Tin Biển Đông – 02/04/2020
Triển khai thường trực máy bay tuần tra
Y-8X trên Đá Chữ Thập: Bước leo thang
quân sự nguy hiểm tiếp theo của TQ ở Biển Đông
Hãng ảnh vệ tinh ImageSat International hôm 29/3 vừa công bố bức ảnh chụp một chiếc máy bay Y-8 của Trung Quốc đậu trên Đá Chữ Thập hôm 28/3.Giới quan sát nhận định đây là bước leo thang quân sự nguy hiểm tiếp theo của Bắc Kinh ở Biển Đông
Máy bay Y-8X được ghi nhận từng cất cánh từ Đá Chữ Thập để tuần tra khu vực Nam Biển Đông vài lần trong thời gian qua. Tuy nhiên, lần này nhiều khả năng máy bay Y-8X được triển khai đến Đá Chữ Thập trên cơ sở thường trực, chứ không phải đến rồi đi cho các nhiệm vụ vận tải như trước đây. Nếu đúng như thế thì diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục tiến thêm một bước nữa trong việc đẩy mạnh triển khai lực lượng đến khu vực Trường Sa, bất chấp việc nước này đang đối phó với đại dịch.
Việc triển khai máy bay tuần tra săn ngầm Y-8X đến khu vực Trường Sa là bước tiến mới cho phép Trung Quốc mở rộng khả năng kiểm soát khu vực nam Biển Đông. Máy bay Y-8X cũng tham gia cuộc tập trận săn ngầm của Trung Quốc mới đây ở Biển Đông và được ghi nhận xuất hiện tại khu vực tàu khoan West Capella của Malaysia ở khu vực tranh chấp phía nam Trường Sa. Triển khai thường trực máy bay tuần tra Y-8X có vẻ như là bước leo thang cuối cùng trước khi Trung Quốc tiến thêm một bước đi cực kỳ khiêu khích và gây bất ổn nữa là triển khai chiến đấu cơ đến khu vực quần đảo Trường Sa. Diễn biến này một lần nữa cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục lợi dụng tình hình đại dịch để đẩy mạnh âm mưu khống chế và biến Biển Đông thành ao nhà của họ.
Chữ Thập là rạn san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Năm 1988, Trung Quốc tiến hành chiếm đóng, kiểm soát đá Chữ Thập, sau đó không ngừng mở rộng, cải tạo xây dựng , ý đồ muốn biến đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất của nước này án ngữ ở Biển Đông, phục vụ các yêu sách đòi chủ quyền trong vùng biển này. Chữ Thập là một trong 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trái phép và quân sự hóa mạnh nhất hiện nay. Trong thời gian ngắn chưa đầy 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m được trang bị hệ thông thông tin liên lạc gồm ăng-ten, radar. Nước này đã phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10
ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tháng 10/2018, Trung Quốc đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thập. Nước này còn dựng lên một tượng đài để kỷ niệm các công trình xây dựng của họ trong Biển Đông, kể cả các công trình bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo. Trên đá Chữ Thập có một bệnh viện với hơn 50 bác sỹ, các tàu thuyền cơ động cao tốc.
Nghiêm trọng nhất là việc Trung Quốc lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên đá Chữ Thập. Bên cạnh đó là hầm, kho chứa bom, đạn và các khí tài quân sự khác. Nhiều cơ sở radar và hầm chứa tên lửa cũng được phát hiện khắp hòn đảo. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã lắp đặt trên 2 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam các thiết bị có khả năng làm nghẽn hệ thống radar và liên lạc. Theo đánh giá dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS cho biết Trung Quốc đang xây dựng tại đá Chữ Thập một cơ sở tình báo hoặc trung tâm liên lạc cho các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực này.
Cộng đồng quốc tế, khu vực quan ngại sâu sắc về hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo về hệ lụy của hành động này. Việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thâp là “một sự leo thang lớn”. Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rõ ràng và nhất quán về vấn đề này. Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên và không để tái diễn các hành động tương tự; nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Chiến lược hạt nhân có thể giúp TQ tăng khả năng
chiếm giữ các đảo, đá, đảo nhân tạo ở Biển Đông
Trong bài phân tích đăng trên tạp chí The Maritime Issues, Tiến sĩ Satoru Nagao, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson (Mỹ) đã đề cập đến khả năng triển khai các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân có mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này có thể giúp Bắc Kinh tăng khả năng chiếm giữ phi pháp các đảo, đá, đảo nhân tạo ở khu vực biển này.
Theo chuyên gia Satoru Nagao, Biển Đông là một vùng biển có độ sâu đủ để hải quân Trung Quốc triển khai các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể vận hành các tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân.Hiện Trung Quốc có sáu tàu ngầm đạn đạo hạt nhân và có chiến lược hạt nhân tương đối thận trọng với lực lượng hạt nhân không lớn.Điều đáng chú ý là những năm qua, dư luận không nhắc nhiều đến sự nguy hiểm của tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, nhất là khi nước này có ý đồ độc chiếm Biển Đông. Có thể nói rằng nếu so với Mỹ hay Nga (và trước đây là Liên Xô) thì Trung Quốc vẫn là quốc gia đi sau trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho tàu biển và tàu ngầm. Trong năm cường quốc là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cũng là năm cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc là quốc gia cuối cùng phát triển thành công tàu ngầm hạt nhân.Theo các thông tin chính thức thì hiện Trung Quốc mới có 6 tàu ngầm đạn đạo hạt nhân, trong đó một chiếc thuộc lớp Hạ – Type 092 và năm chiếc thuộc lớp Tấn – Type 094 và mới đang bắt đầu phát triển các tàu nổi sử dụng năng lượng hạt nhân. Vì lý do này mà giới nghiên cứu và báo chí cũng chưa thực sự quan tâm.
Chuyên gia Viện Hudson cho rằng, Trung Quốc hiện có chiến lược hạt nhân tương đối thận trọng với lực lượng hạt nhân không lớn.Điều này đến từ nguyên tắc khá nhất quán của Trung Quốc từ trước đến nay đó là răn đe hạt nhân chỉ dùng cho mục đích phòng thủ.Theo đó, Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công đối phương trước. Đây là những chính sách mang tính kiềm chế đáng được khuyến khích trong bối cảnh Mỹ và Nga đang ngấp nghé ở ngưỡng cửa chạy đua hạt nhân trở lại, sau sự đổ vỡ của các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân như ABM, START II và gần đây nhất là INF. Vì lý do này mà đội tàu ngầm đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc cũng không lớn, chỉ có tất cả 6 tàu, trong khi Nga có 15 tàu và Mỹ có tới 18 tàu.
Theo các chuyên gia, điều rất đáng chú ý thêm hiện nay là Trung Quốc trong khoảng một thập niên trở lại đây đã bắt đầu ấp ủ tham vọng triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông. Họ thậm chí nhắc tới việc sẽ đưa cả chục nhà máy dạng này ra các đảo, đá do nước này chiếm đóng để phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu và tăng khả năng sinh tồn của các cộng đồng người Trung Quốc trên các đảo nhân tạo do họ xây dựng trái phép. Sự nguy hiểm của các nhà máy điện hạt nhân nổi phần lớn đến từ nguy cơ rò rỉ phóng xạ đối với môi trường biển và các đảo trên Biển Đông, nhất là khi các nước khác hay các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) chỉ có thể đề nghị giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp việc đảm bảo an toàn của các cơ sở này. Bên cạnh đó, việc Biển Đông có mật độ tàu bè đi lại dày đặc và việc biến đổi khí hậu khiến tần suất, cường độ bão nhiệt đới ở khu vực này ngày càng khó lường cũng làm tăng thêm nguy cơ mất an toàn, an ninh với các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc. Cuối cùng, tất nhiên sự hiện diện của các nhà máy điện hạt nhân nổi vốn có khả năng cung cấp cả điện năng và nước ngọt sẽ giúp Trung Quốc tăng khả năng chiếm giữ các đảo, đá, đảo nhân tạo trên Biển Đông, khiến các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực này càng trở nên phức tạp và đẩy các quốc gia trong khu vực vào thế yếu trong tranh chấp.
Nhìn chung, sự tồn tại của đội tàu hạt nhân của Trung Quốc là để răn đe các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác và đồng minh của họ (như Nhật Bản – đồng minh của Mỹ và được Mỹ bảo vệ về mặt hạt nhân trong chiến lược “ô hạt nhân” của nước này) chứ không nhằm áp chế các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với nước này. Ngược lại, việc Trung Quốc đẩy mạnh giành quyền kiểm soát các đảo, đá ở Biển Đông một phần chính là để tăng khả năng bảo vệ cho các tàu ngầm đạn đạo hạt nhân này khi di chuyển từ các căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam ra khu vực Thái Bình Dương.
Malaysia, Philippines và TQ liên tục đệ trình Công hàm
lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc
Nhằm tìm kiếm sự “ủng hộ” về mặt pháp lý đối với các yêu sách “chủ quyền” trên Biển Đông, một số nước trong khu vực liên tục đệ trình văn bản liên quan yêu sách “chủ quyền” lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, trong những yêu sách của những nước này, có nhiều vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam.
Đệ trình của Malaysia
Malaysia (12/12/2019) đã gửi một bản đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, theo đó, yêu cầu một phần thềm lục địa mở rộng của nước này trên biển Đông, dựa trên Điều 76 của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Theo đó, đây là một phần đệ trình cho phần còn lại của thềm lục địa Malaysia vượt quá 200 hải lý ở phía bắc Biển Đông. Malaysia và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đệ trình chung cho một phần của thềm lục địa mở rộng ở phần phía Nam của Biển Đông vào ngày 6 tháng 5 năm 2009. Theo Quy định của Ủy ban, đệ trình của Malaysia sẽ được gửi tới tất cả các thành viên của Liên hợp quốc, cũng như các quốc gia thành viên của Công ước để xem xét và thảo luận. Việc xem xét đệ trình một phần của Malaysia sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Ủy ban, được tổ chức tại New York từ ngày 6 tháng 7 đến ngày 21 tháng 8 năm 2021.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, việc đệ trình này là những toan tính của Malaysia. Theo đó, việc đệ trình cũng khuyến khích Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa xem xét lại đệ trình chung của Việt Nam-Malaysia năm 2009, vì căn cứ mà Trung Quốc và Philippines dựa vào để phản đối đệ trình đó đã bị Tòa trọng tài 2016 bác bỏ. Chính xác hơn, đường chín đoạn đã bị tuyên bố là không có giá trị pháp lý và các thực thể trong quần đảo Trường Sa không đủ điều kiện hưởng quy chế đảo. Nói cách khác, đệ trình của Malaysia đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và các phán quyết pháp lý.
Philippines bày tỏ quan điểm
Phái đoàn thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc (26/3/2020) đã đệ trình Công hàm lên Liên Hợp Quốc để đáp lại Đệ trình của Malaysia. Trong Công hàm này, Philippines đã nêu ra 3 điểm quan trọng: (i) Philippines khẳng định rằng, các yêu sách biển của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS. (ii) Philippines khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của Philippines tại nhóm cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines gọi là Kalayaan Island Group cùng với Bãi cạn Scarborough mà Philippines gọi là Bajo de Masinloc. (iii) Philippines viện dẫn Phán quyết của Toà Trọng tài ngày 12/7/2016 trong việc giải thích tính chất pháp lý của các cấu trúc thuộc Trường Sa, theo Khoản 3 Điều 121 UNCLOS. Philippines cũng nhắc lại tinh thần của Phán quyết rằng: “Các quy định của UNCLOS về các vùng biển của quốc gia ven biển sẽ có sức mạnh vượt trội so với các quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán nếu vượt quá các quy định của UNCLOS”.
Việc Philippines đưa ra các quan điểm trên cho thấy Manila đang cứng rắn với Trung Quốc về khía cạnh pháp lý liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng với các nội dung của Công hàm mà Philippines đệ trình như vậy, nó có sức mạnh pháp lý lớn hơn rất nhiều so với những tuyên bố của Tổng thống Duterte về vấn đề “chủ quyền” trên Biển Đông.
Trung Quốc liên tục ra Công hàm
Ngay sau khi Malaysia đệ trình yêu sách thềm lục địa mở rộng, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc ở Liên hợp quốc (12/12/2019) đã gửi Công hàm lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa. Nội dung Công hàm của Trung Quốc vẫn là giọng điệu quen thuộc khi tìm cách xuyên tạc, ngụy biện về cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông. Theo đó, phía Trung Quốc cho rằng: “ Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo thuộc Biển Đông, bao gồm Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Nam Sa; Các quần đảo của Trung Quốc ở Biển Đông có nội thủy, vùng lãnh hải và khu vực tiếp giáp; Các quần đảo của Trung Quốc ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông có tính quyền lợi lịch sử. Lập trường trên của Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế có liên quan, là nhất quán và rõ ràng. Bản đệ trình của Malaysia nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Điều 5 (a) của Phụ lục I của Quy tắc tố tụng của Ủy ban về giới hạn lục địa, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu Ủy ban bãi bỏ đệ trình đệ trình của Malaysia. Phái đoàn thường trực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc thông báo cho Ủy ban Ranh giới
thềm lục địa mở rộng và tất cả các thành viên của Ủy ban, cũng như tất cả các quốc gia tham gia Công ước Liên hợp quốc về luật biển.
Đến ngày 23/3/2020, Trung Quốc tiếp tục ra Công hàm đáp trả Công hàm của Malaysia và Philippines. Công hàm này của Trung Quốc bao gồm những nội dung như sau: (i) Trung Quốc khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền” đối với quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa quần đảo) và Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) cùng với những vùng nước kế cận các đảo này cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông. Chủ quyền và các quyền liên quan khác cùng với quyền tài phán của Trung Quốc được hỗ trợ bởi các bằng chứng lịch sử và pháp lý. (ii) Cái gọi là Kalayaan Island Group là một phần của quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa quần đảo) và chưa bao giờ là một phần lãnh thổ của Philippines. Cho tới những năm 70, Philippines đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp một số cấu trúc biển này. Philippines không thể viện dẫn vào hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp này để bảo vệ cho yêu sách lãnh thổ của họ. (iii) Là một phần của Trung Sa quần đảo, Scaborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo) là lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc. Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền một cách hiệu quả và liên tục và quyền tài phán tại Scarborough. Yêu sách lãnh thổ phi pháp của Philippines đối với Scarborough hoàn toàn không dựa trên luật pháp quốc tế. (iv) Toà Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc không có thẩm quyền vì tranh chấp này liên quan đến tranh chấp chủ quyền, phân định biển và thực hiện quyền tài phán..nên Toà này đã vi phạm UNCLOS. Các hành động và Phán quyết của Toà này là phi pháp, bất chính. Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia và không thừa nhận phán quyết này và không bao giờ chấp nhận các hành vi hoặc các yêu sách dựa trên Phán quyết này. Trung Quốc và Philippines đã đi tới thoả thuận chung bỏ qua Phán quyết này, sử dụng tham vấn và thương lượng song phương để giải quyết các tranh chấp biển này. (v) Chính quyền Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa yêu cầu Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc không xem xét đến đệ trình về thềm lục địa mở rộng này của Malaysia.
Qua Công hàm này của Trung Quốc, Trung Quốc một mặt làm phức tạp hoá vấn đề bằng các khái niệm “hổ lốn, hỗn tạp” trong tuyên bố của mình, lúc thì quyền lịch sử, lúc thì chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán. Nhưng bao giờ cũng thêm câu “Trung Quốc có các bằng chứng lịch sử và pháp lý”, tuy nhiên các bằng chứng đó đâu thì không thấy Trung Quốc đưa ra, mà chỉ nói suông vậy thôi. Bên cạnh đó, những căn cứ của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, cụ thể Scarborough là một bãi cạn, nó không thể là một “đảo” theo điều 121 của UNCLOS. Nhưng Trung Quốc muốn sử dụng nó là một “đảo” để Trung Quốc lúc thì viện dẫn chủ quyền, lúc thì quyền lịch sử… miễn “nói lấy được” thì thôi.
Thực tế ra sao
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Và Việt Nam là nước duy nhất có đầy đủ chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo này. Từ khía cạnh luật quốc tế, nhất là nguyên tắc chiếm hữu thực sự cho thấy Việt Nam đã thực hiện các hành động chủ quyền thực sự đầu tiên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Việt Nam xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa bằng con đường Nhà nước; Việt Nam chiếm hữu Hoàng Sa, Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình; Việt Nam cũng thực hiện chủ quyền công khai và liên tục trên hai quần đảo này.
Bên cạnh đó, dựa trên các quy định của luật quốc tế, nhất là nguyên tắc chiếm hữu thực sự, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi nước Việt Nam được thống nhất, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1982, Việt Nam đã lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nay trực thuộc thành phố Đà Nẵng (từ năm 1997) và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Phú Khánh nay thuộc Khánh Hòa (từ năm 1989). Vì vậy, việc Phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc đưa ra công hàm cho rằng Trung Quốc có “chủ quyền” ở Biển Đông là bịa đặt và không đúng sự thật. Trung Quốc hiện chỉ là nước sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Âm mưu của TQ khi đưa vào vận hành
trạm “nghiên cứu khoa học” trên Biển Đông
Việc Trung Quốc vận hành trái phép các trung tâm “nghiên cứu khoa học” trên quần đảo Trường Sa không chỉ là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Hành động trên của Trung Quốc nhằm mượn danh “nghiên cứu khoc học” để tìm cách củng cố các yêu sách chủ quyền phi pháp trên biển.
Quy định của UNCLOS 1982 về nghiên cứu khoa học biển
Về định nghĩa nghiên cứu khoa học biển, UNCLOS 1982 đề cập vấn đề nghiên cứu khoa học biển trong nhiều điều khoản, nhưng không đưa ra định nghĩa nghiên cứu khoa học biển. Trên thực tế, trong quá trình đàm phán UNCLOS 1982, đã có nhiều đề xuất được đưa ra nhằm định nghĩa hoạt động nghiên cứu khoa học biển, nhưng cuối cùng, không có đề xuất nào được thông qua. Việc mập mờ về khái niệm dẫn đến phát sinh các tranh cãi pháp lý về tính hợp pháp của các hoạt động nghiên cứu khoa học biển và các hoạt động tương tự được quy định trong UNCLOS 1982.
Về chủ thể thực hiện nghiên cứu khoa học biển, Điều 238 – điều khoản mở đầu phần XIII – UNCLOS 1982 quy định tất cả các quốc gia, dù vị trí địa lý ở đâu và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền đều có thể thực hiện các nghiên cứu khoa học biển phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác được quy định trong Công ước. Như vậy, từ điều khoản này, có thể thấy có 2 nhóm chủ thể có thể thực hiện nghiên cứu khoa học biển đó là các quốc gia (dù quốc gia có biển hay không có biển) và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển. Trên thực tế, có nhiều tổ chức quốc tế có thẩm quyền thực hiện nghiên cứu khoa học biển, như: Hội đồng quốc tế về thăm dò biển (ICES), Ủy ban hải dương học liên chính phủ UNESCO (IOC).
Về các điều kiện để thực hiện nghiên cứu khoa học biển, nghiên cứu khoa học biển phải được thực hiện vì mục đích hòa bình, bằng các biện pháp khoa học phù hợp, không dẫn đến việc cản trở các hoạt động sử dụng biển hợp pháp phù hợp với công ước khác. Một điểm đáng chú ý đó là nghiên cứu khoa học biển không tạo ra cơ sở pháp lý cho bất cứ yêu sách nào về một phần của môi trường biển hay các tài nguyên thuộc môi trường biển đó.
Nghiên cứu khoa học biển được điều chỉnh bởi các quy định khác nhau của UNCLOS phụ thuộc vào quy chế pháp lý của vùng biển nơi tiến hành hoạt động nghiên cứu. Theo đó, nội thủy và lãnh hải thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển. Do vậy, các quốc gia ven biển có đặc quyền để điều chỉnh các nghiên cứu khoa học biển trong các khu vực kể trên. Trên cơ sở đó, Điều 245 UNCLOS 1982 quy định: Các quốc gia ven biển, khi thực hiện chủ quyền của mình, có đặc quyền điều chỉnh, chỉ đạo và thực hiện các nghiên cứu khoa học trong lãnh hải. Các nghiên cứu khoa học biển ở vùng biển này chỉ được thực hiện với sự chấp thuận theo những điều kiện được đưa ra bởi các quốc gia ven biển. Đối với Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các nghiên cứu khoa học biển phải được thực hiện với sự chấp thuận của các quốc gia ven biển. Tuy nhiên, các quốc gia ven biển phải đảm bảo, “trong các hoàn cảnh thông thường” (in normal circumstances), chấp thuận cho các dự án nghiên cứu khoa học biển với mục đích hòa bình và nhằm tăng cường kiến thức khoa học về môi trường biển vì lợi ích của nhân loại.
Âm mưu của Trung Quốc
Theo quy định của UNCLOS 1982, việc triển khai các “trạm nghiên cứu khoa học” phải tuân thủ các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển mà UNCLOS đã trù định; và các công trình nghiên cứu khoa học phải để phục vụ mục đích hòa bình. Tất cả quốc gia, tổ chức quốc tế có thẩm quyền đều có quyền tiến hành nghiên cứu khoa học biển. Tuy nhiên, phải tuân thủ điều kiện tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán về nghiên cứu khoa học biển của quốc gia ven biển.
Từ khía cạnh trên cho thấy, Trung Quốc đưa vào vận hành trái phép các trạm “nghiên cứu khóa học” trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là không phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982. Theo đó, trạm nghiên cứu khoa học được đặt trên đảo thuộc chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ của quốc gia ven biển. Khi đó, chỉ quốc gia ven biển mới được đặt hoặc cho phép rõ ràng các quốc gia khác hoặc tổ chức khoa học nước ngoài đặt trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của quốc gia ven biển và thỏa thuận hợp tác khoa học nhằm mục đích hòa bình. Bên cạnh đó, trong vùng lãnh hải, quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền. Quốc gia ven biển có đặc quyền quy định, cho phép và tiến hành các công tác nghiên cứu khoa học biển ở trong lãnh hải của mình. Mọi nghiên cứu chỉ được tiến hành với sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển và trong các điều kiện do quốc gia này ấn định. Việc đi vào lãnh hải và các điều kiện phải tuân thủ khi tiến hành nghiên cứu khoa học biển sẽ phải chịu sự kiểm soát của
quốc gia ven biển. Tàu thuyền thực hiện quyền qua lại trong lãnh hải không gây hại không được tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học biển nếu không có sự đồng ý rõ ràng của quốc gia ven biển. Ngoài ra, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và trên thềm lục địa, quốc gia ven biển chỉ có quyền tài phán về nghiên cứu khoa học biển. Vì vậy, hoạt động này được tiến hành với sự thỏa thuận của quốc gia ven biển. Quốc gia ven biển sẽ không khước từ một cách phi lý hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Thay vào đó, thông qua các thủ tục và quy tắc đảm bảo, hoạt động nghiên cứu khoa học biển sẽ được cho phép thực hiện trong những thời hạn hợp lý nhằm vào những mục đích hoàn toàn hòa bình, tăng thêm kiến thức khoa học về môi trường biển, vì lợi ích của toàn thể loài người. Trong EEZ và thềm lục địa, quốc gia ven biển có quyền tài phán không chỉ đối với các nghiên cứu ứng dụng mà còn đối với cả các nghiên cứu cơ bản, không phân biệt.
Từ đó cho thấy, những hành vi của Trung Quốc vừa qua, nhất là việc đưa vào sử dụng trái phép “trạm nghiên cứu khoa học” ở đá Chữ Thập và Subi thuộc quần đảo Trường Sa mà không được sự đồng ý của phía Việt Nam là vi phạm các quy định của UNCLOS 1982; vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Đây là động thái nằm trong chuỗi hành động với mục tiêu khẳng định sự có mặt của Trung Quốc ở Biển Đông, tiến tới độc chiếm kiểm soát vùng biển này. Theo giới nghiên cứu, vị trí các trạm mới đặt tại đá Chữ Thập và đá Subi lần này cùng trạm đặt trái phép trên đá Vành Khăn năm 2018 sẽ tạo thế chân vạc giúp kiểm soát tất cả hoạt động biển ở quần đảo Trường Sa. Các trạm nghiên cứu này không chỉ đơn thuần là các trạm nghiên cứu san hô vì chính TQ đã tàn phá các rạn san hô để mở rộng các bãi nửa nổi nửa chìm trên quần đảo Trường Sa, phá hoại môi trường biển. Điều này có trong phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đã nói đến vào năm 2016. Thông tin được các trạm này thu thập không phục vụ cho mục đích hòa bình mà cho các hoạt động quân sự, làm phức tạp thêm tình hình trên biển Đông.
Trước hành động phi pháp trên của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (26/3) đã ra tuyên bố phản đối, đồng thời nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực, cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc”.
Một số phân tích, bình luận về Chiến lược
biến Biển Đông thành “ao nhà” của Bắc Kinh hiện nay
Trong những năm qua, Trung Quốc đã triển khai tổng thể nhiều biện pháp nhằm độc chiếm Biển Đông, trong đó các bước đi chính là củng cố cơ sở pháp lý của các yêu sách “chủ quyền” phi pháp; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ quyền ở Biển Đông; lên án hành vi của các quốc gia khác; cải tạo phi pháp và tiến hành quân sự hóa các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông; sử dụng vũ lực, ngoại giao, kinh tế để ngăn chặn sự hiện diện các nước…
Đầu tiên, để hỗ trợ các hoạt động kiểm soát trên thực tế và tạo dựng tiền đề cho việc khống chế Biển Đông trong tương lai, Trung Quốc ra sức hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, củng cố và phát triển các căn cứ, cơ sở quân sự và dân sự ở vùng duyên hải và ở nhiều vị trí trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Từ đầu năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh trên 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa. Trong quá trình cải tạo phi pháp, Trung Quốc đã sử dụng các máy hút bùn công suất lớn (họ thường dùng những tàu có trọng tải lớn, có công suất hút lên đến 6.000 m3 đất, cát mỗi giờ từ độ sâu 35 m), nạo vét các rặng san hô xung quanh để tạo thành các đảo nhân tạo. Sau đó, Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều công trình quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo, biến khu vực này thành những căn cứ quân sự kiên cố của Bắc Kinh. Hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc đã phá hủy gần như toàn bộ môi trường sinh thái xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tính đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc đã biến 7 bãi đá Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn, Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven và Tư Nghĩa thành các đảo nhân tạo với chi phí hàng trăm tỷ USD. Ngoài ra, Bắc Kinh còn xây
dựng các cảng, hải đăng, đường băng, bệnh viện, lắp đặt radar, triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa, pháo… ra các đảo nhân tạo này.
Thứ hai, Trung Quốc cũng đã tiến hành tái cơ cấu lại lực lượng quân đội, cải tạo, nâng cấp căn cứ quân sự ở Tam Á trên đảo Hải Nam. Tam Á là một căn cứ quan trọng có thể dùng cho loại tầu ngầm nguyên tử 094 thuộc thế hệ mới của Trung Quốc, có khả năng mang tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân; nó cũng có khu vực neo đậu cho tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc. Với căn cứ này, Trung Quốc tăng cường sức mạnh để thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông, bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu qua eo biển Malacca và, và phát triển các khả năng hậu cần cho lực lượng hải quân triển khai ở Biển Đông. Cùng với căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, Trung Quốc cũng thiết lập một căn cứ tên lửa ở Quảng Đông, nơi đơn vị 96166 thuộc Lực lượng Pháo binh số 2 của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đóng quân. Các chuyên gia quân sự cho rằng căn cứ này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo DF-21C hoặc tên lửa tầm xa CJ-10. Cả hai loại này đều có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu trong phạm vi 2.000 km, bao trùm cả khu vực Đài Loan cũng như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ ba, nhằm củng cố chứng cứ pháp lý để bảo vệ “chủ quyền” và thực hiện âm mưu độc chiếm ở Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc ngay từ khi mới thành lập đã đặc biệt chú trọng công tác quản lý nhà nước về biển đảo, ban hành các quy định mới liên quan đến quản lý biển, kiện toàn hệ thống cơ quan thực thi luật biển, trong đó có nhiều quy định mang tính then chốt, được Trung Quốc áp dụng đối phó với cộng đồng quốc tế và các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và tỉnh thành trực thuộc của Trung Quốc đã đưa ra 77 Luật, Điều lệ, Thông tư, Quy định pháp quy… liên quan chính sách hải dương nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng. Hệ thống các quy định pháp luật của Trung Quốc bao gồm một số khía cạnh chính: Luật bảo vệ chủ quyền và an ninh biển. Trung Quốc đã cho ban hành nhiều văn bản pháp luật khẳng định “chủ quyền” trên biển như: Tuyên bố về lãnh hải của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (9/1958); Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (2/1992); Quyết định của Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc về phê chuẩn Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (5/1996); Tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1996); Luật Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (6/1998); Luật Bảo vệ hải đảo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (12/2009)… Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ban hành năm 1986, sửa đổi 04 lần vào các năm 2000, 2004, 2009 và 2013), trong đó đưa ra nhiều quy định về bảo vệ, khai thác thủy, hải sản. Trung Quốc cũng đưa ra nhiều Luật, Điều lệ, Thông tư, Quy định pháp quy liên quan như Luật Bảo vệ môi trường biển sửa đổi, Điều lệ quản lý bảo vệ môi trường thăm dò khai thác dầu trên biển (12/1983); Điều lệ quản lý ngăn ngừa ô nhiễm các vùng biển từ tàu thuyền (12/1983); Điều lệ quản lý việc đổ các chất thải xuống biển (3/1985); Điều lệ quản lý phòng trị ô nhiễm do các hạng mục công trình xây dựng bờ biển tổn hại tới môi trường biển (5/1990).
Ngoài ra, các tỉnh, thành của Trung Quốc (có vị trí địa lí giáp biển) đều đưa ra các quy định, Điều lệ về quản lý sử dụng biển: Quy định quản lý nghiên cứu khoa học biển liên quan tới bên ngoài nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (6/1996); Quy định về việc đặt dây cáp và ống dẫn ngầm dưới đáy biển (2/1989); Điều lệ hợp tác khai thác tài nguyên dầu khí biển với nước ngoài của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sửa đổi (9/2001), Luật Quản lý sử dụng khu vực biển (2011), Quy chế quản lý quyền sử dụng khu vực biển và cách thức đăng ký quyền sử dụng khu vực biển (2006), Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam (1/2013)…. Đáng chú ý, Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam, quy định cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam được phép “lên tàu kiểm tra, khám xét, thu giữ và trục xuất các tàu xâm phạm trái phép vùng biển của Trung Quốc”. Các hành vi bị coi là xâm phạm trái phép như: Dừng đỗ bất hợp pháp; tự động xuất, nhập cảnh; lên các đảo của tỉnh Hải Nam quản lý một cách bất hợp pháp; phá hoại thiết bị phòng vệ biển; xâm phạm chủ quyền quốc gia hoặc gây nguy hại cho an ninh quốc gia…
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thông qua hàng loạt văn bản pháp lý nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước quản lý về biển, hải đảo như Cương yếu phát triển hải dương với Tầm nhìn 2020 (6/2010), Kế hoạch xây dựng khu kinh tế Quảng Tây, Chương trình hỗ trợ công dân sử dụng các đảo không người nhằm vào Trường Sa và Hoàng Sa). Tháng 11/2012, Trung Quốc cho in “đường lưỡi bò” lên mẫu hộ chiếu phổ thông điện tử mới cấp cho công dân nước này. Những động thái trên cho thấy Bắc Kinh từng bước nội luật hóa, tăng cường ý thức của người dân về yêu sách đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý.
Thứ tư, Trung Quốc liên tục sử dụng ảnh hưởng chính trị, kinh tế, quân sự để tăng cường sức ép, buộc các công ty nước ngoài rút khỏi các dự án thăm dò và khai thác dầu khí mặc dù trong vùng nước thuộc phạm vi quyền chủ quyền của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2018, Trung Quốc liên tục sử dụng nhiều thủ đoạn ngăn chặn, thậm chí ép buộc nhiều đối tác của Việt Nam phải ngừng khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, cụ thể: Ngày 23/03/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã yêu cầu Công ty dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) ngừng khai thác tại mỏ khí Cá Rồng Đỏ là dự án mỏ sâu của Việt Nam nằm ngoài khơi Biển Đông tại Lô số 07/03, thuộc Bể Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 440 km. Mỏ này được cho là gồm 12 cụm giếng và sẽ cung ứng 25.000 – 30.000 thùng dầu/ngày và 60 triệu m3 khí/ngày. Ngày 17/5/2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang nhiên tuyên bố phản đối hoạt động khoan dầu của Công ty Rosneft Vietnam BV, một nhánh thuộc Tập đoàn dầu khí Nhà nước Rosneft của Nga, tại mỏ Lan Đỏ, Lô 06.1 trên thềm lục địa Việt Nam. Cùng với hoạt động ngặn chặn phi pháp các nước khai thác dầu khí ở Biển Đông, Trung Quốc tích cực đầu tư tài chính, nhân sự, nghiên cứu khóa học kỹ thuật để thăm dò, khai thác trộm dầu khí ở Biển Đông. Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) công bố dự án 30 tỷ USD để khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu ở Biển Đông. Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 90 – 116 hải lý. Ngoài ra, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên công khai nhiều lần mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển của Việt Nam. Các lô này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nơi gần nhất cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 13 hải lý, cách bờ biển Việt Nam khoảng 60 hải lý, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí.
Thứ năm, Trung Quốc cũng đưa ra kế hoạch phát triển năng lượng trên biển: i) Nâng cấp, tối ưu hóa nguồn cung năng lượng thông qua: Xây dựng quy hoạch tổng thể và thúc đẩy phát triển của các nguồn năng lượng sạch, như điện gió, điện mặt trời; xây dựng vành đai điện hạt nhân ven biển; nhanh chóng phát triển năng lượng sinh học, khí thiên nhiên, năng lượng từ sóng biển; thúc đẩy nâng cấp chuyển đổi mô hình công nghiệp hóa lọc dầu, triển khai chương trình nâng cao chất lượng dầu thành phẩm. ii) Xây dựng mạng lưới vận tải năng lượng hiện đại: Quy hoạch tổng thể thúc đẩy phát triển các hình thức vận chuyển năng lượng, dầu khí, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng tích trữ và phân chia năng lượng; nhanh chóng xây dựng mạng lưới vận chuyển và trữ năng lượng hiện đại, hỗ trợ cho nhau, thuận tiện và đảm bảo an toàn; tối ưu hóa việc xây dựng mạng lưới điện và hệ thống truyền tải điện giữa các khu vực; nhanh chóng xây dựng đường ống dẫn dầu nhập khẩu chiến lược trên bộ; xây dựng cơ sở hạ tầng tích trữ và phân phối dầu khí. iii) Xây dựng hệ thống năng lượng thông minh: Nhanh chóng thúc đẩy phát triển công nghệ hóa trong toàn bộ quy trình và toàn bộ lĩnh vực năng lượng; nâng cao khả năng tự thích ứng một cách bền vững; các ứng dụng liên quan phát triển năng lượng, quản lý, phân phối và tích trữ.
Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc đơn phương áp đặt từ năm 1999, nhưng từ 2007 đến nay hành động của Trung Quốc mang tính hăm dọa quyết liệt hơn với thời gian cấm biển ngày một dài hơn, và các hoạt động tuần tra, bắt giữ và cản phá ngư dân của các nước liên quan với quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn. Trung Quốc thường sử dụng lực lượng tàu ngư chính và tuần duyên cố tình va chạm trực tiếp làm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia, bắt giữ và đòi tiền chuộc nhiều tầu cá của các nước. Trong một số sự vụ khác, các lực lượng của Trung Quốc đã bắt giữ các tàu cá và ngư dân vào tránh bão trong quần đảo Hoàng Sa, bắt họ ký vào các biên bản thừa nhận vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và buộc gia đình họ phải nộp tiền phạt. Trung Quốc cho rằng mục đích của lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ nguồn cá, ngăn chặn đánh bắt cá trái phép và bảo vệ ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm đáng chý ý là lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực trong phạm vi một vùng biển lớn nằm trong “đường 9 đoạn”, bao gồm cả những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam và các nước khác; thời gian của các lệnh cấm đánh bắt cá ngày càng được kéo dài một cách tùy tiện và vô lý, không thảm khảo ý kiến và không có được sự đồng thuận từ các quốc gia khác; Trung Quốc sử dụng các loại chiến hạm cải tiến thành các tàu tuần ngư quy mô lớn, không ngại va chạm để xua đuổi ngư dân các nước.
Thứ sáu, Trung Quốc tìm mọi các biện minh cho những hoạt động phi pháp, quân sự hóa ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng
hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”; đồng thời cho biết Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa “không nhằm vào ai” và đây chỉ là triển khai các phương tiện “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”, nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”, để đối phó với những tình huống đột xuất như tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn. Trong khi đó, Giám đốc Cục tìm kiếm và cứu nạn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Vương Trịnh Lương ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc sẽ tiến hành củng cố các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh”; khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các máy bay trực thăng và chế tạo các tàu cứu hộ lớn tới khu vực này”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã đưa các hệ thống tên lửa tới quần đảo Trường Sa, nhưng khẳng định “việc triển khai này không nhằm vào ai”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.