Tin Biển Đông – 03/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 03/12/2018

Biển Đông: Mỹ Tiến, TC Lùi

Vi Anh

Trong tuần lễ trước, Mỹ ba mặt giáp công TC. Đúng vào lúc Chủ tịch Trung Quốc ghé thăm Philippines, một đồng minh của Washington nhưng lại đang xoay trục hướng về Bắc Kinh, Lực Lượng Không Quân Thái Bình Dương của Mỹ cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay gần Biển Đông, gọi là tham gia một công việc «huấn luyện thường kỳ» ở khu vực «lân cận Biển Đông», gần các đảo tranh chấp. Thông báo của Không Quân Mỹ còn lập lại các từ ngữ mà Trung Quốc rất ghét. Đó là phi vụ của hai chiếc B-52 «phù hợp với luật quốc tế và cam kết lâu dài của Mỹ về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở».

Không chỉ thị uy trên không, Mỹ còn phô trương sức mạnh trên biển. Hãng tin Mỹ AP còn xác nhận việc Hải Quân Mỹ quyết định cử hai HKMH vào Biển Đông. Đó là các hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis. Hai hàng không mẫu hạm này vừa tập trận trên vùng Biển Philippines, sẽ chuyển hướng đi vào Biển Đông. Trước đó, hôm 17/11, đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, trong một phát biểu tại Canada đã tố cáo Trung Quốc biến các đá ngầm và rạn san hô trên Biển Đông thành một «vạn lý trường thành» hỏa tiễn, đe dọa quyền tự do hàng không và hàng hải trong khu vực.

Và tại thượng đỉnh APEC hồi cuối tuần trước ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng Biển Đông không thuộc về bất kỳ ai và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua khu vực này nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, đã không ngần ngại «nã pháo» vào Trung Quốc nhân tại hội nghị ASEAN ở Singapore và APEC ở Papua New Guinea vào tuần trước. Tại Singapore, ông Pence đã thẳng thắn tuyên bố Biển Đông không phải là của riêng nước nào, một mũi tên rõ ràng nhắm vào Trung Quốc, nước tự nhận mình là chủ hầu hết Biển Đông. Còn tại Papua New Guinea, nơi có mặt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phó tổng thống Mỹ không ngần ngại đả kích sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của lãnh đạo Bắc Kinh khi khẳng định với các nước khác rằng Hoa Kỳ không bao giờ đề nghị với đối tác của mình «một vành đai bóp nghẹt», hoặc một «con đường một chiều».

Ngày 20/11/2018, văn phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ tại Washington, tố cáo Bắc Kinh cố giữ chính sách thương mại «vô lý, bất công» đối với Hoa Kỳ.

Trước thế tiến công đa diện chớ không phải ba mặt giáp công của Mỹ vào TC, thì TC lùi lại.

Theo AP, Trung Quốc tuyên bố đồng ý cho hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng ba tàu khác của Hải quân Mỹ đến Hong Kong. Ba tàu khác được cho biết là các tàu Curtis Wilbur, Chancellorsville và Benford. AP trích thông tin từ cơ quan chức năng cảng Hong Kong cho biết những tàu này sẽ đến Hong Kong vào ngày 21/11. Trước đó, vào tháng 9, Trung Quốc đã từ chối không cho Hàng không mẫu hạm Mỹ đến Hong Kong giữa lúc có những căng thẳng trong quan hệ hai nước. Chuyến thăm Hong Kong của Hàng không mẫu hạm Mỹ lần này diễn ra vào ngay trước thượng đỉnh Mỹ-Trung nhân hội nghị các nước G 20 ở Argentina vào cuối tuần qua.

Ngoài ra theo tin của trang tin Đông Phương (hk.on.cc) ngày 18.11 cho biết, hôm 16.11, tại Phòng Bầu Dục trong Tòa Bạch Ốc, TT Trump đã nói với các nhà báo dù Trung Quốc đã trao Mỹ một danh mục nhượng bộ 142 khoản nhưng vẫn thiếu 4 – 5 điểm quan trọng để có thể đạt được một hiệp nghị. Nó “vẫn chưa đủ” cho một hiệp nghị hay hiệp ước ngưng Chiến tranh Thương mại mà TT Trump  và Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ đàm phán bên lề Hội nghị cấp cao G-20 tại Buenos Aires.

Theo giới quan sát, rõ ràng là Mỹ đang gia tăng sức ép trên Trung Quốc trong bối cảnh lãnh đạo hai nước chuẩn bị gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G.20 vào cuối tháng 11. Trong bản cập nhật cuộc điều tra về chính sách chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, Đại Diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer đã thẩm định rằng «Trung Quốc về cơ bản, vẫn chưa thay đổi các chính sách thương mại bất công, vô lý và bóp méo thị trường», mà Mỹ từng nêu lên với Bắc Kinh. Trung Quốc rõ ràng không muốn thay đổi chính sách hiện tại, vẫn tiếp tục các chính sách nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ thông qua Internet, đồng thời tạo rào cản về cấp phép công nghệ, dùng hàng rào này để buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ». Văn kiện có thể gọi là «luận tội» Trung Quốc này được công bố trước ngày tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Thượng Đỉnh G20 tại Argentina, được cho là sẽ tăng cường sức ép trên Bắc Kinh, vốn rất muốn tìm lối ra cho cuộc chiến tranh thương mại kéo dài từ nhiều tháng qua. Sức ép về mặt thương mại có dấu hiệu được tiến hành song song với các áp lực trong các lãnh vực quân sự, ngoại giao như thấy ở trên.

Trong lãnh vực ngoại giao, áp lực dữ dội nhất và gần đây nhất trên Trung Quốc.  Tin nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, ông Patrick Murphy, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của bộ Ngoại Giao Mỹ, quy trách nhiệm cho Trung Quốc là bên đã phức tạp hóa và làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của hai vấn đề Biển Đông và Đài Loan đang khuấy động quan hệ Mỹ – Trung hiện nay. Ông đưa ra tuyên bố này sau khi tháp tùng phó tổng thống Mỹ Mike Pence công du châu Á vào tuần trước. Ông nhấn mạnh trên cả hai vấn đề Biển Đông và Đài Loan, Hoa Kỳ đã duy trì được nguyên trạng từ nhiều thập niên qua, nhưng hiện nay, «Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng ở cả Biển Đông lẫn Đài Loan, và điều đó dẫn tới căng thẳng và hỗn loạn, làm cho tình hình ngày càng rắc rối thêm».

Về Biển Đông, ông Murphy cho rằng: «Làm sao đối thoại được khi vào cùng một lúc, một quốc gia tiếp tục xây dựng, cải tạo và quân sự hóa… phá vỡ lòng tin».

Tinh hình và thời sự cho thấy Mỹ không bao giờ nhượng bộ TC, trái lại cuộc đối đầu của hai bên Mỹ và TC có tăng chớ không có giảm. Mỹ đã nhấn mạnh quyền tự do lưu thông của mình trong vùng biển này, trong khi Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền trong khu vực.

Nếu có xung đột võ trang xảy ra trên Á châu Thái Binh dương là diện và Biển Đông là điểm thi hai chủ lực quân tác chiến của Mỹ ở vùng này là Hải Quân và Không quân.

So tương quan lực lượng, Hải quân và Không quân TC sẽ từ chết tới bị thương khi xung đột với Hải Quân, Không  quân Mỹ, theo nhận định của đa số chiến lược gia./.(VA)

https://vietbao.com/p123a288215/bien-dong-my-tien-tc-lui

 

TQ thừa nhận điều lực lượng hải quân

giám sát tàu tên lửa Mỹ ở Biển Đông

Hôm qua (1/12), quân đội Trung Quốc tuyên bố lực lượng hải quân nước này đã ngăn cản tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsvill thực hiện hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) trên Biển Đông.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin trong tuyên bố, Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc cáo buộc tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsvill tiến vào vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa hôm 28/11 mà chưa có sự cho phép từ chính quyền Bắc Kinh.

“Chiến khu miền Nam đã yêu cầu các lực lượng hải quân và không quân giám sát hoạt động của tàu chiến Mỹ đồng thời đưa ra lời cảnh báo yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực. Chiến khu miền Nam sẽ tiếp tục theo dõi tình hình trên không và trên biển nhằm ngăn chặn những hành động có thể đe dọa tới an ninh quốc gia”, tuyên bố từ Chiến khu miền Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chiến khu miền Nam của Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ quản lý hoạt động của hạm đội hải quân và không quân hợp lý để tránh gây ra hiểu lầm.

Trước đó, hôm 29/11, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Nathan Christensen cho hay, tàu USS Chancellorsvill đã thực hiện tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, cũng như bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến hàng hải được quản lý bởi luật pháp quốc tế.

Còn trong ngày 30/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lại cáo buộc, tàu chiến Mỹ xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc khi chưa được sự đồng ý.

Trong khi đó, hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết phía Trung Quốc điều động một tàu chiến bám sát tàu tuần dương USS Chancellorsville, nhưng hai tàu hành xử an toàn và chuyên nghiệp.

Vào ngày 30/9, tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc đã xua đuổi và áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ. Theo đó, tàu chiến Mỹ xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.

Hải quân Mỹ khẳng định, tàu khu trục Trung Quốc có hành động gây mất an toàn khi hoạt động chỉ cách tàu khu trục của Mỹ có 41 m. Hành động của tàu Luyang buộc tàu USS Decatur phải thay đổi hành trình di chuyển để tránh va chạm.

http://biendong.net/bi-n-nong/25052-tq-thua-nhan-dieu-luc-luong-hai-quan-giam-sat-tau-ten-lua-my-o-bien-dong.html

 

Tham vọng lớn của TQ trên Biển Đông

Truyền thông khu vực đưa tin Trung Quốc đang xúc tiến kế hoạch xây dựng căn cứ trong lòng Biển Đông cho lực lượng tàu ngầm tự hành tích hợp trí tuệ nhân tạo.

Đây là dự án đầy thách thức, có thể ví như Mỹ trước đây đổ bộ lên mặt trăng. Quá rõ ràng, qua dự án này, Bắc Kinh đang nuôi tham vọng đạt bước đột phá phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực hàng hải.

Tuy nhiên, không dừng lại ở góc độ khoa học, một thực tế khác là cũng thông qua dự án trên, khi tiến hành tại Biển Đông, Bắc Kinh đang muốn khai thác tiến bộ công nghệ để kiểm soát hoạt động tàu ngầm trong vùng biển này, phối hợp cùng các cơ sở trên mặt nước mà Trung Quốc đã bất chấp dư luận quốc tế để xây dựng suốt thời gian qua. Với cách kiểm soát như vậy, nước này chắc chắn còn tìm cách khai thác năng lượng và tài nguyên thiên nhiên giàu có ở Biển Đông.

Trước thực tế Bắc Kinh đang tìm mọi cách kiểm soát Biển Đông, ASEAN cần phối hợp với nhau và phối hợp với cộng đồng quốc tế, điển hình như với Mỹ, Nhật, Úc… tiến hành các hoạt động hàng hải để đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đối với vùng biển. Qua đó còn thể hiện một thông điệp mạnh mẽ là không quốc gia nào được quyền độc chiếm Biển Đông.

http://biendong.net/bi-n-nong/25038-tham-vong-lon-cua-tq-tren-bien-dong.html