Tin Biển Đông – 02/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 02/03/2018

Hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam

khiến Trung Quốc “phật lòng”?

Mỹ Lan RFA

RFA: Theo dự kiến, vào tháng 3 tới đây, Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ  sẽ cập cảng Đà Nẵng thăm Việt Nam. Nhận định của giáo sư như thế nào về ý nghĩa của quan hệ  Việt Nam  – Hoa Kỳ trước chuyến viếng thăm này?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyến thăm viếng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã được thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cuối năm ngoái khi tướng Lịch thăm Mỹ. Dự kiến chính xác chuyến thăm sẽ thực hiện vào tháng 3 năm nay được thông báo khi tương Mattis thăm Việt Nam cuối tháng 1 và gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ở đây có hai điểm đặc biệt: Khi ông Mattis tuyên bố như vậy thì ông nói rằng Việt Nam và Mỹ là hai nước đồng quan điểm, ông gọi là “like-minded partner–đối tác đồng quan điểm” và có những quyền lợi chung về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề hàng hải, tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tôn trọng chủ quyền quốc gia của nhau. Điểm đặc biệt thứ hai ông tuyên bố điều này sau khi ông thăm và cảm ơn ông Nguyễn Phú Trọng thì điều này cho thấy ở cấp độ cao cấp nhất của Đảng, nước Việt Nam đã muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của tàu sân bay ở Việt Nam. Đó là chỉ dấu của sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước Mỹ và Việt Nam.

RFA: Việc Hoa Kỳ đưa hàng không mẫu hạm đến thăm Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thưa giáo sư?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Chắc chắn là Hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ đến và điều này dĩ nhiên không thể làm Trung Quốc hài lòng, nhất là trong khung cảnh gần đây các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Thứ nhất, Sách lược quốc phòng Mỹ năm 2018 xác định Trung Quốc là “địch thủ chiến lược” của Mỹ, đồng thời tái xác định cam kết của Mỹ hợp tác với các đối tác trong đó có Việt Nam để bảo vệ một trật tự thế giới dựa trên luật pháp.

Thứ hai, cam kết này được Bộ trưởng Mattis nhắc lại trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1 vừa qua khi tuyên bố Việt Nam và Mỹ là hai đối tác cùng chung quan điểm (like-minded partners), cùng chia sẻ các giá trị dựa trên “quyền lơi chung, gồm cả quyền tự do lưu thông hàng hải, tôn trọng luật quốc tế, và tôn trọng chủ quyền của nhau.”

Thứ ba, trong một hội nghị về an ninh ở New Delhi hồi tháng 1/ 2018 giữa các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ, Ấn, và Nhật, Đô đốc   Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tố cáo Trung Quốc là một “lực lượng gây bất ổn” (disruptive force) ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Sau đó, trong cuộc điều trần trước Quôc hội khi được chỉ định là đại sứ Mỹ ở Úc, ông đã tuyên bố rằng “Điều rõ như ban ngày” là Trung Quốc muốn khống chế Biển Đông và trong những năm tháng rất gần quyền lực của Trung Quốc sẽ cạnh tranh với quyền lực của Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực. Ông còn khuyến cáo Hoa Kỳ phải trù liệu ngay cả trường hơp có thể có chiến tranh với Trung Quôc.

Thứ tư, chỉ trong vòng bốn tuần từ 20/1 đến 17/2, hải quân Mỹ, qua hai sĩ quan cấp tá, cũng đã đưa ra những cảnh cáo trực tiếp đối với Trung Quốc. Trung tá Nicole Schwegman nói thẳng thừng rằng mục tiêu các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải là để “thách thức” những đòi hỏi quá đáng về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung tá Tim Hawkins khẳng định hải quân Mỹ sẽ không để Trung Quốc “bắt nạt” ở Biển Đông. Và ông này tuyên bố như thế khi đứng trên hàng không mẫu hạm Carl Vinson dự kiến sẽ cấp bến Đà Nẵng trong tháng tới.

Trong khung cảnh này, sư hiện diện của một hàng không mẫu hạm của Mỹ ở một quôc gia sát nách với Trung Quốc chắc chắn phải làm họ quan tâm. Dù bực mình, Trung Quốc cũng không muốn đẩy Việt Nam vào vòng tay của Mỹ.

RFA: Với chuyến viếng thăm của Hàng không mẫu hạm này thì tương quan giữa Việt nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Trung Quốc sẽ như thế nào thưa giáo sư?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Chưa có thay đổi lớn. Vẫn là bài toán cũ. Hoa Kỳ vẫn phải gờm Trung Quốc và kéo Việt Nam làm đối tác của mình. Trung Quốc muốn đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông và ngăn cản việc hình thành một liên minh Mỹ-Việt trên thực tế (de facto). Việt Nam luôn phải cân bằng giữa hai đại cường và đề phòng họ có thể chia chác với nhau trên đầu mình.

RFA: Từ khi tổng thống Trump lên thì quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có những thay đổi gì, so với thời TT Obama thưa ông? Ông đánh giá ntn về quan hệ này so với tương quan với quan hệ Việt Nam –Trung Quốc?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Có hai khác biệt chính. Về chính sách thì thời Obama có chính sách xoay trục rõ rệt về Á châu-Thái Bình Dương với những cam kêt cụ thể về kinh tế ( Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương) và tái phối trí lực lượng quân sự. Với chính quyền Trump, chính sách gọi là “Sách lược Ân Độ-Thái Bình Dương chưa rõ nét. Còn trong hành động thì việc chính quyền Trump hủy bỏ Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương làm suy yếu môt cột trụ kinh tế của quyền lực Mỹ ở vùng này, chưa kể khuynh hướng thích mặc cả với Trung Quốc (making deals) và những tuyên bố bất nhất của Tổng thống Trump khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ phải nghi ngờ cam kết của Mỹ. Thứ hai, dưới chính quyền Obama, những tuyên bố lớn về chính sách do các nhà lãnh đạo dân sự tối cao của Mỹ đưa ra như Tổng thống Obama hay Ngoại trưởng Clinton. Dưới thời Trump, phần lớn các tuyên bố cứng rắn và rõ rệt đối với Trung Quốc do các nhà lãnh đạo quân sự đưa ra  như Bộ trướng Quốc phòng Mattis, Tư lệnh Thái Bình Dương Harris, trong khi ông Tổng tư lệnh tối cao của họ lại khen lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và khoe đươc tiếp đón linh đình ơ Trung Quốc. Điều này khiến cho người ta vô cùng thắc mắc. Do đó trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam thì Việt Nam cố gắng để có quan hệ rất tốt với Trung Quốc và Mỹ cũng muốn như vậy. Chúng ta thấy là những người thừa hành thì nói một đằng còn ông tổng thống nói một nẻo. Điểm son là những người mà ông tổng thống tin tưởng về mặt quân sự, nên đó là một điểm mà Việt Nam có thể lạc quan được. vì những người có quyền, có khả năng và có ảnh hưởng với ông tổng thống. Tuy nhiên họ vẫn phải đề phòng vì ông tổng thống thích “mặc cả” và có thể “mặc cả” trên đầu trên cổ mình. Dĩ nhiên là họ là những chiến lược gia nên họ phải biết và đề phòng chuyện đó. Còn đối với Trung Quốc thì người Việt Nam vẫn phải cân bằng. Nếu mà họ muốn giữ chủ quyền thì bắt buộc họ phải cân bằng và trong số các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Âu Châu mà họ có thể lấy làm đối trọng thì nước quan trọng nhất và là đối trọng có khả tín với Trung Quốc là Mỹ. Việt Nam không thể nào bỏ chuyện đó được. Do đó, dù Trung Quốc có thích hay không thích thì Việt Nam cũng làm. Nhưng có một điểm là trong một năm đầu tiên ông Trump lên làm tổng thống thì tạo ra tình hình bất ổn cố ở vùng đó vì người ta nghi ngờ chính sách của Mỹ. Và khi Mỹ bắt đầu lùi thì Trung Quốc “dấn” lên. Do đó, nhiều người sợ rằng ông Trump sẽ rút, nhất là chuyến đi vừa rồi của ông Trump sang Á Châu thì họ sợ Mỹ nhượng bộ Trung Quốc. Và nếu điều này xảy ra thì Việt Nam buộc phải thích ứng. Do đó, gần đây Mỹ mới cố gắng tăng cường để tạo ra cho mình uy tín và để người ta tin tưởng cam kết của mình. Đó là nguyên nhân mấy ông lãnh đạo quân sự đưa ra “lời tuyên bố cứng rắn” cũng như chuyến thăm của tàu Carl Vinson sang Việt Nam.

RFA: Xin cảm ơn giáo sư.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hang-khong-mau-ham-my-toi-viet-nam-khien-trung-quoc-phat-y-02282018134655.html

 

Úc tăng cường hiện diện tại Biển Đông

Úc chia sẻ quan tâm của Hoa Kỳ về hoạt động quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành tại khu vực tranh chấp Biển Đông.

Mạng philstar.com của Philippines vào ngày 2 tháng 3 dẫn nguồn một báo cáo trên tờ Wall Street Journal về việc Úc cho gia tăng hiện diện hải quân của nước này tại Biển Đông trước những quan tâm về vấn đề ổn định khu vực.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Marise Payne của Úc từng điều trần trước Quốc Hội Canberra về sự bất an đối với khả năng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc trình bày với Thượng Viện là Úc tăng cường sự hiện diện Hải Quân tại Biển Đông trong vòng 18 tháng qua, dù rằng không tham gia chiến dịch tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành tại đó.

Biện pháp tăng cường sự hiện diện Hải Quân Úc tại khu vực tranh chấp Biển Đông được nói rõ nằm trong kế hoạch chú trọng mạnh mẽ đến vấn đề an ninh và ổn định tại vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Tại cuộc gặp vào cuối tháng hai, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại Biển Đông. Người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ cám ơn phía Úc ủng hộ chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ tại vùng biển này.

Tờ Australian loan tin là Trung Quốc thực hiện biện pháp được gọi là ‘đóng băng ngoại giao’ với Úc sau khi thủ tướng Malcolm Turnbull đưa ra luật về sự can thiệp của nước ngoài vào Úc, cũng như cho tăng cường sự hiện diện hải quân tại Biển Đông.

Bắc Kinh cho ngưng một số chuyến thăm cấp bộ trưởng và hoãn các cuộc công du của thủ tướng Turnbull cũng như ngoại trưởng Julie Bishop đến Trung Quốc.

Theo kế hoạch trong tháng ba, thủ tướng Malcolm Turnbull sẽ sang Bắc Kinh nhưng hiện chưa có cập nhật gì về chuyến đi này. Còn chuyến đi Hoa Lục theo dự kiến của Ngoại trưởng Julie Bishop vẫn chưa được xác định cho đến sau kỳ họp quốc hội Trung Quốc.

Mạng Hoàn Cầu Thời Báo từng gọi Australia là một ‘thế lực tiên phong chống Trung Quốc’ trong số các nước Phương Tây.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/australia-boosts-scs-presence-03022018112708.html

 

Biển Đông Mịt Mờ

Trần Khải

Từ không có thành có chút xíu, từ có chút xíu thành có phân nửa… đó là thủ đoạn của Trung Quốc đối với một số mỏ dầu Biển Đông của Philippines.

Báo Inquirer.net của Philippines nói rằng Tổng Thống Rodrigo Duterte thanh minh thanh nga rằng đề nghị TQ đưa ra để “cùng khai thác” các mỏ  dầu ở Biển Tây Phi (tức khu quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, theo tên gọi của người Việt) là mang ý nghĩa “cùng sở hữu” — tức là, TQ và Philippines cùng làm chủ các mỏ dầu khai thác.

Duterte  nói hôm Thứ Tư rằng như thế còn tôt hơn là chiến tranh. Ông nói như thế trong bài diễn văn khi khai trương khu gia cư Bahay Pag-asa ở thành phố Marawi City.

Và ngay hôm sau, tức Thứ Năm theo giờ Manila, một phát ngôn nhân Phủ Tổng Thống Philippines giải thích với thông tấn Reuters rằng hợp tác khai thác dầu chung ở  Biển Đông là giữa các công ty dầu TQ và công ty dầu Philippines, không phải sở hữu chính phủ 2 nước.

Nghĩa là, thần khẩu hại xác phàm, và phải nói quanh co trở lại.

Vấn đề là, Biển Đông vẫn tranh chấp hoài thôi, dù có nhượng cho TQ theo chính sách “cưa đôi” sản lượng dầu.

Trong khi đó, thông tấn RFI ghi nhận: Nhật Bản tăng cường hệ thống trên biển để đối phó với Trung Quốc.

Bản tin này ghi rằng theo hãng tin Nhật Bản Kyodo vào hôm 27/02/2018, tiếp theo kế hoạch lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm trên đảo nhỏ Miyako, chính quyền Tokyo đã nghĩ đến việc triển khai một hệ thống tương tự trên đảo chính ở tỉnh Okinawa. Theo giới phân tích, mục tiêu mà Tokyo không nói ra chính là củng cố hệ thống phòng thủ của mình để sẵn sàng đối phó với tham vọng trên biển ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh.

Kế hoạch phòng thủ vùng quần đảo phía tây nam nước Nhật đã được Tokyo bắt đầu thực hiện, với việc triển khai một đơn vị tên lửa đất đối hạm lên đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa, để tăng sức phòng thủ tại các hòn đảo xa xôi ở khu vực tây nam.

Thế nhưng, chính quyền Nhật Bản cũng thấy rằng Okinawa, đảo lớn nhất của tỉnh Okinawa, cũng cần được trang bị một đơn vị tên lửa khác, trong bối cảnh tàu Hải Quân của Trung Quốc thường xuyên qua lại khu vực eo biển Miyako nằm giữa đảo Miyako và đảo Okinawa.

Tên lửa bố trí trên các đảo này là loại hỏa tiễn địa đối hạm Type-12 của Lục Quân Nhật Bản có tầm bắn hơn 100 km. Theo tính toán của Tokyo, mục tiêu của công cuộc triển khai lực lượng này là nhằm kiểm soát được toàn bộ khu vực eo biển Miyako.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, vấn đề dự phòng bất trắc tại vùng eo biển Miyako càng lúc càng được đặt ra một cách gay gắt hơn cho chính quyền Nhật Bản, vì lẽ chiến hạm Trung Quốc ngày càng thường xuyên sử dụng eo biển Miyako để ra Thái Bình Dương. Việc này hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế, nhưng Tokyo vẫn luôn cảnh giác trước các hoạt động của tàu Trung Quốc.

RFI ghi nhận:

“Song song với việc bố trí tên lửa trên các đảo xa, Nhật Bản cũng đã nghĩ đến việc trang bị hàng không mẫu hạm cho quân đội của mình. Từ khi Tokyo đưa loại khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo của họ vào hoạt động, mọi người đều cho rằng thực ra loại tàu đó chỉ mang danh nghĩa là khu trục hạm, chứ trong thực tế, đó là những chiếc tàu sân bay trá hình.”

Nghĩa là, Nhật đã có mẫu hạm để tác chiến?

RFI ghi rằng cho đến gần đây, chính quyền Nhật Bản luôn bác bỏ lập luận cho rằng lớp tàu Izumo có thể biến thành hàng không mẫu hạm, thế nhưng, vào hôm 28/02/2018, một số quan chức bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã công nhận thẳng với báo Asahi Shinbum rằng ngay từ đầu, loại tàu lớp Izumo đã được thiết kế để được cải tiến dễ dàng thành hàng không mẫu hạm, sử dụng loại máy bay hiện đại có khả năng lên thẳng hay cất cánh trên đường bay ngắn, như loại chiến đấu cơ F-35B của Mỹ.

Theo Asahi, việc Hải Quân Trung Quốc ngày càng bành trướng ảnh hưởng không xa lạ gì với tính toán chiến lược kể trên của Tokyo. Các chiến lược gia Nhật Bản đã nhận thấy rằng không thể chỉ dựa vào 3 căn cứ không quân cố định Naha của Nhật, Kadena và Futenma của Mỹ ở Okinawa, vì nếu xẩy ra chiến tranh, các căn cứ này chắc chắn là mục tiêu tấn công của tên lửa Trung Quốc.

Trong khi đó, Campuchia nghiêng thêm vê hướng TQ.

Bản tin VOA ghi rằng Campuchia hôm 28/2 nói nước này buồn và sốc vì quyết định “khinh thường” của Hoa Kỳ về hạn chế các chương trình viện trợ do cảm nhận có những bước lùi về dân chủ ở Campuchia. Cùng lúc, Phnopenh cũng bênh vực hồ sơ dân chủ của mình.

Tòa Bạch Ốc hôm 27/2 cho biết họ đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình viện trợ của Bộ Tài chính, USAID và quân đội dành cho các cơ quan thuế, quân đội và chính quyền địa phương của Campuchia – mà Tòa Bạch Ốc quy là do sự bất ổn gần đây.

Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nói với Reuters hôm 28/2 rằng “Dù buồn và sốc vì quyết định của nước bạn về trợ giúp phát triển, Campuchia kiêu hãnh duy trì và tiếp tục phát triển dân chủ một cách nhiệt tình”.

Ông Phay Siphan gọi việc cắt giảm viện trợ là “khinh thường” và “gian trá” trong lúc nước ông xây dựng dân chủ.

“Dân chủ thuộc về nhân dân chứ không thuộc về đảng phái đã bị giải thể”, ông nói.

Trong khi đó, một bản tin KBS từ Nam Hàn cho biết TQ hung hăng hơn: Một máy bay quân sự của Trung Quốc lúc 9 giờ 34 phút sáng hôm 27/2 đã xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) ở gần đảo Ieo, một bãi đá ngầm nằm ở phía Tây Nam đảo Jeju. Vào khoảng 11 giờ sáng, máy bay này đã di chuyển từ hướng Đông Nam Busan về phía Bắc.

Sau khi bay về phía Bắc khoảng 50 km theo hướng Tây Bắc của đảo Ulleung, máy bay này đã chuyển hướng bay sang hướng Nam, theo đường cũ rời khỏi KADIZ vào khoảng 2 giờ chiều.Tổng thời gian

máy bay này đã bay trong Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc là 4 giờ 27 phút. Đây được xác định là máy bay trinh sát Y-9.

Bản tin nói rằng ngay khi phát hiện máy bay Trung Quốc xâm phạm KADIZ, quân đội Hàn Quốc đã huy động khẩn cấp 10 máy bay, trong đó có máy bay chiến đấu F-15K, đồng thời liên lạc qua đường dây nóng với quân đội Trung Quốc, cảnh báo về vụ xâm phạm.

Hung hiểm vô cùng tận…

https://vietbao.com/p123a278133/bien-dong-mit-mo

 

Trung Quốc sẽ phóng hỏa tiễn ngoài khơi, có thể ở Biển Đông

Các hỏa tiễn chở hàng Trường Chinh 11 của Trung Quốc, được thiết kế để chở hàng có tải trọng 700 kilogram vào quỹ đạo trái đất tầm thấp, có thể sẽ được điều động cho vụ phóng hỏa tiễn ngoài khơi đầu tiên trong năm nay ở Biển Đông, công ty phát triển hỏa tiễn – Tập đoàn Khoa học Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc – xác nhận trong tuần này.

Hỏa tiễn cỡ trung, thực hiện phi vụ đầu tiên vào năm 2015, được thiết kế chủ yếu để đưa các vệ tinh có độ nghiêng thấp lên quỹ đạo cho các khách hàng thương mại.

Thông thường, phóng vệ tinh từ các vị trí ở trên và xung quanh đường xích đạo sẽ tạo nên đường tắt để hỏa tiễn tận dụng lực ly tâm khi trái đất đang quay, ở tốc độ xích đạo 1.674,4km/h trong chuyển động thuận hành, để giảm tiêu thụ nhiên liệu hoặc để chịu tải trọng lớn hơn.

Trung Quốc phải cậy nhờ tới các vùng biển quốc tế ở khu vực xích đạo, bởi vì lãnh thổ của nước này nằm xa về phía bắc xích đạo. Trung tâm không gian nằm xa nhất về phía nam của Trung Quốc, Bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, cách xích đạo khoảng 2.000 km về phía bắc, ở vĩ độ 19 độ bắc.

Các nhà quan sát nói Biển Đông, đặc biệt là các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở ngoài khơi với Philippines, Malaysia và Việt Nam, có thể là địa điểm phóng mới cho hỏa tiễn của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc bồi đắp và cải tạo các đảo nhỏ và bãi san hô, như ở Đá Vành khăn và Đá Subi vốn đang ngày càng mở rộng diện tích, có thể là những điểm bổ sung sẵn sàng cho những vụ phóng ngoài khơi này.

Tuy nhiên, những vụ phóng này có thể gây bất an cho một số nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở các vùng biển này, dù căng thẳng đã phần nào giảm bớt kể từ năm ngoái khi Bắc Kinh tìm cách xoa dịu Manila và Kuala Lumpur.

Bất kỳ vụ phóng thử nào ngoài khơi sẽ phải tính đến những hạn chế trong việc vận chuyển trang thiết bị cũng như biến động của biển và dòng nhiệt, và các hỏa tiễn sẽ được phóng bên trên những bệ phóng nửa nổi nửa chìm, theo Tân Hoa Xã.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-se-phong-hoa-tien-o-ngoai-khoi-co-the-o-bien-dong/4276669.html

 

Manila ‘thanh minh’

về hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông với TQ

Bất kỳ hợp đồng thăm dò năng lượng tiềm năng nào ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh đều là thỏa thuận với công ty, chứ không phải với chính quyền Trung Quốc, Reuters dẫn lời một giới chức cấp cao của Philippines nói hôm 1/3.

Phát biểu trên kênh truyền hình ANC, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, Harry Roque, nói: “Chúng tôi có thể sẽ ký thỏa thuận với một tập đoàn của Trung Quốc, chứ không phải với nhà nước Trung Quốc”.

Tháng trước, hai nước đã đồng ý thành lập một hội đồng đặc biệt để hợp tác thăm dò dầu khí ở những khu vực thuộc Biển Đông mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền, mà không cần phải đụng đến vấn đề nhạy cảm về chủ quyền.

Việc theo đuổi một dự án chung sẽ rất phức tạp và nhạy cảm, vì việc chia sẻ trữ lượng dầu khí có thể được xem là ủng hộ tuyên bố chủ quyền của quốc gia kia.

Ông Roque khẳng định: “Chúng tôi không tham gia một thỏa thuận về chủ quyền để thăm dò tài nguyên. Nếu có, thì đó sẽ là một thỏa thuận giữa hai thực thể công ty.”

Buổi chiều ngày hôm trước, Tổng thống Duterte cho biết Trung Quốc đề xuất thăm dò chung theo “kiểu như đồng sở hữu” và làm như vậy tốt hơn là cả hai tranh giành với nhau.

Tại cuộc họp báo ngày 1/3, ông Roque nhấn mạnh rằng đây là vấn đề thăm dò và khai thác chung, là một giải pháp thiết thực để Philippines tiếp cận với các nguồn tài nguyên mà không vấp phải xung đột về chủ quyền.

Ông nói Tổng thống Duterte đã sử dụng từ “đồng sở hữu” như một lối so sánh để cố gắng đơn giản hóa vấn đề.

Philippines đã đình chỉ việc thăm dò tại Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào năm 2014 để theo đuổi một vụ kiện về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye minh định về quyền chủ quyền của Manila trong việc tiếp cận các mỏ dầu khí ở Biển Đông, bao gồm Bãi Cỏ Rong, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của nước này.

Ông Roque cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Philippines và một công ty nhà nước Trung Quốc, nhưng ông từ chối nêu tên của tập đoàn này.

Philippines, tập đoàn CNOOC của Trung Quốc và PetroVietnam đã cùng tiến hành thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong từ năm 2003 đến năm 2008.

Tuy nhiên, theo lời phát ngôn viên Roque, một số người nghi ngờ tính khả thi của thỏa thuận chung vì Trung Quốc không thích các hoạt động chung.

Quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc đã nồng ấm hơn dưới quyền của Tổng thống Duterte. Ông Duterte đã gạt các vụ tranh chấp lãnh thổ sang một bên để đổi lấy các cơ hội thương mại, và cam kết tài trợ của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng Philippines.

https://www.voatiengviet.com/a/manila-thanh-minh-ve-hop-dong-khai-thac-dau-khi-o-bien-dong-voi-tq/4275808.html

 

Trung Quốc và ASEAN tổ chức nhóm họp về Biển Đông

tại Nha Trang

Trung Quốc và các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa tổ chức họp Nhóm Công tác chung lần thứ 23 từ ngày 1 đến ngày 2 tháng 3 tại thành phố Nha Trang về việc thực hiện Tuyên bố Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), với hy vọng có thể hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong một cuộc họp báo hôm 28/2 rằng các bên liên quan sẽ trao đổi quan điểm về việc thực hiện DOC, thúc đẩy hợp tác hàng hải cũng như tư vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử COC.

Theo ông Lục Khảng, thì tình hình hiện nay trên Biển Đông đã ổn định “nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.”

Cũng theo ông Lục Khảng, hiện tại tình hình ở Biển Đông đã được ổn định do nỗ lực của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Ông nói thêm rằng Trung Quốc và các nước ASEAN có ý chí và sự tự tin để tiếp tục đối thoại và hợp tác, phấn đấu đạt được nhiều tiến bộ hơn và củng cố việc cải thiện tình hình trong khu vực.

Trang Moneycontrol của Ấn Độ hôm 27/2 dẫn lời đặc phái viên Tôn Sinh Thành của Việt Nam nhận định tình hình Biển Đông vẫn “phức tạp”, và việc khởi động đàm phán COC là “một bước tích cực.”

Theo giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), không có dấu hiệu gì chứng tỏ Trung Quốc muốn đàm phán một cách nghiêm túc. Nếu các nước khác ngưng hành động trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hóa khu vực để giành lợi thế.

Vào tháng trước, tại một cuộc họp tại Singapore, Bộ trưởng các nước ASEAN đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trên các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông và lưu ý rằng việc bồi đắp đất vẫn tiếp tục diễn ra thậm chí sau khi đã đàm phán với hiệp hội 10 quốc gia Ðông Nam Á, và Bắc Kinh đã nhất trí về một bộ quy tắc ứng xử.

Tháng 8/2017, Trung Quốc và ASEAN đã thông qua một cơ chế đàm phán cho Bộ quy tắc COC trên Biển Đông, sau gần 4 năm đàm phán. Cả 2 bên đều ca ngợi bước đi này là một dấu hiệu tiến bộ, với việc Trung Quốc coi các cuộc đàm phán là một cơ hội để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng Bắc Kinh đang câu giờ để củng cố sức mạnh trên biển.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-va-asean-to-chuc-nhom-hop-ve-bien-dong-tai-nha-trang/4277627.html

VN tham gia tập trận hải quân lớn có thể làm TQ bực bội

Việt Nam sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân do Ấn Độ tổ chức vào tuần tới, một động thái chắc chắn sẽ làm Trung Quốc bực bội.

Ấn Độ sẽ tiếp đón lực lượng hải quân của ít nhất 16 quốc gia đến tham gia tập trận “trong bối cảnh thế quân sự của Trung Quốc đang ngày càng tăng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, hãng tin PTI của Ấn Độ cho hay.

Theo lời phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ, Đại tá DK Sharma, 16 quốc gia bao gồm Việt Nam, Úc, Malaysia, Maldives, Mauritius, Myanmar, New Zealand, Oman, Thái Lan, Tanzania, Sri Lanka, Singapore, Bangladesh, Indonesia, Kenya và Campuchia.

Tính cả các nước cử đại diện, cuộc tập trận có 23 nước tham gia.

Bắc Kinh đã cảnh báo rằng cuộc tập trận lớn được tổ chức ở Ấn Độ Dương có nguy cơ “làm lan rộng căng thẳng Trung-Ấn từ trên bộ ra biển”.

Cuộc tập trận dài 8 ngày mang tên “Milan” – được xem như là một bước đi vững chắc để thúc đẩy chiến lược phòng thủ chung mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – sẽ được tổ chức ở quần đảo Andaman và Nicobar ở đông Ấn Độ Dương từ ngày 6/3.

Cuộc tập trận hải quân hai năm một lần này đã được tiến hành 9 lần kể từ năm 1995.

Việc các lãnh đạo hải quân và đại diện các nước tham gia sẽ thảo luận các động thái quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông cũng sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.

Các nhà phân tích cho rằng đây là sự kiện hiếm hoi, có lẽ là lần đầu tiên có nhiều lực lượng hải quân của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và những nơi xa xôi sẽ gặp nhau để cùng trau dồi kỹ năng ở Ấn Độ Dương ngày càng căng thẳng.

Sự kiện diễn ra giữa lúc có những suy đoán rằng vùng biển rộng lớn này có thể thay thế Biển Đông để trở thành điểm nóng tiếp theo khi Bắc Kinh ngày càng mạnh bạo và tìm cách thế hiện sức mạnh ở ngoài biên giới của Trung Quốc.

Một bài xã luận mới đây của Nhật báo Giải phóng quân Trung Quốc cho rằng trong năm 2018, lực lượng này nên tiến hành tập trận và tăng cường sự hiện diện của họ tại những nơi mà hải quân và không quân Trung Quốc hiếm khi có mặt trước đây.

Hải quân Trung Quốc lâu nay vẫn tổ chức tập trận ở Hoàng Hải và Đông Hải, nhưng theo bài xã luận, “dự kiến các tàu chiến Trung Quốc sẽ hiện diện nhiều hơn ở các nơi khác trên thế giới”.

(Asia Times, Thời báo Ấn Độ)

https://www.voatiengviet.com/a/vn-tham-gia-tap-tran-hai-quan-lon-co-the-lam-tq-buc-boi/4277599.html