Tin Biển Đông – 04/06/2017
Bắc Kinh bị chỉ trích về Biển Đông, Hoa Đông
Tại hội nghị an ninh khu vực hồi cuối tuần, Trung Quốc đã bị chỉ trích vì đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho dù các đại diện của Bắc Kinh lập luận rằng nước của họ tuân thủ luật phát quốc tế.
Các bộ trưởng quốc phòng của Mỹ, Nhật và Úc cũng lên tiếng ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi năm ngoái tuyên có lợi cho Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại Diễn đàn An ninh châu Á ở Singapore, hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã phản đối việc Trung Quốc khuấy động những căng thẳng ở Biển Đông. Ông nói: “Xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các cơ sở trên các thực thể ở vùng lãnh hải quốc tế làm xói mòn sự ổn định của khu vực”.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada cũng có lời chỉ trích tương tự dành cho Trung Quốc. Dù không nêu đích danh, bà nói ngụ ý rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm nhiều nhất về những thay đổi đối với tình hình an ninh ở các vùng biển.
Bà nói: “Ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, chúng ta tiếp tục thấy là dù không hề bị khiêu khích vẫn có những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng dựa vào những sự áp đặt không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế hiện có”.
Bà Inada khẳng định: “Về Biển Đông, tòa trọng tài đã ra phán quyết giữa Philippines và Trung Quốc vào tháng 7/2016”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về Biển Đông nhưng vấp phải phản đối của Việt Nam và một số nước khác. Trong khi đó, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đòi chủ quyền về các đảo ở Biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cũng nêu ra quyết định của tòa trọng tài trong phát biểu của mình. Bà nhấn mạnh: “Các tàu và máy bay của chúng tôi sẽ hoạt động ở Biển Đông như đã làm trong hàng thập kỷ qua, phù hợp với quyền tự do hàng hải và hàng không. Và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ quyền của các nước khác được thực hiện các quyền này”.
Trong một tuyên bố chung, ba nước Mỹ, Nhật và Úc kêu gọi “đối thoại, hợp tác và can dự” với Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh cam kết với luật pháp quốc tế cũng như tự do hàng hải và hàng không.
Họ kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền hãy “dừng các hoạt động bồi đắp, phi quân sự hóa các thực thể có tranh chấp, và tránh các hành động khiêu khích có thể làm tăng căng thẳng”.
Đoàn của Giải phóng quân Trung Quốc đã họp báo sau khi các bộ trưởng quốc phòng 3 nước kể trên đọc diễn văn. Các đại biểu Trung Quốc nói nước họ tuân theo luật pháp quốc tế và họ cảm thấy bị tách ra cũng như bị chỉ trích một cách không công bằng.
(theo South China Morning Post, Express.co.uk)
https://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-bi-chi-trich-ve-bien-dong-bien-hoa-dong/3886268.html
Thủ tướng Phúc trả lời báo Nhật về Biển Đông
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới nói rằng hành động mở rộng đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông cần phải được xử lý bằng các biện pháp hòa bình.
Fiji Press của Nhật Bản dẫn lời người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói như vậy hôm 2/6 với báo chí “xứ sở mặt trời mọc”.
Cơ quan báo chí này dẫn lời ông Phúc nói rằng chính quyền Hà Nội hoan nghênh các đóng góp tích cực của các nước, trong đó có Nhật Bản, để đạt được mục tiêu trên.
Thủ tướng Việt Nam đặt chân tới Tokyo hôm 4/6, bắt đầu chuyến công du “xứ sở phù tang”, ít lâu sau khi trở về nước từ Mỹ, nơi vấn đề Biển Đông cũng nổi lên.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc hôm 31/5 đã khẳng định rằng Biển Đông là tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế.
Theo tuyên bố chung công bố sau cuộc họp của hai quan chức tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác.
Đôi bên cũng “bày tỏ lo ngại về tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á –Thái Bình Dương”.
Tin cho hay, quan chức hai nước “nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp”.
Tuyên bố chung có đoạn: “Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Nhật Bản hiện cũng có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc nhưng là tại biển Hoa Đông.
Ngoài vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, Fiji News dẫn lời ông Phúc nói rằng thương mại cũng nằm cao trong nghị trình chuyến thăm của ông tới Nhật.
Nhật Hoàng và phu nhân tới thăm Việt Nam hồi tháng Ba, và ông Phúc được trích lời nói rằng sự kiện đó “mở ra chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-phuc-tra-loi-bao-chi-nhat-ban-ve-bien-dong/3886342.html