Tin Biển Đông – 01/10/2018
Hàng chục máy bay TQ tập trận
bắn đạn thật ở Biển Đông
Tiêm kích và oanh tạc cơ Trung Quốc tập trận trên Biển Đông sau khi B-52 của Mỹ bay qua vùng biển vào tuần này.
Hàng chục chiến đấu cơ và máy bay ném bom từ Chiến khu miền Nam đã tiến hành các cuộc tập trận để kiểm tra khả năng tấn công, xâm nhập và ra đòn chính xác của các phi công trên biển, CCTV đưa tin ngày 29/9.
Động thái này diễn ra sau khi máy bay ném bom B-52 của Mỹ tuần này bay qua Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói rằng nước này “phản đối mạnh mẽ sự khiêu khích của máy bay quân sự Mỹ ở Biển Đông và sẽ thực hiện tất cả biện pháp cần thiết”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định các chuyến bay của B-52 ở Biển Đông là hoạt động thường kỳ.
Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Để phản ứng, Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông nhằm đối phó với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ – Trung đang căng thẳng vì hàng loạt vấn đề. Trong khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước không có dấu hiệu hạ nhiệt, Mỹ trừng phạt một đơn vị quân đội Trung Quốc vì mua vũ khí Nga. Để phản ứng, Trung Quốc đã hủy một số cuộc họp cấp cao với Mỹ và từ chối cho tàu chiến Mỹ cập cảng Hong Kong.
http://biendong.net/bi-n-nong/23880-hang-chuc-may-bay-tq-tap-tran-ban-dan-that-o-bien-dong.html
Mỹ quyết chặn TQ đặt ‘sự đã rồi’ trên Biển Đông
Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton cảnh báo sự gây hấn của Trung Quốc, khẳng định Mỹ quyết tâm chặn âm mưu áp đặt ‘sự đã rồi’ trên Biển Đông.
Trung Quốc đang mưu đồ đặt cộng đồng quốc tế trước ‘sự đã rồi’
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 26/9 đã cảnh báo những hành động “rất nguy hiểm” của Trung Quốc trên Biển Đông, giữa lúc Bắc Kinh chỉ trích các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ và các nước đồng minh trong vùng biển này.
Liên Hợp Quốc hôm 26/9 sẽ tổ chức phiên tranh luận tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Tổng thống Donald Trump dự dịnh có bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới về những chủ đề được cho là quan trọng đối với Mỹ.
Trong chương trình Sunday Morning Futures của kênh truyền hình Fox News được phát sóng hôm 23/9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã tiết lộ những chủ đề mà ông cho là Tổng thống Trump sẽ đề cập đến trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc.
Theo ông Bolton, Tổng thống Trump có thể sẽ phát biểu trước Đại hội đồng về “chủ quyền của Mỹ cũng như bằng cách nào để Mỹ khiến điều đó phù hợp với vị thế mình của trên trường quốc tế”.
“Chúng tôi có một số vấn đề lớn với hai cường quốc khác của thế giới, với Trung Quốc là về thương mại và các vấn đề rộng lớn hơn liên quan tới xung đột địa chính trị, còn với Nga, chúng tôi cũng đang đối đầu trong hàng loạt lĩnh vực khác nhau” – ông Bolton nói.
Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Trung Quốc dường như “vẫn đang tìm cách suy đoán bước đi tiếp theo của Tổng thống Donald Trump” trong vấn đề thương mại để tìm cách đối phó và đáp trả.
Ông Bolton nhấn mạnh, các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và cuộc chiến tranh thương mại mà báo giới đang tuyên truyền trong thời gian gần đây chỉ là một phần nhỏ trong các hành vi gây quan ngại của Bắc Kinh trên toàn thế giới, trong đó có vấn đề Biển Đông.
“Tôi nghĩ nhiều người vẫn chưa hiểu chính xác nguy cơ ở đây là gì. và có lẽ Tổng thống Trump sẽ nêu lên những vấn đề này. Đó không chỉ là vấn đề về kinh tế. Đó không chỉ là về thuế quan hay thương mại” – vị Cố vấn an ninh Mỹ nói và nhấn mạnh rằng, đó là vấn đề về sức mạnh quân sự mà Bắc Kinh đang theo đuổi và sử dụng không đúng.
Theo ông, Trung Quốc đang nuôi ý định tạo ra một “sự đã rồi” trên Biển Đông khiến tất cả trở tay không kịp và đang có thêm những động thái quân sự để tiếp tục làm điều đó.
Ông Bolton cảnh báo, hành động này của Trung Quốc là rất nguy hiểm, mang tính gây hấn và là điều mà chính quyền Mỹ đang phải đối mặt và quyết tâm ngăn chặn.
Mỹ và đồng minh đã làm tất cả để chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc
Theo cáo buộc của Mỹ và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích của Biển Đông và có nhiều động thái quân sự hóa trái phép tại các đảo tranh chấp, thay đổi hiện trạng vùng biển này, nhằm hiện thực hóa “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường chín đoạn”) phi pháp của mình.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn triển khai các vũ khí tên lửa tấn công và máy bay chiến đấu, cùng với các công trình khác như sân bay, cầu cảng, trạm radar…, trên các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam trên Quần đảo Trường Sa và đã bồi lấp trái phép trong mấy năm qua.
Mưu đồ của Bắc Kinh là sử dụng sức mạnh quân sự để uy hiếp các nước Đông Nam Á đã tố cáo Trung Quốc chiếm đoạt chủ quyền; cùng với các nước không công nhận chủ quyền phi pháp của nước này và tuyên bố tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời gây nguy hiểm cho hoạt động của máy bay và tàu bè trên tuyến đường hàng hải qua Biển Đông.
Mỹ và một số nước phương Tây như Canada, Australia, Nhật Bản đã tiến hành các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực bằng cách điều máy bay tuần tiễu xung quanh hoặc đưa các tàu chiến đi qua các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc đã lớn tiếng đe dọa các tàu này và yêu cầu rời khỏi khu vực ngay lập tức.
Gần đây nhất, tàu đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh hồi đầu tháng 9 đã di chuyển áp sát quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, mà Trung Quốc trước đây đã chiếm đoạt trái phép bằng vũ lực.
Người phát ngôn của hải quân Anh cho biết “HMS Albion đã thực hiện quyền tự do hàng hải, tuân thủ theo luật lệ và quy định quốc tế”.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã lớn tiếng chỉ trích động thái trên của tàu hải quân Anh, cho rằng London đã vi phạm luật Trung Quốc và luật lệ quốc tế, đồng thời xâm phạm chủ quyền của nước này. Bắc Kinh cũng yêu cầu Mỹ, An và các nước khác dừng ngay các hoạt động “đảm bảo tự do tại Biển Đông” như cách Anh đã làm.
Tuy nhiên, nhiều nước vẫn khẳng định cam kết của mình và cương quyết ngăn chặn chiến lược áp đặt ‘sự dã rồi’ của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuần này, Australia và Pháp tuyên bố sẽ tham gia các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông bằng việc triển khai các tàu đi qua vùng biển này.
Những hành động này có giá trị cao hơn hàng vạn những tuyên bố hùng hồn về việc bảo vệ quyền tự do hàng hải, chặn đứng âm mưu của Trung Quốc đặt cộng đồng quốc tế trước “sự đã rồi”, nhằm độc chiếm Biển Đông.
Ngoài vấn đề Biển Đông, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng đề cập tới việc thực thi chính sách an ninh mạng mới nhằm tăng cường năng lực của Lầu Năm Góc trong việc bảo vệ không gian mạng trước các cuộc tấn công của các thế lực thù dịch với nước Mỹ.
Khi được giới phóng viên hỏi những đối tượng “đáng gờm” nhất trong các cuộc tấn công mạng, ông Bolton đã ngay lập tức xướng tên Trung Quốc đầu tiên, sau đó là Nga, Iran, Triều Tiên.
http://biendong.net/bi-n-nong/23828-my-quyet-chan-tq-dat-su-da-roi-tren-bien-dong.html
Tranh chấp Mỹ-Trung lan sang
lãnh vực an ninh Biển Đông và Hoa Đông
Từ ngày tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền đến nay, chưa bao giờ quan hệ Washington-Bắc Kinh lại căng thẳng như hiện nay. Hôm 30/09/2018, một quan chức Hoa Kỳ cao cấp đã xác nhận việc Trung Quốc hủy bỏ một cuộc họp Mỹ-Trung về an ninh đã được lên kế hoạch từ trước. Đây là hành vi trả đũa mới nhất của Bắc Kinh sau một loạt động thái cứng rắn của Washington nhắm vào Trung Quốc, thoạt đầu trong địa hạt thương mại, và trong một vài tuần lễ nay, đã mở rộng hẳn ra để bao hàm cả lãnh vực an ninh quốc phòng, trong đó có vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Đối với nhiều nhà quan sát, sau khi khởi động cuộc chiến tranh thương mại đánh vào hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ, và trước các đòn phản công từ phía Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Donald Trump như đã áp dụng chiến thuật “gây sức ép tối đa” để buộc đối phương đàm phán.
Donald Trump mở thêm mặt trận tấn công Trung Quốc
Chính trong chiến thuật – được cho là đã thành công trong trường hợp Bắc Triều Tiên – mà ông Trump đã không ngần ngại mở thêm một loạt mặt trận khác, về mặt ngoại giao, và nhất là trong địa hạt an ninh quốc phòng.
Về ngoại giao, đòn được cho là dữ dội và bất ngờ nhất của tổng thống Mỹ là công khai cáo buộc ngay tại diễn đàn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 26/09 là Trung Quốc đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2018 để gây hại cho đảng Cộng Hòa của ông.
Trước đó, trong lãnh vực quốc phòng, cũng trong một động thái bất ngờ và cứng rắn lạ thường nhắm vào Bắc Kinh, ngày 20/09, chính quyền Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt quân đội Trung Quốc về “tội” mua vũ khí của Nga.
Gây sức ép bằng Đài Loan và B-52 trên Biển Đông và Hoa Đông
Động thái cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc còn được thấy một cách cụ thể ngay trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc, từ Biển Đông lên đến Biển Hoa Đông.
Trước hết là tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, trên nguyên tắc là đối thủ sát cạnh Trung Quốc.
Bốn ngày sau khi loan báo trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga, vi phạm luật của Mỹ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thông qua quyết định bán cho Đài Loan 330 triệu đô la thiết bị quân sự dùng cho các chiến đấu cơ F-16 và các loại máy bay khác.
Kế đến Quân Đội Mỹ đã cho oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay ngang Biển Đông hôm 25/09, và tham gia tập trận trên Biển Hoa Đông với không quân Nhật Bản, một đối thủ khác của Trung Quốc trong khu vực.
Dù phía Mỹ đã tuyên bố rằng các hoạt động của siêu pháo đài bay của họ chỉ là « bình thường », nhưng các nhà phân tích đều ghi nhận tần suất cao bất thường của các phi vụ B-52 tại Biển Đông : Vào tháng 8/2018, một chiếc B-52 đã thực hiện một phi vụ tương tự ở vùng Biển Đông, hai tháng sau khi khi hai chiếc B-52 khác đã bay gần các đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Mặt khác, việc B-52 Mỹ liên tiếp xẻ dọc Biển Đông diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng trong cả lãnh vực thương mại, lẫn trên hồ sơ Đài Loan.
Và ngón đòn mới nhất là cho khu trục hạm USS Decatur, hôm 30/09, tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh hai đảo nhân tạo Gạc Ma và Ga Ven ở Trường Sa (Biển Đông), được Bắc Kinh biến thành tiền đồn quân sự.
Bắc Kinh trả đũa bằng cách cắt đối thoại quốc phòng
Cũng như trong cuộc chiến tranh thương mại, chỉ sau khi bị Mỹ tấn công, Trung Quốc mới có biện pháp trả đũa.
Ngoài các tuyên bố lớn tiếng, hay các bài bình luận dữ dội, Bắc Kinh lần này đã phản ứng thêm bằng cách hủy bỏ một số chương trình đã được dự kiến với Washington, như cấm không cho tàu đổ bộ USS Wasp thăm Hồng Kông, hủy bỏ chuyến thăm Mỹ của tư lệnh Hải Quân Trung Quốc Trầm Kim Long, và mới đây là hủy cuộc đối thoại an ninh từng được dự kiến tại Bắc Kinh với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis.
Trên hiện trường Biển Đông, quân đội Trung Quốc cũng tung chiến đấu cơ và oanh tạc cơ vào những cuộc tập trận bắn đạn thật, dù như thông lệ, không cho biết thời gian và địa điểm của sự kiện.
Nhìn chung, tất cả các quan sát viên đều nhất trí với nhau rằng vào thời điểm hiện tại cuộc tranh chấp thương mại Mỹ Trung đã lan sang những lãnh vực phi mậu dịch.
Bộ trưởng Hải Quân Mỹ: Bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông “bằng mọi giá”
Việc Bắc Kinh chủ động hủy bỏ các cuộc đối thoại an ninh từng được lên kế hoạch với Mỹ đã tạo ra một thái độ quan ngại nhất định về khả năng xẩy ra sự cố do tính toán sai lầm giữa lực lượng hai bên có thể nói là đang gườm nhau tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trên vấn đề này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tỏ rõ thái độ không mấy quan ngại. Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, phát biểu hôm 26/09 vừa qua về những căng thẳng phi mậu dịch nẩy sinh trong quan hệ Mỹ-Trung, ông Mattis cho rằng ông không thấy một thay đổi cơ bản nào trong quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Theo ông, quả là lúc này hai bên đang trải qua một giai đoạn căng thẳng, nhưng đó là điều tất yếu khi hai bên đang học cách quản lý những khác biệt và bất đồng.
Riêng bộ trưởng bộ Hải Quân Hoa Kỳ, ông Richard Spencer thì tiếp tục lên tiếng bênh vực cho các hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông mà Mỹ liên tiếp thực hiện bất chấp những phản đối của Bắc Kinh, cũng như những loại vũ khí phòng không hay chống hạm mà Trung Quốc được cho là đã triển khai tại Trường Sa..
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông Mỹ CNBC ngày 27/09 vừa qua, ông Spencer khẳng định vai trò của Hải Quân Mỹ là sẽ bảo vệ các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông « bằng mọi giá » :
Hoa Kỳ, theo ông « sẽ cho chiến hạm qua lại mọi vùng biển tự do được quốc tế công nhận vào mọi lúc để đảm bảo nền thương mại và các tuyến giao thương luôn rộng mở ».
Đối với bộ trưởng Hải Quân Mỹ : « Nếu Trung Quốc hòa nhập vào thế giới và công nhận các quy tắc và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, thì quan hệ Mỹ-Trung sẽ tuyệt vời. Những nếu họ chọn việc sử dụng luật lệ của riêng họ và cách hiểu của họ về thương mại và bảo vệ không gian của họ, chúng ta sẽ phải có một cuộc thảo luận với họ trên các điểm đó trong tương lai ».
Cho đến nay, Trung Quốc luôn cho là hầu như toàn bộ Biển Đông thuộc chủ quyền của họ, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của nước khác. Họ cũng biện minh rằng các cơ sở của họ ở Trường Sa không nhắm mục tiêu quân sự.
Có điều là, theo kênh CNBC, các thiết bị gây nhiễu và hệ thống tên lửa trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây tại Trường Sa hoàn toàn không có một mục đích nào khác ngoài quân sự.