Tin Biển Đông – 04/01/2017
Tàu sân bay TQ thị uy ở Biển Đông,
mẫu hạm Mỹ vắng mặt trên biển
Trong những ngày đầu năm 2017, Trung Quốc đã phô trương đợt tập huấn trên Biển Đông của chiếc tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning), với bài tập quan trọng nhất là cho chiến đấu cơ sử dụng con tàu làm cơ sở hạ cánh và cất cánh. Theo các chuyên gia phân tích, nhóm tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc còn lâu mới đạt được trình độ điêu luyện của hạm đội hàng không mẫu hạm Mỹ. Có điều là không biết có phải là trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà đúng vào lúc Bắc Kinh mang tàu sân bay ra thị uy với các láng giềng, thì các hàng không mẫu hạm Mỹ đều vắng bóng trên đại dương.
Cuộc diễn tập cất cánh và hạ cánh của phi đội chiến đấu cơ J-15 trên chiếc Liêu Ninh ngày 02/01 vừa qua tại một địa điểm không xác định ngoài Biển Đông đã được guồng máy tuyên truyền Trung Quốc hết lời ca ngợi khi nhấn mạnh rằng : « So sánh với các vùng biển khác như Bột Hải, Hoàng Hải và Đông Hải (Biển Hoa Đông) thì Nam Hải (tức Biển Đông) là nơi có điều kiện khó khăn hơn ».
Yêu tố quan trọng nhất được các chuyên gia quân sự ghi nhận là chiếc Liêu Ninh đã thành công trong việc tiến ra đại dương : Ngày 25/12/2016 vừa qua, lần đầu tiên con tàu đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, băng qua eo biển Miyako cắt ngang Nhật Bản để ra Tây Thái Bình Dương, từ đó đi xuống phía nam, rẽ qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) sát Đài Loan để vào Biển Đông.
Chuyến hải hành suôn sẻ này cho thấy là về mặt động cơ, chiếc Liêu Ninh đã khắc phục được các điểm yếu kém của loại tàu sân bay Nga cùng loại như chiếc Đô Đốc Kouznetsov, mà vận tốc không thể vượt quá 18 hải lý/giờ, để hệ thống máy tàu không bị quá tải.
Về mặt năng lực tác chiến, theo các chuyên gia, với các « bài tập cuối khóa » lần này, Trung Quốc đã thành công trong việc biến một tàu sân bay huấn luyện thành một phương tiện tấn công, cho dù hỏa lực cũng như kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Trước đó, khi còn ở Bột Hải, chiếc tàu cũng lần đầu tiên tập trận bắn đạn thật, kèm theo các bài khóa như không đối không, không đối hạm, hạm đối hạm.
Ngay từ ngày 15/11 năm ngoái, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng chiếc tàu sân bay duy nhất của họ đã sẵn sàng chiến đấu.
Không một chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ được triển khai làm nhiệm vụ
Điều đáng ghi nhận trong thời điểm hiện nay, là vào lúc Trung Quốc phô trương sức mạnh mới của chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ngay tại vùng biển nóng là Biển Đông, với ý nghĩa hù dọa rõ rệt đối với các láng giềng, Hoa Kỳ lại ở trong tình trạng bất động.
Hãng truyền thông Mỹ Fox News ngày 30/12/2016 đã nêu bật một sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng : Đó là vào lúc Bắc Kinh « khoe » tàu sân bay, thì cường quốc Hải Quân số một hành tinh là Mỹ, lại không có bất kỳ một hàng không mẫu hạm nào đang hoạt động, điều được hãng Fox News ghi nhận là chưa từng thấy từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay.
Theo nguồn tin trên, chiếc USS Dwight D. Eisenhower chịu trách nhiệm vùng Trung Đông chẳng hạn, đã quay trở lại cảng Norfolk (bang Virginia) ngày 30/12, nhưng không có chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ nào khác thay thế. Còn tại châu Á, phải chờ đến cuối tháng Giêng này thì chiếc USS Carl Vinson mới trở lại nhận nhiệm vụ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Đối với các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh hàng không mẫu hạm luôn được xem là biểu tượng của sức mạnh Mỹ, với khả năng chuyển lực lượng hùng hậu đến mọi chiến trường một cách nhanh chóng, việc không một chiếc tàu sân bay Mỹ nào đảm trách một chiến dịch nào đó trên đại dương đã làm dấy lên những suy nghĩ không hay về sự « suy yếu » của tiềm lực quân sự Hoa Kỳ.
Tại châu Á, điều đó đã bắn đi một tín hiệu xấu về phía các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, vốn kỳ vọng rất nhiều vào Washington để ngăn chặn đà bành trướng của Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170104-tau-san-bay-tq-thi-uy-o-bien-dong-mau-ham-my-vang-mat-tren-bien
Philippines muốn
dời nơi tập trận với Mỹ ra khỏi Biển Đông
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng chuyển các cuộc tập trận hải quân chung với Hoa Kỳ ra khỏi khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông. Hành động này diễn ra giữa lúc ông Duterte cố gắng cải thiện mối quan hệ của Manila với Trung Quốc.
Sau khi ông Duterte tuyên bố chuyển sang mối quan hệ thân mật hơn với Trung Quốc, Philippines gần đây đã quyết định giảm số lượng các cuộc tập trận với đồng minh Hoa Kỳ.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết Tổng thống Duterte trước đó khuyên ông nên tìm một địa điểm mới để tập trận với Hoa Kỳ, có thể là đến khu vực Mindanao, và nên tránh khu vực Biển Đông đầy nhạy cảm.
“Chúng ta có thể dời các cuộc tập trận hải quân đối diện Biển Đông tới khu vực Mindanao để tránh gây khó chịu cho láng giềng của chúng ta, hãy tinh tế với các nước láng giềng,” ông nói.
Trong chuyến công du Bắc Kinh tháng 10 vừa qua, Tổng thống Duterte loan báo ông đang nới lỏng các mối quan hệ với Washington, đồng minh cung cấp cho Manila gần 800 triệu đô la viện trợ quân sự từ năm 2002 tới nay.
Hôm thứ năm tuần trước, ông Duterte nhắc lại rằng ông muốn tránh đối đầu với Trung Quốc và không thấy cần phải cấp thiết thúc đẩy Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài Liên hiệp quốc về đường lưỡi bò Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông.
Diễn biến mới ở Biển Đông, ai hưởng lợi?
Gia Minh, PGĐ ban Việt Ngữ
Biển Đông tiếp tục là một trong những khu vực nóng của thế giới. Một số diễn biến mới nhất có mang tính bất ngờ không, ai được hưởng lợi nhất vào lúc này và Việt Nam đang có những động thái gì để bảo vệ lãnh hải?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Khoa Sử, Đại học Maine ở Hoa Kỳ nhận định:
Bây giờ vẫn còn sớm để nói chắc chắn là ai có thể hưởng lợi nhất bởi vì hiện nay còn đang cạnh tranh về chuyện của nước Mỹ như chuyện sắp lên làm tổng thống của ông Trump, nên chính sách ngoại giao chưa rõ ràng, thành ra Trung Quốc có vẻ đang ‘nắn gân’ ông ấy, như đưa tàu sân bay vào Biển Đông. Tôi nghĩ là về lâu về dài, các nước trong khu vực họ sẽ phản ứng. Thế nên cũng rất là khó, Đông Nam Á chẳng hạn, hay tổng thống Duterte khi Philippines làm chủ nhà ASEAN lúc đó có thái độ như thế nào, thì mình sẽ hiểu và sẽ biết tình hình như thế nào. Nhưng mà tôi nghĩ rằng sau phán quyết của tòa án PCA, Trung Quốc có làm dữ cũng không có thể làm gì hơn, tôi nghĩ thế giới sẽ phản ứng.
Gia Minh: Như giáo sư vừa nhắc rằng Philippines sẽ làm chủ tịch luân phiên của ASEAN, thái độ của tổng thống Duterte cũng bất chừng, nhưng mà mới ngày đầu năm tân đại sứ của Philippines ở Bắc Kinh nói rằng Manila cần có những thay đổi cơ bản về chiến lược, có nghĩa là phải cân bằng chứ không thể để nghiêng về phía Mỹ như lâu nay?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Ông ấy nói thì cũng đúng, thật ra lâu nay không có Mỹ bảo vệ Philippines thì sẽ rất nguy hại cho Philippines, cho nên tôi nghĩ là lúc này chưa có gì thì nói như vậy được, nhưng khi có sự cố tôi nghĩ là Philippines sẽ chạy lại với Mỹ, chứ không thì khó có ai có thể bảo vệ Philippines lắm, nhất là vùng sát đất liền nếu Duterte hay Philippines mà nhượng bộ thì sẽ rất nguy hiểm.
Gia Minh: Còn phía Việt Nam vừa qua cũng có những thông tin, những hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam cũng đã trang bị vũ khí ở những đảo đá mà Việt Nam đang chiếm giữ. Giáo sư có thấy những động thái của Việt Nam như vậy chứng tỏ sự cương quyết của chính phủ Hà Nội trong việc bảo vệ chủ quyền trước sự gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ rằng đây chỉ là hành động chứng tỏ rằng nếu Trung Quốc đẩy mạnh thì Việt Nam sẽ sẵn sàng bảo vệ mình, và khi Việt Nam bảo vệ thì lẽ đương nhiên cả biển Đông sẽ dậy sóng, mà khi biển Đông dậy sóng thì sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều nước chứ không phải mình Việt Nam. Khi Việt Nam bị ép lắm thì Việt Nam cần có sự bảo vệ, nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam chỉ làm như vậy thôi, ngoài cái động thái để cho thế giới để ý này, động thái này cũng để cho mọi người biết rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ anh ninh của Việt Nam, mà thật ra là bảo vệ an ninh tốt nhất trên đất liền của Việt Nam chứ không phải ở trên biển Đông. Biển Đông rất lớn, bảo vệ an ninh của Việt Nam ở biển Đông chỉ là sự nhỏ thôi. Tôi nghĩ là cách gây sự chú ý của nhân dân Việt Nam ra khỏi các vấn đề gây khó khăn cho dân các nước.
Việt Nam chuẩn bị gì?
Gia Minh: Trung Quốc cũng triển khai vũ khí ở 7 đảo nhân tạo mà họ xây dựng lên, mà nó rất gần nhau như vậy thì so sánh lực lượng giữa 2 phía thì giáo sư thấy rằng nếu mà cùng chạy đua trang bị quân sự hóa thì có hiệu quả không ạ?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Những máy bay mà Trung Quốc sử dụng thì có thể bắn phá những vùng mà Việt Nam đang chiếm một cách rất là nhanh. Nhưng mà nhìn chung về vũ khí mà Trung Quốc đưa lên những đảo mà Trung Quốc bồi đắp thì tôi nghĩ cách này để nói cho Mỹ biết rằng nếu mà các anh vẫn còn đi vào khu vực này của tôi đây thì chúng tôi sẽ làm lớn đó, để thị oai với Mỹ, nếu mà được thì cũng làm cho các nước khác sợ không dám để ý tới vấn đề phán quyết của PCA.
Trung Quốc có sẵn dự tính là những vùng nào Trung Quốc đã chiếm và bồi đắp thì nghĩa là với Trung Quốc, những vùng đó không có ai đe dọa được. Tôi nghĩ trong tương lai gần Việt Nam phải kiện Trung Quốc, kiện Trung Quốc về vấn đề Trung Quốc không theo phán quyết của PCA.
Gia Minh: Giáo sư căn cứ vào những dấu hiệu gì để có thể đưa ra khả năng này, thưa giáo sư?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Tháng 8 vừa qua khi tôi về Việt Nam họp một hội thảo về biển Đông thì tôi có gặp một số người làm chính sách Việt Nam, họ cho tôi biết là Việt Nam đã chuẩn bị rất là nhiều tình huống nhưng mà trong lúc mà tôi đang nói chuyện với họ thì họ thấy là chưa đúng lúc. Ngược lại thì tôi nói rằng phải làm nhanh chứ chờ tới lúc nào. Theo như nói chuyện với những người này thì tôi thấy việc chuẩn bị là khá kỹ. Vấn đề mà Reuters đưa về chuyện Việt Nam đưa các hỏa tiễn mua của Israel ra các đảo, những người có chức lớn nhất của Việt Nam, tôi không nói tên làm gì, nói là có nhưng chỉ là tập thôi chứ không dại gì đặt hỏa tiễn ở đó, họ vào thả bom, bắn vào là mất hết. Thì nếu mà họ tập thì họ cũng có chuẩn bị, nhưng còn chính sách như thế nào thì mình chưa rõ.
Gia Minh: Chân thành cám ơn giáo sư Ngô Vĩnh Long.
Nhật lại phản đối tàu Trung Quốc xâm nhập khu vực Senkaku
Hôm nay, 04/01/2016, Nhật Bản đã phản đối Bắc Kinh sau khi 4 chiếc tàu tuần duyên của Trung Quốc xâm nhập khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, quần đảo mà Tokyo đang quản lý nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền.
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết đã phát hiện 4 chiếc tàu tuần duyên của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sáng nay. Tuần duyên Nhật đã yêu cầu các tàu này rời khỏi vùng biển nói trên ngay lập tức và toàn bộ các tàu đó đã rời đi sau 2 tiếng đồng hồ đi lại ở khu vực xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, ngày 26/12/2016, theo phía Nhật Bản, các tàu tuần duyên của Trung Quốc cũng đã xâm nhập vào vùng biển chung quanh quần đảo này.
Trong khi đó theo tờ Yomiuri Shimbun, Trung Quốc đang mở rộng các lợi ích trên đại dương không chỉ ở mặt biển mà cả dưới đáy biển. Cụ thể là Bắc Kinh trong tháng 12 vừa qua đã nộp đơn xin một ủy ban của Tổ chức Thủy văn Quốc tế, trụ sở ở Monaco, cho phép đặt tên tiếng Hoa cho các đáy biển gần vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.
Ngoài tranh chấp chủ quyền biển đảo, quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh hiện cũng căng thẳng thêm do việc Nhật Bản hôm qua vừa chính thức đổi tên văn phòng đại diện ở Đài Bắc từ “Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản” thành “Hiệp Hội Giao Lưu Nhật Bản –Đài Loan”, gián tiếp nâng cấp quan hệ giữa hai bên.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua đã phản đối hành động “tiêu cực” của Nhật Bản, tuyên bố rằng Bắc Kinh “cực lực chống lại mọi mưu toan” tạo ra “hai nước Trung Quốc”, hoặc “một Trung Quốc, một Đài Loan“.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170104-nhat-lai-phan-doi-tau-trung-quoc-xam-nhap-khu-vuc-senkaku