Tin Biển Đông – 03/09/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 03/09/2019

Mục đích của TQ khi liên tục tiến hành

các cuộc tập trận quân sự sau Hội nghị AMM-52

và các diễn đàn an ninh khu vực

Bất chấp những chỉ trích, lên án từ các nước về việc quân sự hoá và gia tăng các hoạt động lấn lướt ở Biển Đông, ngay sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các diễn đàn an ninh khu vực (ARF, EAS), Bắc Kinh đã liên tục tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển. Mục đích của Trung Quốc trong các hành động này được cho là nhằm nâng cao năng lực phòng thủ

nhằm đối phó với các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và với hoạt động tuần tra của Mỹ.

Thứ nhất, các cuộc tập trận nhằm đối phó với các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và các hoạt động tuần tra của Mỹ. Từ năm 2018, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố nước này sẽ tiến hành thường xuyên hơn các cuộc tập trận ở Cục Hải sự Trung Quốc hôm 12/8 thông báo, quân đội Trung Quốc tiếp tục tiến hành hoạt động “huấn luyện quân sự” kéo dài 3 ngày gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông từ sáng ngày 13/8 tới chiều ngày 15/8. Cuộc tập trận này là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm đưa ra những tuyên bố chủ quyền vô lý và đơn phương trên phần lớn diện tích Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc muốn nâng cao năng lực phòng thủ xung quanh quần đảo Hoàng Sa nhằm đối phó với các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và với hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông của quân đội Mỹ. Trung Quốc xem việc Mỹ thường xuyên điều động tàu thuyền và máy bay hoạt động gần các thực thể mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông chính là thách thức trực tiếp tới những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược. Các cuộc tập trận quân sự còn có thể là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cải thiện năng lực của hệ thống tìm kiếm và cứu hộ gần quần đảo Hoàng Sa.

Thứ hai, thể hiện “thông điệp rõ ràng” cho thấy nếu cần thiết, Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông. Trước đó, hôm 7/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Ngày 07/8/2019, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nêu trên của phía Trung Quốc”. Tuyên bố của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra sau khi tờ Japan Times đưa tin theo hai thông báo trên trang web của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm 5/8, quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận trái phép gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong hai ngày 6 – 7/8.

Cụ thể, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ra thông báo về các cuộc tập trận ngày 6 và 7/8 với các tọa độ thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thông báo cũng yêu cầu tàu thuyền không tiến vào vùng biển nêu trên trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận. Điều đáng nói, thời gian Trung Quốc tổ chức tập trận lại diễn ra đúng lúc tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ có mặt và thực hiện tuần tra trên Biển Đông. Theo những hình ảnh được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã có mặt ở Biển Đông vào ngày 5/8. Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ hiện neo đậu tại thành phố cảng Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa của Nhật Bản.

Thứ ba, phía Trung Quốc liên tiếp cảnh báo Mỹ cần nói rõ địa điểm tiến hành huấn luyện bởi Bắc Kinh cũng đang triển khai đợt tập trận 2 ngày gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị thương mại lên tới 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Thậm chí, để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý, Trung Quốc đã cho tăng cường cải tạo, xây dựng hàng loạt hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bắc Kinh còn tiến hành quân sự hóa Biển Đông bằng cách triển khai vũ khí ra một số đảo nhân tạo. Đáp trả, Mỹ tuyên bố tiếp tục điều tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến biển chiến lược bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.

http://biendong.net/bien-dong/30154-muc-dich-cua-tq-khi-lien-tuc-tien-hanh-cac-cuoc-tap-tran-quan-su-sau-hoi-nghi-amm-52-va-cac-dien-dan-an-ninh-khu-vuc.html

 

Biển Đông: Công ty Ấn Độ muốn

Việt Nam triển hạn thăm dò dầu khí

Thanh Phương

Theo báo chí Ấn Độ, công ty ONGC Videsh Ltd ( OVL ), chi nhánh hải ngoại của Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ ( ONGC ) đã xin triển hạn thêm hai năm cho giấy phép thăm dò dầu khí tại một lô của Việt Nam trên vùng Biển Đông.

Nhật báo Hindustan Times hôm nay, 03/09/2019, trích lời các viên chức OVL thông báo là vào tháng 5 vừa qua công ty này đã xin triển hạn lần thứ sáu cho việc thăm dò dầu khí tại Lô B-128, nơi mà giấy phép đã hết hạn từ ngày 15/06/2019. Một quan chức khác của OVL cho biết là cách đây 2 năm, họ đã khoan một giếng tại lô 128, nhưng chưa đạt đến mục tiêu về độ sâu, cho nên nay phải khoan lại giếng này.

Tờ báo Ấn Độ nhắc lại là công ty OVL vào tháng 5/2006 đã ký hợp đồng chia sản phẩm dầu khí với Việt Nam tại Lô 128, ngoài khơi miền trung Việt Nam và giấy phép đã được chính phủ Việt Nam cấp ngày 16/06 năm đó.

Lô 128 nằm trong khu vực mà Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền. Bắc Kinh đã phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của công ty OVL ngoài khơi Việt Nam, cho đó là những hoạt động phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, thế nhưng công ty Ấn Độ vẫn tiếp tục việc thăm dò dầu khí tại lô này.

OVL vào Việt Nam từ năm 1988 và ngay từ năm đó đã có được giấy phép khai thác Lô 6.1, cách bờ biển Việt Nam 375km. Theo lời một viên chức của OVL, vào tháng trước, các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã vào sát lô này, chỉ cách giàn khoan khoảng 5 hải lý, nhưng các hoạt động của công ty Ấn Độ tại Lô 6.1 không bị ảnh hưởng. Hiện OVL đang giữ 45% cổ phần trong Lô 6.1. Rosneft nắm 35%, và Petro Vietnam nắm giữ 20% còn lại.

Đô đốc Mỹ : Diễn tập chung với ASEAN « không nhắm vào ai »

Theo tin từ trang mạng Philstar.com, trong cuộc họp báo sáng nay, 03/09, Chuẩn đô đốc Murray Joe Tynch III, tư lệnh Nhóm hậu cần Tây Thái Bình Dương, nhấn mạnh là cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Hoa Kỳ với ASEAN không nhắm vào bất kỳ ai, mà chỉ nhằm củng cố các kỹ năng có thể được áp dụng trong các vùng biển quốc tế để bảo đảm an ninh hàng hải.

Hải quân của Hoa Kỳ và của các nước ASEAN đã chính thức bắt đầu cuộc diễn tập này hôm qua tại Thái Lan, với sự tham gia của 8 tàu chiến và 4 máy bay từ 7 quốc gia, cùng với hơn một ngàn người từ Brunei, Cam Bốt, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Malaysia, Hoa Kỳ và Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190903-bien-dong-cong-ty-an-do-muon-viet-nam-trien-han-tham-do-dau-khi

 

Việt Nam đẩy mạnh quốc tế hóa vấn đề Biển Đông

Thanh Phương

Trước những hành động gây áp lực của Trung Quốc qua việc đưa tàu khảo sát vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đang buộc phải đẩy mạnh việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, kể cả những quốc gia ngoài vùng biển này.

Việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng với nhiều tàu hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang đặt Hà Nội vào thế rất khó xử. Một mặt, Việt Nam không thể nào đối đầu trực diện với một lực lượng áp đảo, không thể nào ngăn chận các tàu của Trung Quốc, mà trong những ngày qua chỉ có thể lên tiếng phản đối với Bắc Kinh. Nhưng mặt khác, Hà Nội cũng không thể trông chờ vào bất cứ quốc gia nào khác trong việc bảo vệ vùng biển của mình, bởi lẽ đối với quốc tế, kể cả đối với Hoa Kỳ, Biển Đông là khu vực đang tranh chấp và các nước bên ngoài không muốn đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp này.

Để giải tỏa áp lực của Trung Quốc, Việt Nam chỉ còn cách vận động quốc tế lên án những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và cản trở quyền tự do hàng hải trên vùng Biển Đông. Trong chiều hướng đó, hôm qua, trong bức thư trả lời báo chí quốc tế về tuyên bố của ba nước châu Âu Pháp, Anh, Đức đưa ra hôm thứ Năm tuần trước, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, đã nhấn mạnh : « Biển Đông có những tác động quan trọng đối với những nước bên trong cũng như bên ngoài khu vực, về mặt kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao tuyên bố : « Việt Nam hoan nghênh và mong muốn các nước khác và cộng đồng quốc tế tham gia vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực ».

Hà Nội đã có phản ứng như trên, sau khi ba nước châu Âu và cũng là ba nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại rằng các căng thẳng trên Biển Đông có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh và bất ổn định tại khu vực này. Pháp, Anh và Đức còn nhấn mạnh là chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, quyền chủ quyền của các nước tranh chấp phải được bảo đảm.

Thật ra thì ngay từ khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại vùng biển Việt Nam ngày 13/08, lần đầu tiên Hà Nội công khai kêu gọi quốc tế tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông. Trong cuộc họp báo ngày 16/08, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố : « Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông ».

Nỗ lực của Việt Nam quốc tế hóa vấn đề Biển Đông cũng đã được thể hiện rõ qua chuyến thăm của thủ tướng Úc Scott Morrison. Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa ông Morrison với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/08, lãnh đạo chính phủ hai nước, tuy không nêu đích danh Trung Quốc, đã bày tỏ quan ngại trước « các hành động cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông ». Hai vị thủ tướng còn nhấn mạnh « tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ ».

Bản tuyên bố chung nói trên có ý nghĩa đặc biệt, vì Úc là một quốc gia bên ngoài vùng Biển Đông và là một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Ngay chính Hoa Kỳ, tuy vẫn không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, cũng đã thẳng thừng lên án việc Trung Quốc hù dọa các nước tranh chấp khác để ngăn cản họ phát triển các nguồn tài nguyên trong vùng biển của họ.

Nhưng Hà Nội cũng thừa biết kêu gọi sự tham gia của quốc tế vào vấn đề Biển Đông là một ván bài khá liều lĩnh, bởi vì cho tới nay, Trung Quốc dứt khoát không muốn quốc tế hóa hồ sơ này và đã nhiều lần lên án sự can thiệp của các nước ngoài khu vực là chỉ « làm gia tăng căng thẳng ».

Mặt khác, nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông rốt cuộc chỉ làm nỗi rõ một điều, đó là trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Việt Nam không có một đồng minh thân thiết nào, không thể dựa vào một liên minh nào, thậm chí không thể trông chờ vào khối ASEAN, mà trong đó gần như chỉ có Hà Nội tỏ ra kiên quyết nhất với Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190903-viet-nam-quoc-te-hoa-van-de-bien-dong