Tin Biển Đông – 02/02/2017
Cố vấn tân Tổng thống Mỹ
từng dự báo chiến tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông
Một số trang tin Anh, Mỹ hôm 1/2 đã khui lại dự đoán của cố vấn Tòa Bạch Ốc Steve Bannon về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Ngô Vĩnh Long ở Mỹ cho rằng dự đoán đó “không có cơ sở”, trong khi Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương nói “va chạm” Mỹ-Trung “hoàn toàn có thể” xảy ra.
Tin cho hay cách đây chưa đầy một năm, trong một chương trình trên radio hồi tháng 3/2016, ông Steve Bannon cho rằng quan hệ Mỹ-Trung tất yếu sẽ leo thang thành xung đột trong vòng một thập niên tới.
Ông Bannon, khi đó là lãnh đạo điều hành hãng tin Breibart News, nói: “Chúng ta sẽ tham chiến ở Biển Đông trong 5 tới 10 năm nữa, phải không nào? Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Trung Quốc đang củng cố và về cơ bản là đang xây những hàng không mẫu hạm cố định và đặt tên lửa lên đó. Họ xông vào khu vực ngay trước mặt nước Mỹ – và quý vị thừa hiểu vấn đề thể diện nó quan trọng như thế nào – rồi họ tuyên bố vùng biển này là lãnh hải lịch sử của họ”.
Báo giới giờ đây đang hướng sự quan tâm của dư luận tới lời dự báo này khi ông Bannon đã trở thành cố vấn chiến lược thân cận nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi dường như ít người chú ý đến phát biểu của ông hồi năm ngoái.
Từ Việt Nam, Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, bình luận với VOA về dự báo của ông Bannon đưa ra hồi năm ngoái:
“Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì vấn đề nguyên tắc và lợi ích của hai cường quốc này ở Biển Đông liên tục va chạm. Từ xây dựng đảo nhân tạo, cho đến ngăn chặn tàu của Mỹ được đi qua khu vực này từ mấy năm nay, cũng như đe dọa các đối tác của Mỹ trong vấn đề khai thác dầu. Nó cho thấy sự leo thang rất là lớn. Biển Đông tiềm ẩn một nguy cơ rất là lớn. Cho nên ông Steve Bannon ông có lý trừ phi con người thương thuyết của ông Trump trở nên có những cái uyển chuyển, nếu không thì việc leo thang như vậy rất dễ xảy ra những cuộc va chạm, thì cũng có thể gọi là chiến tranh ở cấp độ thấp, chiến tranh cục bộ rồi”.
Tuy nhiên, một chuyên gia khác về Biển Đông là Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại Học Maine, Hoa Kỳ, nói với VOA rằng phát biểu trong quá khứ của ông Bannon là “không có cơ sở gì hết”:
“Mỹ trong 8 năm qua, 9 năm qua đã cùng các nước khác ở trong khu vực và thế giới tìm những cơ chế đa phương để mà Trung Quốc khỏi tiếp tục bành trướng. Cái vấn đề chiến tranh không phải là một bên muốn bành trướng rồi nó sẽ xảy ra chiến tranh vì một nước dẫu có mạnh lắm nữa cũng không có thể cứ khiêu khích mãi như vậy được. Nếu mà có chiến tranh, Trung Quốc sẽ bị hại trước về mọi mặt quân sự, kinh tế, v.v… Bây giờ ông Bannon là cố vấn cho Tổng thống Trump mà ông muốn có chính sách mà có thể khiêu khích Trung Quốc thì có thể xảy ra đụng độ chỗ nào đó. Nhưng mà tôi nghĩ rằng giới quân sự của Mỹ họ cũng không để chuyện này xảy ra”.
Mặc dù cho rằng không thể xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông, Giáo sư Long cảnh báo Trung Quốc có thể đánh chiếm đảo của Việt Nam ở vùng biển này:
“Mỹ nói sẽ đưa tàu ngăn chặn Trung Quốc đưa quân đội đổ bộ lên các đảo nhân tạo. Vấn đề này có thể làm một vài lần nhưng mà hải quân Mỹ không có sức mà giữ tàu bè xung quanh các đảo nhân tạo đó. Vấn đề chiến lược trên biển thì nó ở những chỗ khác chứ không phải những cái chỗ đó, thành ra không có thể làm được về lâu về dài. Trung Quốc cũng không dại gì đụng độ. Chỉ có thể là Trung Quốc sẽ ‘bắt nạt’ Việt Nam. Trung Quốc ví dụ như là khiêu khích Việt Nam rồi nếu mà có cái gì thì đánh chiếm một vài đảo của Việt Nam để xem Mỹ có dám vào bênh vực Việt Nam hay là không. Chưa chắc gì trong tình huống đó Mỹ sẽ bênh vực Việt Nam”.
Tại một buổi hội thảo an ninh quốc gia mới đây ở Canberra, Úc, cựu Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Úc Angus Houston cho rằng đã “quá muộn” để ngăn Trung Quốc lấy đất ở Biển Đông. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto nói ông lo sợ Tổng thống Mỹ Trump có thể ký một thỏa thuận thương mại bí mật với Trung Quốc cho phép quốc gia này gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Trong bối cảnh hiện nay, Luật sư Vũ Đức Khanh, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Canada nhận định với VOA rằng Việt Nam đang rất “cô đơn” trong vấn đề này.
http://www.voatiengviet.com/a/steve-bannon-tung-du-bao-chien-tranh-my-trung-o-bien-dong/3703346.html
Biển Đông: Một thử thách đối với tân Ngoại trưởng Mỹ
Gia Minh, RFA
Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, cựu Chủ tịch điều hành của tập đoàn dầu khí ExxonMobil, từng có những phát biểu mạnh về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trước đó Exxon Mobil lại ký thỏa thuận hợp tác dầu khí với Việt Nam.
Thực tế nào mà vị tân ngoại trưởng Hoa Kỳ phải đối đầu; đặc biệt trong vấn đề Biển Đông?
Việt Nam – ExxonMobil – Trung Quốc
Ông Rex Tillerson vào ngày 1 tháng 2 năm 2017 chính thức trở thành vị Ngoại trưởng thứ 69 của Hoa Kỳ. Giới quan sát cho rằng ông này nhận một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong tình hình đối ngoại hiện nay của chính phủ tân Tổng thống Donald Trump.
Trên mạng Asia Times vào ngày 23 tháng giêng vừa qua, tác giả Helen Clark có bài viết với tựa tiếng Anh ‘Exxon-Vietnam gas deal to test Tillerson’s diplomacy’- tạm dịch “Thỏa thuận khí đốt giữa Exxon và Việt Nam sẽ thử thách chính sách ngoại giao của ông Tillerson.’
Đây là thỏa thuận cùng nhau khai thác và vận hành thương mại mỏ khí Cá Voi Xanh trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam; nhưng phía Trung Quốc cũng cho là thuộc về họ.
Tác giả Helen Clark nói rõ dự án liên doanh giữa Exxon Mobil và Việt Nam trị giá 10 tỷ đô la Mỹ được ký kết vào ngày 13 tháng giêng nhân khi ông John Kerry, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam và ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc có nguy cơ gây nên dậy sóng tại khu vực tranh chấp Biển Đông dưới thời của tân chính quyền Donald Trump.
Tuy nhiên theo tác giả Helen Clark thì dự án của Exxon Mobil sẽ được bảo vệ mạnh mẽ bởi ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu chủ tịch và viên chức điều hành chính của Exxon Mobil.
Hồi năm 2011, Bắc Kinh gián tiếp cảnh báo Exxon Mobil chẳng bao lâu sau khi tập đoàn này công bố phát hiện trữ lượng khí đốt lớn tại Lô 118 trong vùng dự án Cá Voi Xanh. Bắc Kinh nói rõ những công ty ngoại quốc phải ngưng thăm dò dầu khí trong vùng tranh chấp.
Nhiều tập đoàn năng lượng đa quốc khác dường như phải nghe theo khuyến cáo của Trung Quốc phải từ bỏ hoạt động thăm dò dầu khí với Việt Nam.
Hãng thông tấn Reuters loan tin vào trung tuần tháng 5 năm 2014, bản thân ông Tillerson gặp chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC- Vương Nghi Lâm thảo luận về hợp tác thêm giữa hai tập đoàn nhưng không nói rõ chi tiết.
Từ đó đến nay hai phía không công bố kế hoạch sản xuất nào tại khu vực vừa nêu cho đến ngày 13 tháng giêng vừa qua khi Exxon Mobil và PetroVietnam ký kết hai văn bản thỏa thuận cho dự án khí đốt Cá Voi Xanh.
Tin còn cho biết Exxon Mobil còn có quyền thăm dò tại những lô kế cận mỏ khí đốt Cá Voi Xanh.
Tillerson sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh
Giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, vào ngày 16 tháng giêng trong bài viết về thỏa thuận giữa Exxon Mobil và Việt Nam nêu rõ là ông Tillerson hiểu thấu đáo về mọi nổ lực của Trung Quốc nhằm đe dọa tập đoàn này không được đầu tư vào Việt Nam từ những năm 2007-2008. Và bản thân ông Tillerson sẽ không nghe phản đối của Trung Quốc về thỏa thuận của Exxon Mobil và Việt Nam.
Trước đây giới chức Hoa Lục từng có cảnh báo riêng với các công ty dầu khí Phương Tây là quyền lợi của họ tại Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nếu như hỗ trợ Việt Nam thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Đối với thỏa thuận giữa Exxon Mobil và Việt Nam về dự án Cá Voi Xanh ký kết vào ngày 13 tháng giêng vừa qua, Trung Quốc chưa có bình luận đặc biệt nào ngoại trừ truyền thông Nhà nước Hoa Lục mạnh mẽ chỉ trích phát biểu của ông Rex Tillerson tại phiên điều trần về việc bổ nhiệm ông vào chức ngoại trưởng trong tân chính phủ Donald Trump trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Lúc đó ông Tillerson phát biểu là Hoa Kỳ cần gửi đến cho Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng là phải ngưng ngay hoạt động cải tạo, xây dựng và không được đến những đảo nhân tạo lập nên ở Biển Đông.
Tờ China Daily bình luận cho rằng những tuyên bố của ông Rex Tillerson là một mớ lộn xộn những thiên kiến ngây ngô, lỗi thời, có tầm nhìn ngắn cùng những tưởng tượng chính trị không thực tế.”
Lãnh đạo Việt Nam đã chọn lựa?
Tác giả Helen Clark trích lại ý kiến của giáo sư Carlyle Thayer rằng Việt Nam cũng như Trung Quốc cần năng lượng phục vụ cho nền kinh tế công nghiệp hóa đang phát triển nhanh chóng. Và thỏa thuận với Exxon Mobil được cho là một phần của kế hoạch của trung ương kết hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Biển Đông vào kinh tế biển.
Những kế hoạch vạch ra trong khu vực tranh chấp khiến Trung Quốc giận giữ trước đây chắc chắn sẽ lặp lại nếu như ông Rex Tillerson có hành động cứng rắn giống như những tuyên bố mạnh mẽ mà ông đưa ra tại phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ vừa qua như vừa nêu.
Theo nhà nghiên cứu Biển Đông, Đinh Kim Phúc, thì sẽ không có gì mới trong chính sách của chính phủ của tổng thống Donald Trump tại khu vực Biển Đông.
Theo nhà nghiên cứu này thì sẽ chẳng có gì sáng sủa nếu như thiếu ‘đột phá’ từ phía chính quyền Mỹ hiện nay:
“Không có gì lạc quan hơn vì rõ ràng tôi có cơ sở là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam đã sang Trung Quốc và ra thông cáo chung, rồi ký 15 liên kết giữa hai quốc gia.
Theo tôi đó là câu trả lời rõ ràng cho tình hình an ninh khu vực Đông Nam Á và Châu Á- Thái Bình Dương; đặc biệt trên Biển Đông. Các vị lãnh đạo Việt Nam đã chọn cho mình thái độ đi trước thái độ của Mỹ dưới chính quyền Donald Trump.
Tất cả quan chức dưới thời tổng thống Donald Trump chỉ được biết qua những phát biểu, chứ cho đến nay chúng tôi chưa có thể đánh giá cụ thể vì những bước đi chưa được triển khai. Tuy nhiên theo tôi tình hình Biển Đông vẫn như dưới thời ông Obama. Mỹ- Trung vẫn gờm nhau và cuộc chơi trên Biển Đông do Trung Quốc dẫn dắt.
Nếu có thay đổi thì chính sách của Mỹ phải có ‘đột biến’; phải có trọng tâm rõ ràng trong vấn đề Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, Mỹ và Đông Nam Á… Chứ còn cứ ỡm ờ suy tính giữa quyền lợi Mỹ- Trung thế nào thì tôi nghĩ cuộc chơi tại Biển Đông tiếp tục do Trung Quốc dẫn dắt như trong thời gian vừa qua.”
Ngoài vấn đề ngoại giao với Trung Quốc liên quan Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải huyết mạch trên thế giới hiện nay, một số quyết định của Nhà Trắng đang gây phản ứng mạnh mẽ.
Đó là những lệnh hành pháp mà tổng thống Donald Trump ký ngay sau khi nhậm chức bị chỉ trích bởi nhiều quốc gia Hồi giáo, rồi đồng minh Châu Âu, lân bang Mexico và ngay cả những viên chức ngoại giao trước đây và hiện nay của Hoa Kỳ.
Những thách thức đang chờ đón vị tân ngoại trưởng nước Mỹ là một di sản ngổn ngang gồm cuộc nội chiến Syria, đe dọa bắn thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa của Bắc Hàn, một nước Nga quyết đoán và một Trung Quốc đang trỗi dậy.