Tin Biển Đông – 01/08/2018
Australia mời Trung Quốc tham gia
tập trận hải quân chung
Bộ Quốc phòng Australia vào ngày 1/8 cho biết Hải quân Trung Quốc sẽ tham gia đợt tập trận cùng với 26 nước diễn ra ngoài khơi phía bắc của Australia trong thời gian tới.
Cuộc tập trận có tên Kakadu do Australia tổ chức dự kiến sẽ diễn ra ngoài khơi thành phố Darwin, Australia từ ngày 30/8 đến ngày 15/9 tới đây.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia bà Marise Payne cho biết, Trung Quốc sẽ tham gia các bài tập trận trên biển, liên lạc giữa các tàu và trinh thám trên biển nhưng không có một kế hoạch nào cho thấy Trung Quốc sẽ tham gia các cuộc diễn tập bắn đạn thật.
Mối quan hệ của Australia và Trung Quốc xuống mức thấp nhất sau khi chính quyền Canberra lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, Australia còn ủng hộ các hoạt động tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông do Hoa Kỳ tiến hành.
Vào năm ngoái, một tàu do thám của Trung Quốc đã quan sát cuộc tập trận chung Talisman Saber 2017 giữa Mỹ và Úc diễn ra ngoài khơi Queensland.
Vừa qua, Hoa Kỳ rút lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 ngoài khơi đảo Hawaii. Hành động của Mỹ nhằm phản đối việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép tại khu vực Biển Đông.
Kỳ vọng đạt thỏa thuận với Trung Quốc về Biển Đông
Những nước thuộc Hiệp quốc Các Quốc gia Đông Nam Á gọi tắt là ASEAN sẽ đàm phán để tiến tới một hiệp ước bất tương xâm với Trung Quốc liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Hãng tin AP vào ngày 1 tháng 8 loan tin một cuộc họp về an ninh quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ bắt đầu vào thứ bảy 4/8/2018, tại tiểu quốc Singapore.
Trước khi diễn ra sự kiện vừa nêu, vào ngày thứ tư 1/8, Bộ trưởng ngoại giao các quốc gia ASEAN đã họp bàn về những vấn đề quốc tế và khu vực như chuyện người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện, chuyện xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên.
Ngày hôm qua, 31/7 một số cơ quan truyền thông Đông Nam Á đã nói rằng ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất được một văn bản cho cái gọi là Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm tránh xung đột giữa các quốc gia có tranh chấp biển đảo ở đây là Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, và Brunei.
Ông Ngoại trưởng Philippines là Alan Peter Cayetano cũng nói vào hôm qua rằng những cuộc đàm phán về Bộ qui tắc ứng xử sẽ được kết thúc vào năm nay hay năm tới.
Tuy nhiên các ngoại trưởng khác không có vẻ lạc quan như vậy, một vài người tiếp tục nêu vấn đề Trung Quốc thành lập các căn cứ quân sự trên các đảo và bãi cạn mà họ đang chiếm ở Biển Đông, làm tình hình căng thẳng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/coc-singapore-forum-08012018083709.html
PetroVietnam ký thỏa thuận mua bán
khí đốt khai thác ở Biển Đông với phía Nhật
Tâp đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PetroVietnam) vừa ký thỏa thuận mua bán khí đốt với hai công ty Nhật Bản.
Hãng tin Reuters loan tin vào ngày 1 tháng 8 dẫn thông cáo của PetroVietnam rằng thỏa thuận được ký kết tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 7. Theo PetroVietnam thì đây là một đóng góp đáng kể nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.
Trong khi đó một quan chức ẩn danh của PetroVietnam phát biểu với Reuters rằng tiến triển của dự án mỏ khí đốt với thỏa thuận như vừa nêu cũng được cho là quan trọng khi mà hoạt động thăm dò và sản xuất trong những năm gần đây bị giảm sút bởi căng thẳng tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông; cũng như công cuộc chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam và dầu thô thế giới tiếp tục xuống giá.
Việt Nam đang phải chật vật duy trì sản lượng dầu thô vào khi sản xuất tại một số mỏ chính suy sút và áp lực liên tục từ phía Trung Quốc tác động đến một số dự án của Việt Nam tại Biển Đông.
PetroVietnam vào tháng tư vừa qua cũng thừa nhận căng thẳng với Trung Quốc sẽ làm phương hại hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam trong năm nay.
Trước đó vào tháng 3, Hà Nội phải yêu cầu Công ty Năng lượng Repsol của Tây Ban Nha ngưng tiến hành dự án ngoài khơi Việt Nam do áp lực từ Trung Quốc. Sang tháng 5, một chi nhánh của Tập đoàn Dầu Khí Rosneft của Nga bày tỏ quan ngại hoạt động khoan thăm dò tại vùng biển Việt Nam có thể làm Bắc Kinh nổi giận.
Dự án khai thác mỏ Sao Vàng- Đại Nguyệt thuộc các lô cách bờ biển Việt Nam 300 kilomet về phía đông nam có cổ phần của hai công ty Nhật Bản là Idemitsu Kosan và Teikoku Oil. Những lô này nằm sát đường đứt khúc 9 đoạn, thường được gọi là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông để tuyên bố chủ quyền gần trọn khu vực này.
Theo PetroVietham thì thỏa thuận ký kết hôm 31 tháng 7 mở đường cho hoạt động sản xuất thương mại mỏ Sao Vàng- Đại Nguyệt vào quí 3 năm 2020.
Thống kê mới công bố vào ngày 29 tháng 7 vừa qua cho thấy sản lượng dầu thô của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay giảm hơn 11% xuống còn 7 triệu 160 ngàn tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Công cuộc chống tham nhũng hiện nay tại Việt Nam khiến một số quan chức cấp cao ngành dầu khí phải vướng vòng lao lý như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-jp-gas-agree-08012018095129.html
CSVN Đem Ngư Dân Đỡ Đạn
Vi Anh
Sự kiện và thời sự. Tin RFA , Hội nghị Quân ủy Trung ương của CSVN ngày 25-07-2018 đưa ra đề án xây dựng hải đội dân quân biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhà Nước CSVN, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ toạ hội nghị này. CSVN quan niệm trong tình hình hiện nay là cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và góp phần phòng ngừa, ngăn chận nguy cơ xung đột vũ trang trên biển.
Thời gian trước cũng có đề nghị trang bị vũ khí cho ngư dân khi đi đánh bắt tại Biển Đông; tuy nhiên có ý kiến phản đối e rằng Trung Quốc sẽ lấy lý do đó nhằm tấn công trực tiếp ngư dân VN.
Đi vào phân tích. Đề án trên không phải là sáng kiến của Quân Uỷ Trung Ương tức là bộ phận của Đảng CSVN lãnh đạo quân đội CSVN. Quân uỷ là cơ quan quyền cao chức trọng hơn bộ chỉ huy của quân đội CSVN. Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn phú Trọng kiêm nhiệm luôn chức chủ tịch Quân uỷ trung ương này. Nói một cách khác, việc đem dân ra biển để gọi là bảo vệ chủ quyền biển đảo là quyết định của Đảng CS, do Đảng CSVN, chớ không ai vào đó cả. Không một người dân nào có thể có ý kiến, ngư dân chỉ bị bắt vào làm dân quân, mang theo tàu ghe, lưới để giữ biển thay cho hải quân và cảnh sát biển của Đảng Nhà nước CSVN. Dân quân bị TC bắn chết ráng chịu vì là dân quân nên không có qui chế tiền tử, tiền thương tật như quân nhân và cảnh sát.
Dân quân biển hay dân quân bộ chết hay bị thương thay cho hải quân, cảnh sát biển, là những người hưởng lương bổng của Nhà Nước, được Nhà Nước cấp quân trang, quân dụng, sắc phục, lon lá, tàu bè, súng ống để có nhiệm vụ bảo vệ biển đảo VN mà họ sợ chết, sợ TC, không làm nhiệm vụ lại bắt dân ra làm trong khi dân không có vũ khí, quân bị, không có ăn lương như quân đội và cảnh sát biển mà phải làm nhiệm vụ thay cho hải quân và cảnh sát biển, là Đảng Nhà Nước đem dân ra bỏ biển, đem dân ra đỡ đạn TC.
Đề án lập dân quân biển không phải sáng kiến của CSVN mà bắt chứơc của quan thầy TC đã thực hiện trước lâu rồi. Nếu CSVN đưa dân quân ra gọi là ‘bám’, giữ biển thì coi như dâng cơm cho hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển của TC. Từ lâu TC đã tung hải quân, cảnh sát biển, lập đồn bót ở các đảo, quân số, vũ khí, tàu bè tốt, nhiều, nắm vững tình hình chiến thuật, đường đi nước bước của trận đồ về Biển Đông hơn dân quân biển VN. Còn CSVN thì sợ quan thầy TC, gọi tàu của TC là ‘tàu lạ’, khi tàu TC bắn giết dân quân VN, thì CSVN không cho Hải Quân, cảnh sát biên VN ra tiếp viện, cứu thương, không thể đòi TC bồi thường, trả tàu bè, hay trả hài cốt dân quân biển VN.
Một bằng cớ không thể chối cãi về CSVN đưa quân CSVN ra bảo vệ bị TC giết chết mà CSVN sợ quan thầy TC không cho nhân dân VN làm lễ tưởng niệm tử sĩ. 64 tử sĩ là “bộ đội CS” do Đảng Nhà Nước CS điều ra trong cuộc chiến Gạc Ma 29 năm trước, 14 tháng 3 năm 1988” chống quân Tàu đánh chiếm đảo bị chết, mà mấy chục năm sau Đảng Nhà Nước CSVN cũng không cho người dân tưởng niệm vì quá sợ TC. Dân chúng VN tổ chức tưởng niệm thì công an cảnh sát CS trấn áp đánh đập, lỗ đầu, đổ máu những bà con tham gia tưởng niệm 64 tử sĩ đã ngã xuống tại Hà nội, mà Đài RFA ngày 10/3/2017 và một số trang mạng xã hội của bà con trong nước loan tải.
Huống hồ ngư dân VN nếu nghe Đảng Nhà Nước CS tuyên truyền bảo ra bám biển giữ đảo, chiến đấu hy sinh thì CSVN thần phục TC sẽ không dám ra tiếp viện, không dám ra tản thương, và không cho tưởng niệm như đối với 64 tử sĩ Gạc ma.
Tình hình Biển Đông cho thấy TC không những đã quân sự hoá các bãi đá, các đảo, mà còn quân sự hoá ngư dân để tung ra khắp Biển Đông. Để giành biển chiếm đảo, để xác lập, bảo vệ chủ quyền của TC. Để khi cần TC mở cuộc ‘chiến tranh biển tàu’ như ‘chiến tranh biển người’ trên bộ thời Mao Trạch Đông đánh Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.
Chiến lược quân sự hoá ngư dân không còn lạ gì nữa, TC đã làm từ lâu, không giấu diếm gì cả. CSVN đã đi sau, đi lom khom so với TC. Dân quân trên biển của TC là một trong ba thứ quân của TC trên Biển Đông, gồm Hải Quân và Hải Cảnh và Dân quân. Dân quân do Đảng Nhà Nước TC tuyển dụng quân số, huấn luyện, đào tạo và cung cấp trang bị để trở thành một lực lượng bảo vệ biển thứ ba của Bắc Kinh, phối hợp với hai lực lượng chính qui là Hải Quân và Hải Cảnh. TC thành lập quân chủng này từ những năm 1970, lực lượng này không ngừng được phát huy quân số, tàu bè, mở rộng vùng hoạt động. Năm 1978 Dân Quân Biển Trung Quốc quân số đã lên 750.000 người và 140.000 tàu. Năm 2012 Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO cho biết Trung Quốc có khoảng 439.000 tàu đánh cá chạy bằng động cơ. Năm 2013 Trung Quốc có khoảng 21 triệu ngư dân, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.
TC đã tổ chức «những cuộc tập huấn thực tế trên biển cho các dân quân địa phương để tăng cường khả năng chiến đấu của họ,» cho phép «dân quân biển đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc tập trận do Hải Quân tổ chức».
Trong một phiên điều trần của Quốc Hội Mỹ tháng 09/2016, tiến sĩ Andrew Erickson, một chuyên gia hàng đầu về Dân Quân Biển Trung Quốc thẩm định: «Không nên ngộ nhận: đó là một lực lượng được Nhà Nước thành lập, phát triển và kiểm soát, hoạt động dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân đội». Đó là “một lực lượng mà nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là hoạt động bán quân sự, còn đánh cá chỉ là thứ yếu».
TC sử dụng lực lượng dân quân như lực lượng quân sự khi chiếm cứ, khiêu khích, chống đối tàu chiến của các nước đối phương, đánh đuổi, phá hoại tàu đánh cá của các nước trong vùng như VN, Mã Lai, Nam dương.
Từ cả chục năm nay TC tung hoành ngoài Biển Đông, chiếm cứ gần hết hai quân đảo Hoàng sa và Trường sa, mà đâu có thấy bóng dáng của hải quân, cảnh sát biển CSVN nào ra bảo vệ.
Đối với Mỹ, Nhựt hai cường quốc chống TC về Biển Đông, CSVN tỏ ra khôn vặt, tuyên bố chủ quyền trên biển đảo ở Biền Đông, để nhận viện trợ, chờ các nước làm cho CSVN hưởng. Chớ CSVN chưa có hành động bảo vệ biển đảo nào coi cho được. Đối với dân chúng VN, CSVN cũng tuyên bố chủ quyền để cho dân VN bớt oán hận việc CS cắt đất dâng biển cho quan thầy TC. Thực tế và thực sự chế độ CSVN là chế độ duy nhứt trong lịch sử VN công khai trấn áp dân chúng bày tỏ lòng yêu nước trước hành động bạo ngược của quân Tàu xâm chiếm đất nước, biển đảo của VN, nhưng không có hành đông bảo vệ nào coi cho được.
Nên VN còn CS là còn mất đất, mất biển, mất đảo vào tay TC./.( VA)