Tin Biển Đông – 04/08/2020
Trung Quốc điều chiến đấu cơ, chiến hạm đến quần đảo Hoàng Sa – Quý Khải
Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ và chiến hạm đến các cứ địa nước chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa, theo trang tin Benar News hôm thứ Hai (3/8).
Các chiến cơ tiên tiến thuộc Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc đã bay tới căn cứ tại Đá Vành Khăn vào tuần trước, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa nằm trong số 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc đã phát sóng một đoạn video quay cảnh một đoàn chiến cơ bay ngang qua đảo Xubi trong một cuộc tập trận. Trong video, bốn máy bay chiến đấu Su-30MKK đã tiếp nhiên liệu trên không trong chuyến bay kéo dài 10 giờ từ căn cứ quân sự tại Trường Sa (Hồ Nam) tới đảo Xubi. Chỉ huy hạm đội cho biết chuyến bay đã phá vỡ các kỷ lục trước đó của Không quân Trung Quốc và chứng tỏ khả năng điều máy bay đến Trường Sa vào bất kỳ thời điểm nào.
Trung Quốc cũng đã điều hai tàu chiến tới Đá Vành Khăn, nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 150 dặm. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy tàu khu trục Type 054A và tàu hộ tống Type 056 di chuyển trong đầm nước mặn mở rộng hôm Chủ nhật (2/8). Các tàu tiếp tế nhu yếu phẩm cho khu dân cư trên Đá Vành Khăn cũng xuất hiện trong ảnh chụp.
Đá Vành Khăn là đảo nhân tạo lớn nhất Trung Quốc tại Biển Đông. Trên phương diện kỹ thuật, theo luật quốc tế, khu vực này có “độ cao thủy triều thấp” nên không thể tuyên bố chủ quyền, nhưng sau những nỗ lực cải tạo và bồi đắp trái phép quy mô lớn, Trung Quốc đã biến nó thành một căn cứ hoạt động đáng kể, với một bến cảng và một phi trường lớn.
Động thái này của Trung Quốc diễn ra ngay trước một cuộc tập trận quân sự thường niên, đa quốc gia RIMPAC do Mỹ dẫn đầu dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến 31/8 gần Hawaii. Cuộc tập trân sẽ có sự tham dự của hàng chục nước tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng không bao gồm Trung Quốc. Một số quốc gia dự kiến sẽ tham dự bao gồm Mỹ, Philippines, Việt Nam, Úc, Brunei, Singapore, Nhật Bản, Malaysia và Indonesia.
Hồi tháng 4, Trung Quốc tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước đó, ảnh chụp vệ tinh ngày 17/7 cho thấy 8 chiến đấu cơ Trung Quốc đậu trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa.
Tháng trước Mỹ và Úc đã bác bỏ gần hết các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông trong một động thái chưa từng có.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-dieu-chien-dau-co-chien-ham-den-quan-dao-hoang-sa.html
Biển Đông : Mỹ – Indonesia
chống tham vọng biển đảo của Trung Quốc
Tú Anh
Quan hệ chiến lược Mỹ – Indonesia trong bối cảnh an ninh khu vực đang bị Trung Quốc đe dọa là chủ đề trong cuộc hội kiến giữa hai ngoại trưởng, Mike Pompeo và Retno Marsudi, hôm thứ Hai 03/08/2020 tại Washington, theo báo mạng Ấn Độ, Times of Republic.
Thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết trong cuộc gặp gỡ này, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi đã thảo luận về mối quan hệ phòng thủ song phương và tình hình khủng hoảng trong khu vực do tham vọng của Trung Quốc muốn làm chủ gần như toàn bộ biển Đông gây ra.
Hai ngoại trưởng nhấn mạnh đến « quan hệ đối tác chiến lược vững chắc giữa Mỹ và Indonesia, cũng như mục tiêu chung của hai nước là tôn trọng luật quốc tế trong vùng Biển Đông », theo thông cáo.
Mối quan hệ này cần được củng cố trong mọi lãnh vực từ y tế đến kinh tế, cũng như để bảo đảm an ninh trong vùng. Ngoại trưởng Mỹ đặt biệt nhấn mạnh đảo Natuna của Indonesia không thuộc « thẩm quyền » của Trung Quốc.
Indonesia không can dự vào cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong một tuyên bố gần đây, Jakarta bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh tự cho có chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông, theo bản đồ « đường lưỡi bò 9 đoạn ».
Vùng kinh tế đặc biệt của đảo Natuna nằm chồng lên con đường « 9 đoạn » mà Bắc Kinh gọi là biên cương của Trung Quốc.
Cẩn trọng trước mưu đồ mới của TQ
nhằm độc chiếm Biển Đông (kỳ 1)
Những ngày đầu tháng 7, Trung Quốc tiếp tục có nhiều hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam và coi thường luật pháp quốc tế khi rầm rầm tiến hành tập trận trái phép ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hay đưa tàu Hải Dương 4 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
nhưng vẫn thể hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Trước đó, không chỉ các quốc gia ASEAN mà cả thế giới cũng bất bình lên tiếng phản đối khi Bắc Kinh lợi dụng đại dịch COVID-19 lan tràn để thực hiện một loạt kế sách mới nhằm hiện thực hoá âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Kỳ 1: Mưu đồ Tứ Sa
Năm 2020 là năm đầy biến động với tâm điểm là đại dịch COVID-19 làm hàng triệu người thiệt mạng. Với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một vấn đề nóng khác cũng đang nổi lên và trở thành mối lo lớn của toàn thế giới – đó là Biển Đông.
Theo các nhà phân tích, việc Bắc Kinh mở cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông vào tháng 7, cho thấy khả năng “gây bão” và “chiếm giữ các đảo bằng lực lượng tuần duyên và tàu chiến” nước này. “Mục đích của việc này là chứng minh cho các quốc gia Đông Nam Á khác thấy rằng Trung Quốc có thể đến và đuổi họ ra khỏi khu vực.
Tất cả những động thái này đều phục vụ cho mưu đồ thành lập Tứ Sa mà Trung Quốc đang ráo riết tiến hành”, chuyên gia hải quân Bryan Clark thuộc Học viện Hudson có trụ sở ở Washington (Mỹ) nhận định.
Yêu sách vô căn cứ
Yêu sách Tứ Sa (tiếng Anh: Four Sha) là chiến thuật mới thay thế “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là đường chín đoạn), được Trung Quốc triển khai sau khi Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, bác bỏ dứt khoát yêu sách “chủ quyền lịch sử” của “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Mục tiêu cuối cùng của yêu sách Tứ Sa vẫn là giúp Bắc Kinh dần hiện thực hoá việc sở hữu một khu vực rộng lớn trên Biển Đông, biến những vùng biển của nước khác thành một phần thuộc thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.
Trước đó, vào năm 2012, Trung Quốc đã lập một đơn vị hành chính mới gọi là thành phố Tam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi Macclesfield với dân số khoảng 2.500 người.
Khái niệm Tứ Sa lần đầu tiên được Phó Vụ trưởng Vụ Điều ước và pháp luật thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Tân Dân nhắc đến trong một cuộc họp kín với giới chức Mỹ ở thành phố Boston cuối tháng 8 năm 2017. Đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc chính thức công bố yêu sách Tứ Sa trong các công hàm ngoại giao số CML/14/2019 và số CML/11/2020 gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ).
Lúc này, bản chất của yêu sách Tứ Sa được “trưng” ra một cách rõ ràng hơn. Đó là: (1) Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với Nam Hải chư đảo, bao gồm Đông Sa, Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield); (2) Các nhóm đảo này là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo và (3) Các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng.
Theo quan điểm của ThS Nguyễn Hoàng Minh, nghiên cứu viên của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, bước chuyển chiến thuật về yêu sách và diễn giải yêu sách tại Biển Đông lần này của Trung Quốc đem đến một số hàm ý chính sách quan trọng.
Thứ nhất, Trung Quốc đang sử dụng sự “mập mờ” trong yêu sách chủ quyền để có thể biến hóa nhiều cách diễn giải khác nhau.
Thứ hai, Trung Quốc đang tiến hành “mặt trận pháp lý” ở Biển Đông, biến pháp lý trở thành công cụ trong chính sách Biển Đông, từng bước “hợp thức hóa” yêu sách chủ quyền, và tuyên truyền Luật Biển theo quan điểm của Trung Quốc.
Thứ 3, Trung Quốc đang tính đến khả năng vẽ đường cơ sở quần đảo đối với 3 trong số 4 quần đảo còn lại thuộc Tứ Sa (như đã làm đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, và đưa ra yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định dựa trên đường cơ sở quần đảo này.
“Như vậy vùng biển mà Trung Quốc yêu sách được tạo ra từ đường cơ sở thẳng của các quần đảo này sẽ có phạm vi rộng hơn cả vùng biển tạo ra bởi yêu sách “đường lưỡi bò” trước đây, tức vùng biển của Trung Sa sẽ bao gồm cả bãi cạn Scarborough và điểm cực Nam của Trung Quốc sẽ đến tận James Shoal (thuộc vùng biển Trường Sa của Việt Nam), ThS Nguyễn Hoàng Minh phân tích đồng thời cảnh báo rằng Trung Quốc muốn lợi dụng sự mập mờ để có thể triển khai nhiều cách diễn giải khác nhau trước khi đưa ra một tuyên bố chính thức có lợi nhất, trong khi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ở thực địa nhằm củng cố quyền kiểm soát trên Biển Đông.
Những viện dẫn pháp lý sai trái
Căn cứ vào các quy định của Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và phán quyết PCA năm 2016 thì yêu sách này cực kỳ phi lý và thậm chí có tính chất pháp lý ít hơn nhiều so với yêu sách “đường lưỡi bò” trước đây.
“UNCLOS đã quy định chỉ các quốc gia quần đảo mới có thể sử dụng đường cơ sở thẳng với điều kiện tỷ lệ diện tích vùng biển và diện tích đảo tự nhiên nổi lên mặt nước nằm bên trong đường cơ sở thẳng quần đảo không lớn hơn 9 và một số điều kiện chặt chẽ khác. Thực tế không thể phủ nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và Trung Quốc không có quyền tuyên bố chủ quyền tại đó.
Ngoài ra, vì Trung Quốc không phải là “quốc gia quần đảo” và tỷ lệ diện tích vùng biển tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tỷ lệ diện tích đảo tự nhiên nổi lên mặt nước lớn hơn rất nhiều. Như vậy, việc dùng đường cơ sở thẳng của Trung Quốc là trái với UNCLOS.
Bên cạnh đó, phán quyết của PCA đã làm rõ các quy định về “đảo” và “đảo đá” và các đảo đá tại quần đảo Trường Sa chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý, không có vùng biển mở rộng.
Áp dụng phán quyết cho các đảo trên quần đảo Hoàng Sa, có thể thấy rằng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa cũng là “các đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống hoặc đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chỉ rõ.
Riêng đối với bãi Macclesfield mà Trung Quốc gọi là Trung Sa, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết, đây chỉ là một bãi ngầm và theo quy định của UNCLOS thì không thể là đối tượng để tuyên bố chủ quyền.
“Như vậy, tuyên bố “chủ quyền” đối với Trung Sa và sau đó gộp cả bãi cạn Scarborough, bãi cạn St. Esprit vào “quần đảo” này là rất ngớ ngẩn, trái hoàn toàn với quy định của UNCLOS. Đồng quan điểm này, ông Michael Pillsbury, thành viên cao cấp của Học viện Hudson và là Giám đốc của Trung tâm Chiến lược Trung Quốc chỉ rõ, ý đồ mới nhất của Trung Quốc là kết hợp 3 công cụ trong chiến tranh thông tin về Biển Đông gồm chiến tranh pháp lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh tâm lý.
“Trung Quốc đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các chiến thuật pháp lý nhằm thách thức đối với các quy chuẩn quốc tế. Bắc Kinh không bận tâm tới việc các tuyên bố của họ về cơ bản không phù hợp với UNCLOS hay không. Họ cũng không bận tâm đến việc toà PCA đưa ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố về “đường lưỡi bò”. Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm tạo ra cho riêng mình một phiên bản của Học thuyết Monroe nhằm tiến gần hơn tới việc thiết lập sự thống trị trong khu vực”, ông Micheal Pillsbury nói.
Liên quan đến việc Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc ngang nhiên công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông, ngày 23/4, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng đã nêu rõ: “Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật phát quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán ở vùng biển như xác lập ở UNCLOS 1982. Mọi hành vi xâm hại chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều không có giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.
Được biết, trong danh sách 80 thực thể bao gồm 25 đảo, đá cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Trước đó, ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Cẩn trọng trước mưu đồ mới của TQ
nhằm độc chiếm Biển Đông:
Gia tăng các hành động trái phép trên thực địa (kỳ 2)
Trong vòng 30 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động trái phép nghiêm trọng ở Biển Đông nhưng có lẽ 6 tháng đầu năm 2020 là đỉnh điểm của hoạt động quấy rối kiểu này. Các tàu cá, tàu thăm dò địa chất của Malaysia, Phillipines, Indonesia và cả Việt Nam đều bị Trung Quốc “hỏi thăm”.
Mới đây nhất, vào ngày 14/6, Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát Hải Dương 4 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp nguy cơ hành động này gây thêm căng thẳng trên Biển Đông.
Liên tục tiến hành các hành vi sai trái
Theo bà Sumathy Permal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hàng hải eo biển Malacca, Malaysia, những hành vi gây hấn nói trên cùng với việc Trung Quốc từ nhiều năm qua liên tục cải tạo phi pháp các bãi đá ở Biển Đông và xây dựng các công trình trái phép trên đó đồng thời ngang nhiên tuyên bố yêu sách Tứ Sa và thành lập cái gọi là “khu Nam Sa” và “khu Tây Sa” trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là những bước đi đầy toan tính.
“Khi yêu sách Tứ Sa được công khai tức là Trung Quốc đã chuẩn bị cho một chiến lược dài hơi nhằm độc chiếm Biển Đông một cách trái với pháp luật quốc tế. Dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp tại các nước trong khu vực tạo cơ hội cho Trung Quốc có thêm những hành động leo thang căng thẳng khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại”, bà Sumathy Permal nói.
Nhắc đến vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS với 8 ngư dân của Việt Nam ngày 2/4, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hàng hải eo biển Malacca chỉ rõ, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành vi hết sức nguy hiểm và đáng lên án như trên. Hồi tháng 6 năm 2019, tàu cá mang số hiệu F/B GIMVERQ của Philippines với 22 ngư dân trên tàu cũng đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông.
“Một trong những chiến thuật chính mà Trung Quốc thường xuyên sử dụng là triển khai các nhóm tàu hỗn hợp gồm tàu cá, tàu hải cảnh và tàu hải giám tới vùng biển của các quốc gia trong khu vực nhằm thực hiện hành vi khai thác trái phép, quấy rối, thậm chí gây hấn và tấn công tàu các nước khác. Điều tôi lo ngại là hành vi này của Trung Quốc không những duy trì liên tục trong suốt nhiều năm qua mà còn tăng cường cả về tần suất, mức độ và số lượng tàu tham gia. Riêng trong những tháng đầu năm 2020 thì đã đạt ngưỡng chưa từng có trong tiền lệ”, bà Sumathy Permal phân tích.
Chuyên gia từ chương trình An ninh hàng hải thuộc Đại học Nanyang của Singapore, Collin Koh cũng nhận định: “Các hành vi của Bắc Kinh mà chúng ta đang thấy trên Biển Đông đã từng diễn ra trước đó và chắc chắn sẽ lặp lại trong tương lai. Rõ ràng là sau khi hoàn tất việc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, tăng cường được sự hiện diện thường xuyên trên Biển Đông, Bắc Kinh bắt đầu lập kế hoạch khác để củng cố yêu sách chủ quyền vô lý và liên tục bổ sung các chiêu thức mới. Giờ đây, Trung Quốc “đánh mạnh” vào kinh tế các nước bằng việc dùng tàu hải cảnh và tàu khảo sát cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của quốc gia khác trên Biển Đông.
Quả thực, như đối với Việt Nam, nếu trong vòng 30 năm qua, Trung Quốc chỉ tiến hành gần chục hoạt động trái phép nghiêm trọng ở Biển Đông như đưa tàu thăm dò dầu khi vào bãi Tư chính năm 1994, đưa tàu Kan Tan-3 vào khảo sát ở khu vực chồng lấn trong vịnh Bắc Bộ năm 1997, thực hiện một số vụ cắt cáp tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam trong đó có tàu Bình Minh năm 2011, đưa giàn khoan HD981 vào vùng biển Việt Nam năm 2014, đưa tàu đến cản phá hoạt động dầu khí ở cực Nam thềm lục địa Việt Nam (năm 2017 và 2018) và đưa tàu vào vùng biển Nam Biển Đông của Việt Nam (năm 2019) thì riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, các vụ cản trở kiểu này đã chiếm gần ½ con số này.
Với các quốc gia khác, Trung Quốc cũng không nể nang. Sau cuộc đụng độ với tàu của Malaysia hồi đầu năm, tháng 4 vừa qua, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc lại bám theo tàu thăm dò dầu khí West Capella của Malaysia và hoạt động cách bờ biển Malaysia chỉ hơn 300km. Chưa hết, tàu cá của Trung Quốc cũng đã gây rối gần quần đảo Natuna của Indonesia khiến quân đội Indonesia phải điều máy bay chiến đấu và tàu chiến tới tuần tra.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng bay tới khu vực này và tuyên bố “không thương lượng chủ quyền” với Trung Quốc. Greg Poling, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc sẽ không dừng lại và tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, lập thêm các đội tàu hải cảnh để bảo vệ tàu cá ở Biển Đông và giao thêm nhiệm vụ cho các tàu cá không chỉ đánh cá mà còn quấy rối ngư dân của các nước trong khu vực.
“Mỗi ngày các nước đều chứng kiến có tới gần 100 tàu cá Trung Quốc hoạt động cùng các tàu hải cảnh. Các đảo nhân tạo sẽ được Trung Quốc dùng như căn cứ quân sự và giúp Trung Quốc mở rộng việc kiểm soát trên Biển Đông. Những đảo này được trang bị radar và khả năng giám sát, giúp Trung Quốc quan sát mọi thứ diễn ra ở Biển Đông. Trước đây Trung Quốc có thể không biết quốc gia khác khai thác tài nguyên ở đâu. Nhưng giờ thì họ biết rõ điều đó”, ông Greg Poling lo ngại.
Rõ ràng, Trung Quốc giờ không còn úp mở mà thẳng thừng công khai quan điểm ngăn chặn, khống chế các hoạt động đánh bắt cá và thăm dò dầu khí của các quốc gia khác trên Biển Đông. Nghĩa là, trong quan hệ ngoại giao với những nước ở Đông Nam Á, Bắc Kinh đã chuyển hướng về chính sách. Bình luận về những vấn đề liên quan đến Biển Đông, hãng CNN hồi đầu tháng 6 còn có bài viết khẳng định, Trung Quốc đang gia tăng áp lực, gây nguy cơ xung đột trên Biển Đông.
Con dao hai lưỡi
Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông làm tổn hại danh tiếng quốc tế của nước này. Ian Storey, thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore đánh giá, “trước sự cố thủ của Trung Quốc ngay cửa nhà”, giờ đây dường như là thời điểm để các quốc gia ASEAN đang kết hợp với nhau và sẵn sàng đối mặt với Bắc Kinh.
“Cho dù Trung Quốc có thúc đẩy mạnh mẽ như thế nào, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy các thành viên ASEAN hợp nhất và trình bày mặt trận thống nhất mạnh mẽ chống lại Trung Quốc”, ông Ian Storey nói và chỉ rõ, Malaysia từ lâu đã thực hiện chính sách vừa cân bằng lợi ích của mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc với việc điều hành chính sách đối ngoại độc lập của riêng mình. Đó là lý do tại sao các cuộc đụng độ trước đây với các tàu Trung Quốc ở vùng biển Malaysia bị ngăn chặn nhiều nhất có thể.
Còn Indonesia trong quá khứ đã nổ súng vào các tàu cá Trung Quốc không rời khỏi vùng biển của nước này và hành vi cứng rắn của Tổng thống Widodo vào tháng 1 cho thấy ông sẽ không ngồi yên trong khi Bắc Kinh di chuyển vào quần đảo Natuna.
Trong khi đó, Mỹ đã tăng cường tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông, nắm giữ một nửa số lượng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2020. Washington cũng đang nỗ lực để hỗ trợ trực tiếp các quốc gia ASEAN như việc chuyển giao cho hải quân Malaysia lô máy bay không người lái giám sát đầu tiên hồi tháng 5. Và gần đây, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã thực hiện cái gọi là “hoạt động hiện diện” gần các giàn khoan đang bị tàu Trung Quốc theo dõi. Nhiều quốc khác thì thì tỏ thái độ phản ứng, không ủng hộ hành động của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
GS James Holmes thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ khẳng định: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã thực sự chơi quá tay một cách nghiêm túc bằng cách bắt nạt và quá hung hăng. Điều đó bắt đầu thúc đẩy các quốc gia trong khu vực gia tăng lo lắng về sự xâm lược của Trung Quốc… Trung Quốc càng thúc đẩy thì họ càng có khả năng đoàn kết và đẩy lùi. Bất kỳ sự đẩy lùi nào cũng có thể khiến Bắc Kinh phải trả giá. Trung Quốc có quan hệ thương mại chặt chẽ với nhiều nước láng giềng trong khu vực như Philippines, Malaysia và Indonesia, và cần họ cho các phần trong chương trình “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Đã có rất nhiều khó chịu trong khu vực về cách Trung Quốc sử dụng COVID-19 để thúc đẩy các yêu sách của mình ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ không muốn phá hủy hoàn toàn mối quan hệ với ASEAN bằng cách đẩy quá mạnh”.