Tin Biển Đông – 04/08/2017
Mỹ trấn an ASEAN:
Chuyện Bắc Hàn sẽ không lấn át chuyện Biển Đông
Trong lúc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson tập trung chuẩn bị cho chuyến công du Ðông Nam Á đầu tiên trong tuần này, Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi thành lập một cơ chế ràng buộc pháp lý để ngăn tránh các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ chồng chéo nhau trên Biển Đông biến thành xung đột bạo động. Ông Tillerson cũng sẽ mưu tìm sự hợp tác rộng lớn hơn từ các đồng minh trong khu vực để cô lập hóa Bắc Triều Tiên.
Sau khi bị Trung Quốc nghiêm khắc cảnh cáo, Hà Nội đã ngưng hoạt động khoan dò dầu khí do một công ty nước ngoài thực hiện cho Việt Nam trên Biển Đông. Đó là chuyện mới nhất trong cuộc tranh chấp đang tiếp diễn tại hải lộ tấp nấp nhất thế giới và được cho là giàu trữ lượng dầu khí.
Bộ trưởng ngoại giao của các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, theo trù liệu sẽ thông qua thỏa thuận khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC) trong cuộc họp tại Manila.
Mặc dù thỏa thuận khung cam kết hợp tác giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, nó được xem là bị tác động bởi ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi vì nó chưa mang tính ràng buộc pháp lý.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hối thúc thành lập một cơ chế giải quyết xung đột và kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải.
Bà Susan Thornton, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói: “Những hành động gây bất ổn, như việc Trung Quốc lấp biển, xây đảo, quân sự hóa tại những nơi tranh chấp, làm cho nỗ lực giải quyết ôn hòa những bất đồng trở nên rất khó.”
Ngoại trưởng Rex Tillerson muốn làm việc với Trung Quốc để giải quyết những bất đồng mà không dẫn đến xung đột. Trong số những vấn đề sẽ có việc gia tăng áp lực đối với Bắc Hàn.
Ông Tillerson nói: “Sẽ không có tương lai khi mà Bắc Hàn thủ đắc vũ khí hạt nhân hoặc khả năng bắn các đầu đạn hạt nhân đó đến bất cứ nơi nào trong khu vực. Để ngăn chặn hiểm họa đó, chúng tôi mưu tìm sự hợp tác của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm đến 90% hoạt động thương mại với Bắc Triều Tiên.”
Ông Tillerson sẽ phải làm việc rất khéo với ASEAN trong nỗ lực mưu tìm sự hợp tác để cô lập Bắc Triều Tiên nhưng không để cho các nước Ðông Nam Á này cảm thấy vấn đề Bắc Hàn lấn át những mối quan tâm của họ ở Biển Đông.
Ông Gregory Poling, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, nhận định: “Thực tế là vấn đề Bắc Hàn không quan trọng đối với Malaysia, Việt Nam và Philippines bằng chuyện Biển Đông của nước họ.”
Có nhiều người cho rằng các đồng minh trong khu vực đang hoài nghi rằng họ sẽ không nhận được sự ủng hộ thiết thực từ Washington trong các tranh chấp trên Biển Đông.
Ông Bill Hayton, chuyên gia của viện nghiên cứu Chatham House nói với VOA: “Các nước này cảm thấy không thể trông nhờ vào Washington bảo vệ cho Việt Nam trong tranh chấp ở Biển Đông, và đó là một dấu hiệu cho thấy các chính phủ Ðông Nam Á lo ngại rằng chính quyền của Tổng thống Trump không quan tâm đến chuyện bảo vệ lợi ích cho họ.”
Ngoài vấn đề an ninh hàng hải và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, vấn đề chống khủng bố trong khu vực cũng được cho là sẽ nằm cao trong nghị trình ASEAN.
ASEAN sẽ dịu giọng với Trung Quốc về Biển Đông
Hội nghị của các bộ trưởng Đông Nam Á trong tuần này sẽ tránh bàn tới vấn đề Trung Quốc vũ trang và xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, chuẩn bị ủng hộ một khuôn khổ cho một bộ quy tắc ứng xử không có tính ràng buộc và cũng không có tính cưỡng hành.
Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gạt bỏ những đề cập tới các hoạt động gây tranh cãi của Trung Quốc trong bản dự thảo tuyên bố chung mà hãng tin Reuters đã xem qua.
Ngoài ra, một bản kế hoạch cho việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử hàng hải ASEAN-Trung Quốc được tiết lộ không kêu gọi mang tính ràng buộc pháp lý hoặc chấp hành Công ước về Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), Reuters cho biết.
Hãng tin này nói rằng hai bản dự thảo nêu bật tầm ảnh hưởng đang mở rộng của Trung Quốc trong khu vực vào lúc có nhiều bất định về việc liệu chính quyền mới của Mỹ có tìm cách kiểm soát sự quyết đoán của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp hay không.
Chương về Biển Đông trong bản dự thảo tuyên bố chung mới nhất, một văn bản được các bên thương lượng mà có thể thay đổi, là phiên bản được giảm nhẹ so với phiên bản công bố ở Lào vào năm ngoái, Reuters nói.
ASEAN đã bày tỏ “mối lo ngại nghiêm trọng” trong văn bản này, và “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự chế trong tất cả các hoạt động, bao gồm cải tạo bồi đắp đất.”
Nhưng văn bản mới nhất lại kêu gọi tránh “những hành động đơn phương ở những đảo tranh chấp.”
Philippines với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2017 đã giúp Trung Quốc kiểm soát sự bất hòa.
Từng là nước chỉ trích hành vi của Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong khối ASEAN, Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã gác tranh chấp sang một bên để đổi lấy các cam kết viện trợ của Trung Quốc trị giá 24 tỉ đôla.
Quan hệ giữa ASEAN với Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trong khi vẫn còn nghi vấn về cam kết của Washington đối với an ninh hàng hải và thương mại ở Châu Á, làm suy giảm khả năng thương lượng của khối này với Bắc Kinh.
https://www.voatiengviet.com/a/asean-se-diu-giong-voi-trung-quoc-ve-bien-dong/3971541.html
Tập đoàn dầu khí Philippines
nóng lòng tái tục thăm dò Biển Đông
Tập đoàn dầu khí PXP Energy ở Philippine ngày 3/8 bày tỏ sự háo hức nối lại hoạt động thăm dò tại Biển Đông và cho biết bất kỳ sự phát triển liên doanh nào cũng sẽ có sự góp mặt của một công ty Trung Quốc.
Chủ tịch Manuel Pangilinan nói với các phóng viên rằng ông trông chờ thảo luận các kế hoạch nối lại dự án Bãi Cỏ Rong đã bị đình trệ của PXP trong vùng biển tranh chấp với chính phủ Philippines.
“Chúng ta nên bắt đầu làm điều đó bởi vì tất cả các tuyên bố mà cả Trung Quốc và Philippines đưa ra đều đang đi theo hướng tích cực,” ông nói.
Philippines đình chỉ thăm dò tại Bãi Cỏ Rong, được biết đến với cái tên địa phương là Bãi Recto, vào cuối năm 2014 khi nước này theo đuổi vụ kiện trọng tài quốc tế về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Năm ngoái, Tòa án Trọng tài thường trực tại The Hague đã vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, dù Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết này.
Quyết định này làm rõ các quyền chủ quyền của Philippines trong việc tiếp cận các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi, bao gồm cả Bãi Cỏ Rong, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
PXP trước đó đã đàm phán với Tập đoàn Dầu Khí Hải dương Trung Quốc về việc thăm dò và phát triển chung Bãi Cỏ Rong trong thời chính quyền của người tiền nhiệm của Tổng thống Rodrigo Duterte, Benigno Aquino. Nhưng việc Manila mưu tìm trọng tài phân xử vụ kiện đã làm gián đoạn đàm phán.
Cả hai nước hiện đều để ngỏ ý tưởng liên doanh về năng lượng trong vùng biển đang tranh chấp. Ngoại trưởng Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ trong chuyến thăm tuần trước tới Philippines, và nói thêm rằng hành động đơn phương có thể gây ra vấn đề cho cả hai bên.