng là công cụ đắc dụng khi Mỹ điều máy bay đến khu vực này.
Thậm chí Trung Quốc còn sử dụng cả chiêu bay lộn vòng trên không. Hồi tháng 5/2017, một chiếc chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc đã thực hiện cú lộn mình trên không phía trên chiếc trinh sát cơ C-135 của Không quân Mỹ.
Biển Đông: Úc khuyến cáo
Trung Quốc chớ hăm dọa hay gây hấn
Úc cảnh cáo Bắc Kinh chớ sử dụng chiến thuật “hăm dọa hay gây hấn” sau vụ một tàu khu trục Trung Quốc thách thức tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông.
Hôm Chủ nhật (30/09) vừa qua, một tàu hải quân Trung Quốc ‘đối mặt’ tàu khu trục USS Decatur lớp Arleigh Burke của hải quân Hoa Kỳ gần Đá Gạc Ma và Đá Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa. Giới chức Mỹ mô tả hành động này là ‘không an toàn’ và tố cáo tàu Trung Quốc áp sát tàu Mỹ trong phạm vi chừng 40m.
“Chúng tôi coi việc sử dụng những chiến thuật hăm dọa hay gây hấn là nguy hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ và gây bất ổn,” Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne cho hay.
“Úc thời gian qua liên tục bày tỏ quan ngại về những hoạt động quân sự hóa tiếp diễn trên khu vực Biển Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục các bên tuyên bố chủ quyền cần kiềm chế, tránh hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng.”
Hôm thứ Ba (02/10), quân đội Úc đã bắt đầu một cuộc diễn tập quân sự đa phương kéo dài hai tuần trên Biển Đông cùng với các đối tác đến từ Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh quốc.
Động thái này diễn ra sau khi xuất hiện những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hai quốc gia này đang đối đầu nhau trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, vấn đề Đài Loan, các lệnh trừng phạt, và việc Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông, nơi mà Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Hồi tuần trước, Bắc Kinh đã huỷ hai cuộc họp cấp cao với các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ, đồng thời cảnh báo sẽ có “hậu quả” nếu Washington áp đặt lệnh trừng phạt với lí do Bắc Kinh mua vũ khí của Nga. Ngoài ra, Trung Quốc cũng từ chối cho phép một tàu hải quân Hoa Kỳ ghé thăm Hong Kong.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis cũng đã huỷ chuyến thăm tới Bắc Kinh dự kiến diễn ra trong tháng này, tuy nhiên ông cho rằng, bất chấp những bất đồng, ông không cho rằng quan hệ Mỹ- Trung “đang xấu đi.”
Hôm thứ Ba (02/10), Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ đe doạ “chủ quyền và an ninh” của nước này bằng cách đưa tàu chiến đi vào vùng biển tranh chấp trên Biển Đông mà không xin phép, đồng thời lên án Washington “liên tiếp có hoạt động khiêu khích với chiêu bài ‘tự do hàng hải và hàng không’.”
https://www.voatiengviet.com/a/uc-khuyen-cao-trung-quoc-cho-ham-doa-hay-gay-han/4598692.html
Võ Đài Nơi Biển Đông
Trần Khải
Vậy là căng thẳng thêm ở Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam đang hưởng lợi, vì nhiều quốc gia đưa tàu chiến và chiến cơ vào Biển Đông để cho Trung Quốc thấy rằng chớ múa gậy vườn hoang, và rằng Biển Đông chẳng phải ao nhà của Hoa Lục.
Kinh tế cũng không quan trọng đối với an ninh… Bản tin từ thông tấn Nga Sputnik kể rằng: Việc Hoa Kỳ cung cấp dầu cho Trung Quốc hoàn toàn dừng lại trong bối cảnh xung đột thương mại giữa hai quốc gia. Điều này đã được công bố bởi Chủ Tịch của China Merchants Energy Shipping (CMES) Xie Chunlin, Reuters cho biết.
“Chúng tôi là một trong những hãng vận chuyển dầu chính từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc. Trước đây (xung đột thương mại) đó là một doanh nghiệp tốt, nhưng bây giờ nó đã hoàn toàn dừng lại”, — ông Chunlin nói tại hội nghị thượng đỉnh vận chuyển ở Hong Kong. Thực tế này được xác nhận bởi các dữ liệu theo dõi của những tàu của Refinitiv Eikon.
Bản tin ghi nhận Hoa Kỳ bắt đầu cung cấp dầu cho Bắc Kinh cách đây hai năm. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, xuất khẩu vàng đen của Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2017 đã vượt quá tổng lượng cung cấp cho Anh và Hà Lan, mà xếp thứ ba và thứ tư trong nhập khẩu dầu của Mỹ. Trung Quốc đứng thứ hai trong danh sách sau Canada. Bắc Kinh chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Mỹ. Đồng thời, đối với Trung Quốc, việc cung cấp vàng đen từ Hoa Kỳ chỉ là ba phần trăm.
Trong khi đó, bản tin VOA nhắc rằng các chiến hạm có trò chơi mới ở Biển Đông: Hôm 30/9, một chiến hạm Trung Quốc đã “áp sát” một tàu khu trục Hoa Kỳ “một cách nguy hiểm”. Một giới chức quốc phòng cho VOA biết tàu Mỹ lúc đó đang tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế cách Trường Sa 12 hải lý (22km). “Vào khoảng 0830 giờ địa phương ngày 30/9, tàu khu trục PRC Luyang của Trung Quốc đã áp sát tàu khu trục USS Decatur theo hướng di chuyển nguy hiểm và không chuyên nghiệp trong phạm vi lân cận Đá Gaven ở Biển Đông,” theo lời Trung tá Hải quân Nate Christensen, phó phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói với VOA.
Thực tế, người xưa nói rằng nuôi quân 3 năm, dùng chỉ một ngày… Trong khi đưa vào lạng qua, lạng lại ở Biển Đông chỉ là nửa giờ hay vài giờ là cùng… Không lính tráng mà cứ ngồi một chỗ?
Còn đồng minh Úc châu nữa… Bản tin VOA ghi rằng chính phủ Úc cảnh cáo Bắc Kinh chớ sử dụng chiến thuật “hăm dọa hay gây hấn” sau vụ một tàu khu trục Trung Quốc thách thức tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông.
Hôm Chủ nhật (30/09) vừa qua, một tàu hải quân Trung Quốc ‘đối mặt’ tàu khu trục USS Decatur lớp Arleigh Burke của hải quân Hoa Kỳ gần Đá Gạc Ma và Đá Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa. Giới chức Mỹ mô tả hành động này là ‘không an toàn’ và tố cáo tàu Trung Quốc áp sát tàu Mỹ trong phạm vi chừng 40m.
“Chúng tôi coi việc sử dụng những chiến thuật hăm dọa hay gây hấn là nguy hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ và gây bất ổn,” Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne cho hay.
“Úc thời gian qua liên tục bày tỏ quan ngại về những hoạt động quân sự hóa tiếp diễn trên khu vực Biển Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục các bên tuyên bố chủ quyền cần kiềm chế, tránh hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng.”
Hôm thứ Ba (02/10), quân đội Úc đã bắt đầu một cuộc diễn tập quân sự đa phương kéo dài hai tuần trên Biển Đông cùng với các đối tác đến từ Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh quốc.
Động thái này diễn ra sau khi xuất hiện những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hai quốc gia này đang đối đầu nhau trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, vấn đề Đài Loan, các lệnh trừng phạt, và việc Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông, nơi mà Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Hồi tuần trước, Bắc Kinh đã huỷ hai cuộc họp cấp cao với các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ, đồng thời cảnh báo sẽ có “hậu quả” nếu Washington áp đặt lệnh trừng phạt với lí do Bắc Kinh mua vũ khí của Nga. Ngoài ra, Trung Quốc cũng từ chối cho phép một tàu hải quân Hoa Kỳ ghé thăm Hong Kong.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis cũng đã huỷ chuyến thăm tới Bắc Kinh dự kiến diễn ra trong tháng này, tuy nhiên ông cho rằng, bất chấp những bất đồng, ông không cho rằng quan hệ Mỹ- Trung “đang xấu đi.”
VOA ghi thêm: “Hôm thứ Ba (02/10), Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ đe doạ “chủ quyền và an ninh” của nước này bằng cách đưa tàu chiến đi vào vùng biển tranh chấp trên Biển Đông mà không xin phép, đồng thời lên án Washington “liên tiếp có hoạt động khiêu khích với chiêu bài ‘tự do hàng hải và hàng không’.”…”
Phải chăng TQ đưa chiến hạm đâm sát đầu chiến hạm Mỹ là để nắn gân Mỹ? Bản tin RFI ghi rằng trong khi trả lời hãng tin AFP, nhà phân tích Timothy Heath, thuộc Viện tư vấn quốc phòng RAND Corporation của Mỹ, cho biết chưa bao giờ một chiến hạm Trung Quốc áp sát một chiến hạm Hoa Kỳ gần như thế. Theo nhà phân tích này, sự cố nói trên có thể phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Washington với Bắc Kinh, nhưng cũng có thể là do Trung Quốc muốn “nắn gân” Mỹ ở Biển Đông.
Sau chuyện ở vùng biển này, Bắc Kinh đã phản ứng rất giận dữ, khẳng định rằng các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ đang đe dọa đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đồng thời gây tổn hại quan hệ quân sự giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới…
Theo nhân định của nhà phân tích Timothy Heath, RAND Corporation, với căng thẳng đang gia tăng, Trung Quốc “có vẻ như muốn hù dọa Mỹ bằng một hành động liều lĩnh có thể gây ra va chạm giữa chiến hạm hai nước”. Ở đây có nguy cơ thật sự là tính toán sai lầm sẽ dẫn đến đụng độ.
RFI cũng nhắc rằng trong quá khứ, quan hệ quân sự Mỹ – Trung cũng đã từng trải qua giai đoạn căng thẳng. Vào năm 2001, trên vùng biển ngoài khơi miền nam Trung Quốc, một máy bay do thám của Hoa Kỳ, chiếc US EP-3 đã đụng một chiến đấu cơ Trung Quốc. Phi công của chiến đấu cơ Trung Quốc đã thiệt mạng, còn phi cơ của Mỹ đã phải đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam và phi hành đoàn thì bị phía Trung Quốc bắt giữ, đến 11 ngày sau mới được thả ra. Sau vụ này, mọi trao đổi quân sự giữa hai nước, kể cả các chuyến ghé thăm cảng, đều đã bị đình chỉ.
Ý kiến chuyên gia Việt ra sao?
Bản tin RFA ghi lời Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về Biển Đông tại Sài Gòn:
“Biển Đông là nơi giao thương thương mại rất lớn. Thứ hai là Biển Đông cũng là nơi mà các bên đang thử sức nhau. Một bên là Hoa Kỳ muốn ngăn sự phát triển của Trung Quốc, vì sự phát triển đó không phải là sự phát triển đơn thuần mà kèm theo là sự hung hăng đe dọa toàn bộ thế giới. Vì thế nước Mỹ mới kêu gọi các đồng minh. Ngay từ năm ngoái đã có các quốc gia đồng ý, trong đó có Anh, Pháp,…cho tàu tuần tra khu vực Biển Đông. Và trong năm nay họ đã làm hình thành điều đó…
“Trung Quốc cho rằng họ là một cường quốc và sắp trở thành siêu cường. Cho nên họ sẽ không rút lui đâu. Gần đây nhất là tàu Trung Quốc đã áp sát một cách nguy hiểm, không an toàn tàu khu trục của Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy Trung Quốc không dễ gì bị xuống nước.
Tôi có trao đổi với một số học giả Trung Quốc về cuộc chiến tranh thương mại, thì họ vẫn khẳng định rằng Trung Quốc không dễ gì chịu thua trong cuộc chiến thương mại này. Và chúng ta thấy phản ứng của Trung Quốc là chơi tới cùng với Hoa Kỳ.”
“Hồi năm ngoái, tôi mất cả niềm tin về Biển Đông, khi thấy Hoa Kỳ để cho Trung Quốc múa gậy vườn hoang. Nhưng bây giờ đã thay đổi. Điều đó cho thấy các quốc gia nhỏ như ASEAN đã có tiếng nói nhất định hơn trong việc này. Bởi vì Hoa Kỳ cũng cần các nước ASEAN đứng với họ. Các nước ASEAN cũng cần Hoa Kỳ hỗ trợ, bởi vì trên thế giới bây giờ chỉ có một quốc gia có thể ngăn chận tham vọng biển của Trung Quốc, đó là Hoa Kỳ mà thôi.”
Thực tế ai cũng thấy… không ngăn cản TQ ở Biển Đông, di hại sẽ là vĩnh viễn, sẽ là hết cứu chữa… khi Tập Cận Bình trở thành một Thành Cát Tư Hãn mới.