Tin Biển Đông – 02/11/2018
Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông
Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson vừa tuyên bố lực lượng này sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông nhằm chống lại những “tuyên bố chủ quyền biển phi pháp”.
Ông Richardson đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc họp báo với giới sĩ quan quân đội Philippines ở thủ đô Manila hôm 29.10, vài giờ sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Davao rằng một số “nước ngoài khu vực” đang gây rối ở Biển Đông và phô diễn lực lượng”, theo AP. Ông Vương còn lên giọng kêu gọi các nước Đông Nam Á chống lại “sự can thiệp của nước ngoài” ở khu vực.
Hôm 30.9, một tàu khu trục Trung Quốc có hành vi quấy rối chiến hạm Mỹ USS Decatur khi tàu này tuần tra duy trì tự do hàng hải gần đá Gaven, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành đảo nhân tạo phi pháp.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình tự do lưu thông này”, ông Richardson nhấn mạnh và cho hay những hoạt động tuần tra như thế thể hiện lập trường của Mỹ chống lại những “tuyên bố chủ quyền biển phi pháp”.
Hôm 16.10, Mỹ triển khai 2 máy bay ném bom B-52 diễn tập ở Biển Đông và báo Business Insider dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Randall Schriver khẳng định: “Trung Quốc đã quân sự hóa thành công một số tiền đồn, hành vi của họ ngày càng mạnh bạo và chúng tôi đang nỗ lực đưa ra ứng phó phù hợp”.
Trước đó, CNN dẫn một số nguồn tin cho hay Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đã lên kế hoạch phô diễn sức mạnh quân sự trước Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông trong tháng tới.
http://biendong.net/bi-n-nong/24446-hai-quan-my-se-tiep-tuc-tuan-tra-o-bien-dong.html
TQ mở trái phép 3 trạm khí tượng ở Trường Sa:
Đâu là mục đích thực sự?
Theo Taiwan News, sẽ có ít nhất 3 trạm khí tượng của Trung Quốc được đưa vào hoạt động trái phép trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) sau khi Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự, đường băng… trái phép. Ảnh: AP.
Trạm khí tượng mới: Phục vụ khoa học hay là cơ sở quân sự trá hình?
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) trích dẫn các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, hôm 31/10 vừa qua, Bắc Kinh đã khánh thành các trạm khí tượng tại 3 trong số các đảo đá nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (1/11) rằng các trạm khí tượng mới sẽ được sử dụng cho mục đích đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Hãng thông tấn nhà nước CCTV cho biết các trạm khí tượng này sẽ được trang bị các thiết bị phục vụ cho việc quan sát khí quyển và mặt đất cơ bản, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm không khí, cùng các radar thời tiết – được dùng để theo dõi các chỉ số khí tượng thủy văn.
Theo đó, các trạm này sẽ theo dõi toàn bộ các biến động thời tiết trên quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) và vùng biển xung quanh khu vực này, đồng thời cung cấp dữ liệu khí tượng chuẩn xác hơn cho các tàu cá và tàu thuyền hoạt động ở khu vực lân cận.
Vì những thông tin kể trên, nhiều ý kiến đã tỏ ra lo ngại rằng các cơ sở này sẽ được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích quân sự.
Theo Taiwan News, điều kiện thời tiết trên Biển Đông khá khắc nghiệt và thường có những diễn biến khó lường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động hàng hải trong khu vực. Do đó, có khả năng cao là các trạm khí tượng này được thiết lập để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc leo thang trên Biển Đông
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên tăng cường bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa trên Biển Đông, thậm chí còn bố trí tên lửa tại các đảo nhân tạo trái phép này.
Trong giai đoạn từ năm 2013-2016, Bắc Kinh đã bồi đắp trái phép trên 7 rạn san hô thuộc chủ quyền của Việt Nam – trong đó có Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập là 3 khu vực có diện tích lớn nhất.
Kể từ đó, Trung Quốc đã xây dựng thêm nhiều cơ sở quân sự và dân sự trái phép như các sân bay có đủ sức chứa loại máy bay chở khách lớn như Boeing 737 và Airbus A320; các bến tàu cho tàu thuyền lớn neo đậu, các ngọn hải đăng, trạm viễn thông, trạm năng lượng mặt trời, nhà máy khử muối nước biển, bệnh viện, các cơ sở canh tác nông nghiệp, và thậm chí cả các cơ sở luyện tập thể thao.
Theo SCMP, lực lượng quân đội Trung Quốc cũng đã được triển khai trên các đảo đá này.
Phía Mỹ đã lên án các hoạt động quân sự hóa và bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, và thường xuyên điều tàu chiến đến tuần tra khu vực này nhằm đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế.
Đô đốc Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc
tuân thủ quy tắc ứng xử trên biển
Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ John Richardson hôm 1/11 lên tiếng thúc giục Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc ứng xử trên biển để tránh những đụng độ không định trước, giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến leo thang căng thẳng giữa hải quân hai nước.
Đô đốc Richardson đưa ra tuyên bố này nhân chuyến thăm Australia trong chuyến công du 4 ngày tới vùng Ấn Độ Thái Bình Dương. Trước đó, khi đang ở thăm Philippines, ông cũng khẳng định rằng hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông theo chương trình Tự do hàng hải đã được Hoa Kỳ thực hiện trong khu vực từ năm 2015.
Hồi cuối tháng 9, một tàu chiến của Trung Quốc đã đi gần sát tàu Decatur của Mỹ khi tàu Mỹ đi gần đá Gaven ở quần đảo Trường Sa. Hải quân Hoa Kỳ cho biết khoảng cách đi gần này là không an toàn. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết tàu Decatur của Mỹ đã bị phía Trung Quốc cảnh báo phải đi khỏi vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Hoa Kỳ thực hiện chương trình tự do hàng hải nhằm mục đích thách thức những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở vùng nước tranh chấp.
Trong khi đó, Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ là xâm phạm chủ quyền nước này, gây bất ổn trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi đầu tháng này ra thông báo cho biết nước này sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình.
Đài Loan nói Việt Nam không nên lo lắng
về cuộc diễn tập đạn thật tại đảo Ba Bình
Bộ Ngoại giao Đài Loan vào ngày 1 tháng 11 lên tiếng trấn an các quốc gia khác không nên lo lắng về các cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ được tiến hành tại khu vực đảo Ba Bình vào cuối tháng này.
Truyền thông Đài Loan vào ngày 1 tháng 11 loan tin dẫn lời giới chức đảo quốc Đài Loan như vừa nêu.
Cơ quan Thông tấn Trung ương Đài Bắc đưa tin cho biết Cục Cảnh sát biển đã xác nhận hôm thứ Năm 1/11 rằng họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận trong khu vực đảo Ba Bình và vùng biển xung quanh vào ngày 21-23/11 từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối.
Tổng giám đốc Cục Cảnh sát biển cho biết đây là một phần của các bài tập thường lệ và chính phủ không có kế hoạch dời lại lịch tập mặc dù diễn ra gần thời điểm các cuộc bầu cử chính quyền tại Đài Loan vào ngày 24/11.
Theo một thông cáo báo chí của Ban Quản lý cảnh sát biển đưa ra hôm thứ Tư 31/10, Đài Bắc thường xuyên thông báo về cuộc diễn tập đạn thật trước vài tuần để cảnh báo ngư dân và tàu thuyền. Bộ Ngoại giao Đài Loan sẽ chịu trách nhiệm thông báo cho các nước lân cận về cuộc tập trận này.
Việt Nam vừa qua bày tỏ quan ngại về các cuộc tập trận đạn thật trong khu vực. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết vì Việt Nam trong quá khứ thường đưa ra phản đối sau những cuộc diễn tập như vậy, nên Đài Bắc xem các cuộc tập trận này là một phần của việc thực thi chủ quyền của Đài Loan để các nước khác nên xem xét một cách hợp lý.
Đảo Ba Bình, còn được gọi là Itu Aba, là một trong nhiều hòn đảo ở Biển Đông được tuyên bố bởi nhiều quốc gia lân cận bao gồm Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc.
Là hòn đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, Ba Bình nằm cách Cao Hùng 1.600 km và có khoảng 200 binh sĩ Đài Loan, mặc dù không có cư dân sinh sống trên đảo.
Bản tin Biển Đông ngày 30/10/2018
Trung Quốc, Philippines cam kết nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông
Ngày 30/10, Tân Hoa xã đưa tin, tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp giữa Ủy viên Quốc vụ viện, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 29/10 tại Davao, Philippines, hai bên cam kết cùng nỗ lực để thúc đẩy tiến trình tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu, dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo Trung Quốc và Philippines nhờ có sự nỗ lực chung, tình hình Biển Đông đang cải thiện và trở nên ổn định hơn. Ông Vương Nghị cũng cho biết Trung Quốc sẽ trao đổi với Philippines và các nước ASEAN có liên quan khác để tạo ra đột phá mới trong hợp tác biển, “đẩy mạnh hợp tác về bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, đánh cá, tìm kiếm và cứu nạn, cũng như tăng cường tin cậy và tạo thêm nhiều lợi nhuận cho nhân dân các nước”. Liên quan đến hoạt động khai thác chung, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận sâu hơn với Philippines về khai thác chung dầu, khí ở Biển Đông”. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẵn sàng phối hợp với các nước ASEAN để đẩy nhanh tiến trình tham vấn COC mà Trung Quốc hy vọng sẽ kết thúc quá trình này trong thời gian Philippines là nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tin từ Manila Standard, khi được hỏi liệu Trung Quốc có chấp nhận một Bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về pháp lý hay không, ông Vương Nghị đã không dám đưa ra cam kết.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho rằng Biển Đông không phải là vấn đề riêng giữa Trung Quốc và Philippines, các nước khác như Indonesia hay Malaysia trong ASEAN cũng có chung vấn đề. “Vấn đề Biển Đông không nên cản trở sự phát triển của mối quan hệ cùng có lợi, thân thiện giữa Trung Quốc và Philippines, cũng không nên cản trở phát triển của sự hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và ASEAN”. Ngoại trưởng Locsin khẳng định giữ vững cam kết của Manila đối với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), “thông qua đối thoại với sự tôn trọng lẫn nhau và với các đối tác ở ASEAN, chúng tôi đang đạt tiến triển với một sự đáng kinh ngạc trong đàm phán về COC”. Theo Ngoại trưởng Locsin, nếu ASEAN và Trung Quốc không đạt được một văn bản ràng buộc về pháp lý, COC vẫn sẽ là một văn kiện khu vực quan trọng, “là tiêu chuẩn về cách nhân dân ASEAN, chính phủ các nước ASEAN đối xử với nhau, luôn là với sự danh dự, không bao giờ hung hăng và luôn vì tiến bộ chung”.
Mỹ siết chặt tuần tra ở Biển Đông, Trung Quốc cảnh báo “những kẻ thích xen vào chuyện người khác”
Ngày 29/10, ABC News đưa tin, tại một cuộc họp báo với các quan chức quân sự Philippines tại Manila vào ngày 29/10, Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân Mỹ, cho biết hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông và các cuộc tuần tra như vậy sẽ làm nổi rõlập trường của Mỹ chống lại “yêu sách biển bất hợp pháp”. Đô đốc Richardson phát biểu “chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động tự do hàng hải, chúng tôi đã thực hiện hàng chục hoạt động trên khắp thế giới để cho thấy lập trường chúng tôi đối với các yêu sáchbiển bất hợp pháp”.
Trong khi đó, cùng ngày, tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Philippines tại thành phố Davao, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói bóng gió về một số “nước ngoài khu vực” đang khuấy động rắc rối ở vùng biển tranh chấp và “khoe khoang sức mạnh của họ”. Ông Vương Nghị cho rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nên phòng vệ chống lại sự can thiệp của nước ngoài. “Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để cảnh giác và ngăn chặn sự can thiệp và gián đoạn từ bên ngoài bởi vì Trung Quốc, Philippines và các quốc gia ven Biển Đông đang hợp tác để duy trì hòa bình và hợp tác”.
http://biendong.net/diem-tin/24522-ban-tin-bien-dong-ngay-30-10-2018.html
Bản tin Biển Đông ngày 31/10/2018
Philippines hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về năng lượng trong chuyến thăm sắp tới của Tập Cận Bình
Ngày 30/10, Bloomberg đưa tin, trả lời phỏng vấn tại Singapore, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận về khai thác chung dầu khí tại Biển Đông khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Philippines vào tháng tới. Bộ trưởng Cusi cho biết các điều khoản của thỏa thuận có thể được thông qua trong chuyến thăm này. Chính phủ Philippines cũng đã thảo luận về việc gỡ bỏ lệnh cấm thăm dò tại vùng biển tranh chấp do người tiền nhiệm của Tổng thống Duterte đặt ra trước đó đã cản trở một hoạt động liên doanh tiềm năng giữa Tập đoàn PXP Energy và Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn PXP Energy Manuel Pangilinan không cho rằng lệnh cấm có thể được dỡ bỏ trong thời gian chuyến thăm của Tập Cận Bình vào tháng 11. Các cuộc đàm phán với CNOOC sẽ không thể được nối lại cho đến khi nào Philippines và Trung Quốc đạt được thỏa thuận song phương. Bộ trưởng Alfonso Cusi cho biết Philippines và Trung Quốc đang trao đổi để giải quyết vấn đề này, “đó là lĩnh vực ưu tiên cao của chúng tôi vì chúng tôi biết rằng trữ lượng còn nhiều mà chúng tôi có thể thăm dò và khai thác”.
Theo Bloomberg, bất cứ thỏa thuận nào về khai thác chung đạt được sẽ đánh dấu một chiến thắng lớn cho Trung Quốc khi nước này đã nỗ lực cả thập kỷ qua để ngăn các nước Đông Nam Á khai thác nguồn năng lượng tại các vùng biển tranh chấp.
Chuyên gia CSIS: hình dung về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả
Ngày 31/10, The Diplomat đăng nội dung trả lời phỏng vấn giữa Biên tập viên Ankit Panda của The Diplomat và Greg Poling, Trưởng Nhóm chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Nội dung cuộc phỏng vấn xoay quanh kết quả nỗ lực của các chuyên gia về đề xuất biện pháp đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính thực tế và có thể thực hiện được.
Theo đó, Greg Poling cho rằng trong hai năm qua, tuy đã có nhiều thỏa thuận công khai về tính kỳ vọng của COC, nhưng chưa có sự khao khát mãnh liệt nào để giải quyết các vấn đề khó khăn. Khung COC năm 2017 có ít chi tiết hơn DOC năm 2002. Hiện nay, ngoài Philippines, không có bên tranh chấp nào tỏ dấu hiệu cho thấy sắp đạt được COC, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đều bày tỏ không hy vọng có được COC trong tương lai gần. Đáng lo ngại hơn nữa, bản dự thảo đàm phán đơn nhất lại chứa đầy các yếu tố có thể làm chệch hướng các cuộc đàm phán. Ví dụ, Trung Quốc đòi có quyền phủ quyết đối với hoạt động quân sự của các bên tranh chấp với một bên thứ ba hoặc các công ty bên ngoài khu vực sẽ không được tham gia vào các hoạt động liên quan đến dầu khí, chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng ý từ các bên khác. Ông Poling cho biết, từ khi nội dung Khung COC được tiết lộ vào cuối năm ngoái, Nhóm chuyên gia đã cho thấy rất dễ để chỉ ra những gì không phù hợp trong Khung COC cũng như trong tiến trình đàm phán COC suốt 2 thập kỷ qua. Các chuyên gia cho rằng, để một thỏa thuận vừa công bằng vừa khả thi thì nó phải phù hợp với luật pháp quốc tế và nội luật của tất cả các nước, trong đó có yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử. Theo ông Poling, COC cần phải quản lý các căng thẳng xung quanh các tranh chấp, chứ không phải giải quyết chung. Vấn đề chủ quyền lãnh thổ là khó thể hòa giải trong tương lai gần. Tuy nhiên, nếu các tranh chấp biển, đặc biệt là liên quan đến quyền khai thác thủy sản và tài nguyên, có thể được quản lý theo một cách công bằng và hiệu quả, thì khi đó các vấn đề về lãnh thổ có thể yên tâm để lại cho các thế hệ sau thông thái hơn giải quyết. Hạn chế của DOC chủ yếu là vì văn kiện này né tránh một số vấn đề bắt buộc phải giải quyết để quản lý hiệu quả các tranh chấp. DOC cũng không đề cập đến phạm vi địa lý của thỏa thuận, không chi tiết về việc quản lý tài nguyên sinh vật hay vi sinh vật, không có cơ chế giải quyết các tranh chấp không thể tránh khỏi khi triển khai. Trên cơ sở đó, Nhóm chuyên gia đã đề ra một cơ chế dàn xếp tranh chấp từng bước, rõ ràng trong cả ba bản Kế hoạch do Nhóm xây dựng. Cơ chế này không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng mang tính bắt buộc, như ví dụ về quá trình hòa giải giữa Timor Leste và Australia đã chứng minh cực kỳ hiệu quả.
http://biendong.net/diem-tin/24521-ban-tin-bien-dong-ngay-31-10-2018.html
Bản tin Biển Đông ngày 01/11/2018
Giữa tình hình căng thẳng ở Biển Đông, sẽ có gì tại cuộc gặp giữa lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Trung Quốc?
Ngày 1/11, South China Morning Post đăng bài viết của Mark Valencia, học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Nam Hải, Hải Khẩu, Trung Quốc. Bài viết điểm lại một số sự kiện có liên quan giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh vấn đề Biển Đông trong mấy tháng gần đây, từ đó đưa ra dự đoán về nội dung cuộc gặp sắp tới giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tới Washington trong tuần này. Mark Valencia cho rằng đây sẽ cuộc gặp quan trọng định hướng cho tương lai quan hệ hai bên trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là ông Ngụy Phượng Hòa sẽ muốn gì từ cuộc gặp này? Bài viết cho rằng có 4 điểm chính: (i) Sắp tới ông Mattis có rời bỏ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng không và nguyên nhân là gì? Ai sẽ thay thế? (ii) Mức độ liên quyết và phổ biến trong Chính phủ Mỹ về việc ủng hộ chính sách đối đầu hơn với Trung Quốc? (iii) Đánh giá quan điểm của Mỹ về mối quan hệ quân sự đứt quãng, lên xuống thất thường giữa hai bên? (iv) Tái khẳng định quân đội hai bên có thể trao đổi nếu mối quan hệ này có vấn đề.
Bài viết cho rằng việc hai nhà lãnh đạo quân đội nhận thức rằng hai nước có khả năng đang ở bên bờ vực chiến tranh lạnh thực sự có thể mang tính tính cực nếu xét trên khía cạnh việc này sẽ tránh được các cuộc xung đột không chủ đích và không cần thiết. Có thể Trung Quốc và Mỹ sẽ thảo luận về những ý định của nhau về vấn đề này và làm thế nào để giảm thiểu xung đột. Tuy nhiên, cũng có khả năng cuộc gặp sẽ gây thất vọng vì không đưa ra được thỏa thuận làm giảm căng thẳng hay tuyên bố công khai nào. Thay vào đó, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ chỉ cố gắng thiết lập các quy tắc nền tảng cho giai đoạn được coi là khó khăn và nguy hiểm trong quan hệ Mỹ – Trung, đặc biệt là quan hệ quân sự giữa hai nước.
Trung Quốc mở một số đài quan sát khí tượng ở Trường Sa
Ngày 1/11, hãng Taiwan News của Đài Loan đưa tin, Hiệp hội Khí tượng Trung Quốc (CMA) công bố chính thức mở một số đài khí tượng rải rác trong quần đảo Trường Sa, cụ thể tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn. Bộ Sinh thái và Môi trường của Trung Quốc cũng công bố việc xây dựng Đài quan sát khí quyển trung tâm “Nam Sa” cũng đã hoàn thành, có thể đưa ra 15 chỉ số riêng biệt về các hiện tượng khí tượng khác nhau. Theo CMA, các công trình này giúp cung cấp cơ sở quan trọng để nâng cao hoạt động quan sát khí tượng trong khu vực; các dữ liệu thu được sẽ dùng để quản lý thời gian và đưa ra cảnh báo sớm về các sự kiện thời tiết nghiêm trọng. Mặc dù tuyên bố chính thức là các đài quan sát nhằm mục đích hỗ trợ bảo tồn môi trường, nhưng các hành động của Trung Quốc cho thấy việc bảo tồn hệ sinh thái ở Biển Đông không phải một trong những mối quan tâm hàng đầu của nước này. Tòa Trọng tài năm 2016 đã đưa ra phán quyết khẳng định Trung Quốc đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các rặng san hô ở đây khi tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo vì mục đích quân sự.
Với đặc điểm Biển Đông thường xuyên gặp phải thời tiết bất lợi, gây khó khăn cho các hoạt động định vị hàng hải, nên các đài quan sát khí tượng sẽ rất có khả năng là nhằm phục vụ hoạt động quân sự. Trung Quốc đã và đang tìm cách để hạn chế các điểm mù trong đài quan sát khí tượng tại các khu vực xung đột cụ thể. Bên cạnh đó, rất đáng lưu ý về khả năng có thể Trung đã lắp đặt các thiết bị quan sát dưới nước ngay ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ vào tháng 10 dưới danh nghĩa quan sát môi trường. Các thiết bị này nằm ngay ở vị trí chiến lược và khả năng chúng có thể phát hiện các tàu ngầm hoặc tàu hải quân khác hay không thì cũng chưa rõ.
http://biendong.net/diem-tin/24523-ban-tin-bien-dong-ngay-01-11-2018.html