Tin Biển Đông – 02/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Philippines : Tầu khu trục Mỹ đến Subic

khẳng định lịch sử quan hệ đối tác

Thu Hằng

Tầu USS Fitzgerald, được triển khai ở Biển Đông, thuộc Hạm Đội Tác Chiến 5 Hoa Kỳ (US Carrier Strike Group 5) đã cập cảng Subic, ở Zambales ngày 01/04/2017. Chuyến viếng thăm nhằm khẳng định mối quan hệ giữa hải quân hai nước trước khi tầu khu trục Mỹ tiếp tục hành trình đến tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Hàn Quốc.

Trang Philstar ngày 02/04, trích thông cáo của sứ quán Hoa Kỳ tại Manila, cho biết : « Tầu khu trục có tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke ghé thăm cảng Subic để nhấn mạnh mối liên kết cộng đồng và quân sự mạnh mẽ giữa Philippines và Hoa Kỳ. Thủy thủ đoàn sẽ tiến hành một vài sửa chữa nhỏ với sự hỗ trợ của các nhóm thủy thủ Philippines ».

Vẫn theo sứ quán Hoa Kỳ, « Mỹ và Philippines tiếp tục xây dựng lịch sử quan hệ đối tác có từ 70 năm nay, thông qua hợp tác quốc phòng, thăm viếng cảng và các hoạt động huấn luyện quân sự. Quân đội Philippines và Hoa Kỳ đã hoạt động cùng nhau trong nhiều lĩnh vực mang lại lợi ích chung, như trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố, an ninh trên mạng và an ninh hàng hải ».

Hải quân Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đông để giám sát vùng biển có tranh chấp trong bối cảnh Trung Quốc có kế hoạch đưa một trạm quan sát đến bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bãi cạn Scarborough là lằn ranh đỏ cho lợi ích kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ vì đây là khu vực chiến lược cho các hoạt động lưu thông hàng hải quân sự, dân sự cũng như là hàng không tại Biển Đông và Thái Bình Dương.

Giới phân tích về quốc phòng và quân sự từ lâu cảnh báo rằng các hoạt động không kiểm soát được của Trung Quốc tại Scarborough sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về an ninh hàng hải trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170402-philippines-tau-khu-truc-my-den-subic-khang-dinh-lich-su-quan-he-doi-tac

 

Indonesia đánh chìm 81 tầu cá nước ngoài

Thứ Bảy vừa rồi, Indonesia đánh chìm 81 tầu cá của người nước ngoài, bị bắt về tội xâm nhập hải phận hành nghề bất hợp pháp.

Hầu hết những tầu mới bị đánh chìm là tầu của ngư dân Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Phát biểu tại cảng Ambon, bà Susi Pudjiastuti, Bộ Trưởng Hàng Hải Và Ngư Nghiệp nói rằng Indonesia cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải, đánh chìm tất cả những tầu cá nước ngoài xâm nhập hải phận để hành nghề bất hợp pháp, tin tưởng những chiếc tàu bị đánh đắm sẽ khiến những chủ tầu tìm cách vào hải phận Indonesia hành nghề mà không xin phép phải suy tính lại.

Kể từ khi Tổng thống Joko Widodo lên nhậm chức hồi 2014 đến giờ, Jakarta thực hiện chính sách cứng rắn đối với tàu cá nước ngoài bị bắt trong hải phận Indonesia. Đến giờ đã có 317 tầu cá bị đánh chìm và nhiều thuyển trưởng, thuyền viên bị giam giữ, phải đóng phạt mới được trở về nguyên quán.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/indonesian-destroyed-81-foreign-ships-04022017114746.html

 

TQ có thể ‘theo dõi mọi động thái’ ở Biển Đông?

Chỉ mới hơn một năm trước, cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia của Hoa Kỳ James Clapper viết một lá thư cho Thượng nghị sĩ John McCain thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, dự báo rằng “Trung Quốc sẽ hoàn tất các cơ sở phòng thủ và phản công tại quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017”. Và theo giới quan sát, điều này đang trở thành sự thật.

Sau gần hai năm theo dõi, cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington DC của Mỹ mới thông báo rằng Bắc Kinh nay có thể triển khai các thiết bị quân sự, trong đó có các chiến đấu cơ và các bệ phóng tên lửa, tới quần đảo Trường Sa.

Qua email, ông Gregory Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á tại CSIS, nói với phóng viên Đài tiếng nói Hoa Kỳ rằng “mọi quốc gia trong khu vực có lẽ thực sự lo ngại về chuyện xây dựng này”.

​Chuyên gia này nói rằng “nếu quý vị là một ngư dân của Đông Nam Á”, thì diễn biến mới trên “đồng nghĩa với việc “Trung Quốc có khả năng và ý định theo dõi mọi động thái của quý vị ở Biển Đông, và can thiệp bất cứ ở đâu và bất kỳ lúc nào thấy phù hợp”.

Ông Poling nói thêm rằng các động thái trên cũng có thể gây “quan ngại sâu sắc” cho các nước lớn như Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ hay các nước châu Âu, do Trung Quốc từng tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền mà Bắc Kinh gọi là lịch sử của mình, bằng vũ lực, nếu cần.

Các phát hiện trên dường như củng cố thêm lập trường cho rằng việc xây dựng của Trung Quốc trên các hòn đảo nhân tạo nhằm khẳng định chủ quyền trên phần lớn Biển Đông.

​Bắc Kinh được cho là đã bồi đắp 7 hòn đảo như vậy ở vùng biển tranh chấp, khiến nhiều quốc gia lên tiếng chỉ trích. Bản tin nói rằng việc xây dựng đã hoàn tất trên các bãi đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.

Trung Quốc trước đây từng bác bỏ chỉ trích của Mỹ rằng nước này đang quân sự hóa Biển Đông, dù Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới tuyên bố rằng các thiết bị đặt trên những hòn đảo nhân tạo là nhằm để duy trì “tự do hàng hải”.

Bắc Kinh từng nói rằng các hòn đảo được xây dựng cho các mục đích dân sự, đặc biệt là để bảo vệ các tàu bè qua lại tuyến hàng hải chiến lược này.

Trung Quốc từng lên tiếng trấn an dư luận rằng họ sẽ không cản trở tàu cũng như máy bay qua khu vực tranh chấp này, nhưng không rõ chuyện đó có áp dụng đối với các tàu và máy bay quân sự hay không.

​Tới nay, Bắc Kinh chưa xác nhận liệu họ có kế hoạch tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như từng làm với Biển Hoa Đông có tranh chấp với Nhật Bản hay không.

Trong trường hợp như vậy, phi công sẽ phải nhận dạng bản thân cũng như công bố đường bay cho các kiểm soát viên không lưu của Trung Quốc và phải làm theo hướng dẫn của họ.

Ông Poling nói: “Trung Quốc nhiều lần nói rằng họ sẽ làm như vậy khi thời điểm chín muồi. Khả năng phòng không và radar như vậy giờ có thể giúp Bắc Kinh tiến gần hơn nhiều tới khả năng thiết lập một ADIZ”.

Theo nhà phân tích này, hệ quả lâu dài từ việc lắp đặt tên lửa, radar hay các thiết bị khác trên các đảo này khá sâu rộng.

Ông Poling nói tiếp: “Chúng ta sẽ chứng kiến sự hiện diện 24/7 của lực lượng bán quân sự, tuần duyên, hàng không và hải quân của Trung Quốc lần đầu tiên trên dải phía nam của Biển Đông”.

Chuyên gia này dự báo rằng Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ bắt đầu cảm nhận “áp lực liên tục” mà Việt Nam đã trải nghiệm trong nhiều thập kỷ tranh chấp với Trung Quốc liên quan tới quần đảo Hoàng Sa.

“Việc vấp phải các lực lượng Trung Quốc sẽ trở nên thường xuyên hơn, và điều đó đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ là thời điểm, chứ không phải khả năng xảy ra”, ông nói tiếp.

​Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về báo cáo của AMTI, nhưng truyền thông trong nước đã gọi hành động của Trung Quốc là “phi pháp”.

Tờ Thanh Niên viết: “Bộ ba đảo nhân tạo phi pháp kể trên bao gồm đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nơi Trung Quốc cấp tập xây dựng phi pháp các công trình quân sự trong thời gian qua”.

Báo thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam viết thêm rằng “theo đánh giá của AMTI, với các căn cứ không quân tại 3 đảo nhân tạo trên và thêm một căn cứ ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, máy bay quân sự của Trung Quốc sẽ có thể hoạt động gần như trên toàn bộ Biển Đông. Tầm hoạt động của radar Trung Quốc cũng bao phủ gần cả Biển Đông rộng lớn”.

Trong khi đó, tin mới nhất cho hay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 30/3 tuyên bố rằng, “không có cái gọi là đảo nhân tạo” ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lặp lại rằng bất kỳ công trình xây dựng nào tại đây chủ yếu cũng nhằm phục vụ các mục đích dân sự.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-co-the-theo-doi-moi-dong-thai-o-bien-dong/3792384.html

 

Ấn Độ, Malaysia

kêu gọi các nước tôn trọng Công ước về Luật Biển

Ấn Độ và Malaysia hôm 2/4 đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp Biển Đông với sự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động đơn phương có thể làm tăng căng thẳng. Hai nước cũng đề nghị các bên tranh chấp không đi đến việc đưa ra những lời đe dọa.

Hai nước nhấn mạnh các bên cần phải thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Công ước này thiết lập trật tự pháp lý về các vùng biển và đại dương.

Tuyên bố chung được công bố sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Malaysia Najib Abdul Razak ở New Delhi.

Malaysia là một bên tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, các bên tranh chấp khác gồm có Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan và Brunei.

Dù không đề cập cụ thể đến Trung Quốc nhưng báo giới Ấn Độ đánh giá rằng tuyên bố này đáng chú ý vì Trung Quốc đã không đếm xỉa đến một phán quyết của một tòa trọng tài thành lập theo UNCLOS. Tòa đã bác bỏ tính pháp lý của những lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về hầu hết Biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Malaysia đã nhắc lại cam kết của họ đối với tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại hợp pháp không bị cản trở, căn cứ vào các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Về quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo đã hoan nghênh sự hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và quyết tâm hoàn tất một biên bản ghi nhớ về Hợp tác Chống Khủng bố và Tội phạm Xuyên Quốc gia.

(Theo NDTV, India Times)

http://www.voatiengviet.com/a/an-do-malaysia-keu-goi-cac-nuoc-ton-trong-unclos/3792895.html