Tin Biển Đông – 03/05/2017
Ngũ Giác Đài chưa cho Hải Quân vào ‘vùng 12 hải lý’
Khu trục hạm Mỹ USS Wayne E. Meyer đi qua Biển Đông ngày 11/4/2017
Kể từ năm ngoái, quân đội Mỹ chưa thông báo bất cứ cuộc tuần tra nào để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Điều này báo hiệu sự thay đổi sau những lời lẽ đao to búa lớn trước đây của chính quyền ông Trump rằng sẽ kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Ngũ Giác Đài đã nhiều lần bác đề nghị của Hải quân Mỹ thực hiện tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo và các thực thể do Trung Quốc kiểm soát, nơi nhiều nước khác, kể cả Việt Nam, tuyên bố chủ quyền, theo một phóng sự của New York Times hôm 3/5 và hãng tin Breibart hồi tháng 3.
Tin của New York Times cho hay, trong diễn biến gần đây nhất, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cách đây khoảng 1 tháng rưỡi đã đề nghị điều tàu vào vùng 12 hải lý của Bãi Scarborough, cách bờ biển Philippines khoảng 195 km. Trung Quốc kiểm soát việc tiếp cận bãi này. Ngũ Giác Đài đã từ chối đề nghị đó.
Tổng thống Trump đã tỏ ý sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc với hy vọng nước này sẽ giúp ngăn chặn Bắc Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, các chuyên gia nói với trang tin Breitbart hồi tháng 3 rằng việc thiếu một chính sách về châu Á và nhân sự chưa sắp xếp xong tại Ngũ Giác Đài có thể là lý do đằng sau tình trạng án binh bất động về các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải.
Trong số 53 vị trí tại Ngũ Giác Đài do tổng thống bổ nhiệm, chỉ có chức Bộ trưởng Quốc phòng đã có người nắm giữ là ông Jim Mattis.
Mặc dù vậy, thời gian trôi qua đã đủ dài để xác định liệu sự thiếu vắng các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông có phải là một phần trong lập trường mới của Tòa Bạch Ốc hay không.
Ông Euan Graham, giám đốc về an ninh quốc tế tại Viện Lowy, một tổ chức cố vấn ở Sydney, nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể kết luận rằng đây không chỉ là vấn đề quán tính … Điều này đang thể hiện tính đặc trưng của một chính sách có suy nghĩ”.
Khi còn tranh cử, ông Trump từng nói Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng vì Trung Quốc không tôn trọng nước Mỹ và tổng thống Mỹ.
Hồi tháng 1 năm nay, khi điều trần trước các nhà lập pháp để được chuẩn thuận chức ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson báo hiệu Mỹ sẽ có chính sách cứng rắn hơn chính quyền của ông Obama đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay điều này chưa diễn ra.
Hải quân Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành tuần tra vùng hải phận quốc tế trên Biển Đông. Khác với các cuộc tuần tra thông thường kiểu này, các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải có mục đích thách thức những vi phạm các chuẩn mực quốc tế.
Tháng 10/2015, tàu USS Lassen đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Subi bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Trước đây, Subi là một bãi chìm nhưng giờ ảnh vệ tinh cho thấy nơi này là một đảo nhân tạo do Trung Quốc xây, có diện tích xấp xỉ Trân Châu Cảng.
Hải quân Mỹ đã tiến hành thêm nhiều cuộc hành quân vì tự do hàng hải trong năm 2016. Cuộc cuối cùng là vào tháng 10, ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
(theo Stars and Stripes, New York Times)
Trung Quốc ‘hoan nghênh’ tuyên bố ASEAN về Biển Đông
Ngày 2/5, Trung Quốc hoan nghênh lập trường mềm mỏng hơn của các quốc gia Đông Nam Á về khu vực tranh chấp Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào cuối tuần qua. Bắc Kinh nói điều đó cho thấy là các nỗ lực nhằm giảm thiểu căng thẳng đã có hiệu quả.
Trong tuyên bố kết thúc hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại thủ đô Manila, Philippines năm nay, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không không hề đề cập đến “các hoạt động cải tạo đất đai và quân sự hóa”.
Hai vấn đề này đã được đề cập trong tuyên bố của ASEAN hồi năm ngoái, và trong một văn bản không được công bố năm trước đó mà Reuters đã được đọc hôm thứ Bảy,.
Hai nhà ngoại giao ASEAN cho Reuters biết, năm nay, Trung Quốc thúc ép Chủ tịch ASEAN, Philippines, gạt ra khỏi chương trình nghị sự chính thức các hoạt động gây tranh cãi của Trung Quốc trên tuyến hàng hải chiến lược trong khu vực.
Trung Quốc không phải là hội viên của ASEAN, nhưng rất nhạy cảm với nội dung bản tuyên bố hàng năm của khối.
Trung Quốc thường bị cáo buộc là gây áp lực để ảnh hưởng tới việc soạn thảo bản tuyên bố để dập tắt ngay những lời lẽ thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không trả lời trực tiếp câu hỏi của báo chí rằng liệu Trung Quốc có gây sức ép trong việc soạn bản tuyên bố hay không.
Tại một cuộc họp báo thường nhật, ông Cảnh Sảng nói:
“Kể từ năm ngoái, với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, trong đó có Philippines, tình hình Biển Đông đã hạ nhiệt và tình hình đã lắng dịu. Tôi nghĩ điều này phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực”.
Bản tuyên bố với những lời lẽ nhẹ nhàng hơn được đưa ra khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tìm cách giảng hòa với Trung Quốc sau nhiều năm hai nước tranh cãi với nhau.
Sau khi ‘đi đêm’ với ông Duterte, Trung Quốc đồng ý cho ngư dân Philippine trở lại ngư trường phong phú hải sản ở bãi cạn Scarborough sau bốn năm phong tỏa nơi này.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-hoan…tuyen…asean…dong/3834968.html