Tin Biển Đông – 02/06/2020
Thông điệp tháng 5 của Mỹ
Lối nói tự tin của người phát ngôn Hạm đội 7 Hải quân Mỹ còn là lời bác bỏ chính thức cái gọi là “hải quân TQ đã “xua đuổi” tàu USS Mustin khi tàu này “xâm phạm vùng biển chủ quyền của TQ ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam” ở Biển Hoa Nam (Biển Đông)” mà truyền thông TQ ra rả mấy ngày nay.
Tàu chiến Mỹ thách thức TQ ở biển Đông
Ngày 28-5, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke, thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Động thái này được coi là để thách thức tuyên bố chủ quyền của TQ ở biển Đông thêm một lần nữa – theo nhận định của dư luận và giới nghiên cứu.
Nói “thêm một lần nữa”, vì rằng, cũng trong tháng 5 vừa qua, đã có tới hai lần Hải quân Mỹ điều tàu chiến thực hiện hoạt động tương tự trong nỗ lực nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của TQ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước đó, vào tháng 3, tàu chiến Mỹ cũng thực hiện một hoạt động như vậy ở gần quần đảo Hoàng Sa.
Sự gia tăng tần suất hiện diện ở biển Đông của lực lượng hải quân Mỹ diễn ra một cách hệ thống trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về một loạt vấn đề, trong đó có các nỗ lực của TQ nhằm kiểm soát Hong Kong và trách nhiệm của Bắc Kinh đối với tình trạng bùng phát đại dịch COVID-19.
Chẳng chút úp mở, đại úy Anthony Junco – người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ nói oang oang rằng: sự hiện diện của tàu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền đi lại và tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế…Và, bằng việc tiến hành hoạt động này, Mỹ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì mà TQ có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp.
Lối nói tự tin của người phát ngôn Hạm đội 7 Hải quân Mỹ còn là lời bác bỏ chính thức cái gọi là “hải quân TQ đã “xua đuổi” tàu USS Mustin khi tàu này “xâm phạm vùng biển chủ quyền của TQ ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam” ở Biển Hoa Nam (Biển Đông)” mà truyền thông TQ ra rả mấy ngày nay.
Động thái trên càng được dư luận chú ý vì nó diễn ra vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua.
Tháng 5, đương nhiên ai cũng biết, nước Mỹ vẫn còn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với số người tử vong lên tới hàng trăm nghìn.
Tháng 5, nước Mỹ như đang rối loạn bởi những cuộc biểu tình lớn diễn ra đồng thời ở Washington, Minneapolis, New York, Philadelphia, Los Angeles, Atlanta, Dallas, Las Vegas, Seattle, Memphis và nhiều nơi khác sau cái chết của công dân Mỹ gốc Phi 46 tuổi tử vong khi bị cảnh sát bắt giữ.
Tuy nhiên, dịch bệnh và bất ổn trong nước vẻ như không làm Mỹ quên biển Đông. Và vì vậy, với việc “điều” tàu chiến đó, Washington dường như muốn bắn tiếp thêm một thông điệp mạnh mẽ nữa tới Bắc Kinh, rằng: cường quốc số 1 như Mỹ, virus Sars-CoV-2 có thể khiến họ khó khăn; các vụ biểu tình, bạo động có thể khiến họ thêm một số rắc rối, nhưng không thể vì thế mà họ để TQ, cậy thế đã khống chế được Covid-19, rảnh tay giương vây, giương cánh tung hoành trên biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế ?
http://biendong.net/bi-n-nong/35039-thong-diep-thang-5-cua-my.html
Sự gia tăng các hoạt động căng thẳng trên Biển Đông
củaTQ và vai trò, chính sách của Mỹ, ASEAN hiện nay
Chuyên gia Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, (Mỹ) vừa đề cập tới một số quan điểm được đưa ra gần đây cho rằng, bất chấp tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Trung Quốc gia tăng các hoạt động căng thẳng trên Biển Đông.
Theo bà, những gì Trung Quốc đã thực hiện tại Biển Đông trong quý 1 năm nay thực ra cũng không khác những gì dư luận đã chứng kiến từ trước đến nay. Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động như họ từng làm trước đây. Những gì đã diễn ra từ trước đến nay, chứ không phải đến dịch Covid-19 mới xảy ra. Bà Glaser đã điểm lại một số diễn biến chính trong các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi tháng 4. Chuyên gia Mỹ cho rằng các vụ đâm chìm tàu cá như vậy đã từng được Trung Quốc tiến hành trước đây, chứ không phải đợi đến bây giơ Bắc Kinh mới thực hiện. Ngoài ra, Trung Quốc gần đây cũng đặt tên cho 25 đảo, đá, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông. Theo bà Glaser, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1983, Trung Quốc đặt tên cho các thực thể địa lý như vậy. “Trung Quốc từng đặt tên cho các cấu trúc vào năm 1983 và bây giờ mới đặt lại, đây là điều khá bất thường. Họ đã chuẩn bị từ trước và đến bây giờ công bố thêm. Những hành động của Trung Quốc cũng không hẳn lợi dụng dịch Covid-19”, bà Glaser nhận định.
Bà Glaser cũng đề cập một động thái đáng chú ý gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông là việc Bắc Kinh tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Ngoài ra, chuyên gia Mỹ cũng nhắc tới việc Trung Quốc điều tàu tới quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của tàu các nước trong khu vực tại Biển Đông. Bà Glaser cho rằng Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc đe dọa các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mà còn nhằm vào cả các công ty nước ngoài đang triển khai hoạt động tại Biển Đông. Một trong những động thái gia tăng căng thẳng của Trung Quốc cũng được chuyên gia Glaser đề cập là việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bà Glaser cũng nhắc tới khu vực “vùng xám”, nơi Trung Quốc triển khai tàu dân quân biển, hải cảnh hoạt động không gây ra đối đầu quân sự trực diện và kích động các nước khác, nhưng vẫn có nguy cơ dẫn đến sự cố.
Chính sách,vai trò của Mỹ
Theo chuyên gia Glaser, trong nhiều năm, chính quyền Tổng thống Barack Obama và bây giờ là chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rất rõ chính sách của Mỹ với Biển Đông, đó là cần “đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực theo luật pháp quốc tế”. Theo đó, các lực lượng của Mỹ sẽ “đi vào các vùng biển và vùng trời với quyền tự do được luật pháp quốc tế cho phép”. “Chính sách của Mỹ chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ cũng như củng cố các quyền hàng hải ở trong khu vực này, quyền hợp pháp để phát triển năng lượng, đánh bắt hải sản tại những vùng biển được luật pháp quốc tế cho phép, đồng thời cho phép các quốc gia thực hiện quyền của mình một cách hợp pháp, thể hiện tiếng nói và các quyền của mình”, bà Glaser nói thêm.
Chuyên gia Glaser khẳng định nhiều tàu và máy bay Mỹ đã đến Biển Đông để thể hiện với Trung Quốc rằng, “Mỹ quan tâm đến khu vực này và đảm bảo các quốc gia được thực thi các quyền hợp pháp trong khu vực”. Bà Glaser lấy ví dụ về việc tàu Mỹ đã đi qua khu vực tàu khoan dầu của Malaysia hoạt động tại Biển Đông – nơi bị tàu Trung Quốc quấy rối. Điều đó là tín hiệu thể hiện Mỹ bày tỏ quan ngại và Mỹ không muốn chứng kiến những hoạt động quấy rối như vậy. “Trong bối cảnh Trung Quốc có các động thái ngày càng mạnh mẽ hơn và sử dụng các lực lượng như hải cảnh hay dân quân biển, Mỹ đã nêu rất
rõ rằng sẽ bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Cách đây 1 tháng, Mỹ đã thực hiện các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong 2 ngày liên tục ở Hoàng Sa, Trường Sa”, bà Glaser nói, đồng thời cũng đề cập tới hoạt động của các máy bay ném bom B-1 của Mỹ tại Biển Đông gần đây.
Nhận định về nguy cơ xung đột Mỹ – Trung, chuyên gia Glaser cho rằng “Trung Quốc không muốn xung đột quân sự với Mỹ và Mỹ cũng không muốn như vậy”. Mỹ mong muốn mọi vấn đề cần giải quyết hòa bình thông qua thương lượng và đàm phán. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu tham gia cuộc chiến với Mỹ, nên Bắc Kinh cũng không muốn để xảy ra kịch bản này. Bà Glaser cho rằng các quốc gia phải cùng tham gia vào vấn đề Biển Đông để đảm bảo các quyền tự do tại khu vực này. Chẳng hạn, chính phủ Philippines cần quyết tâm triển khai thi hành phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ và Australia đã tiến hành hoạt động tập trận chung trong khu vực và các nước khác có thể tham gia.
Các nước châu Âu cũng có thể tham gia vào vấn đề Biển Đông. Pháp, Anh đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực Hoàng Sa, hoặc các hoạt động tự do hàng hải hàng không. Theo bà Glaser, điều này cho thấy các nước rất quan ngại về những hành động của Trung Quốc tại khu vực này.
Chính sách, vai trò của ASEAN
Về vấn đề cho rằng Việt Nam có thể phát huy hai vai trò là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm nay để thúc đẩy hợp tác an ninh ở Biển Đông hay không, bà Glaser cho rằng “đây là cơ hội khi một quốc gia như Việt Nam đóng vai trò là chủ tịch của ASEAN, nhưng tiếc là diễn ra trong năm chúng ta phải đối mặt với Covid-19”. “Dịch bệnh đã làm chậm lại những hoạt động ngoại giao trong năm Chủ tịch ASEAN. Nhiều hoạt động phải hoãn lại. Những cuộc họp hiện nay được tổ chức trực tuyến và được Việt Nam điều phối trong ASEAN. Tuy vậy, ASEAN cần hợp tác đoàn kết với nhau với tư cách là một nhóm và Việt Nam có thể thực hiện vai trò của mình bằng cách tăng cường đẩy mạnh lập trường của ASEAN”, bà Glaser nhận định.
Chuyên gia Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, (Mỹ) là người có nhiều năm nghiên cứu về tình hình Biển Đông và hoạt động của Trung Quốc. Bà đã nhiều lần lên án những hành động voi thường pháp luật của Bắc Kinh và có nhiều khuyến nghị chính sách cho các nước khu vực và bên ngoài liên quan vấn đề này.
Singapore có vai trò quan trọng trong việc giải quyết
hòa bình tranh chấp trên Biển Đông
Singapore không phải là nước tranh chấp và không có đòi hỏi về chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, Singapore đặc biệt quan tâm vấn đề Biển Đông là vì Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông liên quan đến lợi ích kinh tế của nước này.
Trong những năm gần đây, để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như môi trường xung quanh thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội, Singapore đã và đang nỗ lực thúc đẩy các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Singapore liên tục kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế, giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Tuy không liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông nhưng sự thịnh vượng của Singapore phụ thuộc vào tuyến hàng hải thương mại này. Do đó, Singapore đã tích cực ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, trong đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp trong vấn đề này; đồng thời góp phần lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể khái quát về sự tham gia của Singapore trong vấn đề Biển Đông như sau:
Thứ nhất, trong các tuyên bố, phát biểu của lãnh đạo cao của Singapore (Thủ tướng Lý Hiển Long, Ngoại trưởng Shanmugam, Ngoại trưởng Vivian BalaKrishnan…) đều thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền, song khẳng định Singapore có lợi ích và mong muốn các vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Singapore cũng cho rằng ASEAN sẽ không phân định và giải quyết vấn đề cụ thể giữa các quốc
gia yêu sách chủ quyền. Thay vào đó, ASEAN có thể thiết lập một khuôn khổ mang lại các điều kiện cần thiết để các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thương lượng một giải pháp hòa bình.
Tờ The Straits Times dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Singapore Shanmugam khẳng định tự do hàng hải là vấn đề quan trọng đối với sự tồn tại của Singapore với tư cách một quốc gia có chủ quyền. Trước đó (5/2014), khi phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM) tại Myanmar, Ngoại trưởng Shanmugam cũng cho rằng, leo thang căng thẳng ở Biển Đông là vấn đề “gây quan ngại nghiêm trọng” cho ASEAN và cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ hai, tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore tiếp tục cho rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC. Phát biểu với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar (5/2014), Ngoại trưởng Singapore Shanmugam chobiết: “Vì lợi ích của toàn khu vực, chúng ta cần có hòa bình chứ không phải biến cố. Những gì đang xảy ra tạo nên yêu cầu khẩn cấp hơn về việc phải có một bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc. Singapore và ASEAN thể hiện “sự quan ngại nghiêm trọng” của các quốc gia thành viên ASEAN trước những diễn biến trên Biển Đông. Những diễn biến này “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”; kêu gọi tôn trọng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC mà Trung Quốc đã ký kết với Việt Nam năm 2002. Ngoại trưởng Singapore cũng nhấn mạnh rằng những gì đã xảy ra càng cho thấy tính cấp thiết của việc đưa ra COC. Tại phiên Tham khảo Chính trị lần thứ 9 và giao lưu hai Bộ Ngoại giao lần thứ 5 giữa Việt Nam – Singapore (8/2015), Singapore khẳng định, trong vai trò Điều phối viên (2015 – 2018), sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (12/2015), Singapore đồng ý cho Mỹ triển khai máy bay P-8 Poseidon tới Singapore, theo MOU 1990 và SFA 2005. Hai bên lưu ý rằng việc triển khai máy bay này sẽ thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa quân đội các nước trong khu vực thông qua tham gia một loạt cuộc diễn tập song phương và đa phương, đồng thời hỗ trợ kịp thời các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và thảm họa (HADR) và an ninh biển trong khu vực.
Thứ ba, Singapore phản đối các hành động quân sự hóa và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội Singapore (4/2016), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi tất cả các bên cam kết phi quân sự, tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC cũng như COC. Theo ông Balakrishnan, Singapore cũng ủng hộ đề xuất “không sử dụng vũ lực” trong giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam và các nước đưa ra. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông hoàn toàn có thể xử lý và kiềm chế được và kết quả tốt nhất là các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Báo chí, truyền thông và giới nghiên cứu tại Singapore cũng đóng góp tiếng nói tích cực,thường xuyên trong việc lên án những hành động quân sự hóa, mở rộng và bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ những nỗ lực của các nước trong giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thứ tư, Singapore đã tích cực đưa ra các sáng kiến, ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp của các nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc (3/2016), với vai trò là Điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết Singapore đã đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển mở rộng (CUES) với các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông nhằm tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trên biển. Singapore sẽ đóng vai trò trung lập để tạo thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan. Tại buổi thuyết trình do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) tổ chức ở Singapore (6/2014), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nêu rõ Singapore mong muốn tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo cách không để các tàu đối đầu nhau và không để xảy ra nổ súng; khẳng định Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông là giải pháp tốt nhất mà Singapore hy vọng. Theo ông, bộ quy tắc này sẽ không bao giờ đạt được nếu các bên tranh chấp còn cáo buộc lẫn nhau về vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông bởi các bên tranh chấp cứ nghĩ rằng tại sao phải nhất trí thỏa thuận mới khi thỏa thuận cũ đã bị vi phạm.
Thứ năm, Singapore là nước ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (7/2016). Sau khi Tòa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi bản án là “một tuyên bố mạnh mẽ” về luật pháp quốc tế trong tranh chấp hàng hải và khuyến các bên ủng hộ và thực thi. Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh (9/2016) đã phản đối việc Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng chính phủ Singapore đã lên tiếng ủng hộ phán quyết mà Tòa và cho rằng Trung Quốc không có chủ quyền pháp lý lẫn chủ quyền lịch sử ở Trường Sa.
Ngoài ra, Singapore lo ngại về việc cải tạo đảo trái phép mà Trung Quốc đã triển khai tại quần đảo Trường Sa làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Vì vậy, Singapore khuyến khích Mỹ thực hiện những hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải, ví dụ như việc đưa tàu khu trục vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Thời gian tới, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tiếp tục kêu gọi phi quân sự hóa, thúc đẩy đàm phán COC và các công cụ giảm thiểu nguy cơ va chạm bất ngờ trên biển.
Nguy cơ cao chưa từng thấy
việc đối đầu trực diện Mỹ – Trung ở Biển Đông
Trong khi Trung Quốc và Hoa Kỳ khẩu chiến với nhau về mọi thứ, từ thương mại, tới Covid-19, rồi tới Hồng Kông, thì hai cường quốc này lại có nguy cơ cao cả trong việc đụng độ trực diện. Không phải ở nơi nào khác mà chính là ở Biển Đông, nơi các tàu và máy bay chiến đấu của họ đối đầu nhau với tần suất cao, theo Bloomberg ngày 28/5.
Một cuộc xung đột quân sự có lẽ sẽ tàn phá cả hai. Không có dấu hiệu cho thấy một trong hai bên thực sự muốn tiến tới xung đột. Tuy nhiên, trong thời điểm căng thẳng tăng cao, những tính toán sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được.
Chỉ trong bốn tháng đầu năm, Hải quân Lục chiến Hoa Kỳ đã tiến hành bốn hoạt động tự do hàng hải – được gọi là FONOPS – ở Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền bởi các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Malaysia. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã tiến hành tám hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đồng thời, sau khi Trung Quốc vượt qua sự bùng nổ tồi tệ nhất của viruss corona, hải quân của nó đã rời khỏi cảng Hải Nam và nối lại các cuộc tập trận trong khu vực.
Đây là một trò chơi mèo vờn chuột giữa quân đội của hai quốc gia vốn chưa có lịch sử chạm chán nhau. Tập Cận Bình đang tìm mọi cách khuấy động chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước nhằm đánh lạc hướng chú ý khỏi nền kinh tế bị tổn thương, một tâm thế không phù hợp cho chính sách ngoại giao mềm mỏng cần thiết để xoa dịu các xung đột trên biển. Tập đã lợi dụng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) để một lần nữa tuyên bố quân đội PLA tăng cường chuẩn bị chiến tranh.
Collin Koh Swee Lean, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) của Singapore cho biết:
“Trong khi xung đột vũ trang tiềm năng giữa Trung Quốc và Mỹ về mặt lý thuyết là một khả năng xa vời, chúng ta thấy các khí tài quân sự của họ hoạt động đều đặn hơn và với cường độ lớn hơn trong cùng một khu vực hàng hải. Sự tương tác giữa các khí tài đối thủ trong khu vực sẽ tạo ra khả năng tính toán và đánh giá sai, dẫn đến việc vũ lực có thể được sử dụng một cách vô tình hoặc do khinh suất, do đó nó có khả năng gây ra chạm chán và có thể dẫn đến leo thang. Đây là một rủi ro chúng ta không thể lường trước”.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã vờn nhau ở Biển Đông trong nhiều năm. Mặc dù Hoa Kỳ không phải là một quốc gia có yêu sách lãnh thổ, nhưng vùng biển này là con đường chính cho vận chuyển và thương mại toàn cầu, trữ lượng hải sản và tiềm năng mỏ nhiên liệu lớn. Hoa Kỳ đã hỗ trợ một số quốc gia nhỏ hơn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, bao gồm cả động thái xây dựng phi đạo và phần cứng chiến lược trên các bãi đá và các rạn san hô thấp. Bắc Kinh trong thời gian gần đây cũng đã triển khai vũ trang hóa các tàu hải cảnh thành một tàu hải quân tiêu chuẩn để hộ tống các đội tàu đánh cá của nó.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã phát biểu vào tháng 12/2019 về ý định ưu tiên triển khai lực lượng của Hoa Kỳ đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ các khu vực khác trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc. Covid-19 đã khiến các cuộc tập trận giảm quy mô hoặc bị hủy bỏ, hàng không mẫu hạm U.S.S. Theodore Roosevelt phải tạm dừng hoạt động ở đảo Guam sau khi hàng trăm thành viên phi hành đoàn xét nghiệm dương tính với Covid-19 (hiện đã quay trở lại hoạt động). Tuy nhiên, vẫn còn các điểm đáng lo ngại.
Phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ khu vực Đông Nam Á, Reed Werner, tuần trước đã cảnh báo về một “xu hướng rất đáng lo ngại” trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, cáo buộc Trung Quốc đã “quấy rối” tàu khu trục lớp Arleigh Burke U.S.S. Mustin trong khi nó tuần tra trên Biển Đông. Ông cũng trích dẫn ít nhất chín trường hợp máy bay chiến đấu Trung Quốc làm điều tương tự với máy bay trinh sát của Hoa Kỳ.
Trong nỗ lực tăng cường năng lực trên không phận thuộc vùng biển tranh chấp, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ chính thức thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không sau nhiều năm cố gắng – chủ yếu là không thành công – để buộc các máy bay từ các quốc gia khác bay vào khu vực phải thay đổi hành trình của họ. Tuy nhiên, không rõ điều này thực sự có thể xảy ra hay không.
Hải quân Lục chiến Hoa Kỳ gần đây cũng đã dính líu vào một cuộc đối đầu với các tàu Trung Quốc, sau khi hai lần gửi tàu chiến tham gia các hoạt động hiện diện ngoài khơi Malaysia, nơi các tàu Trung Quốc đang theo dõi một tàu khoan hợp đồng của Malaysia đang thăm dò hai khu vực năng lượng có khả năng sinh lợi [thuộc khu vực đặc quyền kinh tế EEZ của Malaysia] mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Phó đô đốc hạm đội 7 Bill Merz cho biết trong một tuyên bố hồi giữa tháng 5 rằng Hoa Kỳ đã làm vậy để hỗ trợ các đồng minh và đối tác của họ theo đuổi hợp pháp các lợi ích kinh tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại thời điểm đó tàu khảo sát của họ là đang “thực hiện các hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” và gọi tình huống đó là “cơ bản ổn định”. Vào Chủ nhật, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lớn tiếng cáo buộc “các quốc gia không thuộc khu vực đã uốn cong cơ bắp [dọa dẫm vũ lực]” trong một nỗ lực nhằm gây bất hòa giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
Các chuyên gia an ninh quen thuộc với quan điểm của chính phủ Malaysia, cho biết các quan chức ở Kuala Lumpur bày tỏ lo ngại với Hoa Kỳ rằng sự hiện diện của họ sẽ chỉ khiến vấn đề leo thang. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Malaysia từ chối bình luận. Ông Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Năng lượng Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Hoa Kỳ đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng”.
Không quân Hoa Kỳ đã gửi hai chiếc B-1B Lancers trên một chuyến bay khứ hồi hơn 30 giờ từ Nam Dakota để tiến hành các hoạt động trên Biển Đông vào ngày 29/4, thậm chí ngay cả khi báo cáo chấm dứt hoạt động lâu dài về việc duy trì sự hiện diện của máy bay ném bom liên tục ở đảo Guam. Trong một tuyên bố gửi qua email, Không quân cho biết họ đã chuyển đổi thành một phương pháp cho phép máy bay ném bom cất cánh từ một loạt các địa điểm ở nước ngoài, khiến chúng hoạt động không thể đoán trước được.
“Tôi nghĩ rằng một phần của sự gia tăng trong các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ là để đảm bảo rằng Trung Quốc không tính toán sai lầm và nghĩ rằng Hoa Kỳ đang không sẵn sàng vì thực tế là tàu khu trục Theodore Roosevelt đã ngừng hoạt động ở đảo Guam”, ông Glaser nói. “Nhưng tôi cũng nghĩ rằng đó là để đáp trả sự ‘tăng nhiệt’ của Trung Quốc”.
Có nhiều cơ chế để tránh sự nhầm lẫn giữa Hải quân Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trung Quốc, Hoa Kỳ và 19 quốc gia khác đã tham gia Quy tắc hành xử đối với các cuộc gặp gỡ ngoài dự kiến trên biển (CUES) với một giao thức chuẩn cho quy trình an toàn. Các quan chức Hải quân Hoa Kỳ đã nói rằng họ đã liên lạc chặt chẽ hơn với PLA, và CUES đang hoạt động.
Tuy nhiên, nó không bao gồm các lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc dân quân đánh cá, vốn đang được Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều để khẳng định yêu sách của nó đối với hơn 80% Biển Đông.
“Vấn đề ở đây là các sự cố mà chúng ta quan sát được trong khu vực không phải là ‘ngoài dự kiến’ — trước những cuộc chạm trán gần đây, các lực lượng hải quân đối thủ trên biển đã biết mặt nhau và họ đang ngầm theo dõi và giám sát lẫn nhau, ở tầm nhìn trực quan”, Koh từ RSIS ở Singapore cho biết.
Trước đây đã có những tình huống căng thẳng. Năm 2001, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã va chạm với một máy bay do thám của Hoa Kỳ trên không phận quốc tế, buộc máy bay Hoa Kỳ phải hạ cánh khẩn cấp ở Trung Quốc và máy bay phản lực Trung Quốc bị rơi. Năm 2016, một tàu hải quân Trung Quốc đã bắt giữ một máy bay không người lái nghiên cứu dưới nước của Hải quân Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế, khiến Tổng thống Trump buộc tội Trung Quốc đánh cắp. Sau đó nó đã được trả lại.
Gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng hải quân của họ đã theo dõi và trục xuất một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ vào ngày 28/4, nói rằng họ đã vi phạm lãnh thổ Trung Quốc. Theo quan điểm của Tập, Trung Quốc đang tái tập trung lại quân đội từ các quân đoàn trên bộ, trên không và trên biển. Quân đội Trung Quốc đã đưa vào hoạt động hơn hai chục tàu mới trong năm 2016 và 2017, và cho biết vào tháng 10 năm ngoái, việc phát triển một tàu sân bay tự chế thứ hai, sau khi hạ thủy tàu sân bay đầu tiên vào năm 2017.
Chỉ trong 15 năm, Trung Quốc đã tăng gấp đôi nguồn cung các bệ phóng và chế tạo tên lửa với các đầu đạn mở rộng tầm vươn thông thường để bao phủ hầu hết các căn cứ Tây Thái Bình Dương của Mỹ.
“Tôi lo lắng về tình trạng này”, ông Zheng Yongnian, giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, nói. “Hiện tại mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đang rơi tự do, được thúc đẩy bởi những lãnh đạo cứng rắn từ cả hai phía. Không còn nghi ngờ gì nữa, Chiến tranh Lạnh mới giữa hai nước đang leo thang, và bây giờ mọi người bắt đầu lo lắng về khả năng xảy ra chiến tranh nóng, một cuộc chiến khu vực”.
“Thậm chí còn có thể tệ hơn, không có lực lượng nào để hạ nhiệt họ”, ông nói. “Các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á quá nhỏ so với hai cường quốc”.
Những căng thẳng được làm mới này khiến các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn rơi vào tình thế khó khăn. Singapore, trong khi không phải là một bên yêu sách Biển Đông, từ lâu đã cảnh báo chống lại việc các nước buộc phải chọn một phe.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Quốc hội Việt Nam vào ngày 20/5, tình hình ở Biển Đông “đang trở nên phức tạp”. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin trong tháng này, Bắc Kinh sẽ “thực thi nghiêm khắc” lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm bắt đầu từ ngày 1/5. Việt Nam đã tuyên bố từ chối quyết định đơn phương này. Trong khi đó, Philippines đã đệ trình phản đối ngoại giao chống lại việc Trung Quốc thành lập hai quận mới trong nỗ lực quản lý các hòn đảo trong vùng biển, đặc phái viên hàng đầu của nước này cho biết.
“Đông Nam Á thấy mình ngày càng bị đóng băng trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, Paul Chambers, cố vấn đặc biệt về các vấn đề quốc tế tại Đại học Naresuan, Trung tâm nghiên cứu cộng đồng Asean ở Thái Lan cho biết. “Phần nổi của tảng băng chính là Biển Đông”.