Tin Biển Đông – 01/08/2020
TQ cho máy bay H-6 diễn tập tấn công mục tiêu trên Biển Đông nhằm vào Mỹ
Vào lúc quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng do vấn đề Biển Đông, quân đội Trung Quốc tiết lộ rằng hai loại máy bay ném bom H-6 mới được cải tiến đã tham gia tập trận ở Biển Đông. Dư luận bàn luận sôi nổi về khả năng tác chiến và mục tiêu của hai loại máy bay ném bom này.
Một số chuyên gia Trung Quốc đã cảnh báo quân đội Mỹ có thể tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào các đảo và rạn san hô mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông
Theo trang tin Đa Chiều ngày 31/7, ông Nhiệm Quốc Cường, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 30/7 nói, gần đây, không quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam đã tổ chức cho các loại máy bay ném bom mới H-6G và H-6J thực hiện các cuộc huấn luyện cường độ cao cả ngày lẫn đêm trên vùng biển liên quan ở Biển Đông, hoàn thành các môn huấn luyện như cất hạ cánh ban ngày và đêm, tấn công mục tiêu ở xa, tấn công các mục tiêu trên biển, đạt được kết quả dự kiến. Kênh quân sự của Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) ngày 31/7 cũng phát video mới nhất về cuộc huấn luyện này.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiết lộ về hai loại máy bay ném bom H-6 cải tiến mới nhất này, nhưng đây không phải là lần đầu tiên hai máy bay ném bom này xuất hiện. Đầu năm 2018, Kênh quân sự CCTV đã phát sóng các cuộc tập trận đối kháng giữa tàu chiến và máy bay chiến đấu của Hạm đội Đông Hải trên không phận Tây Thái Bình Dương. Trong đó, H-6G lần đầu tiên xuất hiện mang một thùng tác chiến điện tử. Vào thời điểm đó, một số nhà phân tích cho rằng điều này cho thấy H-6G có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tác chiến điện tử trong đội hình.
Một số chuyên gia đã nói rằng, trong tác chiến không quân hiện đại không thể chiến thắng các cuộc chiến nếu không có khả năng tác chiến điện tử. Máy bay tác chiến điện tử có thể gây nhiễu tín hiệu vô tuyến của đối phương.
Về lý do tại sao H-6G có thể thực hiện nhiệm vụ chiến tranh điện tử, nhà bình luận quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình nói rằng, trước hết, bản thân H-6 có tầm bay tương đối lớn, có thể bay cùng các máy bay chiến đấu tới các chiến trường xa hơn và ở trên không lâu hơn; thứ hai, H- 6 có ưu thế tốc độ bay tương đối lớn, có thể theo kịp các máy bay chiến đấu hạng nhẹ.Ngoài ra, thùng tác chiến điện tử treo trên H-6G có công suất mạnh hơn nhiều so với thùng có thể được gắn trên máy bay chiến đấu và khả năng chế áp điện tử của nó cũng mạnh hơn nhiều.
Đối với H-6J, vào tháng 10/2018, đã có cơ quan truyền thông Hoa Kỳ tiết lộ rằng không quân của hải quân PLA đã được trang bị nhiều máy bay ném bom H-6J. Loại máy bay cải tiến này được sử dụng tấn công mục tiêu mặt nước, có thể mang theo 7 tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh YJ-12.
Điều này có nghĩa là H-6J, có thể mang loại tên lửa này, có thể tấn công các tàu chiến của đối phương từ trên không, cũng phù hợp với thông tin “tấn công các mục tiêu trên biển” mà quân đội Trung Quốc tiết lộ.
Về lý do tại sao lựa chọn H-6J và tên lửa chống hạm YJ-12, các chuyên gia giải thích rằng các máy bay chiến đấu không phải không có khả năng này, nhưng do tầm hoạt động của máy bay chiến đấu nhỏ hơn, khả năng mang tải yếu hơn. Do đó, một máy bay ném bom với tầm bay xa và khả năng mang tải mạnh mẽ có những ưu thế rõ ràng.
Ưu thế lớn nhất của tên lửa chống hạm YJ-12 là khả năng tấn công với vận tốc siêu thanh, có thể đạt tốc độ gấp ba lần tốc độ âm thanh (March 3) và khoảng cách tấn công từ xa 300 km. Với khoảng cách và tốc độ đó, hệ thống phòng thủ của đối phương có thể nói không thể kịp chống trả. Ngoài ra, loại tên lửa này được dẫn đường bởi nhiều chế độ hồng ngoại và radar, nên độ chính xác khi tấn công cũng cao hơn.
Ngoài ra, hai loại máy bay ném bom nói trên khi diễn tập đã ném thả một thứ vũ khí với một chiếc dù ở đuôi. Về vấn đề này, ý kiến phân tích chỉ ra rằng vũ khí mang dù nói chung là thứ dẫn đường chính xác. Khi rơi xuống, nó sẽ nhắm và tìm kiếm mục tiêu thông qua dẫn đường laser và điều hướng vệ tinh. Ngư lôi và bom dẫn đường chính xác đều có phương pháp thả ném tương tự để tấn công chính xác tàu ngầm hoặc mục tiêu trên các đảo và rạn san hô.
Theo Đa Chiều, ông Nhiệm Quốc Cường cũng nói rằng cuộc diễn tập này là một sự sắp xếp từ trước trong kế hoạch hàng năm, giúp cải thiện trình độ kỹ thuật và chiến thuật của các phi công và khả năng chiến đấu trong mọi thời tiết của quân đội.
Mặc dù PLA tuyên bố rằng đây là một hoạt động thường xuyên, nhưng vẫn không thể tránh khỏi việc giới quan sát bên ngoài gắn với tình hình hiện tại ở Biển Đông. Kể từ tháng 7, quân đội Mỹ đã đưa hai tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan, tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông và vùng biển phụ cận.
Trước cuộc đọ sức Trung-Mỹ ngày càng khốc liệt, một số chuyên gia Trung Quốc trước đó đã cảnh báo rằng quân đội Mỹ có thể tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào các đảo và rạn san hô mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
Lý do là, từ góc độ của luật pháp quốc tế, chính phủ Mỹ ngày 3/7 đã ra tuyên bố, không thừa nhận chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc ở Biển Đông và tự xác định căn cứ pháp luật để tấn công các đảo, bãi đá không có chủ quyền.
Các chuyên gia Bắc Kinh dự đoán Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng đưa ra quyết định bất ngờ nhằm gây ra một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông vào trước tháng 11.
Xét từ bối cảnh các hoạt động quân sự, quân đội Hoa Kỳ gần đây đã tăng cường các hoạt động trinh sát ở Biển Đông, đã đạt được mật độ của trinh sát chiến thuật và kỹ thuật trước chiến tranh; máy bay ném bom của Mỹ đã đến Biển Đông nhiều lần mô phỏng các cuộc tấn công vào các đảo và rạn san hô Trung Quốc, đã hình thành phương án tác chiến cụ thể.
Hiện tại, Trung Quốc đã kiểm soát các rạn san hô Vành Khăn, Chữ Thập, Subi, Châu Viên, Gạc Ma, Hughes (Tư Nghĩa) và Gaven ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và khống chế bãi ngầm Scaborough ở quần đảo Trung Sa nơi Philippines tuyên bố chủ quyền.
Theo trang tin Đa Chiều, các nhà quan sát cho rằng các mục tiêu thực tế của cuộc tập trận rất hiển nhiên và mục đích cũng rất rõ ràng là ngăn chặn các hoạt động quân sự của quân đội Mỹ ở Biển Đông.
Về địa điểm của cuộc diễn tập lần này, có nhà quan sát cho rằng có khả năng là khu vực Trung Quốc đã khoanh vùng để tập trận ở phía tây bán đảo Lôi Châu, nơi Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo hàng hải về hoạt động bắn đạn thật trong vịnh Bắc Bộ, từ ngày 25/7 đến 2/8.
Trung Quốc thay thuật ngữ trong quy tắc
hàng hải trên Biển Đông để mở rộng kiểm soát
Quý Khải
Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ trong bản quy tắc hàng hải sửa đổi nhằm ấn định vùng biển giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “vùng ven biển” thay vì “vùng biển xa bờ”, theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng SCMP.
Giới quan sát nhận định hành động này là dấu hiệu cho thấy động thái của Bắc Kinh nhằm tuyên bố chủ quyền đối với càng nhiều vùng biển tranh chấp nhất có thể.
Việc thay đổi thuật ngữ xuất hiện trong một phiên bản sửa đổi của bộ quy tắc kỹ thuật về luật định tàu biển được soạn thảo năm 1974. Quy tắc này sẽ có hiệu lực vào hôm nay.
Quy tắc này – có tiêu đề “Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa” – sẽ thành lập “Vùng hàng hải Hải Nam – Tây Sa”, kéo dài từ đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hay Tây Sa theo cách gọi trái phép của Trung Quốc.
Bắc Kinh đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng trên trường thế giới về các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Zhang Jie, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết động thái này có thể nhằm thắt chặt quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Ngay cả khi điều này không trực tiếp tăng cường kiểm soát trong khu vực, nó vẫn có thể khởi tác dụng đó”, ông nói.
Collin Koh, một nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, tán đồng với nhận định này.
“Điều này không ngạc nhiên, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập các khu hành chính cho Hoàng Sa và Trường Sa, ông nói.
Trung Quốc hồi tháng 4 thông báo thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Trung Quốc tuyên bố “quận Tây Sa” sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi “quận Nam Sa” quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra “đường chín đoạn” nhằm đòi yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích yêu sách này của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gay gắt trên trường quốc tế đối với các yêu sách của mình đối với hầu hết khu vực Biển Đông thông qua cái gọi là “đường chín đoạn” do nước này đơn phương vẽ ra.
Đầu tháng này, Mỹ và Úc đã độc lập bác bỏ phần lớn các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, nói rằng chúng không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư (29/7), Malaysia bác yêu sách của Trung Quốc ở vùng thềm lục địa phía bắc Biển Đông, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.