Tin Biển Đông – 01/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 01/09/2017

Trung Quốc tập trận liên tiếp ở biển Đông

Cục Hải Sự Trung Quốc (MSA) mới đây vào tháng 8 thông báo nước này tiến hành diễn tập quân sự từ 7 giờ ngày 29 tháng 8 đến 7 giờ ngày 4 tháng 9 tại khu vực rộng 11.000 kilomet vuông ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà phía Việt Nam coi là thuộc vùng nước chủ quyền của mình, với khu vực gần nhất chỉ cách thành phố Đà Nẵng của Việt Nam khoảng 75 hải lý.

Đây cũng là khu vực rất gần với các lô dầu khí  thuộc mỏ Cá Voi Xanh mà Việt Nam cho Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ khai thác, đự định sẽ khởi động vào tháng 11 tới đây.

Thông báo của MSA cũng cấm các tàu bè đi vào khu vực này trong thời gian diễn ra cuộc tập trận.

Ngày 31 tháng 8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng nói với báo giới rằng Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc thông báo tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982. Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hoạt động làm phức tạp tình hình tại biển Đông. Bà Hằng cũng cho biết trong ngày 31/8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để nêu rõ lập trường của Việt Nam.

Thông báo của MSA nêu rõ trong các ngày 31/8, 1/9 và 2/9 Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật tại các khu vực nằm gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước.

Trung Quốc kêu gọi Việt Nam bình tĩnh

Trong khi đó, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1 tháng 9 lên tiếng thúc giục Việt Nam nên có cách nhìn bình tĩnh và hợp lý về những cuộc tập trận của nước này trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng những cuộc tập trận gần đây là định kỳ hàng năm và được tiến hành ở khu vực phía tây bắc

của Biển Đông. Bà Hoa Xuân Oánh cũng nói khu vực tập trận là thuộc Trung quốc và vì vậy bà hy vọng bên liên quan có thể có cách nhìn bình tĩnh và hợp lý hơn.

Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông nơi các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng đòi chủ quyền.

Hồi tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã ép Việt Nam phải ngừng việc khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi thuộc vùng nước mà Việt Nam có chủ quyền nhưng Trung Quốc cho là nằm trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn ở Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền. Tòa Trọng tài Quốc tế ở the Hague hồi năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp pháp của đường đứt khúc này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-s-military-drills-in-the-scs-09012017090402.html

 

Philippines gặp đại diện các nước ASEAN

và TQ để thảo luận COC

Đại diện Philippines, Trung Quốc và những thành viên khác thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á vừa bắt đầu tiến hành vòng thảo luận tại thủ đô Manila nhằm có thể mở ra đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử của Các Bên tại Biển Đông, gọi tắt theo tiếng Anh là COC.

 

Bộ Ngoại giao Philippines nói rõ COC được bàn bạc tại vòng họp thứ 22 của Nhóm Làm Việc Chung ASEAN- Trung Quốc về Thực Thi DOC bắt đầu từ hôm 30 tháng 8 vừa qua.

Vào ngày 31 tháng 8, Bộ Trưởng Ngoại giao Philippines, Alan Peter Cayetano, ra thông cáo nói rằng cuộc họp tại Manila được xây dựng trên những động lực tích cực mà ASEAN và Trung Quốc đạt được trong tiến trình thực thi DOC và tiến đến đàm phán COC.

Theo lời ngoại trưởng Philippines thì nước ông mong đợi vòng đối thoại thẳng thắn, hiệu quả nhắm đến xây dựng niềm tin và xác định được những lĩnh vực thực tiễn để hợp tác tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano nói thêm rằng những đại biểu tham dự sẽ chuẩn bị cơ sở cho đàm phán COC. Theo mong muốn thì tại thượng đỉnh ở Manila vào tháng 11 tới đây sẽ có công bố về COC.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines nhắc lại là kể từ kỳ họp vào tháng 7 năm ngoái ở thủ đô Vientaine của Lào, đường dây nóng giữa các vị bộ trưởng được đưa vào vận hành nhằm có thể thông báo cho nhau những sự cố trong khu vực.

Ông Alan Peter Cayentano cho biết các bộ trưởng tham gia đồng ý tìm cách áp dụng những nguyên tắc của Bộ Quy Tắc Đối Với Chạm Trán Bất Ngờ Trên Biển (CUES) ở khu vực Biển Đông.

Vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua khung dự thảo COC.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-meets-asean-members-to-discuss-coc-09012017105650.html

 

Chuyên gia: ‘TQ tập trận nhằm dọa dùng vũ lực với VN’

Theo một bản tin của Reuters, Trung Quốc hôm 1/9 thúc giục Việt Nam nhìn nhận một cách “bình tĩnh và có lý trí” về các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối, vào lúc căng thẳng giữa hai nước láng giềng trở nên xấu đi liên quan đến vùng biển chiến lược nằm trong vòng tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại một cuộc họp báo rằng các cuộc tập đó mang tính thường niên. Tin của Reuters cho hay bà Hoa nói thêm là nơi tiến hành tập trận ở khu vực tây bắc Biển Đông, thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Một ngày trước khi Trung Quốc đưa ra lời thúc giục, hôm 31/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nêu quan điểm của Hà Nội về việc Trung Quốc thông báo tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ.

Bà Hằng nói Việt Nam “hết sức quan ngại” về thông báo của Trung Quốc. Bà khẳng định: “Lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế”.

Bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.

Nữ phát ngôn viên cho biết thêm rằng trong ngày 31/8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam “đã giao thiệp” với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của Việt Nam.

Tôi cho rằng thông điệp của Trung Quốc muốn nhắc nhở Việt Nam rằng quốc gia có nhiều quyền lực và đang thống trị ở Biển Đông là Trung Quốc. Nếu Việt Nam không tuân phục Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh, mà trong đó kể cả sức mạnh quân sự.

Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia về Biển Đông

Những lời qua tiếng lại kể trên giữa đại diện ngoại giao hai nước nổ ra vì cách đây ít ngày Cục Hải sự Trung Quốc đã thông báo nước này tiến hành diễn tập quân sự trong một khu vực rộng lớn mà Hà Nội xem là thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Cục của Trung Quốc nói diễn tập kéo dài từ 29/8 đến 4/9, trong đó có 3 cuộc tập trận bắn đạn thật trong các ngày 31/8 đến 2/9 ở gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa ở quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam tuyên bố chủ quyền về quần đảo này, nhưng trên thực tế nó thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc từ đầu năm 1974.

Một bản tin của báo Thanh Niên phát đi sáng 1/9 có hình minh họa cho thấy vùng tập trận có điểm gần Việt Nam nhất chỉ cách Đà Nẵng khoảng 75 hải lý về phía đông.

Tờ báo lớn của Việt Nam dùng từ “phi pháp” để nói về các cuộc diễn tập của Trung Quốc, mà theo báo này diễn ra trên vùng biển có diện tích tới 11.000 kilomet vuông.

Tin của Thanh Niên có đoạn “Nếu các cuộc tập trận này diễn ra trên thực tế thì đây là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông”.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông, nhận xét với VOA rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc năm nay đáng chú ý hơn do diễn ra trong bối cảnh đặc biệt là trật tự thế giới đang thay đổi và đang có những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ông lưu ý rằng hồi tháng 7, dưới áp lực của Bắc Kinh, Hà Nội đã đình chỉ việc khoan dầu ở một khu vực ngoài khơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Gần đây Trung Quốc tỏ ra khó chịu về những nỗ lực của Việt Nam vận động các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc cũng khó chịu về mối quan hệ quốc phòng gia tăng giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, theo tin Reuters.

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh:

“Tôi cho rằng thông điệp của Trung Quốc muốn nhắc nhở Việt Nam rằng quốc gia có nhiều quyền lực và đang thống trị ở Biển Đông là Trung Quốc. Nếu Việt Nam không tuân phục Trung Quốc, hoặc nói như một số báo chí Trung Quốc, như là Hoàn cầu Thời báo, Việt Nam mà còn ‘cứng đầu’, thì Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh, mà trong đó kể cả sức mạnh quân sự”.

Vị chuyên gia cho rằng lúc này cần theo dõi xem các kênh do Việt Nam và Trung Quốc thiết lập trước đây để giải quyết tranh chấp trên biển có được sử dụng hay không. Nếu không, theo ông Việt, Hà Nội sẽ phải tính đến phương án khác, nhưng cũng không có nhiều sự lựa chọn:

“Đương nhiên là nếu bây giờ Việt Nam làm căng với Trung Quốc, đó là điều rất khó. Bởi vì nói gì thì nói, Trung Quốc cũng càng ngày càng mạnh. Mà tiềm lực của một mình Việt Nam không đủ để đối đầu với Trung Quốc. Có lẽ trong lúc này, với Trung Quốc, Việt Nam chỉ có một biện pháp thôi, đó là sử dụng ngoại giao. Sau phán quyết vụ Philippines, có lẽ Việt Nam không thấy thuyết phục lắm trong việc sử dụng biện pháp pháp lý. Cho nên tôi dự đoán rằng khả năng Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp ngoại giao là chính”.

Hồi năm ngoái, một tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ các căn cứ để Trung Quốc đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông trong một vụ khiếu nại do Philippines nộp đơn.

Nhưng sau đó, Philippines đã không đả động gì đến phán quyết, thay vào đó, chính quyền của tổng thống mới Duterte đã có nhiều động thái hòa hoãn về tranh chấp biển và gia tăng hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Nhiều nhà quan sát cho rằng diễn biến đó đã đẩy Việt Nam và thế khó khăn và đơn độc hơn trong tranh chấp biển với Trung Quốc.

Theo chuyên gia Hoàng Việt, biện pháp ngoại giao của Hà Nội là tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, và trên cơ sở tình hữu nghị, yêu cầu Bắc Kinh kiềm chế.

Mặt khác, Việt Nam – theo ông Việt – cũng thúc đẩy quan hệ với các đối tác khác, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ, để làm đối trọng và có những tiếng nói từ các nước đó giúp “kiềm chế phần nào” các hành động của Trung Quốc.

Trung Quốc đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông, nơi ước tính có lượng thương mại quốc tế trị giá 3 nghìn tỉ đôla đi qua hàng năm. Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền ở đó.

https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-tq-tap-tran-nham-doa-dung-vu-luc-voi-vn/4011265.html

 

Trung Quốc giáo dục học sinh

về ‘chủ quyền hợp pháp’ tại Biển Đông

Trung Quốc tháng tới ban hành sách giáo khoa mới cho học sinh tiểu học và trung học nhằm giáo dục ‘chủ quyền quốc gia.’

Bộ sách giáo khoa mới bao gồm 3 môn như tiếng Hoa, lịch sử, giáo dục đạo đức và luật pháp.

Bộ sách bao gồm thông tin về các đảo tại Biển Đông mà chính phủ Trung Quốc nhận chủ quyền.

Bắt đầu ngày 1/9, sách giáo khoa mới sẽ được giảng dạy tại các trường học Trung Quốc.

Theo tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, sách sẽ có các bài học về những anh hùng trong cuộc cách mạng và những truyền thống và đề cập tới ý chí của nhân dân muốn bảo vệ ‘lãnh thổ.’

Sách giáo khoa cũng trình bày những sự kiện và tài liệu chứng tỏ Trung Quốc có chủ quyền đối với Tây Tạng, Đài Loan và các đảo ở Biển Đông.

Truyền thông Trung Quốc nói sách giáo khoa mới giúp gia tăng nhận thức của quốc tế cũng như mở rộng tầm nhìn cởi mở ra thế giới, giúp học sinh thấm nhuần những thành tựu của nhân loại.

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ tại Biển Đông. Tuy nhiên Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần biển này.

Biển Đông là khu vực có tiềm năng giàu có về năng lượng. Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo tại khu vực tranh chấp trong đó có cả một căn cứ quân sự.

Căn cứ đặt trên quần đảo Trường Sa có 24 nhà chứa máy bay chiến đấu, đường băng, kho chứa nước và xăng dầu, một cảng lớn, trang thiết bị thông tin, các vị trí vũ khí cố định và một doanh trại.

Vào tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố chớ để Trung Quốc tiếp cận các đảo xây dựng trong vùng.

Ông Tillerson cũng so sánh những hành động của Trung Quốc như những hành động của ‘Nga sáp nhập Crimea’.

Phát biểu của ông Tillerson khiến truyền thông nhà nước Trung Quốc vào thời điểm đó nói rằng Hoa Kỳ sẽ cần phải ‘phát động chiến tranh’ để ngăn Trung Quốc tiếp cận những đảo này.

(Nguồn Daily Mail/Global Times)

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-giao-duc-hoc-sinh-ve-chu-quyen-hop-phap-tai-bien-dong/4010500.html

 

Báo Úc : “Dư luận Việt Nam lo ngại

Trung Quốc lấn lướt vì Mỹ lùi”

Mai Vân

Phải chăng chính quyền Hà Nội đã chiều theo sức ép của Bắc Kinh khi cho rút tàu khoan dò dầu khí ra khỏi một lô khai thác trên Biển Đông bị Trung Quốc cho là của họ? Câu hỏi này vừa được nhật báo Úc The Sydney Morning Herald nêu bật ngày 27/08/2017 trong bài viết mang tựa đề « Việt Nam lo ngại rằng sự yếu đuối của Trump làm Trung Quốc mạnh lên – Vietnam is worried that Trump’s weakness is making China strong ».

Theo ghi nhận của nhật báo Úc, người dân Việt Nam lúc này đang có một thú tiêu khiển bất thường : Trên cả nước và trên các mạng xã hội, ở đâu người ta cũng bàn tán, nghi ngờ là chính phủ đang âm thầm đầu hàng một Trung Quốc hung hăng, và gần đây có rất nhiều yếu tố thêm củi thêm lửa cho các tin đồn đó.

Đối với một số người, chính việc Mỹ giảm bớt sự hiện diện rõ ràng trong vùng đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh hành động trong hậu trường. Nhiều người khác thì chỉ trích chính quyền ở Hà Nội đặt vấn đề hợp tác kinh tế, hay cái gọi là tình đoàn kết cộng sản, lên trên niềm tự hào dân tộc.

Theo The Sydney Morning Herald, yếu tố gây bàn tán sôi nổi gần đây, làm dấy lên nhiều giả thuyết, là sự kiện  dự án khoan dò dầu khí giao cho tập đoàn Tây Ban Nha Repsol bị đình chỉ mà không hề có giải thích.

Một doanh nhân ở Hà Nội thường hay giao dịch với đối tác nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đã giả định : « Phải chăng vì Trump yếu đuối, cho nên Trung Quốc đã mạnh lên ? Rất có thể ! Người ta cũng lo ngại sẽ có một cuộc chiến tranh khác với Trung Quốc. Tất cả đều rất đáng sợ. »

Vấn đề, theo tờ báo Úc, là với chế độ chính trị khép kín, những tính toán ngoại giao đều được giữ bí mật, phần đông – ngay cả giới chuyên gia, như họ đã thừa nhận – đều không biết điều gì xẩy ra, điều đó tạo ra môi trường thuận lợi cho những phỏng đoán lung tung.

Doanh nhân kể trên thừa nhận : « Chúng tôi thật sự không biết điều gì xẩy ra. Nhờ lúc này có internet thì chúng tôi mới thấy là truyền thông của chúng tôi không nói hết sự thật, vả lại chúng tôi cũng không tiếp cận được sự thật đó. »

Việt Nam : Một cột trụ chống Trung Quốc bành trướng

Theo nhật báo Úc, Trung Quốc là một chủ đề rất nhạy cảm đối với chính quyền vốn dĩ vững vàng ở Việt Nam. Hơn cả những lời kêu gọi dân chủ, nhân quyền hay duy trì tăng trường kinh tế, chính quyền e ngại nhất những lời chỉ trích từ cộng đồng nhỏ bé của những người đối lập ở Việt Nam nhắm vào điều bị coi là thái độ mềm yếu trước Trung Quốc.

Đối với tờ The Sydney Morning Herald, Việt nam cho thấy là một cột trụ trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Trong số 10 nước của khối ASEAN – vốn đã hướng về Trung Quốc từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ, Việt Nam là thành viên sau cùng công khai thúc đẩy một thái độ cứng rắn hơn chống sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều quốc gia khác cũng nêu lên quan ngại, nhưng trong những trao đổi riêng tư, còn Việt Nam thì lên tiếng công khai, và bây giờ hầu như bị cô lập trong việc sử dụng luật quốc tế chống lại Trung Quốc.

Tại một diễn đàn của ASEAN ở Manila vào đầu tháng 8, không lâu sau khi tin về dự án khoan dò dầu khi bị đình chỉ được tiết lộ, Việt Nam công khai khẳng định thái độ chống đối Trung Quốc Theo nhận định của Richard Javad Heydarian, một trợ lý giáo sư về khoa học chính trị ở đại học De La Salle, Manila, thì vào lúc đó, Hoa Kỳ rõ ràng là đã đóng một vai trò mờ nhạt.

Theo ông Haydarian thì đối với những ai chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong vùng, « Trump (tổng thống Mỹ) quả thực là không giúp đỡ gì nhiều… Chúng ta đã thấy một sự mất tin tưởng ghê gớm vào vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson không có vẻ gì là đại diện cho một siêu cường quốc (ở diễn đàn ASEAN). Ông ta giống như đại diện cho một nước hạng hai, và ai cũng biết là ở Mỹ ông ta bị cô lập ».

Việt Nam nhượng bộ hay lùi bước chiến thuật ?

Theo nhật báo Úc, Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua hàng thế kỷ đối kháng và vẫn tiếp tục đối kháng vào thời cận đại này. Cuộc chiến gần đây nhất mà Việt Nam phải đánh, là chống lại người láng giềng to lớn vào năm 1979, và Trung Quốc đã phải ngạc nhiên trước sức kháng cự của quân đội Việt Nam, đã đẩy lùi họ. Sự đối nghịch Việt Nam Trung Quốc thường vượt qua cảm nhận căm hận đối với Mỹ, nước hiện nay được xem là đối trọng then chốt trước tham vọng của Bắc Kinh.

Việc dự án thăm dò của Repsol bị đình chỉ mà không một lời giải thích từ phía chính quyền Việt Nam cũng như Tây Ban Nha, đã làm cho người Việt Nam cảnh giác, và làm cho họ nghĩ là chính phủ tại Hà Nội đã đầu hàng  Bắc Kinh ở bên trong hậu trường.

Trả lời nhật báo Úc, một doanh nhân quốc tế thường làm việc với cả Việt Nam, Trung Quốc lẫn Tây Ban Nha, xin giấu tên vì không được quyền phát biểu về chính trị, đã ghi nhận : « Đã có rất nhiều tin đồn chung quanh vụ Repsol, cũng như mỗi khi có tin liên quan đến quan hệ Việt-Trung. Nhưng không thấy có một lý do gì khiến Việt Nam phải làm như vậy (tức là đình chỉ việc khoan dò), ngoại trừ sức ép từ Bắc Kinh ».

Theo doanh nhân này, Nếu quả thực là Việt Nam phải lùi bước, đó là vì Hà Nội không có nhiều chọn lựa từ khi Trump lên cầm quyền : « Hoa Kỳ thực sự là để Việt Nam chơi vơi khi bãi bỏ hiệp định TPP », một hiệp định không có Trung Quốc nhưng có Việt Nam.

Một giả thuyết khác được nêu lên là Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa sử dụng sức mạnh, nếu không nghe theo. Tổng thống Philippines Duterte, mà những phát biểu thường không phải lúc nào cũng đáng tin, đã nói là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng gợi lên khả năng này với ông. Và điều này càng làm cho giải thích đáng tin hơn nữa.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nêu bật khả năng chiến tranh sẽ tai hại đối với chiến lược của Trung Quốc, đang cố thuyết phục các láng giềng rằng nên xem Bắc Kinh như là một nhân tố ổn định.

Nhưng việc Việt Nam cho rút tàu khoan đi cũng có thể là chiến thuật của Việt Nam.

Tờ báo Úc trích lời ông Hoàng Việt, một giáo sư về luật biển ở Thành Phố Hồ Chí Minh, cho rằng : « Tôi nghĩ có lẽ đây là một bước lùi ngắn hạn, như để chờ đợi một thời điểm địa chính trị bớt khó khăn hơn… Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, rất quan trọng đối với người dân, nhưng chính quyền tuyệt đối không muốn làm Bắc Kinh tức giận. »

Tác giả bài báo trên tờ The Sydney Morning Herald tuy nhiên đã kết luận : « Mức độ xây cất không ngừng dọc theo bờ Biển Đông, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển vững vàng đã được xem như là những điều kiện tiên quyết duy trì sự ủng hộ đối với đảng Cộng Sản Việt Nam. Và có lẽ rốt cuộc đấy mới là điều quan trọng đối với Hà Nội, hơn là việc tranh hơn thua với Bắc Kinh ».

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170901-bao-uc-du-luan-viet-nam-lo-ngai-trung-quoc-lan-luot-vi-my-lui