Tin Biển Đông – 02/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 02/04/2018

Ngư dân Việt lại kêu đau

Lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông một lần nữa lại ban hành bởi nhà cầm quyền Trung Quốc. Và cái lệnh đầy tính áp đặt, xâm phạm chủ quyền, lãnh hải các nước trong khu vực này đã gây ảnh hưởng, thiệt hại không nhỏ đến ngư dân các nước khu vực. Đặc biệt, ngư dân Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của Việt Nam cả mấy trăm năm nay. Hầu hết ngư dân Việt Nam chỉ có một trong hai lựa chọn, hoặc là tiếp tục đánh bắt ở Hoàng Sa, hoặc là bỏ biển.

Một cổ hai tròng

Ông Trần Triều Điển, ngư dân Đà Nẵng, tỏ ra bức xúc:“Mùa này đi làm đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đảo thì làm các loại cá nổi nhiều như cá thu, cá ngừ đại dương… Khi mình làm ở vùng biển Việt Nam mình a, mình cào nó cũng cào vậy mà nó ỉ tàu to, tàu nó là tàu sắt, tàu mình tàu nhỏ, tàu gỗ nên nó ăn hiếp. Mỗi lúc đó ai biết cảnh sát biển ở đâu mà ứng cứu, mà mấy ổng tới thì chỉ có tốn thêm tiền chứ được gì đâu.”

Mùa này đi làm đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đảo thì làm các loại cá nổi nhiều như cá thu, cá ngừ đại dương… Khi mình làm ở vùng biển Việt Nam mình a, mình cào nó cũng cào vậy mà nó ỉ tàu to, tàu nó là tàu sắt, tàu mình tàu nhỏ, tàu gỗ nên nó ăn hiếp. Mỗi lúc đó ai biết cảnh sát biển ở đâu mà ứng cứu, mà mấy ổng tới thì chỉ có tốn thêm tiền chứ được gì đâu.

-Trần Triều Điển

Ông Điển từng bị Trung Quốc đâm tàu, đánh gãy cột buồm nhiều lần. Và những lần bị Trung Quốc xâm hại trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, dường như không có bất kỳ tàu hải cảnh nào của Việt Nam đến tiếp ứng, hỗ trợ cho ngư dân Việt Nam. Ngư dân chỉ còn một cách duy nhất là cố gắng duy trì tàu khỏi bị chìm và nhờ các tàu bạn lai dắt vào biên phòng. Cơ quan biên phòng tiếp nhận các trường hợp bị đâm tàu có vẻ nồng nhiệt, cảm thông và quyết liệt hơn. Nhưng mọi thái độ cũng chỉ dừng ở thái độ bởi biên phòng Việt Nam không thể dính vào những câu chuyện dân sự. Đó là sự thật mà ông Điển cảm thấy cay đắng cho thân phận ngư dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Điển cũng tỏ ra bức xúc bởi các tàu hải cảnh Việt Nam cũng chẳng khác gì mấy so với cảnh sát giao thông trên bộ. Họ chủ yếu cho tàu nằm vào một vị trí nào đó để nghỉ ngơi, ăn chơi, thỉnh thoảng lại cặp tàu vào các tàu đánh bắt của Việt Nam để xin đểu một ít tiền, một ít hải sản mà ăn nhậu. Cuối cùng, ngư dân Việt Nam chẳng khác nào những nô lệ một cổ hai tròng trên biển. Nếu không may mắn thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm, đánh đập, ám toán, cướp giật… May mắn hơn một chút thì bị tàu cảnh sát biển Việt Nam ghé xin đểu một chút tiền, một chút hải sản. Nhìn chung là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.

Một ngư dân khác, không muốn nêu tên, chia sẻ:“Cái đợt trước thì thường được ăn hơn, được sung sướng hơn. Đợt này không được sung sướng, mình đau khổ, dân đau khổ quá sức nhiều.”

Theo vị này, vấn đề ngư dân Việt Nam bị uy hiếp, bị cướp bóc và đánh đập trên ngư trường Việt Nam là chuyện xảy ra như cơm bữa. Điều làm ông ngạc nhiên nhất là hầu như cảnh sát biển Việt Nam chẳng làm gì được để bảo vệ ngư dân Việt Nam. Không riêng gì tàu Trung Quốc mà các tàu cảnh sát biển của một số quốc gia khu vực như Indonesia hay Phillipines cũng sẵn sàng nuốt trộng ngư dân Việt Nam bằng cách vào thẳng hải phận Việt Nam và kéo tàu của ngư dân Việt Nam về hải phận của quốc gia họ, sau đó lập biên bản, bắt nhốt. Trong những lúc như vậy, mặc dù ngư dân Việt Nam đã phát tín hiệu cầu cứu rất lâu nhưng chẳng có hồi đáp nào từ phía cảnh sát biển Việt Nam.

Biển đang hẹp dần

Ông Trần Văn Hiền, ngư dân Thăng Bình, Quảng Nam, chia sẻ:“Nó ảnh hưởng nói chung mọi mặt, mặt biển cũng ảnh hưởng mà mặt bờ cũng ảnh hưởng. Biển bữa nay thất bát lắm, nói chung là thiệt hại cá mắm bữa nay nhiều lắm nhưng dân không biết làm sao hết, dân phải chịu hết, đường nào dân cũng phải gánh hết.”

Theo ông Hiền, trước đây ngư dân Quảng Nam và Đà Nẵng được mệnh danh là những con rái mực biển. Nghĩa là riêng ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng được đánh giá là những con rái biển chuyên câu mực ngoài khơi. Sản lượng mực câu của ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng bao giờ cũng đứng đầu và có chất lượng cao nhất nước.

Nó ảnh hưởng nói chung mọi mặt, mặt biển cũng ảnh hưởng mà mặt bờ cũng ảnh hưởng. Biển bữa nay thất bát lắm, nói chung là thiệt hại cá mắm bữa nay nhiều lắm nhưng dân không biết làm sao hết, dân phải chịu hết, đường nào dân cũng phải gánh hết.

-Trần Văn Hiền

Thường thì một tàu lớn chở các thúng rái và các bộ đàm, các phao câu, đèn câu và đến ngư trường Hoàng Sa, khi đêm đến, mỗi ngư dân sẽ ngồi trên một thúng rái với đầy đủ ngư cụ, sau đó được thả xuống biển, nương theo dòng hải lưu, hướng gió mà lên đèn và câu. Họ câu lênh đênh như vậy trên biển cho đến sáng hôm sau thì gọi bộ đàm cho tàu lớn đến đón về.

Những năm 2009 trở đi, ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng đi câu mực gặp phải một chuyện không hay là hầu hết các thúng rái đều bị cướp cạn trong đêm bởi những tàu mang số hiệu Trung Quốc. Và sau đó ngư dân muốn câu mực trên vùng biển Hoàng Sa thì phải mua vé thông hành. Mỗi năm tốn chừng 40 triệu đồng cho mỗi người.

Với số tiền bỏ ra quá lớn nhưng lượng mực thu về bán không được vì biển nhiễm độc, uy tín hải sản Việt Nam xuống mức thấp nhất, càng về sau, số lượng ngư dân đi câu mực ở Quảng Nam và Đà Nẵng xuống thấp đáng kể. Và hiện tại, chẳng còn mấy ngư dân đi câu mực bởi độ rủi ro và tính nguy hiểm quá cao.

Ông Hiền cho rằng hầu hết ngư dân đi câu mực nói riêng và đi đánh bắt xa bờ nói chung đều rất cô đơn, lẻ loi trên chính hải phận Việt Nam. Nếu may mắn thì gặp tàu hải cảnh Việt Nam, gặp họ nói năm điều bảy chuyện rồi tặng họ một ít mực tươi để họ ăn nhậu, vui vẻ, nếu chủ tàu gặp họ thì tặng thêm một ít tiền cho họ mua bia, rượu ngon để uống.

Trường hợp ngược lại, khi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bị cướp bóc ngay trên ngư trường truyền thống thì đừng hi vọng gọi họ đến ứng cứu. Bởi rất có thể lúc đó họ đang nhậu say, đang tìm một góc khuất nào đó trên các đảo để nghỉ ngơi. Mặc dù đây chỉ là nghi vấn của ông Hiền nhưng điều này lại cho ông niềm xác tín rất cao bởi hầu hết cảnh sát biển Việt Nam đều không có khả năng hoặc không muốn ứng cứu khi ngư dân Việt Nam gặp nạn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/viet-fishermen-complain-04022018070505.html

 

Việt Nam Trung Quốc

tìm kiếm cơ hội phát triển chung trên Biển Đông

Việt Nam và Trung Quốc cam kết thực hiện tốt việc kiểm soát tốt những bất đồng trên biển trên cơ sở “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, và tìm kiếm khả năng hợp tác phát triển chung.

Cam kết này được khẳng định trong buổi họp báo vào ngày 1 tháng 4 vừa qua tại Hà Nội giữa Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.

Tân Hoa Xã hôm 1 tháng 4 cho biết trong cuộc gặp giữa hai vị Bộ trưởng, hai bên cũng đã nói đến tầm quan trọng của việc tham vấn nhằm kiềm chế những hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình.

Riêng đối với vấn đề hợp tác phát triển chung trên biển, hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để có thể đạt được giải pháp cuối cùng cho các vấn đề trên biển cũng như môi trường cần thiết để thúc đẩy các hợp tác thực tế song phương.

Trang tin Đài Tiếng Nói Việt Nam đưa tin trong cuộc gặp giữa hai phía, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng kêu gọi phía Trung Quốc thực hiện nghiêm túc thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước trên vấn đề biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Việt nam bày tỏ lo ngại về các nhân tố tiềm ẩn làm gia tăng căng thẳng, bất ổn trên biển, nêu rõ những quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam phải được tôn trọng theo Công ước 1982.

Vấn đề Biển Đông cũng được đề cập trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào sáng ngày 2/4 tại Hà Nội.

Theo truyền thông trong nước, trong cuộc gặp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị hai bên tuân thủ những nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và những thỏa thuận đã đạ được về thực hiện “Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Ông kêu gọi hai bên không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên biển.

Thỏa thuận vừa nói được hai phía ký vào năm 2011 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hiện giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn những bất đồng liên quan đến chủ quyền ở khu vực biển Đông, nơi một số nước khác ở châu Á cũng đòi chủ quyền.

Vào cuối tháng trước, Trung Quốc đã gây sức ép khiến Việt Nam phải yêu cầu công ty khai thác dầu khí của Tây Ban Nha là Repsol ngừng khoan thăm dò ngoài khơi Việt Nam nơi có đường đứt khúc 9 đoạn được Trung Quốc vẽ ra đi qua.

Tòa Quốc tế đã bác bỏ tính hợp pháp của đường đứt khúc 9 đoạn này vào năm 2016.

Bên cạnh vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhân chuyến thăm lần này tới Việt Nam, hai bên cũng kêu gọi phát triển quan hệ lâu dài giữa hai nước và nâng tầm quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nhân chuyến thăm này cũng kêu gọi Việt Nam tham gia tích cực vào sáng kiến Vành Đai Con Đường của Trung Quốc kết nối với kế hoạch Hai Hành Lang Một Vành Đai Kinh tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, lành mạnh, triển khai hiệu quả các khoản viện trợ của Trung Quốc dành cho Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đã đạt 100 tỷ đô la.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chinese-state-councilor-calls-for-steady-long-term-development-of-china-vietnam-ties-04022018085630.html

 

TQ gây áp lực VN dừng hai dự án khai thác khí đốt,

sắp tới dự án thứ ba

Các nhà phân tích cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với sự trì trệ trong phát triển kinh tế trong lúc Trung Quốc tăng áp lực buộc Việt Nam phải dừng khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở vùng biển có tranh chấp.

Theo truyền thông quốc tế và các chuyên gia chính trị, vào tháng trước Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha rút khỏi dự án thăm dò dầu khí cho Việt Nam tại Bãi Tư Chính (tên quốc tế là Vanguard Bank) ở Biển Đông, dường như là do có áp lực từ Trung Quốc.

Hiện tại, Việt Nam đang xem xét rút một dự án thăm dò khí đốt trị giá 4,6 tỷ đôla Mỹ với tập đoàn ExxonMobil ở ngoài khơi bờ biển miền trung, Công ty cổ phần CNG Việt Nam cho biết. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực có dự án này.

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của trường Đại học New South Wales, Úc, nói: “Việt Nam cần năng lượng cho sản xuất, một ngành vốn đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ông Frederick Burke thuộc công ty luật Baker McKenzie ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Việt Nam còn bán dầu thô cho nước ngoài.

CNG cho biết dự án của ExxonMobil được gọi là Cá voi Xanh hứa hẹn sẽ góp phần hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách. Theo ước tính, trữ lượng của mỏ Cá voi Xanh khoảng 150 tỷ mét khối.

Ông Burke cho biết: “Nếu dự án Exxon suông sẻ, sẽ cần từ 5 đến 10 năm để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng ở vài nơi khác ở Việt Nam cũng có rất nhiều mỏ để khai thác, ở ngoài khơi lẫn bên bờ.”

Trước đó vào tháng 7 năm ngoái, truyền thông quốc tế và các nhà phân tích cho biết Tập đoàn Repsol đột ngột dừng lại một dự án thăm dò dầu khí trị giá nhiều triệu đô la của Việt Nam ở Biển Đông do áp lực từ Bắc Kinh.

Ông Thayer cho biết cho tới nay phía Trung Quốc chưa phản đối dự án của Tập đoàn ExxonMobil. Nhưng năm ngoái, Trung Quốc đã “tung ra” các dự án thăm dò gần vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tính đến nay Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm về thăm dò năng lượng chung. Nhưng, theo ông Oh Ei Sun, nhà nghiên cứu quốc tế thuộc trường Đại học Nanyang của Singapore, thì chính quan điểm “đối đầu” của cả hai bên trong 5 năm qua về tuyên bố chủ quyền đã làm chậm tiến bộ trong việc thăm dò chung.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-gay-ap-luc-vn-dung-hai-du-an-khai-thac-khi-dot-sap-toi-du-an-thu-ba/4327578.html

 

Philippines có thể hợp tác khai thác chung

với Việt Nam trên Biển Đông

Philippines cũng có thể hợp tác với Việt Nam và Việt Nam trong việc khai thác chung ở Biển Đông. Trang tin Philstar của Philippines trích lời ông Jay Batongbacal, giáo sư luật, Giám đốc Viện các vấn đề và luật biển của Philippines cho biết như vậy hôm 2/4.

Theo giáo sư Batongbacal, việc hợp tác khai thác chung giữa Manila và Bắc Kinh hiện đang được hai phía đàm phán có thể sẽ bị đưa ra trước Tòa Tối cao của Philippines.

Tuy nhiên, ông cũng nói đến một thực tế là hiện Malaysia đã có hợp tác về khai thác dầu với Việt Nam tại vùng nước tranh chấp.

Lý do được ông Batongbacal nêu ra trong nhận định về hợp tác chung giữa Philippines với Việt Nam là vì Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý vấn đề với Trung Quốc và kiên quyết trong việc theo đuổi các lợi ích của mình. Ông nói thêm mặc dù hiện Việt Nam có những bất đồng với Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn luôn cân nhắc mọi khả năng và những bất đồng này sẽ loại bỏ những lựa chọn mà Việt Nam có.

Trước đó, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano cho biết Manila đang tích cực tìm kiếm các cơ hội khai thác chung với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông nêu ra lý do là vì Philippines không thể tự mình khai thác tại các vùng không trách chấp vì lý do tài chính.

Trong chuyến thăm này, người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines khẳng định những lợi ích của Philippines trong các vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ không còn là các cản trở đối việc phát triển quan hệ hai nước mà nên chuyển thành nguồn hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tuy nhiên, những hợp tác khai thác chung đang được đàm phán giữa hai nước hiện cũng đang vấp phải những chỉ trích ở Philippines vì những lo ngại từ phía quân đội, các chính trị gia và một số nhân vật trong xã hội dân sự về ý định của Trung Quốc tại vùng nước mà Philippines nắm chủ quyền.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên hai bên có hợp tác chung trên Biển Đông. Hồi năm 2001, dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo, Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa thuận tìm kiếm cơ hội khai thác chung tại các vùng chồng lấn.

Ba nước cũng có thỏa thuận nghiên cứu chung vào năm 2005 ở Biển Đông. Tuy nhiên thỏa thuận này vào lúc đó đã bị xem là vi hiến tại Philippines vì nhiều người tại Philippines lúc đó cho rằng chính phủ đang bán quyền lợi chủ quyền của Philippines cho Trung Quốc. Thỏa thuận sau đó đã không còn được gia hạn vào năm 2008.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/malaysia-vietnam-also-potential-partners-in-sea-exploration-04022018084623.html