Tin Biển Đông – 04/02/2019
Philippines phản đối việc TQ
khánh thành trung tâm cứu hộ ở Biển Đông
Hôm 4/2, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết nước ông sẽ phản đối việc Trung Quốc khánh thành một trung tâm cứu hộ hàng hải ở Biển Đông, theo tờ Straitstimes.
Ông Locsin cho biết ông ủng hộ quan điểm của Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio rằng Philippines phải lên tiếng phản đối việc xây dựng trung tâm cứu hộ của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) như Tân Hoa Xã đã loan tin hôm 29/1.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã xây dựng một mạng lưới các đảo nhân tạo có trang bị các phi đạo và hải đăng để gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông, khu vực có tranh chấp chủ quyền với Philippines, Malaysia và Việt Nam.
Ông Locsin viết trên Twitter rằng “Chúng tôi sẽ phản đối” nếu tin khánh thành trung tâm này là đúng sự thật. “Tuy nhiên, tôi muốn các bên thảo luận vấn đề này một cách công khai tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.”
Ông cho biết Bộ Ngoại giao Philippines đang chờ thêm các đánh giá của Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon về trung tâm này.
Tuy nhiên, vào tuần trước, ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nói rằng Philippines phải “biết ơn” Trung Quốc, vì một trung tâm cứu hộ như thế có thể giúp ích cho tất cả mọi người.
Biển Đông: Anh, Mỹ Tăng Cường Chống TC
Vi Anh
Trên thế giới này chưa có nước nào hải lực mạnh hơn Mỹ và kinh nghiệm hải chiến hơn Anh. Tình đồng minh của Mỹ và Anh trên thế giới thân thiết chết sống có nhau bền vững, lâu dài nhứt so với các đồng minh khác từ sau Đệ Nhứt Thế Chiến tơí giờ. Mỹ xả thân vào Đệ Nhị Thế Chiến để giúp Anh và giải toả Âu châu ra khỏi nạn xâm lược của Đức Quốc xã và Phát xít. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Anh Mỹ là một trong Hội Đồng Bảo an LHQ và trên mặt trận ngoại giao và quân sự. Sau Chiến Tranh Lạnh trước đà bành trướng của CS Trung Quốc đang xâm lược Á châu Thái bình dương, Mỹ chuyển trục quân sự về đây. Anh trở lại Á châu Thái bình sau rất nhiều năm rút khỏi, để cùng Mỹ chống TC. Lần đầu tiên và sẽ không phải là lần cuối Anh tập trận chung với Mỹ ở khu vực châu Á châu Thái Bình Dương là diện và ở Biển Đông là điểm. Đây là nỗ lực Anh Mỹ cùng chống TC trên phương diện ngoại giao, quân sự và là quyết tâm của Thế giới Tự do tái lập hoà bình ổn đỊnh và củng cố tự do hàng hải cho vùng biển này. Đó là vùng biển nhiều tài nguyên và có con đường hàng hải huyết mạch quốc tế qua đây. Và ở phía Bắc Mỹ có gần 100.000 quân đang trú đóng bảo vệ hoà bình ở Nam Hàn và Nhựt.
Thế cho nên gần đây chiến hạm hai nước Anh, Mỹ lần đầu diễn tập liên lạc tại Biển Đông. Một cuộc tập trận nhằm thách thức yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Đó cũng là một cuộc tập trận của Anh lần đầu tiên diễn ra kể từ năm 2010. Đây cũng là lần đầu tiên hải quân hai nước diễn tập chung trên Biển Đông kể từ khi Trung Quốc bồi đắp trái phép và tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Chiến hạm Mỹ USS McCampbell có trang bị hoả tiễn dẫn đường và tàu hộ vệ Anh HMS Argyll cả hai chiến hạm cùng tham gia các cuộc diễn tập khác nhau từ ngày 11/1 đến 16/1, bao gồm nội dung liên lạc trên biển, để “xử lý những ưu tiên an ninh chung”, Reuters dẫn thông cáo của hải quân Mỹ, đánh tin đi toàn thế giới.
Đợt diễn tập này cũng diễn ra chỉ 4 tháng sau khi tàu đổ bộ HMS Albion của thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh áp sát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Giới quan sát nhận định cuộc diễn tập chung này là động thái thách thức trực tiếp đầu tiên của Anh đối với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Tàu khu trục USS McCampbell hồi đầu tháng cũng tiến vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa để tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, thách thức những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Bắc Kinh phản đối Washington sau khi khu trục hạm có hoả tiễn dẫn đường USS McCampbell tuần tra Hoàng Sa. Phát ngôn viên Lục Khảng của TC nói rằng đã «nghiêm khắc cảnh cáo» vì hoạt động tuần tra này «vi phạm luật pháp Trung Quốc». Trong khi đó phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, bà Rachel McMarr tuyên bố việc chiến hạm USS McCampbell đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa là nhằm «phản kháng các yêu sách quá đáng trên biển».
Chưa hết. Mỹ còn mở các cuộc tập trận giả định tái chiếm đảo bị TC xâm chiếm. Trang tin Business Insider hôm 24/1 cho biết Thuỷ quân lục chiến Mỹ đang có một kế hoạch giả định cho phép thuỷ quân lục chiến Mỹ chiếm các đảo mà Bắc Kinh kiểm soát. Tin USNI News trích lời tướng David Coffman của Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết “các hoạt động hải quân phối hợp là cần thiết để lấy một đảo dù là đảo tự nhiên hay nhân tạo”, ý muốn nói đến các tiền tiêu mà Trung Quốc cho xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Còn TT Trump vào cuối năm 2018, ký ban hành Đạo Luật Sáng Kiến Trấn An Châu Á (Asia Reassurance Initiative Act – ARIA), tái khẳng định các cam kết với Đài Loan, bao gồm việc bán vũ khí để giúp Đài Bắc tự vệ trước Trung Quốc.
Và Anh là đồng minh lịch sử của Mỹ thì Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson tiết lộ trên báo Anh Sunday Telegraph, số đề ngày 31/12/2018, về khả năng Luân Đôn mở thêm căn cứ quân sự mới, rất có thể là ở Đông Nam Á, tại Singapore hoặc Brunei. Đây là một chuyển động mới trong chính sách ngoại giao, quốc phòng của Anh Quốc, sau khi đã đóng cửa các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và Vịnh Ba Tư trong những năm 1960. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post cho rằng nếu Anh Quốc thành lập một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, điều đó có nhiều khả năng sẽ phủ bóng đen lên quan hệ Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia đã đồng ý cho Anh Quốc mở căn cứ trên lãnh thổ của mình. Theo ông Hứa Lợi Bình (Xu Liping), giáo sư tại Viện Nghiên Cứu Châu Á Thái Bình Dương thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã hội Trung Quốc: “Rõ ràng đây là động thái phô trương sức mạnh của Anh nhằm vào Trung Quốc, chứng tỏ sự can dự rõ rệt các cường quốc bên ngoài vào vấn đề Biển Đông”.
Ông Nghê Lạc Hùng nhận định kế hoạch lập căn cứ Anh cho thấy là Luân Đôn ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra.
Thông tấn xã Reuters của Anh dẫn lời người đứng đầu về các hoạt động hải quân của Hoa Kỳ cho biết hôm 18/1, Mỹ còn dự trù cho hàng không mẫu hạm đi qua Eo Biển Đài Loan bên hông TC, bất chấp những tiến bộ về công nghệ quân sự của Trung Quốc đang đề ra mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết cho các tàu chiến của Hoa Kỳ. Washington từng đưa tàu chiến đi qua thủy lộ chiến lược này 3 lần vào năm ngoái, trong quá trình thực hiện việc thường xuyên đi qua eo biển ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ chưa từng phái một hàng không mẫu hạm tới đây. Nhưng hiện tại trả lời phóng viên Nhật hỏi liệu vũ khí tiên tiến hơn của Trung Quốc có đề ra rủi ro quá lớn hay không, Đô đốc John Richardson nói “Chúng tôi thực sự không thấy có bất kỳ giới hạn nào đối với bất kỳ loại tàu nào có thể đi qua vùng biển đó”,
“Chúng tôi xem eo biển Đài Loan như những vùng biển quốc tế khác, đó là lý do tại sao chúng tôi lại đi qua đây”. Các chiến lược gia cho biết thông thường Hàng không mẫu hạm Mỹ, được trang bị khoảng 80 máy bay và khoảng 5.000 quân nhân, là chìa khóa cho khả năng hoạt động trên toàn cầu của quân đội Hoa Kỳ.
Một giới chức Hoa Kỳ nói với Reuters rằng Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ ý định của Trung Quốc đối với Đài Loan vì những tiến bộ trong công nghệ quân sự mang lại cho các lực lượng của Bắc Kinh nhiều khả năng hơn để chiếm hòn đảo mà họ luôn coi là một tỉnh ly khai.
Trong một báo cáo, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ gọi Đài Loan là “động cơ chính” cho việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
Ông Richardson mới đây khi thăm Trung Quốc trước khi tới Nhật Bản, cho biết Ông đã nói với các đối tác Trung Quốc rằng Hoa Kỳ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào của Bắc Kinh hoặc Đài Bắc./.(VA)
https://vietbao.com/p123a290419/bien-dong-anh-my-tang-cuong-chong-tc