Tin Biển Đông – 04/09/2020
Trung Quốc gọi Mỹ là «kẻ gây rối» ở Biển Đông – Trọng Thành
Bắc Kinh tiếp tục phản ứng gay gắt với Mỹ về tình hình Biển Đông. Hôm qua, 03/09/2020, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc phụ trách châu Á gọi Hoa Kỳ là « kẻ gây rối » trong khu vực, và kêu gọi các nước ASEAN không ủng hộ các nỗ lực can dự vào khu vực của Washington.
Báo Hồng Kông South China Morning Post cho hay, trong một hội thảo quốc tế do bộ Ngoại Giao Trung Quốc tổ chức hôm qua, qua mạng, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc La Chiếu Huy (Luo Zhaohui) khẳng định Hoa Kỳ là « nguồn gốc » của các vấn đề ở Biển Đông. Ông La Chiếu Huy, cựu đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, cũng đả kích các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đã ủng hộ lập trường của Washington về Biển Đông và trong nhiều tranh chấp khác.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng cực lực phản đối cơ chế hợp tác Bộ Tứ Ấn Độ – Thái Bình Dương, mà Hoa Kỳ đang tìm cách mở rộng cho các đối tác khác tham gia : « Ngoài việc can thiệp vào Biển Đông, Hoa Kỳ còn thiết lập Bộ Tứ, một mặt trận chống Trung Quốc (ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương), được coi là một khối NATO thu nhỏ. Điều này phản ánh tâm lý chiến tranh lạnh của nước Mỹ ».
Báo Hồng Kông South China Morning Post ghi nhận, theo nhiều nhà quan sát, các tuyên bố quá cứng rắn nói trên của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc rất có thể « gây phản tác dụng ».
Cũng trong cuộc hội thảo nói trên, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc thông báo là các đàm phán giữa Bắc Kinh với khối ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) được khởi sự trở lại từ hôm qua, 03/09, đàm phán bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Mỹ tố cáo Bắc Kinh bức tử sông Mêkông, thách thức ASEAN
Hơn một tuần trước ngày Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF), diễn đàn an ninh châu Á thường niên do khối ASEAN tổ chức (12/09), Trung Quốc và Hoa Kỳ liên tục có các tuyên bố mạnh mẽ về các hồ sơ lớn của khu vực.
Cũng ngày hôm qua, vụ trưởng vụ Đông Á và Thái Bình Dương, bộ Ngoại Giao Mỹ, ông David Stilwell, tố cáo việc Trung Quốc « thao túng » lưu lượng sông Mê kông, khiến mức nước sông xuống thấp kỷ lục là « một thách thức trực tiếp đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN ) ». Phát biểu của quan chức Mỹ được đưa ra trong một cuộc thảo luận do United States Institute of Peace và trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore tổ chức. Ông David Stilwell cho biết có thể sẽ đưa vấn đề này vào bàn luận trong Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mêkông-Mỹ với năm nước hạ nguồn khai mạc vào tuần tới.
Theo một thẩm định của tổ chức Eyes on Earth, có trụ sở tại Hoa Kỳ, hồi tháng 4/2020, các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn Mêkông, giữ lại tổng cộng 47 tỉ mét khối nước, làm biến đổi hoàn toàn dòng chảy ở hạ lưu, bức tử dòng sông, nơi sinh sống của 60 triệu cư dân Đông Nam Á.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục
có những biện pháp cứng rắn ở biển Đông
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định những biện pháp cứng rắn gần đây của Hoa Kỳ với Trung Quốc trên biển Đông là điều tất yếu và sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.
Đại sứ Hoa kỳ (HK) tại Việt Nam (VN) Daniel Kritenbrink đã nói điều đó trong cuộc trả lời phỏng vấn với mạng báo Tiền Phong trong nước vào ngày 3/9.
Đại sứ HK cho rằng “Có một sự thay đổi lớn đã diễn ra ở Biển Đông từ năm 2013, đó là Trung Quốc ngày càng tăng cường các hành vi bất hợp pháp, hung hăng và khiêu khích để cưỡng ép và bắt nạt các nước láng giềng, buộc họ phải chấp nhận những yêu sách bành trướng của Bắc Kinh. Đây chính là lý do chúng tôi thực hiện các bước đi đó”.
Đại sứ Kritenbrink cũng nói rõ việc tại sao HK trừng phạt 24 công ty và các cá nhân TQ tham gia xây dựng và quân sự hoá các đảo trên biển Đông là vì để thể hiện lập trường rằng Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Điều đó được minh chứng rất rõ khi trong vòng 3 tháng qua, Hoa Kỳ đã có một số bước đi quan trọng để thể hiện rõ hơn nữa cam kết của mình đối với những nguyên lý về luật pháp quốc tế, duy trì ổn định và tự do về hàng hải đã có từ lâu.
Nói về hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Đại sứ Kritenbrink khẳng định quan hệ hai nước đang phát triển trên hầu hết các lĩnh vực; hai bên đã phối hợp với nhau trong nhiều vấn đề, từ Triều Tiên, biển Đông tới xây dựng năng lực cho Việt Nam.
Đại sứ Kritenbrink cho rằng hợp tác an ninh Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển và được củng cố trong thời gian tới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, có thể là thương mại quốc phòng và trao đổi thông tin vì “Một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập và thịnh vượng rất có lợi cho Hoa Kỳ và toàn bộ khu vực”.
Nguy cơ nguồn cá Biển Đông cạn kiệt
bởi Trung Quốc
Nguyễn Bá Toàn
Đang xuất hiện một cuộc cạnh tranh mới ở Biển Đông, nơi các tàu đánh cá và tàu chiến ngày càng dựa vào thiết bị điện tử, vệ tinh và các chiến lược thời chiến để đưa ra yêu sách lãnh thổ và khai thác một trong những ngư trường “giàu có” nhất thế giới.
Căng thẳng gia tăng trên biển Đông đã khiến tình hình ảm đạm đối với 3,7 triệu ngư dân ở Biển Đông, đặc biệt là ngư dân Việt Nam. Khi sự cạnh tranh nguồn cá ngày càng khốc liệt, nguy cơ xung đột gây căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Các mối đe dọa ngày càng tăng và sản lượng khai thác giảm do đánh bắt quá mức khiến nhiều ngư dân phải bỏ nghề. Tuy nhiên, vẫn có những ngư dân quyết tâm ở lại và “chiến đấu” cho “lẽ sống” duy nhất của cộng đồng họ suốt nhiều thế hệ. Ông Nguyễn Quốc Chính, Trưởng đoàn Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho báo chí biết: “Ngày nay, chúng tôi phải ra khơi đánh cá, bảo vệ tài nguyên biển và bảo vệ chủ quyền đất nước – biển và hải đảo – để con em chúng tôi còn có thể câu cá ở đó”.
Hiện nay, để có thể đánh bắt quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ngư dân Việt Nam phải áp dụng chiến thuật dẫn đường của các tàu buôn trong Thế Chiến II, cùng với các thiết bị điện tử hiện đại để phát hiện các bãi cạn. Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở Biển Đông thường xuyên bị tấn công, quấy rối hoặc bị cướp bóc. Các thuyền viên của một tàu đến từ đảo Lý Sơn cho biết họ đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào ngày 10/6 khi đang đánh bắt ngoài khơi Hoàng Sa.
Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI –Mỹ), cho biết: “Tần suất đụng độ giữa ngư dân và lực lượng chấp pháp tăng đều trong vài năm qua. Điều thực sự thay đổi thời hậu COVID-19 là chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc và sự nhạy cảm với chỉ trích của Bắc Kinh. Bắc Kinh tỏ ra không quan tâm đến việc hạ nhiệt tình tình”.
Tình trạng đối đầu này khiến Mỹ không thể ngồi yên. Tháng 7/2020, chính phủ Mỹ ký thỏa thuận giúp Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và thực thi nghề cá. Sự can dự của Mỹ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Chủ nghĩa dân tộc lớn mạnh giúp các chính phủ tranh thủ kết hợp các đội tàu cá với các tàu quân sự hoặc tàu cảnh sát biển để đánh đuổi tàu nước ngoài. Một trong những chiến thuật chủ yếu hiện nay là “tàng hình”. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia thường tắt hệ thống nhận dạng tự động hoặc không lắp đặt hệ thống này do tàu quá cũ hoặc nhỏ. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ va chạm. Tuy nhiên, các vệ tinh có thể phát hiện ánh sáng của tàu hoặc kim loại của thân tàu. Điều này cho thấy thực tế số lượng tàu cá hoạt động trong khu vực tranh chấp lớn hơn nhiều so với số liệu thống kê chính thức.
Trong một bài viết của mình, Nguyễn Thế Phương từ Dự án Đại Sự ký Biển Đông cho biết: “Chúng tôi ghi nhận việc gia tăng hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Việt Nam đã phát hiện 6.000 vụ đánh bắt IUU trong vùng đặc quyền kinh tế của mình kể từ năm 2015. Các ước tính cho thấy đánh bắt IUU trên toàn cầu mang lại 23,5 tỷ USD mỗi năm và Trung Quốc là quốc gia sử dụng hình thức này nhiều nhất”.
Một trong những yếu tố cho phép tàu thuyền “vươn” khơi suốt nhiều tuần là sự trợ cấp của chính phủ. Theo Elsevier, năm 2018, Trung Quốc chi 7,2 tỷ USD trợ cấp đánh bắt cá, chiếm 21% tổng số trợ cấp toàn cầu, trong đó 5,8 tỷ USD là “có hại” vì nước này mở rộng công suất. Hơn một nửa số trợ cấp được sử dụng để cung cấp nhiên liệu giá rẻ. Tháng 7/2020, hàng trăm tàu cá Trung Quốc bị phát hiện ở vùng biển xung quanh một khu bảo tồn ngoài khơi quần đảo Galapagos, cách Trung Quốc 15.000 km, khiến Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo phải lên tiếng chỉ trích.
Tổ chức Giám sát đánh bắt cá toàn cầu và Viện Phát triển nước ngoài (ODI), đã sử dụng công nghệ tiên tiến và phân tích dữ liệu để cho thấy quy mô cũng như phạm vi hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc đã được báo cáo thiếu sót so với thực tế. ODI phát hiện đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc có tới 16.966 tàu, cao gấp 5 lần so với các ước tính trước đó, trong khi đội tàu đánh bắt xa bờ của Mỹ chỉ gồm 300 tàu.
Năm 2017, Trung Quốc từng tuyên bố kế hoạch hoàn tất quy mô đội tàu đánh cá xa bờ với 3.000 tàu vào năm 2020, một phần trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của ngành ngư nghiệp. Miren Gutiérrez, tác giả chính của báo cáo ODI nói: “Chúng tôi bị sốc trước kết quả này, bởi chúng tôi chỉ dự đoán quy mô đội tàu Trung Quốc chỉ ở mức 4.000 hoặc 5.000 tàu”.
Nghiên cứu này, được tiến hành trong hơn 1 năm, đã phát hiện gần 1.000 tàu mang “cờ thuê” và ít nhất 183 tàu đã liên quan đến đánh bắt cá trái phép, khiến Trung Quốc trở thành quốc gia hoạt động kém nhất trong chỉ số toàn cầu năm 2019.
Philip Chou, chuyên gia về đánh bắt cá xa bờ tại tổ chức bảo tồn sinh vật biển Oceana nói: “Để thay đổi điều này cần một sự minh bạch mang tính triệt để. Đến nay, các bằng chứng cho thấy chính phủ Trung Quốc chỉ ‘nói mà không làm’”. Chuyên gia Chou cho rằng, Trung Quốc cần phải công khai sản lượng đánh bắt, vị trí các đội tàu, chủ sở hữu các tàu cá và các thỏa thuận song phương hoặc thỏa thuận khu vực mà họ ký kết với các quốc gia ven biển thu nhập thấp. Tại Tây Phi, báo cáo hồi năm 2018 của Quỹ Vì công lý môi trường cho thấy, 90% các tàu mang cờ Ghana có liên quan đến Trung Quốc.
Theo cơ quan thủy sản Liên hợp quốc (LHQ), Trung Quốc chiếm tới 15% sản lượng đánh cắt cá của thế giới được báo cáo vào năm 2018, nhiều hơn gấp 2 lần sản lượng của nước xếp thứ 2 và thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch đồng nghĩa rằng thế giới sẽ không thể thực sự biết được con người đã đánh bắt bao nhiêu hải sản từ đại dương trong bối cảnh sinh vật biển đang suy giảm đáng báo động trong nửa thế kỷ qua.
Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận về trữ lượng cá của LHQ hồi năm 1996, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn nó. Mercedes Rosello, Giám đốc Công ty Tư vấn pháp lý phi lợi nhuận House of Ocean giám sát hoạt động đánh bắt cá trái phép IUU cho biết, Trung Quốc là thành viên trong 7 tổ chức quản lý ngư nghiệp khu vực (RFMO), nhưng đội tàu đánh bắt xa bờ của họ hoạt động bên ngoài các khuôn khổ đó. Ông Rosello nói: “Khi bạn nhìn vào hàng nghìn tàu cá, các quy định và cơ chế được áp dụng theo quốc gia mà chúng mang cờ là vô số”.
Ở Biển Đông, tình trạng đánh bắt quá mức, ô nhiễm, tác động của biến đổi khí hậu và việc phá hủy các rạn san hô để xây dựng các tiền đồn quân sự đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên của các quốc gia xung quanh. Chuyên gia Greg Poling cho biết, không ai thực sự nhận thức được rằng các ngư trường đã cạn kiệt hoặc khi nào nguồn cá sẽ cạn kiệt. Hầu hết các đánh giá dựa trên sản lượng khai thác giảm. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ) ước tính trữ lượng cá ở Biển Đông có thể đã giảm 70-95% kể từ những năm 1950, với tỷ lệ đánh bắt giảm 66-75% trong 20 năm qua.
Theo CSIS, năm 2015, Biển Đông chiếm 12% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu, nhưng hơn một nửa số tàu đánh cá trên thế giới hoạt động ở vùng biển này hoặc ở Biển Hoa Đông. Việc đánh bắt quá mức sẽ gây thiệt hại lâu dài cho nguồn thực phẩm và xuất khẩu quan trọng của các quốc gia liên quan. Ước tính, dân số Indonesia, Việt Nam và Philippines đều sẽ có thêm khoảng 150 triệu người trong 3 thập kỷ tới và thu nhập tăng ở Trung Quốc và Đông Nam Á đang khiến lượng thực phẩm tiêu thụ tăng vọt.
Sắp tới, ngư dân Việt Nam còn bị đe doạ hơn nữa, đặc biệt tại khu vực Vịnh Bắc Bộ. Điều này sẽ diễn ra bởi vì Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc vừa hết hiệu lực (ký ngày 25/12/2000 có hiệu lực vào 30/6/2004).
Sau 12 năm chính thức có hiệu lực, 3 năm tự động gia hạn và 01 năm thỏa thuận gia hạn của hai chính phủ, Hiệp định đã hoàn toàn kết thúc hiệu lực.
Theo đó, sau thời gian 30/6/2020, tàu cá, ngư dân Việt Nam sẽ không được phép tiến hành hoạt động đánh bắt sang phía Đông của đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ; ngược lại, tàu cá, ngư dân Trung Quốc cũng không được phép thực hiện hoạt động đánh bắt sang phía Tây của đường này. Đối với các tàu cá cố tình vi phạm, các lực lượng thực thi pháp luật của hai bên hoàn toàn có quyền áp dụng những biện pháp xử lý phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật của mỗi nước. Tuy nhiên, với chiến lược của Bắc Kinh nhằm phát triển ồ ạt, không kiểm soát, thậm chí cố gắng sử dụng các tàu cá để làm áp lực đối với các hoạt động khai thác của Việt Nam, đây sẽ thực sự là thách thức đối với Việt Nam thời gian tới để kiểm soát và ngăn chặn sự vi phạm từ các tàu cá Trung Quốc tại khu vực biển này.
Vậy làm thế nào để có thể ngăn chặn các hành vi vi phạm và bảo vệ được nguồn cá trên biển Đông, ông Steve Trent – Giám đốc điều hành Quỹ Vì công lý môi trường cho rằng, Mỹ, Nhật Bản và EU, vốn chiếm khoảng 70% thị trường thủy sản toàn cầu, cần phải chủ trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn đánh bắt cá IUU từ các tàu Trung Quốc vào chuỗi cung ứng quốc tế: “Nếu không có sự thay đổi cơ cấu từ phía Trung Quốc và trong hệ thống quản trị đại dương toàn cầu để đảm bảo Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp, trữ lượng cá của thế giới sẽ tiếp tục giảm mạnh”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do