Tin Biển Đông – 04/05/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 04/05/2020

Biển Đông: Mỹ khai thác nỗi tức giận của láng giềng châu Á đối với Trung Quốc – Thanh Phương

Hoa Kỳ đang hy vọng có thể khai thác nỗi tức giận về các hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông để lôi kéo các nước tranh chấp khác đối đầu với Bắc Kinh.

Trong những tuần qua, Trung Quốc đã liên tục có những hành động xâm lấn, gây thêm căng thẳng trên Biển Đông: cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam; đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào sát khu vực mà tàu thăm dò dầu khí của công ty Petronas, Malaysia đang hoạt động; thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa để quản lý hai quần đảo đang tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong cuộc họp qua video với các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào tháng trước, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thừng tố cáo Bắc Kinh lợi dụng lúc thế giới đang tập trung chống đại dịch Covid -19 để tiếp tục xâm lấn trên Biển Đông và ông kêu gọi các nước ASEAN hãy đứng dậy để đối đầu với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích được nhật báo Anh Financial Times trích dẫn ngày 04/05/2020, thật ra Bắc Kinh không hề nhân cơ hội có dịch Covid-19 để tung ra một chiến dịch mới trên Biển Đông. Nhưng họ nghĩ rằng dịch bệnh là cơ hội cho chúng ta thấy rõ hơn chính sách của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.

Financial Times trích lời ông Gregory Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á AMTI, ghi nhận:  « Trung Quốc đang làm điều mà họ vẫn làm ở Biển Đông, nhưng đi xa hơn nhiều so với cách đây vài năm trên con đường tiến tới kiểm soát (vùng biển này). »

Từ năm 2012, Bắc Kinh đã xây nhiều đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này, đồng thời phát triển lực lượng hải cảnh và dân quân biển, và như vậy coi như kiểm soát phần lớn Biển Đông. Các nước tranh chấp khác, đặc biệt là Việt Nam, đã hoàn toàn bất lực, không chặn được, thậm chí không làm chậm lại được đà lấn lướt của Trung Quốc.

Các chiến hạm và các phi cơ của Mỹ đúng là vẫn thường xuyên tuần tra tại các khu vực mà Trung Quốc giành chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng các chiến dịch đó chủ yếu nhằm bảo đảm tự do hàng hải, cho nên các nước Đông Nam Á vẫn có cảm tưởng rằng Hoa Kỳ lo cho lợi ích riêng hơn là hỗ trợ các quốc gia này. Theo các nhà phân tích, cảm tưởng đó càng tăng thêm kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, vì chính sách Biển Đông của chính quyền Trump chỉ giới hạn trong việc tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải.

Nhưng nay, sự phẫn nộ đang dâng cao và không chỉ có Việt Nam mà các nước khác cũng đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối Bắc Kinh. Malaysia, vốn rất kín tiếng, đã phản đối việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát đến khu vực mà tàu của Petronas đang hoạt động, tuy không nêu đích danh Bắc Kinh. Đáng ngạc nhiên hơn, Philippines ( mà tổng thống Duterte là một nhân vật được xem là thân Bắc Kinh ) đã gởi hai công hàm phản đối việc Trung Quốc lập hai quận để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa và phản đối vụ tàu chiến Trung Quốc chĩa hệ thống kiểm soát pháo về phía một chiến hạm của Philippines trên Biển Đông vào tháng 2 vừa qua.

Theo Financial Times, các nhà phân tích nghĩ rằng các vụ nói trên có thể sẽ khiến một số nước Đông Nam Á sát cánh với nhau hơn, hoặc sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ với Mỹ. Ông Bec Strating, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc, ghi nhận hai sự kiện đáng chú ý : Philippines bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam sau vụ tàu cá bị đâm chìm và hải quân Úc tập trận với các chiến hạm Mỹ tại một số khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Về phần Michael O’Hanlon, giám đốc chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, ông cho rằng những hành động vừa qua của Trung Quốc sẽ có lợi cho Hoa Kỳ, vì như vậy là Washington sẽ có một vị thế mạnh hơn khi thương lượng việc mở các căn cứ quân sự (ở châu Á).

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200504-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-m%E1%BB%B9-khai-th%C3%A1c-n%E1%BB%97i-t%E1%BB%A9c-gi%E1%BA%ADn-c%E1%BB%A7a-l%C3%A1ng-gi%E1%BB%81ng-ch%C3%A2u-%C3%A1-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

TQ và Việt Nam: Điểm nóng ẩn giấu

Mặc dù hiện giờ toàn cầu đang bao trùm bởi cái bóng của virus corona mới (virus Trung Cộng, virus viêm phổi Vũ Hán), cuộc sống bình thường rơi vào trạng thái ngừng trệ, tuy nhiên sự phát triển của các kiểu chính trị quốc tế dường như không vì thế mà ngừng lại.

Gần đây, thông tin liên quan đến sống chết của ông Kim Jong-un tại Bắc Triều Tiên cũng thu hút được sự quan tâm của thế giới, không phải là bản thân ông Kim Jong-un có lực hấp dẫn lớn đến thế, mà là Bắc Triều Tiên là khu vực điểm nóng trong xung đột quốc tế. Khu vực điểm nóng này còn có một số nữa, ví dụ như Iran, ví dụ như eo biển Đài Loan, ví dụ như Biển Đông. Nói về Biển Đông, thực ra chúng ta không nên lơ là một vấn đề mà có lẽ thu hút được nhiều sự chú ý nhưng lại ẩn chứa điểm nóng, đó chính là xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Giữa Trung Quốc và Việt Nam, từng có mối quan hệ hữu hảo, nhưng cuối cùng dường như đã định lại do một cuộc chiến tranh khiến hai bên thương vong trầm trọng. Mặc dù hai nước sau đó đã khôi phục lại quan hệ bình thường, nhưng tích oán trong lịch sử vẫn không cách nào xóa nhòa một cách dễ dàng. Huống hồ, hiện tại cả hai phương diện kinh tế và chính trị, Việt Nam đều đang trở thành nước cạnh tranh trong khu vực của Trung Quốc, thương nhân Đài Loan mạnh tay chuyển hàng loạt công xưởng đến Việt Nam. Còn xung đột trực tiếp hơn, tự nhiên chính là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Ở phương diện này, ĐCSTQ không những không hề giảm mở rộng tiết tấu xung đột vì dịch bệnh trong nước, ngược lại còn lợi dụng dịch bệnh, tăng cường hiện diện tại Biển Đông.

Ngày 18/4, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố, phê chuẩn thiết lập hai khu hành chính cấp huyện thuộc “thành phố Tam Sa” tỉnh Hải Nam trên khu vực Biển Đông, tên gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa”. Trong đó, chính quyền khu Tây Sa nằm ở khu vực Việt Nam gọi là Đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Đảo Vĩnh Hưng), phạm vi quản hạt ngoài quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) ra, còn bao gồm cả quần đảo Trung Sa (Bãi Macclesfield) và hải phận quanh quần đảo này; còn chính quyền khu Nam Sa được đặt tại khu vực Việt Nam gọi là bãi đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử), phạm vi quản hạt bao gồm quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và hải phận xung quanh. Tuy nhiên điều gây tranh cãi là, Việt Nam vẫn luôn chủ trương có chủ quyền ở khu vực Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng); còn khu Nam Sa nằm ở đảo nhân tạo Vĩnh Thử (Việt Nam gọi là bãi Chữ Thập), cũng có tranh chấp giữa Việt Nam và Philippines.

Hành động của Trung Quốc tuyệt đối không phải vì hứng khởi nhất thời, mà là có kế hoạch. Điều này cho thấy trong các hành động có tính liên tục của phía Trung Quốc. Bởi vì vào ngày thứ hai 19/4, Trung Quốc đã tuyên cáo chế định tổng cộng 25 đảo trên Biển Đông, 55 “thực thể địa lý đáy biển”, cũng chính là tên chính thức của các địa hình địa vật dưới đáy biển. Đây là tiếp sau cách đặt tên các đảo ở Biển Đông của Trung Quốc năm 1983, lại tiếp tục hành động “chính danh chủ quyền”. Vị trí “bãi đá ngầm phía Tây do Trung Quốc xây dựng” trong danh sách đặt tên, nằm ở khu vực dưới đáy biển giữa quần đảo Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) và lãnh thổ Việt Nam, tiếp tục khiêu khích lằn ranh đỏ về ngoại giao của Việt Nam.

Hôm 20/4, Việt Nam phát biểu tuyên bố, lên án hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời Mỹ cũng đưa ra yêu cầu rõ ràng: “Trung Quốc cần dừng lại hành vi bắt nạt, tránh các hoạt động gây hấn và phá hoại ổn định”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn biểu đạt thái độ cứng rắn như trước đây, đây là “sự việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.

Tình hình ở Biển Đông vốn đã tương đối hòa hoãn, Trung Quốc hiện giờ lại do các nhân tố khó khăn cả trong lẫn ngoài như dịch bệnh, v.v, theo lý mà nói thì nên “chống ngoại xâm ắt phải an nội trước”, vì sao trong lúc này lại lại muốn động tay động chân, khích động xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam? “Chính danh chủ quyền” đã gác lại 37 năm, vì sao hiện tại lại tiếp tục lôi ra “pháp bảo” này? Lợi dụng nguy cơ bên ngoài để dịch chuyển mâu thuẫn bên trong, đương nhiên là một lý do có thể nghĩ tới. Tôi cho rằng, sự tồn tại của Việt Nam, tạo thành đe dọa đối với sự “thống nhất giang hồ” tại khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc, cũng là nguyên nhân quan trọng mà Trung Quốc cần đánh Việt Nam.

Như đã biết, Trung Quốc đã thông qua viện trợ kinh tế, thu nạp phần lớn các nước xung quanh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn không muốn một lần nữa thành ’em’ của Trung Quốc. Đối với việc Mỹ nhiều lần cảnh cáo Huawei, đồng minh truyền thống của Mỹ là Thái Lan và Philippines đều không để ý tới, nhưng Việt Nam lựa chọn đứng về phía Mỹ, không chọn công nghệ 5G của Huawei, mà chọn Ericsson và Nokia để thay thế, đây chính là một ví dụ. Về vấn đề Biển Đông, sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Nam, cho đến khả năng quân Mỹ đồn trú tại Việt Nam, đều làm Việt Nam trở thành chướng ngại trên con

đường Trung Quốc xưng bá. Do đó, giữa Việt Nam và Trung Quốc, dù trong thời gian ngắn không xảy ra xung đột quân sự, nhưng lâu dài, nguy hiểm này vẫn còn tồn tại.

http://biendong.net/dam-luan/34489-tq-va-viet-nam-diem-nong-an-giau.html

 

Biển Đông :

Việt Nam tìm ngoại lực để đối phó với Trung Quốc

Thu Hằng

Tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc hoành hành trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ đầu tháng 07 đến nay, sau khoảng một tuần gián đoạn (07-13/08/2019. Ngày 24/08, tầu Hải Dương Địa Chất 8 còn ngang nhiên tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Phan Thiết khoảng 185 km. – Tạp chí phát lần đầu ngày 27/08/2019.

Sau thời gian đầu im lặng, Việt Nam phản đối ngày càng kịch liệt và huy động lực lượng hải cảnh bám sát hoạt động của đội tầu Trung Quốc. Về mặt ngoại giao, Việt Nam tìm cách vận động công luận quốc tế thông qua những tuyên bố quan ngại tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông đang bị đe dọa.

Trung Quốc có ý đồ gì khi đưa tàu khảo sát quay lại vùng biển Việt Nam ? Việt Nam có khả năng chống trả như thế nào ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Center for Security Studies, APCSS), Hawai.

GS. Alexander Vuving

RFI : Tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã hai lần thâm nhập khu vực bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và hiện vẫn đang hoạt động trong khu vực này. Trung Quốc có ý đồ gì với sự kiện gây hấn mới nhất này ?

GS. Alexander Vuving : Tôi nghĩ ý đồ lớn nhất của Trung Quốc là họ muốn tiếp tục hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” của họ ở Biển Đông. Yêu sách đó đương nhiên là bị Tòa Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ năm 2016. Nhưng Trung Quốc thấy rằng họ gần như muốn làm gì cũng được nên họ tiếp tục hiện thực hóa. Tôi nghĩ là những hành động vi phạm hiện nay của Trung Quốc cũng có ý đồ thiết lập một hiện thực mới ở khu vực Biển Đông. Điều này thể hiện cán cân sức mạnh nghiêng về Trung Quốc.

Thứ hai là họ cũng muốn gây áp lực để Việt Nam và các nước ASEAN phải chấp nhận lập trường của họ về bản Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Như chúng ta biết là Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn đang thương thảo về bản Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Và mới đây, năm 2018, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra đề nghị là phải ký kết bản quy tắc này trong vòng 3 năm tới, có nghĩa là đến năm 2021. Thời gian đó chính là thời gian mà Trung Quốc, có thể nói là “vừa đánh vừa đàm”, đặc biệt là sẽ gây áp lực rất mạnh trên thực địa để buộc các nước chấp nhận lập trường của Trung Quốc.

Điều thứ ba mà theo tôi nghĩ, đó cũng là một hình thức Trung Quốc muốn gây áp lực với Việt Nam để Việt Nam lo ngại và không dám nâng cao mối quan hệ với Mỹ lên mức “đối tác chiến lược”, hiện mới chỉ là “đối tác toàn diện”. Có dự định là Việt Nam và Mỹ sẽ nâng quan hệ lên thành “đối tác chiến lược” khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ vào cuối năm nay (2019).

Những hành động này của Trung Quốc cũng có ý là làm cho lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc lại, suy nghĩ lại, xem là có nên tiếp tục như thế nữa không.

Trường hợp bãi Scarborough của Philippines bị Trung Quốc chiếm năm 2012 và trường hợp bãi Tư Chính hiện nay của Việt Nam có gì giống và khác nhau ? Philippines có Mỹ là đồng minh vào thời điểm đó, mà vẫn bị mất.

Trường hợp mà hiện nay chúng ta gọi là “bãi Tư Chính”, trên thực tế là không có gì xảy ra ở bãi Tư Chính cả. Hiện nay, cuộc đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra ở hai nơi : một là khu vực Block 06-01, nằm ở phía cao hơn Tư Chính rất là nhiều ; khu vực thứ hai là phía gần đảo Đá Tây của Việt Nam, nơi mà tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đang khảo sát, cũng không dính líu gì đến bãi Tư Chính. Chỉ có điều là ta cứ tạm gọi như thế. Trước hết, phải nói rõ như thế !

Còn khu vực mà mọi người hay gọi là bãi Tư Chính, trên thực tế là có rất nhiều bãi ngầm, trong đó bãi Tư Chính nằm ở phía cực nam, ngoài ra còn có nhiều bãi khác như Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, bãi Huyền Trân… Tất cả những bãi này đều nằm chìm dưới mặt biển, từ khoảng 6-7 mét cho đến hơn 20 mét.

Bãi này khác với Scarborough của Philippines có những mỏm đá nhoi lên và thậm chí là có những lúc có một hồ bên trong. Đối với bãi Scarborough, sự chiếm đoạt cũng tương đối dễ dàng hơn rất nhiều so với những bãi, gọi là bãi nhưng thực ra hoàn toàn chìm dưới biển. Nếu muốn chiếm những bãi đó, cũng rất là khó.

Trên thực tế hiện nay, Việt Nam đã xây dựng mười mấy nhà giàn ở khu vực như bãi Tư Chính, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân và về phía xa hơn là ngoài bãi Ba Kè. Bây giờ Trung Quốc muốn chiếm những khu vực này, có lẽ cũng phải mang cấu trúc tương tự như nhà giàn của Việt Nam đến và lắp đặt vào đấy. Những công việc này cũng không phải là đơn giản.

Điểm khác biệt thứ hai trong trường hợp Scarborough và “trường hợp tạm gọi là Tư Chính”, vấn đề chủ quyền Scarborough vẫn có sự tranh chấp. Đứng về phía trung lập của quốc tế, người ta không rõ ai có chủ quyền. Vào thời điểm năm 2012, chưa có phán quyết của Tòa Trọng Tài vào năm 2016 cho nên bên ngoài vẫn chưa rõ là khu vực này như thế nào.

Nhưng hiện nay, chúng ta đã có phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016, và vấn đề vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được xác định rất rõ ràng, bởi vì Tòa Trọng Tài nói rằng là không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Từ đó suy ra là vùng biển hiện nay, nơi đang có đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà tạm gọi là bãi Tư Chính, là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Và về mặt luật pháp quốc tế, không thể gọi là vùng tranh chấp được.

Đối với những nước thứ ba bên ngoài trung lập, chấp nhận chiểu theo luật pháp quốc tế, họ sẽ phải thừa nhận rằng những vùng này là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc không có lý do gì để đòi hỏi chủ quyền bởi vì “đường lưỡi bò” – yêu sách của Trung Quốc – đã bị bác bỏ bởi Tòa Trọng Tài năm 2016.

Một điểm khác biệt nữa là Philippines có Mỹ là đồng minh, còn Việt Nam không có nước nào là đồng minh cả. Thế nhưng, thời điểm đó, tuy rằng Mỹ là đồng minh của Philippines nhưng chính quyền Obama lại quá ngây thơ về ý đồ và hành vi của Trung Quốc. Do đó, thay vì đứng về phía Philippines để bảo vệ đồng minh, họ lại đóng vai trò trung gian hòa giải. Điều đó dồn Philippines, là một nước nhỏ, vào thế yếu hơn nữa và cuối cùng dẫn đến việc Philippines bị mất bãi Scarborough vào tay Trung Quốc.

Vậy Việt Nam có nên tin vào hứa hẹn ủng hộ, giúp đỡ của Mỹ không ? Trong khi chính quyền tổng thống Trump hiện nay bắt đầu phàn nàn về nhập siêu trong lĩnh vực thương mại từ Việt Nam.

Tôi nghĩ chính quyền Trump hiện nay không đến nỗi ngây thơ về những ý đồ và hành vi của Trung Quốc như chính quyền Obama. Họ đã lên tiếng, nói rõ rằng họ chống lại việc Trung Quốc bắt nạt Việt Nam ở vùng biển của mình. Và về vấn đề pháp lý, họ thấy rõ rằng vùng đó là thuộc về chủ quyền của Việt Nam.

Chỉ có điều là Mỹ không có quan hệ đồng minh, cũng chẳng có quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ với Việt Nam, như đối với Philippines. Cho nên tôi không nghĩ là Mỹ có hứa hẹn ủng hộ gì Việt Nam hay không ngoài việc tuyên bố. Nhưng việc nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược” là việc lâu dài, không nên bị ảnh hưởng bởi chính quyền hiện nay là thế nào.

Bản thân Việt Nam cũng nhận thức được thực tế là họ phải cân bằng mối quan hệ với các nước khi mà họ đã có một mối quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc. Đương nhiên là họ phải có một mối quan hệ đối tác chiến lược khá toàn diện với Mỹ để cân bằng. Nhưng hiện nay, quan hệ với Mỹ lại bị đặt ở cấp thấp, chỉ là “quan hệ toàn diện”. Rõ ràng là có độ vênh mà Việt Nam sẽ cần phải lấp vào.

Việt Nam có những tiềm lực gì về ngoại giao, quân sự để phản đối và đối phó những hoạt động trên, cũng như chiến lược thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc ?

Với những mối quan hệ ngoại giao và khả năng quân sự của Việt Nam hiện tại, thì hoàn toàn cán cân sức mạnh, kể cả ngoại giao lẫn quân sự, đều nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Lực lượng của Việt Nam chưa đủ mạnh để có thể thực sự cản phá được những hoạt động của Trung Quốc. Việt Nam, kể cả về ngoại giao lẫn quân sự, đều thiếu khả năng răn đe Trung Quốc. Có thể nói thẳng là như vậy !

Cho nên những gì Việt Nam cố gắng làm ở Biển Đông chỉ là giữ những gì mình đang làm, chẳng hạn những giàn khoan dầu, đã khoan rồi thì tiếp tục giữ. Còn bây giờ, đặt thêm giàn khoan mới cũng không phải dễ dàng. Chúng ta đã biết trong hai năm vừa qua, 2017 và 2018, Việt Nam cũng muốn đưa một số giàn khoan ra để khoan thăm dò, cuối cùng là phải rút về, thậm chí là phải hủy. Lần này đưa ra thì tiếp tục giữ được, nhưng khi tầu Trung Quốc xuống và khảo sát cả một vùng biển lớn như đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thì Việt Nam cũng không ngăn chặn được.

Hy vọng là những sự kiện như này sẽ có tác dụng như những cú hích, giống thời kỳ giàn khoan năm 2014, để Việt Nam thực sự đầu tư, phát triển, tăng cường khả năng chống tiếp cận và cản phá sự lấn lướt của Trung Quốc trên thực địa, cũng như là mở rộng quan hệ ngoại giao.

Nhìn về vấn đề ngoại giao, thì thấy rằng tiềm năng là đủ để Việt Nam có thể cản phá được Trung Quốc vì các nước lớn trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đều có chung lợi ích chiến lược là không để cho Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Vấn đề là những tiềm năng này vẫn chưa được khai phá một cách tương ứng với áp lực và cách thức từ phía Trung Quốc.

Vậy phải chăng ưu tiên hiện nay là cần tập trung tố cáo Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế, qua đó mới lôi kéo được các nước, như giáo sư vừa nêu, tham gia tích cực hơn để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ?

Vâng. Tôi nghĩ là trước mắt, Việt Nam vẫn chưa làm đủ mạnh bằng năm 2014. Năm 2014, Việt Nam đưa nhà báo quốc tế ra tận thực địa để quay phim, chụp ảnh, để đưa những bằng chứng về sự ăn hiếp của Trung Quốc ra quốc tế. Và chính điều đó, theo tôi, có tác dụng không nhỏ đến việc buộc Trung Quốc rút giàn khoan sau hai tháng rưỡi.

Bây giờ, rõ ràng là về mặt luật pháp quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn sai, Việt Nam là đúng. Tại sao lại không đưa nhà báo quốc tế ra tận nơi ? Tại sao không công bố những hành động của Trung Quốc ở ngoài biển để làm “mất mặt” Trung Quốc trên trường quốc tế ? Tôi thấy rằng những hành động hiện nay của Việt Nam chưa đủ để Trung Quốc buộc phải trả giá.

Chưa nói đến chuyện tăng cường mối quan hệ với những nước lớn (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ) có thể giúp được Việt Nam và gây áp lực đối với Trung Quốc. Đây là vấn đề không thể giải quyết được ngay bây giờ, nhưng phải làm và đẩy mạnh lên để khi cần thì vận động được các nước đó có hành động giúp mình, chẳng hạn như một chương trình đưa tầu cảnh sát biển của một số nước vào giúp Việt Nam thực thi quyền chủ quyền của mình trong khu vực EEZ của Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Đã có rất nhiều tiền lệ trên thế giới.

Nhưng để làm điều đó thì phải bắt đầu, vào một thời điểm nào đó, nhưng tôi chưa thấy Việt Nam bắt đầu những công việc như này. Có thể nói là tiềm năng thì có rất nhiều nhưng chưa được khai thác đầy đủ.

Vào đầu tháng 8/2019, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu bàn về hợp tác quốc phòng, hướng tới một thỏa thuận khung nhân chuyến thăm Hà Nội của lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Mogherini. Gần đây, hai tướng Không quân Mỹ sang thăm Việt Nam, ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam. Phải chăng Việt Nam công khai mở rộng hợp tác quân sự, mà mục tiêu trước mắt là đối phó với sức mạnh của Trung Quốc ?

Thực ra Việt Nam đã đi nhiều bước để mở rộng hợp tác quân sự với nhiều nước, gồm cả Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Pháp từ nhiều năm nay. Việc này nằm trong sách lược mà Việt Nam gọi là “giữ nước từ xa”, tức là một cách để cân bằng các mối đe dọa, đồng thời san sẻ rủi ro, tránh bị phụ thuộc vào một đối tác nhất định.

Chỉ có điều những bước đi đó vẫn còn rất rụt rè, những bước đi vẫn còn rất ngắn, chưa đủ để tạo những hợp tác sâu và mạnh đến mức độ có thể thực sự nâng cao được khả năng của Việt Nam, cũng như là tạo được sức mạnh răn đe đối với Trung Quốc.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving.

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200504-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-vi%E1%BB%87t-nam-t%C3%ACm-ngo%E1%BA%A1i-l%E1%BB%B1c-%C4%91%E1%BB%83-%C4%91%E1%BB%91i-ph%C3%B3-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c