Tin Biển Đông – 02/11/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

TQ hoạt động trên biển riêng rẽ với VN và ASEAN

Việt Nam đang có cuộc tuần tra chung với Trung Quốc trong ba ngày, Tân Hoa Xã đưa tin, ở quanh khu vực đánh bắt cá chung trên Vịnh Bắc Bộ.

Hai quốc gia điều động hai tàu tuần tra, thực hiện một loạt các nhiệm vụ theo lịch trình bắt đầu từ thứ Tư 1/11, bao gồm nghiên cứu, luyện tập các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên biển, và kiểm tra các tàu đánh cá.

Theo Tân Hoa Xã, đây là đợt tuần tra chung thứ hai của lực lượng cảnh sát biển của hai nước trong năm nay; lần đầu được tổ chức vào tháng Tư.

Hạm đội Nam Hải ‘cực kỳ nguy hiểm’ cho VN

Cấm đánh cá ở Biển Đông ‘không nhằm chống VN’?

Biển Đông: VN có cần thay đổi chiến thuật?

Một sĩ quan thuộc Bộ phận Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc cho Tân Hoa Xã biết các cuộc tuần tra chung đã giúp tạo ra một “môi trường ổn định để đánh cá, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa các lực lượng an ninh hàng hải, và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa người dân hai nước.”

Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành 14 cuộc tuần tra chung trong vùng đánh cá chung từ năm 2006.

Vịnh Bắc Bộ là khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân hai nước. Trung Quốc và Việt Nam đã ký hiệp định phân chia biên giới trên biển ở khu vực này hồi cuối năm 2000, sau 27 năm đàm phán.

Theo hiệp định đã ký, Việt Nam được 53,23% và Trung Quốc được 46,77% diện tích Vịnh.

Diễn tập chung Trung Quốc-ASEAN; Việt Nam vắng mặt

Ngay trước lúc hai bên có cuộc tuần tra chung, Trung Quốc đã cùng một số nước thành viên ASEAN tiến hành một cuộc diễn tập giải cứu hàng hải với quy mô lớn chưa từng có.

Các nước tham gia gồm Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Myanmar, Lào và Brunei, theo hãng tin AFP.

Cuộc tập trận hôm 31/10 mô phỏng một vụ va chạm giữa chiếc tàu chở khách Trung Quốc và tàu chở hàng của Campuchia ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông.

Có tổng số khoảng 1.000 nhân viên cứu hộ trên 20 tàu và ba trực thăng tham gia sự kiện này, theo truyền thông Trung Quốc.

Cuộc diễn tập chung giữa Trung Quốc và 6 thành viên thuộc khối ASEAN diễn ra sau các cuộc gặp giữa hai bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Singapore bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ 11 tại Philippines hồi tháng trước.

AFP nhận định cuộc diễn tập trên cho thấy “căng thẳng ở Biển Đông suy giảm dần”, và đồng thời, sự phản đối của các nước ASEAN đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông cũng đang hạ nhiệt dần.

ASEAN không có thông cáo chung ‘do Việt Nam’

Biển Đông: VN có cần thay đổi chiến thuật?

Nhiều năm nay, Biển Đông luôn là vấn đề gai góc nhất cho các nước ASEAN. Các nước có quan điểm khác nhau về cách lên tiếng về sự khẳng định chủ quyền, các tòa nhà và quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong các vùng biển có tranh chấp.

Hồi tháng Tám vừa rồi, cuộc họp ngoại trưởng các nước ASEAN đã không đưa ra được thông cáo chung thường lệ vì không đạt được sự đồng thuận về ngôn từ liên quan các tranh chấp ở Biển Đông, hãng tin Anh Reuters tường thuật.

Reuters dẫn nguồn các nhà ngoại giao từ ba nước ASEAN nói sự chậm trễ là do Việt Nam muốn thông cáo đề cập việc cần tránh các hoạt động ‘bồi đắp lấn biển’ và ‘quân sự hóa’.

Hồi năm ngoái, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại the Hague ra phán quyết trong vụ kiện do Manila đệ đơn, theo đó bác bỏ hầu hết yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông.

Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại từ chối sử dụng quyết định này như một đòn bẩy lợi thế, thay vào đó là làm dịu chính sách của người tiền nhiệm để đổi lại hàng tỷ đô la thông thương hàng hóa và đầu tư từ Trung Quốc.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41841954

 

Tổng thống Mỹ sẽ tiếp cận vấn đề biển Đông

trong chuyến thăm châu Á ra sao?

Từ ngày 3 đến ngày 14 tháng 11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ lên đường thăm châu Á lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 vừa qua. Đây được coi là chuyến thăm dài nhất của một Tổng thống Mỹ đến châu Á kể từ thời của Tổng thống George H. Bush (cha) 25 năm về trước. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Trump được nhiều nước châu Á trông đợi vì họ muốn biết chiến lược sắp tới cũng như cam kết của Mỹ trong khu vực ra sao. Vấn đề biển Đông là một trong những vấn đề sẽ được bàn thảo trong chuyến thăm tới nhưng cho tới lúc này các chuyên gia tại Hoa Kỳ vẫn không rõ liệu Tổng thống Trump sẽ đề cập vấn đề này với từng nước ra sao?

Vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ phải được bàn thảo trong chuyến thăm tới châu Á của Tổng thống Donald Trump nhưng mức độ thảo luận với từng nước có thể là khác nhau vì thái độ của từng nước với vấn đề này và cũng một phần bởi chiến lược chưa rõ ràng của chính quyền Mỹ đối với vấn đề này.

Chuyên gia Amy Searight, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC nhận định.

Rất khó để biết về lập trường của Tổng thống Trump đối với vấn đề biển Đông và ông sẽ nêu vấn đề ra ở mức độ nào. Đã có nhiều những tín hiệu lẫn lộn đưa ra từ chính quyền của Tổng thống Trump liên quan đến vấn đề biển Đông. Một mặt thì đã có những thảo luận cứng rắn đối với Trung Quốc ngay từ thời kỳ đầu của chính quyền nhất là từ Ngoại trưởng Tillerson, và phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ở Shangrila về thái độ của Trung Quốc ở biển Đông. Chính quyền của Tổng thống Trump đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên ở biển Đông. Tuy nhiên mặt khác, đã 10 tháng trôi qua mà chính quyền mới vẫn chưa có (hoặc không có) một chiến lược rõ ràng về vấn đề biển Đông, và làm thế nào để gây sức ép với Trung Quốc trước thái độ quyết đoán của nước này ở biển Đông và giúp đỡ các đối tác và đồng minh của mình trong khu vực.

Theo bà Searight, vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với các lãnh đạo Việt Nam vào ngày 11/11 tới ở Hà Nội. Tuy nhiên rất có thể với Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không muốn nêu vấn đề này ra, trong khi với Trung Quốc việc Tổng thống Trump đưa vấn đề này ra như thế nào và có đưa ra hay không hiện vẫn còn chưa rõ ràng.

Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực biển Đông. Việt Nam và Philippines cũng là những nước đòi chủ quyền tại đây, nhưng kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Tổng thống Duterte đã muốn giảm nhẹ căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Trong khi đó Trung Quốc từ trước đến nay vẫn khẳng định không muốn các quốc gia bên ngoài can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, ý muốn nói đến Hoa Kỳ.

Lập trường của Hoa Kỳ từ trước đến nay là không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở biển Đông nhưng khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không của mình tại khu vực này qua việc thực hiện chương trình tự do hàng hải Fonops được bắt đầu từ năm 2015 dưới thời của Tổng thống Obama và vẫn tiếp tục dưới thời của Tổng thống Trump.

Theo chuyên gia Amy Searight, với việc Tổng thống Donald Trump không tham dự thượng đỉnh Đông Á ở Philippines, nơi vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ được đưa ra bàn thảo, Hoa Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội để đưa ra thông điệp của mình về vấn đề này và làm cho các nước trong khu vực không hiểu được lập trường của chính phủ Mỹ mới trong vấn đề này.

Trong chuyến thăm châu Á lần này, Tổng thống Mỹ sẽ đến Đà Nẵng, Việt Nam dự APEC vào ngày 10/11 và đến Hà Nội vào ngày 11/11 để gặp các lãnh đạo cấp cao bao gồm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo chuyên gia Amy Searight, chuyến thăm đến Việt Nam lần này của Tổng thống Trump chỉ vài tháng sau cuộc gặp giữa ông với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Nhà Trắng cũng cho thấy việc Mỹ coi trọng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Chuyến thăm cho thấy tầm quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam như dưới thời của Tổng thống Obama. Theo tôi họ sẽ thảo luận các vấn đề về kinh tế… Ngoài vấn đề kinh tế, vấn đề chiến lược khác là biển Đông cũng sẽ được bàn thảo. Việt Nam đã là tiếng nói đi đầu trong ASEAN trong vấn đề biển Đông và cứng rắn với Trung Quốc ở ASEAN, và vì vậy họ có nhiều khả năng sẽ thảo luận về vấn đề này.

Mỹ và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện vào năm 2013, dưới thời của Tổng thống Barack Obama.

Trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước từ trước đến nay, vấn đề biển Đông vẫn luôn được nêu ra và cả hai bên luôn khẳng định việc duy trì an toàn tự do hàng hải, hàng không tại khu vực này, đồng thời kêu gọi các bên tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, tuân thủ luật quốc tế.

Cũng trong chuyến thăm châu Á lần này, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump sẽ nói đến chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do thay vì nói đến chiến lược chuyển trục về châu Á Thái Bình Dương như dưới thời của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, cho đến lúc này vẫn còn rất nhiều câu hỏi xung quanh cam kết của Mỹ với khu vực qua chiến lược này khi mà chính quyền của Tổng thống Trump đến giờ vẫn chưa có chiến lược rõ ràng ở khu vực biển Đông, trong khi theo đuổi chính sách nước Mỹ trên hết và rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP hồi đầu năm nay.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/experts-perplex-on-trump-s-scs-approach-before-his-trip-to-asia-11012017144342.html