Tin Biển Đông – 03/11/2019
Tuần duyên Mỹ
kiềm chế tham vọng của TQ ở Biển Đông
Asiatimes cho hay, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) sẽ phối hợp với lực lượng Hải quân Mỹ để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Trong những tuần gần đây, Tuần duyên Mỹ đã tích cực mở rộng việc triển khai các cuộc tập trận chung với các đối tác trong khu vực Thái Bình Dương, nhằm truyền tải thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc, trong bối cảnh quân đội của Bắc Kinh không ngừng mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm vùng biển nhiều tài nguyên.
“Các cuộc thảo luận đang diễn ra, việc lập kế hoạch đang được thực hiện để hỗ trợ các hoạt động của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương ở Biển Đông”, Đô đốc Karl Leo Schultz, chỉ huy Tuần duyên Mỹ, nói với Asiatimes trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
http://biendong.net/bi-n-nong/31220-tuan-duyen-my-kiem-che-tham-vong-cua-tq-o-bien-dong.html
Biển Đông : Trung Quốc không vội
thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử COC
Trong bài diễn văn tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ngày 03/11/2019, cả thủ tướng Thái Lan – nước chủ tịch luân phiên ASEAN, và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường đều nhắc đến hai hồ sơ lớn là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Lý Khắc Cường hoan nghênh « nỗ lực đàm phán » của hai bên về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán với ASEAN, trong đó có bốn nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, gồm Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines.
Đàm phán về bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) là hồ sơ gây bất đồng sâu sắc nhất giữa hai bên, cũng như trong nội bộ ASEAN. Được đưa ra đàm phán từ gần hai thập niên, nhưng các nước Đông Nam Á không có tiếng nói chung trước Trung Quốc và không một đối tác nào gây sức ép thực sự để đạt được văn kiện này, theo như nhận định của chuyên gia Laurent Gédéon với RFI Tiếng Việt :
« Tôi cho rằng về quan điểm của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh không hẳn nhiệt tình thông qua một bản COC vì văn kiện này sẽ có những điều kiện ràng buộc hơn là bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên (DOC), đang được áp dụng cho các tương tác ở Biển Đông. Trung Quốc tìm cách phòng thủ ở Biển Đông để có thể thực hiện chiến lược « việc đã rồi », đồng thời giúp Bắc Kinh gửi thông điệp không chỉ đến những đối tác trong khu vực, mà còn đến cả những đối tác bên ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, thông qua những hoạt động mà rất khó có thể tiến hành nếu Bắc Kinh ký Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191103-bien-dong-trung-quoc-quy-tac-ung-xu-coc