Tin Biển Đông – 04/10/2017
Hoa Kỳ và Thái Lan kêu gọi
giải pháp hòa bình cho Biển Đông
Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha hôm 03/10/2017 tại Washington khẳng định cam kết duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, đang bị Trung Quốc áp đặt chủ quyền.
Nhấn mạnh đến sự quan trọng của một Biển Đông yên ổn, hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Thái Lan tái khẳng định đôi bên cùng chia sẻ quan điểm cần một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp.
Thông cáo chung Hoa Kỳ và Thái Lan đòi hỏi cần tôn trọng các tiến trình luật pháp và ngoại giao, phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hai nước hoan nghênh việc thông qua bộ khung Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) và kêu gọi sớm hoàn thành bộ quy tắc này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Thái Prayut Chan-O-Cha cùng nhất trí về nhu cầu hợp tác với nhau để đảm bảo một Biển Đông hòa bình, ổn định và bền vững. Đồng thời, lãnh đạo hai nước bày tỏ quan ngại về số lượng các vụ thử hỏa tiễn và nguyên tử cao chưa từng thấy của Bắc Triều Tiên trong năm qua, cũng như tình hình tại bang Rakhine của Miến Điện.
Là quốc gia không yêu sách Biển Đông, năm 2016, Thái Lan đã tuyên bố « ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc » về duy trì hòa bình tại vùng biển chiếc lược này, sau khi Philippines công bố hình ảnh các tàu Trung Quốc đi vào bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Hôm 17/08/2017, nhân chuyến thăm của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Chan-O-Cha cũng cho biết « tiếp tục ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171004-hoa-ky-va-thai-lan-keu-goi-giai-phap-hoa-binh-cho-bien-dong
Tàu dầu Việt Nam, chiến hạm Đài Loan hư hại sau va chạm
Tàu chở dầu thành phẩm Everrich 3 va chạm với khu trục hạm Tả Doanh sáng 3/10 tại cảng Cao Hùng, Đài Loan, khi tàu dầu rời cảng.
Everrich3 – trọng lượng không tải gần 20.000 tấn – thuộc về chủ tàu là hãng Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc, Việt Nam. Sau vụ va chạm, con tàu mang cờ Panama đã bị bẹp mũi tàu và có thể bị thủng.
Tàu khu trục của Hải quân Đài Loan bị bẹp sâu và thủng phần đuôi tàu bên mạn trái. Tàu Tả Doanh được Hải quân Đài Loan mua từ Mỹ năm 2003. Trước đó tàu có tên USS Kidd, đóng năm 1979, choán nước 7289 tấn. Tàu trang bị tên lửa, pháo, ngư lôi và các trực thăng.
Vụ va chạm không làm ai bị thương. Tàu dầu Việt Nam đã bị giữ lại để điều tra, theo một thông cáo của Hải quân.
Trong cùng ngày 3/10, chưa đầy một giờ trước vụ va chạm kể trên, một tàu hải quân khác của Đài Loan, cùng loại với chiếc Tả Doanh, đã va chạm với một tàu cá khi tàu hải quân trở về cảng Tô Áo ở đông bắc Đài Loan. Cũng không có ai bị thương trong vụ này.
Ngoài ra, tàu hải quân không bị hư hại trong khi tàu cá bị hư hại nhẹ, theo thông cáo của Hải quân Đài Loan.
(theo Focus Taiwan, Maritime Bulletin)
https://www.voatiengviet.com/a/tau-dau-vietnam-chien-ham-dai-loan-va-cham/4055981.html
Chuyên gia: Không lo Mỹ, Trung
thỏa hiệp về Biển Đông vì hạt nhân
Có dấu hiệu cho thấy giới hoạch định chính sách Việt Nam lo ngại Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc về Biển Đông để đổi lại việc Bắc Kinh cứng rắn với Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân.
Thông tin này do những nguồn tin không muốn nêu tên làm việc trong một số bộ ở Việt Nam cho VOA biết.
Thực tế hiện tại chứng minh dường như nó là một lo ngại quá mức từ phía Việt Nam. Ngay kể cả khi Hoa Kỳ không hy sinh lợi ích của mình ở Biển Đông để chiều ý Trung Quốc, bản thân Trung Quốc vẫn có động lực để hợp tác với Hoa Kỳ để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nước Mỹ họ không gắn vấn đề Bắc Triều Tiên với vấn đề Biển Đông.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu và một nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng trong khi có lý do phần nào để nghi ngại như vậy, song có nhiều cơ sở hơn để tin rằng mối lo đó bị thổi phồng quá mức.
Thông tin chính thống của Trung Quốc cách đây 5 ngày cho hay nước này ra lệnh cho “toàn bộ” các nhà máy, công ty của Triều Tiên phải đóng cửa ở Trung Quốc, muộn nhất là vào là ngày 9/1/2018.
Có tin thậm chí các doanh nghiệp hợp tác nước ngoài giữa Trung Quốc với Triều Tiên cũng phải đóng cửa.
Chỉ có một số ít ngoại lệ là các dự án phi lợi nhuận, phi thương mại sẽ không phải đóng cửa.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, một viện có bề dày 50 năm nghiên cứu Đông Nam Á, nói với VOA việc Bắc Kinh cứng rắn với Bình Nhưỡng tuy có cơ sở là nghị quyết của Liên Hiệp Quốc song cũng là vì lợi ích trực tiếp và tự thân của chính Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu hiện làm việc ở Singapore, dù lâu nay Trung Quốc là nước bảo trợ cho Triều Tiên, nhưng đất nước Đông Bắc Á nhỏ bé có những hành động đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, nhất là trong thời gian gần đây.
Việc Triều Tiên nắm trong tay vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo làm một số nhà phân tích đưa ra cảnh báo rằng nước này có thể là kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc, theo Tiến sĩ Hiệp.
Ông nói các nhà phân tích nhận định các vũ khí đó không chỉ nhắm đến Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, mà cũng có thể dùng để gây sức ép hoặc đe dọa Trung Quốc, trong trường hợp bất đồng, mâu thuẫn xảy ra giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Dễ thấy hơn, an ninh của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng khi các chương trình vũ khí, hạt nhân của Triều Tiên tạo cớ để Mỹ, Nhật, Hàn gia tăng các hoạt động quân sự áp sát Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Hiệp, các nhà phân tích không loại trừ nguy cơ một số nước khu vực, nhất là Nhật – đối thủ địa chiến lược của Trung Quốc – cũng tìm cách có vũ khí hạt nhân.
Những điều đó giải thích sự kiên quyết gần đây của Bắc Kinh, Tiến sĩ Hiệp nói. Từ đó, ông đưa ra bình luận về việc Hà Nội dường như lo ngại về nguy cơ có thỏa hiệp nào đó giữa Mỹ và Trung Quốc:
“Thực tế hiện tại chứng minh dường như nó là một lo ngại quá mức từ phía Việt Nam. Ngay kể cả khi Hoa Kỳ không hy sinh lợi ích của mình ở Biển Đông để chiều ý Trung Quốc, bản thân Trung Quốc vẫn có động lực để hợp tác với Hoa Kỳ để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nước Mỹ họ không gắn vấn đề Bắc Triều Tiên với vấn đề Biển Đông. Điều này đã được các học giả và các quan chức Hoa Kỳ nói ở Hội nghị Shangri-La hồi tháng 6 vừa rồi”.
Mỹ vẫn luôn nhất quán về Luật Biển, tự do hàng hải, về phân định khu vực có quyền tài phán tuân theo Luật Biển. Quan điểm của chúng tôi [Mỹ] đã được xác lập trong rất nhiều năm.
Cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Negroponte
Nhà nghiên cứu Đông Nam Á lưu ý rằng Mỹ có những lợi ích chiến lược rất lớn và quan trọng ở Biển Đông, đến mức họ không dễ dàng từ bỏ để theo đuổi sự hợp tác với Trung Quốc trong xử lý vấn đề Triều Tiên.
Cựu thứ trưởng ngoại giao thường trực Mỹ John Negroponte nói với VOA ông “nghi ngờ” chuyện có thỏa hiệp Mỹ-Trung trong hai vấn đề kể trên. Ông nói về lập trường Mỹ đối với Biển Đông:
“Mỹ vẫn luôn nhất quán về Luật Biển, tự do hàng hải, về phân định khu vực có quyền tài phán tuân theo Luật Biển. Quan điểm của chúng tôi [Mỹ] đã được xác lập trong rất nhiều năm”.
Sau một thời gian nước Mỹ sao nhãng Biển Đông, chính quyền Tổng thống Trump đã đẩy mạnh trở lại sự hiện diện và can dự ở vùng biển.
Hồi tháng 7, ông Trump chuẩn thuận kế hoạch trao cho hải quân Mỹ nhiều quyền tự do hơn để thực hiện các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải ở vùng biển so với thời chính quyền Tổng thống Obama.
Thời ông Obama, trong suốt 3 năm, từ 2012-2015, Mỹ đã đình chỉ các hoạt động tuần tra loại này. Năm 2016, Mỹ chỉ có ba cuộc tuần tra như vậy.
Trong khi đó, chỉ trong 6 tháng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ cũng đã thực hiện tới 3 cuộc tuần tra. Tiếp đó, cuộc tuần tra gần đây nhất được khu trục hạm USS John S. McCain tiến hành vào ngày 10/8.
Cho dù có chuyến đi của ông Trump hay không, tôi tin rằng với sự hung hăng của chính quyền Bình Nhưỡng cũng như mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn sẽ có những động thái như vừa rồi.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
Mới đây, Tổng thống Trump tuyên bố sắp thăm châu Á, bao gồm cả hai điểm đến là Trung Quốc và Việt Nam, để bàn thảo việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tự do ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và các vấn đề kinh tế khác.
Tiến sĩ Hiệp nói không có liên quan gì giữa chuyến công du của ông Trump với việc Bắc Kinh đóng cửa các doanh nghiệp Triều Tiên:
“Thái độ của Trung Quốc tôi nghĩ bắt nguồn chủ yếu từ các hành vi, các diễn tiến trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là từ phía chính quyền Bình Nhưỡng. Cho dù có chuyến đi của ông Trump hay không, tôi tin rằng với sự hung hăng của chính quyền Bình Nhưỡng cũng như mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn sẽ có những động thái như vừa rồi chúng ta thấy”.
Mặc dù trên danh nghĩa có cùng ý thức hệ với Triều Tiên, Việt Nam đã lên án Bình Nhưỡng, sau vụ thử nghiệm hạt nhân thứ sáu và một loạt các vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Triều Tiên, Việt Nam đã trục xuất người lãnh đạo và phó lãnh đạo của chi nhánh ngân hàng thương mại Tanchon tại Việt Nam.
Diễn biến mới nhất liên quan, theo hãng tin Yonhap hôm 2/10, là một nhà hàng Triều Tiên ở Việt Nam đã ngưng hoạt động, sau khi các biện pháp chế tài quốc tế nhằm tăng cường nhằm cắt giảm nguồn thu ngoại tệ cho Triều Tiên được áp dụng.