Tin Biển Đông – 03/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 03/09/2018

Trường Sa: Chiến hạm Philippines mắc cạn,

Bắc Kinh cử tàu theo dõi

Trọng Nghĩa

Không đầy 4 ngày sau khi chiến hạm lớn nhất của Philippines bị mắc cạn ở bãi Trăng Khuyết, vùng quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, Trung Quốc đã cho ngay tàu đến nơi theo dõi.

Báo chí Philippines hôm nay 03/09/2018 cho biết là các phương tiện theo dõi tín hiệu tàu biển xác nhận là ngay từ hôm qua, 02/09, một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc đã hiện diện ngay tại nơi tàu Philippines bị nạn.

Trong một tin nhắn Twitter, giáo sư Ryan Martinson thuộc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải Trung Quốc cho biết là dữ liệu về lưu thông hàng hải MarineTraffic đã ghi nhận sự có mặt vào hôm qua, 02/09, của chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 3402 tại khu vực bãi Trăng Khuyết (Half Moon Shoal) mà người Philippines gọi là Hasa-Hasa Shoal.

Bãi Trăng Khuyết là một rạn san hô vòng ở phần rìa phía đông quần đảo Trường Sa. Tối hôm 29/08, trên đường tuần tra chiếc Gregorio del Pilar, chiến hạm lớn nhất của Hải Quân Philippines đã bất ngờ đâm vào nơi này và bị mắc cạn. Phát ngôn viên quân đội Philippines sau đó xác nhận tàu bị hỏng chân vịt, nhưng không bị nước biển tràn vào, trong lúc 117 thành viên thủy thủ đoàn không bị thương.

Ngay sau khi vụ việc xẩy ra, Bắc Kinh đã lên tiếng đề nghị giúp đỡ Manila, đồng thời cho biết là tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã có mặt trong khu vực. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã từ chối, cho rằng nước ông « có thể tự làm được việc này ». Manila cho biết đã huy động tàu kéo đến nơi để kéo chiếc tàu mắc cạn ra khỏi bãi Trăng Khuyết.

Chiến hạm Gregorio del Pilar là một trong ba tàu tuần duyên lớp Hamilton được Mỹ chuyển giao cho Manila, và hiện là một trong những tàu chiến lớn nhất của hải quân Philippines. Còn bãi Trăng Khuyết nằm trong một khu vực tranh chấp giữa Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.

Theo trang mạng báo Philippines Inquirer ngày 01/09, đã có dư luận sợ rằng, để Trung Quốc xen vào việc kéo tàu ra mắc cạn ra khỏi bãi Trăng Khuyết có thể làm tình hình phức tạp thêm.

Cho đến nay, Bắc Kinh thường xuyên gây sức ép buộc Manila phải cho kéo đi chiếc Sierra Madre, một con tàu đã mục nát mà Philippines đã cố tình cho mắc cạn trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) cũng ở Trường Sa, rồi cho lính thủy quân lục chiến đồn trú trên đây để khẳng định chủ quyền. Manila đã luôn luôn bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh.

Theo Philippines Inquirer, trong một tin nhắn Twitter, ông Greg Poling, chuyên gia Biển Đông tại trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Mỹ (CSIS) tại Washington, đã lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng cơ hội để đơn phương hành động.

Một nguồn tin quân sự Philippines tiết lộ rằng Manila có thể phối hợp với Mỹ trên vấn đề này, vì chiếc Gregorio del Pilar còn được Mỹ bảo trì.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180903-truong-sa-chien-ham-philippines-mac-can-bac-kinh-cu-tau-theo-doi

 

Tàu chiến Anh tới Sài Gòn

Viễn Đông

Một tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoàng gia Anh hôm 3/9 đã cập cảng ở TP HCM nhằm “đóng vai trò tích cực về an ninh khu vực, tự do hàng hải và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam”.

Đại sứ quán Anh ở Hà Nội nói rằng chuyến thăm thiện chí kéo dài 4 ngày của tàu HMS Albion là “một trong những hoạt động cụ thể trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh”.

HMS Albion đóng vai trò tích cực về an ninh khu vực, tự do hàng hải và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.

Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nói.

Tàu chiến này được cho là cũng “triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước”.

Trên Facebook, Đại sứ Anh Gareth Ward viết bằng tiếng Việt rằng ông “hoan nghênh tàu Hải quân Hoàng gia Anh ghé thăm TP HCM”.

Ông đăng kèm hình ảnh đứng trên boong tàu với các thủy thủ, và phía xa là bóng dáng Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam.

“HMS Albion đóng vai trò tích cực về an ninh khu vực, tự do hàng hải và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam”, nhà ngoại giao hàng đầu của Anh ở Việt Nam viết, và cho biết thêm rằng các chỉ huy của tàu sẽ “trao đổi ý kiến với các lãnh đạo Việt Nam” ngày 4/9.

Hoa Kỳ thời gian qua đã triển khai tàu chiến tới thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, vấp phải phản đối của Trung Quốc.

Tàu chiến Anh tới Việt Nam ít lâu sau khi có tin hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của nước này có thể được đưa tới Thái Bình Dương để “hỗ trợ tàu chiến Australia” trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.

Khi được báo chí Việt Nam hỏi về khả năng trên, đại tá Tim Neild, chỉ huy tàu HMS Albion, nói rằng ông “không biết gì về kế hoạch này”.

Ông cũng nói rằng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth “đang thực hiện các nhiệm vụ diễn tập cùng tiêm kích tàng hình F-35B”, theo báo điện tử Zing.

Cùng với Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Anh hôm 3/6 tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông để “thách thức” sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này.

Tờ South China Morning Post ở Hong Kong dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson nói tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng ba tàu chiến của Anh sẽ được triển khai tới khu vực trong năm nay nhằm chống lại tác động xấu và duy trì trật tự theo luật lệ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis một ngày trước đó cảnh báo rằng hành động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ đối mặt với “các hậu quả lớn hơn”, nhưng không nói cụ thể.

Quan chức Trung Quốc sau đó đã chỉ trích tuyên bố này là “thiếu trách nhiệm”.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-chien-anh-toi-sai-gon/4555545.html

 

Việt – Nhật gia tăng hợp tác quốc phòng

đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

Thu Hằng

Việt Nam và Nhật Bản có chung một mối bận tâm : sức mạnh và mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng tại các vùng biển trong khu vực. Hà Nội tiếp tục chính sách đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản, nhằm đối phó với Trung Quốc.

Từ năm 2017, lãnh đạo cao cấp của chính quyền và quân đội hai nước tăng cường các chuyến công du, đặc biệt là chuyến công du Tokyo của chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang từ 29/05 đến 02/06/2018, đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao Việt-Nhật.

Trong thông cáo chung, chủ tịch nước Việt Nam và thủ tướng Nhật Bản chia sẻ ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng dựa trên Biên bản Hợp tác và Trao đổi Quốc phòng song phương giữa bộ Quốc Phòng Việt Nam và bộ Quốc Phòng Nhật Bản ký tháng 10/2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác Quốc phòng Việt-Nhật hướng tới thập kỷ tiếp theo được ký tháng 04/2018 giữa bộ trưởng Quốc Phòng hai nước.

Lãnh đạo hai nước chia sẻ quan điểm tăng cường giao lưu giữa các đơn vị, bao gồm việc thăm Việt Nam của tàu biển, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, tìm kiếm, cứu nạn hàng không, quân y, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Trên quy mô khu vực, Nhật Bản tiếp tục cam kết gia tăng hiện diện và hợp tác phù hợp với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” do thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng năm 2016. Từ ngày 26/08 đến cuối tháng 10/2018, ba tầu khu trục thuộc lực lượng Hải Quân Nhật Bản được điều đến Biển Đông và Ấn Độ Dương và có kế hoạch tập trận chung với Hải Quân của các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore, Indonesia và Philippines.

Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt, bà Guibourg Delamotte (*), giảng viên Khoa học Chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông – Inalco (Paris), phân tích về quá trình hợp tác Việt-Nhật cũng như triển vọng của mối quan hệ song phương.

***

RFI : Hợp tác quốc phòng Việt-Nhật hình thành từ năm 2011 và được tăng cường thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo và sĩ quan hai nước, đặc biệt là chuyến công du Nhật Bản của chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang. Vậy Việt Nam trông đợi gì ở Nhật Bản ? Nhật Bản tìm kiếm gì ở Việt Nam ?

Guibourg Delamotte : Tôi nghĩ đúng là có sự đồng nhất về lợi ích giữa Nhật Bản và Việt Nam tại thời điểm này. Mỗi bên cùng tìm kiếm một điều, đó là làm đối trọng với Trung Quốc. Việt Nam vô cùng nghi ngờ cường quốc Trung Hoa. Nhật Bản ít nhiều cũng trong hoàn cảnh đó. Vì vậy, Nhật Bản và Việt Nam xích lại gần nhau, dù có vẻ ngược đời nếu nhìn lại lịch sử hai nước nhưng hoàn toàn không hẳn vậy trong bối cảnh bất cân bằng địa-chiến lược hiện nay.

Nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam thời trước, Việt Nam từng phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng hiện nay, chúng ta nhận thấy rõ là chính phủ Việt Nam đang trong trong thế, được cho là “đối đầu” với Trung Quốc.

Và Nhật Bản cũng đang trong tình cảnh tương tự vì họ bị không quân và hải quân Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào lãnh thổ, từ tầu hải cảnh đến tầu cá. Vì vậy, Tokyo cũng tìm cách cân bằng trước sự trỗi dậy quân sự và ưu thế của Trung Quốc thông qua một mạng lưới đồng minh từ Ấn Độ đến Úc, với nhiều nước châu Âu như Pháp, Anh, khối NATO và với các nước ASEAN. Chính bối cảnh này giải thích việc Nhật Bản và Việt Nam xích gần lại nhau.

RFI : Nhật Bản cung cấp tầu tuần tra hàng hải cho Việt Nam, thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, quân y… Vậy Nhật Bản phải làm thế nào, trong khi điều 9 của Hiến Pháp Nhật Bản có từ năm 1945 nêu rõ không xuất khẩu vũ khí, không liên minh quân sự ?

G. Delamotte : Cách diễn giải bản Hiến Pháp của Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều theo thời gian. Và trong đó luôn có một điểm là Nhật Bản có thể hành động vì lợi ích quốc phòng. Nhưng những gì họ có thể làm chỉ là những hành động vô hại.

Liên quan đến việc xuất khẩu các hệ thống vũ khí quốc phòng, Hiến Pháp Nhật Bản đã được thay đổi vào năm 2014. Đúng là từ những năm 1970, Hiến Pháp quy định Nhật không được xuất khẩu bất kỳ loại vũ khí nào hay bất kỳ hệ thống quân sự nào và không hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào về quân sự, công nghệ và công nghiệp với bất kỳ quốc gia nào, ngoại trừ với Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 1984.

Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản không được xuất khẩu vũ khí cho bất kỳ nước nào, nhưng quy định này đã được thay đổi vào năm 2014. Phù hợp với Hiến Pháp sửa đổi hiện nay, Nhật Bản có thể hợp tác công nghệ, trong đó có trao đổi thông tin và công nghệ, nếu thấy cần thiết, để đảm bảo an ninh quốc gia. Thực ra, những quy định về xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản và hợp tác công nghiệp từ trước đến nay vẫn linh hoạt hơn so với một số nước như Pháp chẳng hạn, nhưng đến giờ thì được mở rộng.

Về khả năng trao tặng tầu chiến, thực ra đó là những con tầu không còn được Lực lượng Phòng Vệ Nhật Bản sử dụng nữa, những con tầu mà Nhật Bản đã cấp cho Việt Nam là một ví dụ. Thực ra, cách thức này từng được áp dụng trước đó, vào năm 2008, khi Nhật Bản từng bước quyết định can thiệp nhiều hơn, có nghĩa là giúp đỡ các nước Đông Nam Á đối phó với Trung Quốc thông qua chương trình viện trợ công cho quá trình phát triển của các nước này bằng việc cấp tầu chiến mà Nhật Bản không sử dụng nữa.

Cách làm này của Nhật ngày càng phổ biến, ví dụ đối với Việt Nam và Philippines, với mục đích là tăng cường cho các lực lượng hải quân, yếu hơn hẳn so với sức mạnh Trung Quốc.

RFI :Làm thế nào Nhật Bản và Việt Nam có thể phát triển quan hệ quân sự ? Trong những lĩnh vực nào ? Và trong điều kiện nào ?

G. Delamotte : Tôi nghĩ là hiện giờ khó có thể đi xa hơn. Hai nước đã có những trao đổi khá rõ nét và được chú trọng về mảng nhân viên quân sự, tùy viên quốc phòng, trao đổi chính trị trong khuôn khổ ASEAN.

Liệu hai bên có tính đến các đợt thao dượt quân sự tỉ mỉ hơn không ? Điều này có lẽ không chắc. Vì ngoài diễn tập với Hoa Kỳ hoặc các cuộc tập trận đa phương, Nhật Bản không tiến hành thao dượt song phương với Hải Quân của các nước Đông Nam Á.

RFI :Tháng 05/2017, tầu chở trực thăng Nhật Bản Izumo đã thực hiện hành trình dài ba tháng tại vùng Biển Đông. Từ ngày 26/08 đến cuối tháng 10/2018, ba tầu chiến, trong đó có tầu chở trực thăng lớn nhất của Nhật Bản là Kaga, cũng sẽ đi qua Biển Đông và đến Ấn Độ Dương, đồng thời thao dượt quân sự chung cùng với hải quân năm nước và Hoa Kỳ. Thông qua các hoạt động này, Nhật Bản muốn truyền tải thông điệp gì ?

G. Delamotte : Đúng, các cuộc diễn tập đa phương rất quan trọng vì chúng có quy mô lớn. Đối với Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, thì các cuộc thao dượt đa phương giúp họ tạo dựng được tình huống và như vậy, là cơ hội đáng quý cho họ. Đây cũng là cơ hội để duy trì hợp tác với các nước mà Nhật Bản chưa quen phối hợp sát cánh như vậy. Vì vậy, các hoạt động này gần như mang tính quân sự đối với Nhật Bản.

Với Hoa Kỳ, Nhật Bản đã quen với các cuộc tập trận song phương. Nhưng những cuộc diễn tập đa phương sẽ cho phép Nhật Bản mở rộng mạng lưới đối tác, đối thoại. Thói quen được luyện tập trong một cuộc thao diễn có quy mô lớn sẽ là cách chuẩn bị cho cuộc xung đột, nếu xảy ra, với Trung Quốc.

Dĩ nhiên đây chỉ là giả thuyết. Tuy nhiên, vai trò của các chính phủ và lực lượng quân sự tham gia tập trận là phải chuẩn bị, phòng trường hợp xảy ra một sự kiện ngoài mong muốn.

RFI : Trên quy mô lớn hơn, thủ tướng Shinzo Abe triển khai chính sách tăng cường quan hệ quân sự với các nước ASEAN, thông qua bản Vientiane Vision. Phải chăng Nhật Bản muốn khống chế sự hiện diện và sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực Đông Nam Á ?

G. Delamotte : Nhật Bản nhận thấy sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn bất cân xứng, phi pháp, trái với luật quốc tế. Tokyo lấy làm tiếc là các nước đang tham gia đàm phán bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung. Các quy định đã không được tôn trọng.

Tình hình từ giờ đã quá muộn đối với các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia. Có nghĩa là với tình trạng “sự đã rồi” như hiện nay thì khó lòng đảo ngược được tình thế. Thực vậy, Trung Quốc đang giám sát Biển Đông và khó lòng lật lại được tình thế này vì Bắc Kinh đã kiểm soát nhiều đảo nhân tạo, quân sự hóa với hệ thống radar, đường băng…

Trước thực trạng này, cần phải chuẩn bị tinh thần cho một cuộc xung đột và cần phải hình thành mạng lưới đồng minh quốc tế để thúc đẩy đối thoại, làm đối trọng với sức mạnh Trung Hoa. Các nước cần đồng thuận về một cách hành động nào đó nếu có cơ hội. Và cuối cùng là phải có được hệ thống vũ khí tương thích, có khả năng răn đe để Trung Quốc không gây hành động thù nghịch.

Nhật Bản cố đảm nhiệm toàn bộ các hành động này, có nghĩa là họ cải thiện hệ thống vũ khí, khả năng phát giác, can thiệp và phản ứng. Đồng thời, Nhật Bản cũng cải thiện quan hệ đồng minh, trong đó có cả việc đối thoại với các nước ASEAN và hơn cả phạm vi đó.

***

Một số tác phẩm của bà Guibourg Delamotte :

– Japan’s World Power. Assessment, Vision and Outlook, (tạm dịch : Sức mạnh thế giới của Nhật Bản. Đánh giá, tầm nhìn và triển vọng), Routledge, Luân Đôn, 2017.

– La Politique de défense du Japon (Chính sách quốc phòng của Nhật Bản), Presses universitaires de France, tháng 10/2010, 330 trang.

– Géopolitique de l’Asie (Địa chính trị châu Á, đồng chủ biên với F. Godement), Sedes-Armanad Colin, 2007.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180903-viet-nhat-gia-tang-hop-tac-quoc-phong-doi-pho-trung-quoc-o-bien-dong