Tin Biển Đông – 03/09/2020
Trung Quốc cảnh báo ASEAN chớ ủng hộ ‘kẻ gây rối’ Mỹ trên Biển Đông
Bắc Kinh đang gây áp lực lên các nước láng giềng Đông Nam Á trước các cuộc đàm phán quan trọng về tranh chấp Biển Đông, và một quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc cảnh báo họ chớ ủng hộ các nỗ lực của Mỹ trong khu vực.
SCMP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Triệu Huy, phụ trách các vấn đề châu Á, cho biết các cuộc đàm phán với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ được tái tục vào ngày 3/9, sau thời gian bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19.
Các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2002 nhưng bị đình trệ do Bắc Kinh khăng khăng đòi loại trừ “các quốc gia bên ngoài khu vực”, một ám chỉ rõ ràng về Hoa Kỳ.
Các quốc gia ASEAN ngày càng bị giằng co giữa các siêu cường đối địch trong bối cảnh ngày càng gia tăng nguy cơ xảy ra đối đầu toàn diện trong khu vực.
Phát biểu qua video tại một hội thảo quốc tế do Bộ Ngoại giao Trung Quốc và một tổ chức tư vấn được nhà nước hậu thuẫn tổ chức hôm 2/9, ông La nói rằng “Mỹ là gốc rễ của các vấn đề ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng những phát biểu cứng rắn của ông La Triệu Huy về Washington có thể “phản tác dụng” giữa lúc Bắc Kinh đang cố giành ủng hộ từ các nước láng giềng vì ông không đưa ra bất kỳ phương cách mới nào để giải quyết quan ngại của họ.
Cựu đại sứ của Trung Quốc tại New Delhi cũng nhắm vào các đồng minh và đối tác của Washington ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, đặc biệt là những người đã lên tiếng ủng hộ lập trường mạnh mẽ hơn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Bắc Kinh về tuyến đường thủy nhiều tranh chấp và những vấn đề nóng khác.
“Ngoài việc can thiệp vào Biển Đông, Mỹ đã thành lập Bộ tứ, một chiến tuyến chống Trung Quốc còn được gọi là NATO nhỏ. Điều này phản ánh tâm lý Chiến tranh Lạnh của Mỹ ”, SCMP dẫn lời ông La nói, đề cập đến nhóm tứ giác do Mỹ dẫn đầu gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
“Trung Quốc không gây rắc rối, nhưng chúng tôi không sợ rắc rối”, cựu Đại sứ của Trung Quốc nói tiếp, đáp trả lời của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun hôm thứ Hai nói rằng Washington sẵn sàng mở rộng khối bốn nước ra với các nước cùng chí hướng.
Ông Biegun nói khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không có những cấu trúc đa phương mạnh mẽ như kiểu NATO hay Liên minh châu Âu.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói việc hình thành Bộ tứ là nhằm “đưa Trung Quốc trở lại vị trí thích hợp”.
Lập trường cứng rắn của Washington đối với các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây đã làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung.
Tại cuộc hội thảo hôm 3/9, ông La cáo buộc Mỹ “lặp đi lặp lại các hành động khiêu khích” và cố ép các nước trong khu vực chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington.
“Mỹ đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình ở Biển Đông và toàn bộ khu vực. Họ là kẻ gây rối cho sự hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực ”, SCMP dẫn lời cựu đại sứ Trung Quốc nói thêm.
Báo cáo Quốc phòng Mỹ:
Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông
Trung Quốc đang tiến tới việc gia tăng hơn nữa sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và các nước láng giềng sẽ sớm thấy Bắc Kinh triển khai các tàu sân bay mới, tên lửa diệt hạm và thuỷ quân lục chiến tại vùng nước tranh chấp khi quân đội Trung Quốc tập trung vào khả năng viễn chinh và quân sự hoá các tiền đồn ở Hoàng Sa và Trường Sa. Một báo cáo được công bố hôm 2/9 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đánh giá như vậy.
Trung Quốc đã hiện đại hoá và tăng cường khả năng của quân đội đến mức Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thậm chí đã vượt cả Hoa Kỳ trong một số khu vực, theo báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo báo cáo, Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với số tàu chiến bao gồm cả tàu ngầm là 350 chiếc. Con số này của Mỹ là 293 tàu. Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá một phần của sự gia tăng tàu chiến của Trung Quốc là nhằm đẩy mạnh những đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông.
Đáng chú ý, tàu sân bay tự làm của Trung Quốc mang tên Sơn Đông có nhiều khả năng sẽ đóng hẳn ở căn cứ hải quân Yulin ở đảo Hải Nam, rất gần quần đảo Hoàng Sa và rất gần Việt Nam cũng như Đài Loan.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện có 30 khu trục hạm có tên lửa dẫn đường loại 054A và hơn 42 tàu hộ tống loại 056. Cả hai loại tàu này thường xuyên có mặt ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ cho các thiết bị bề mặt không người điều khiển tuần tra ở Biển Đông. Tuy nhiên báo cáo không đưa chi tiết cụ thể về các thiết bị này.
Thuỷ quân lục chiến thuộc hải quân Trung Quốc cũng đã thực hiện các cuộc diễn tập ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong năm nay, và đã tăng nhanh chóng từ 2 lên 8 lữ đoàn. Tuy nhiên, theo báo cáo, khả năng của thủy quân lục chiến Mỹ được cải thiện chậm hơn so với mong đợi khi chỉ có 2 lữ đoàn được trang bị đầy đủ và sẵn sàng tham gia nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như chiếm các đảo và đá nhỏ khác ở đó.
Nói về các đảo nhân đạo nơi Trung Quốc có các tiền đồn quân sự ở Biển Đông, báo cáo nhận định: “việc xây dựng các đường băng mới và các nhà chứa máy bay ở các tiền đồn ở Biển Đông đã mở rộng khu vực hoạt động cho các lực lượng không quân của Trung Quốc”. “Việc triển khai máy bay chiến đấu của Trung Quốc ra Trường Sa trong tương lai có thể cho thấy phạm vi và thời gian hoạt động mở rộng (của máy bay chiến đấu Trung Quốc) ở Biên Đông và thậm chí vươn tới cả Ấn Độ Dương”.
HIện Trung Quốc đã triển khai các chiến đấu cơ mới nhất là H-6K và H-6J ra căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo báo cáo, các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa bao gồm Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Gaven, Bãi ngầm Đá Tư Nghĩa, Gạc Ma và Đá Châu Viên có các hệ thống chống tầu và máy bay hiện đại cùng các thiết bị gây nhiễu.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đánh giá quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã cải thiện khả năng nhắm bắn tên lửa vào các tàu đang di chuyển ở biển từ đất liền của Trung Quốc.