Tin Biển Đông – 01/07/2019
TQ bắt đầu tập trận 1 tuần gần Trường Sa
Truyền thông trong nước hôm 29/6 trích thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết nước này bắt đầu tập trận 1 tuần tại khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền.
Theo thông báo, cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 29/6 và kéo dài đến ngày 3/7. Các toạ độ được Cục Hải sự Trung Quốc thông báo cho cuộc tập trận nằm cách quần đảo Trường Sa khoảng 50 hải lý về phía bắc với diện tích khoảng hơn 22.000 km2.
Cục Hải sự Trung Quốc cũng cảnh báo các tàu thuyền hoạt động gần đó không được vào khu vực tập trận.
Thông báo tập trận của Trung Quốc diễn ra vào lúc lãnh đạo các nước đang gặp nhau ở Nhật Bản, tham dự Thượng đỉnh G20 cuối tuần này. Tại Thượng đỉnh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump để thảo luận về căng thẳng thương mại giữa hai nước. Sau cuộc gặp, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ không áp thêm thuế lên khoảng hơn 300 tỷ đô la hàng hoá của Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Hôm 21/6 vừa qua, hãng tin CNN cho biết hãng này đã có những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 máy bay chiến đấu J-10 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Các phân tích của chuyên gia được CNN trích cho thấy khả năng Trung Quốc sẽ duy trì các máy bay này trên đảo.
Hồi tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa.
Tại thời điểm đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đổi cuộc tập trận và gọi đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã đem quân ra chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam vào năm 1974 và kiểm soát quần đảo này từ đó đến nay.
http://biendong.net/bi-n-nong/29032-tq-bat-dau-tap-tran-1-tuan-gan-truong-sa.html
TQ ngày càng hung hăng
qua việc đâm chìm tàu cá Philippines
Như nhiều chuyên gia đã từng đánh giá “Biển đông luôn như thùng thuốc súng”, các hoạt động va chạm giữa các bên tranh chấp cũng như của các nước khác ngoài khu vực thường xuyên xảy ra trên Biển đông. Thời gian gần đây, các va chạm càng tăng lên, do sự cọ sát giữa Trung Quốc và Mỹ hơn nữa Trung Quốc triển khai nhiều lực lượng giám sát Biển đông nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển đông.
Vụ việc đang gây sự chú ý mấy ngày qua, đó là ngày 13/6/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Philipines cho biết tàu cá nước này bất ngờ bị “tàu Trung Quốc” đụng phải trong lúc đang neo đậu và bị chìm. Phía Trung Quốc sau đó rời khỏi hiện trường, bỏ rơi 22 ngư dân nhưng một tàu cá Việt Nam gần đó đã kịp thời cứu toàn bộ nạn nhân. Ngay sau đó đã có lời qua tiếng lại gay gắt giữa Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho đó chỉ là “tai nạn hàng hải thông thường”, còn Người Phát ngôn Tổng thống Philippines Salvador Panelo ngày 14.6 phản ứng lại “Điều chúng tôi nhắm đến là hành động bỏ mặc các ngư dân chứ không phải là việc va chạm tàu. Tai nạn xảy ra ở vùng biển xa nhưng hành động bỏ mặc ngư dân là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và không cần thiết phải có luật quốc tếvề điều đó. Đó là hành động nhân văn khi chìa tay ra cứu người trong lúc nguy cấp”.
Tranh cãi giữ Trung Quốc và Philippines về vụ việc tàu cá bị đâm chìm có phải là lần đầu tiên Trung Quốc gây ra những vụ việc tương tự trên Biển Đông, xin thưa đây không phải là việc gì mới, thời gian qua người chịu nhiều đàn áp của Trung Quốc phải kể đến ngư dân và tàu cá Việt Nam.
Việc đâm chìm tàu cá của các nước không phải đơn thuần là những tai nạn hàng hải thông thường như Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, mà đây là những hành động có chủ trương, ý đồ của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ráo riết sử dụng lực lượng Hải Quân bao gồm dùng hàng chục chiến hạm, hàng trăm tàu cảnh sát biển, và hàng ngàn tàu quân sự trá hình ngư dân đánh cá xua đuổi các tàu thuyền và tàu đánh cá của ngư dân các nước khỏi vùng biển quốc tế và khỏi cả chính vùng biển của các nước này; huy động hàng chục vạn tàu cá của ngư dân Trung Quốc chiếm lĩnh không chỉ vùng biển quốc tế nơi mà ngư dân các nước hoạt động đánh bắt thường xuyên mà còn vào sâu trong lãnh hải các quốc gia trong khu vực Biển Đông.
Việc đâm chìm tàu cá của các nước trên Biển Đông chỉ là một trong những kế sách của Trung Quốc; Trung Quốc đã và sẽ không từ thủ đoạn nào để nhằm độc chiếm Biển Đông, từ việc dùng vũ lực, ngoại giao, kinh tế….thể hiện rõ qua các hành động:
Về việc sử dụng vũ lực, từ năm 1956 và năm 1974 Trung Quốc đã sử sụng quân đội đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; Năm 1988 cũng lại dùng vũ lực chiếm 06 thực thể trên quần đảo Trường Sa làm cho hơn 60 lính Hải quân của Việt Nam hy sinh; năm
1992 đã đánh chiếm đảo Vành Khăn khi Philippines đang chiếm giữ. Và để tạo lợi thế quản lý, giám sát Biển Đông, Trung Quốc đã bồi lấp 06 thực thể trên quần đảo Trường Sa với diện tích gấp hàng trăm lần diện tích thực, trang bị khí tài quân sự với những hệ thống súng phòng không và vũ khí tầm gần được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công tên lửa.
Về mặt ngoại giao, kinh tế, Trung Quốc gây sức ép mạnh đối với các nước trong ASEAN thông qua các chính sách đầu tư tài chính nhằm “chia để trị”, đề nghị giải quyết tranh chấp với từng nước một. Với kế sách đàm phán song phương, Trung Quốc tách các quốc gia Đông Nam Á ra thành từng đối thủ riêng rẽ, để dễ dàng đè nát từng đối thủ một. Tuy nhiên, khi trung Quốc đưa ra yêu sách phi lý đường lưới bò chiếm 80% diện tích Biển Đông là lúc ở Biển Đông không còn là vấn đề song phương; khi Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo chiếm đóng để kiểm soát toàn bộ Biển Đông thì vấn đề Biển Đông không thể là vấn đề song phương nữa.
Trung Quốc luôn rêu rao, Biển Đông ổn định, không có vấn đề gì, nếu có vấn đề gì thì giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực tự giải quyết nhằm loại bỏ cộng đồng quốc tế ra khỏi vấn đề Biển Đông.
Một trong những kế sách nữa của Trung Quốc là thường xuyên thực thi chính sách cấm bắt đánh cá và đi lại trên Biển Đông. Dùng lực lượng Hải quân và cảnh sát biển để thực thi, biến Biển Đông thành biển riêng của Trung Quốc.
Trung Quốc thường xuyên đưa cư dân Trung Quốc đến các đảo Trung Quốc chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định chủ quyền. Trung Quốc cũng luôn nhăm nhe để lập vùng nhận diện hàng không ADIZ nhằm kiểm soát vùng trời Biển Đông.
Để hạn chế các vụ việc tương tự như vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines không xảy ra, các nước liên quan cần mạnh mẽ lên tiếng và có những hành động chung tay để làm thất bại các chủ trương thâm độc của Trung Quốc, như ông Carlos Zarate, một nghị sĩ thuộc Đảng Bayan Muna, kêu gọi Chính phủ Philippines phối hợp với các đối tác Việt Nam và Malaysia, tăng cường tuần tra sau sự việc tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines, “các cuộc tuần tra chung với Việt Nam và Malaysia cũng như các bên liên quan trong khu vực nên được tiến hành để ngăn chặn các động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Lực lượng ngư dân của các nước được quyền đánh bắt trong phạm vi vùng biển của mình theo quy định của luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982; Biển đông là khu vực mưu sinh nhiều đời nay của ngư dân các nước, không những thế ngư dân là một lực lượng quan trọng trong việcgiám sát, hỗ trợ thực thi chủ quyền biển của các nước; nếu các nước không có biện pháp hỗ trợ ngư dân thì môi trường sống của lực lượng này ngày càng bị Trung Quốc chèn ép làm mất ngư trường.
Nếu đểngư dân của các nước liên quan bị Hải quân Trung Quốc xua đuổi khỏi ngư trường của mình thì trên thực tế các nước này đã mất chủ quyền ở những vùng biển này đó tay Trung Quốc.
Thiết nghĩ ngoài việc lên tiếng phản đối, các nước như Philipines, Việt Nam… cần có thêm các hành động cả trên thực địa và có thể cả hành động pháp lý là kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
Để làm được việc này, các nước phải xây dựng lực lượng chấp pháp hùng mạnh, gấp rút đầu tư cho các lực lượng Hải quân, cảnh sát biển… và để làm thất bại tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc thì lực lượng hải quân và cảnh sát biển quốc tế là nhân tố không thể thiếu. Các nước đều có quyền tự do hàng hải, hàng không trên biển theo quy định của luật pháp quốc tế; khi lực lượng của các nước ngoài khu vực hiện diện trên Biển Đông sẽ làm cho Hải quân Trung quốc bớt ngông cuồng và không dám ngang ngược gây chiến trên Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/29025-tq-ngay-cang-hung-hang-qua-viec-dam-chim-tau-ca-philippines.html
Biển Đông:
Hình thành một liên minh vì tự do hàng hải
Ngày 28/06/2019 vừa qua, qua lời quốc vụ khanh Pháp phụ trách châu Âu và Ngoại Giao, Paris một lần nữa xác nhận quyết tâm tiếp tục tuần tra tại Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Trước đó, tại Đối Thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu, bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp cũng cho biết là Paris sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông mỗi năm hai lần. Các tuyên bố lập trường của Pháp mang đầy đủ ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên thành nước đang đe dọa quyền tự do đi lại trên vùng biển quốc tế mà Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích. Một ví dụ điển hình gần đây nhất là thông báo ngày 29/06 của Trung Quốc, cấm tàu bè qua lại trên một khu vực rộng hơn 20.000 cây số vuông ở phía bắc quần đảo Trường Sa, để quân đội nước này tập trận.
Những mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho quyền tự do hàng hải trên Biển Đông đã thúc đẩy Mỹ can thiệp, thường xuyên cho chiến hạm tuần tra trong khu vực để bảo vệ quyền tự do đi lại được quốc tế công nhận. Hành động của Mỹ càng lúc càng được nhiều nước khác ủng hộ, đặc biệt là các nước châu Âu, đi đầu là Pháp.
Trong một bài phân tích đăng trên trang mạng Asia Times tại Hồng Kông ngày 19/06/2019 (Coalition of the willing builds in South China Sea), chuyên gia Philippines Richard Javad Heydarian, đã không ngần ngại cho rằng một “liên minh bao gồm các quốc gia có thiện chí đang hình thành trên Biển Đông”.
Tính chính đáng của các chiến dịch tuần tra của Mỹ gia tăng
Ghi nhận đầu tiên của tác giả bài phân tích là việc Châu Âu tăng cường hiện diện trên vùng Biển Đông đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và các láng giềng đã góp phần củng cố tính chính đáng của các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải mà Mỹ đang thực hiện trong vùng, những động thái bị Bắc Kinh tố cáo là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Trung Quốc..
Theo ông Heydarian, cho dù dấu ấn quân sự của Châu Âu ở khu vực Biển Đông còn khiêm tốn, sự hiện diện ngày càng đông của những cường quốc cùng chí hướng ở các vùng biển bao quanh Trung Quốc nêu bật mối quan ngại chung của các nước về tham vọng chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.
Đối với chuyên gia Heydarian, tiến trình hình thành liên minh vì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông đang tăng tốc vào lúc Mỹ gia tăng sức ép lên Trung Quốc, nước vốn đòi hỏi chủ quyền trên một vùng biển rất rộng và ngày càng sử dụng lực lượng dân quân biển trá hình để sách nhiễu những quốc gia nhỏ bé hơn đang tranh chấp với Bắc Kinh.
Các nhà phân tích cho rằng việc Hoa Kỳ tăng cường áp lực răn đe Trung Quốc trong vùng Biển Đông, được nêu lên trong bản chiến lược mới của Mỹ ở Ấn Độ Thái Bình Dương được Lầu Năm Góc công bố, đã làm tăng khả năng xẩy ra những vụ va chạm nhỏ có nguy cơ bùng lên thành tranh chấp lớn hơn, lôi cuốn nhiều quốc gia vào cuộc.
Các hoạt động của chiến hạm Anh và Pháp qua lại Biển Đông trong thời gian gần đây đều đã bị Bắc Kinh lên án là có hành vi “bất hợp pháp”, nhưng hai quốc gia này đã cho thấy rõ là họ sẽ đứng bên cạnh Mỹ để đối đầu với Bắc Kinh trong bất kỳ kịch bản xung đột nào trong khu vực tranh chấp này.
Đức tham gia ?
Theo chuyên gia Heydarian, Đức có lẽ cũng sẽ can thiệp vào vùng biển sóng gió này. Nhiều thông tin cho biết là các giới chức cao cấp của Đức đang xem xét việc gởi tàu đến khu vực Biển Đông, cùng tham gia chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ.
Trong phát biểu tại Đại Học Quốc Phòng Bắc Kinh hồi tháng 10 năm ngoái 2018, bộ trưởng Quốc Phòng Đức, bà Ursula von der Leyden không nêu trực tiếp vấn đề Biển Đông, nhưng đã khẳng định rằng các tuyến đường biển “cần phải được tiếp tục tự do lưu thông, chứ không nên trở thành nơi triển khai sức mạnh”.
Vào trung tuần tháng 6 vừa qua, chính quyền Đức đã phủ nhận nguồn tin theo đó Berlin đã có kế hoạch cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, một động thái được cho là tiếp nối theo hành động của chiến hạm Pháp từng băng qua eo biển Đài Loan, chở theo các quân nhân Đức trong tư cách quan sát viên.
Nếu Đức quyết định dấn thân vào Biển Đông, điều đó có nghĩa là nước này sẽ phải dùng đến các chiến hạm đang được triển khai trong các chiến dịch của NATO, một hành động chắc chắn sẽ làm Trung Quốc nổi giận, khuấy động thêm mối lo ngại của Bắc Kinh là bị phương Tây bao vây.
Ông Heydarian nhắc lại là ngoài các nước châu Âu, ba quốc gia Úc, Ấn Độ và Nhật Bản trong thời gian gần đây cũng đã hợp tác với Mỹ trong các chiến dịch tự do hàng hải và trợ giúp các nước nhỏ trong khu vực tăng cường năng lực hải quân.
Trong thời điểm hiện tại, các cuộc diễn tập đa phương do Mỹ dẫn đầu ngày càng gia tăng về mặt quy mô cũng như tần suất, nhằm phản ứng trước việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể mà họ kiểm soát trên Biển Đông. Câu hỏi đang được đặt ra là một loạt những hành vi khiêu khích gần đây của Trung Quốc, trong đó có vụ đâm chìm tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ngày 09/06, phải chăng là những đòn cảnh cáo của Bắc Kinh trước công cuộc hợp tác hải quân với Mỹ ?
Hoạt động của Anh Quốc tại Biển Đông
Về các hoạt động gần đây của các thành viên châu Âu trong điều có thể gọi là “Liên Minh vì Tự Do Hàng Hải trên Biển Đông” này, chuyên gia Heydarian trước tiên chú ý đến Anh Quốc.
Vào tháng Giêng, hộ tống hạm Anh Quốc HMS Argyll, cùng với khu trục hạm Mỹ USS McCampbell, trang bị tên lửa dẫn đường, đã thao diễn trong suốt 6 ngày ở Biển Đông để cổ vũ cho “an ninh và thịnh vượng của khu vực”.
Trước đó, hồi cuối tháng 12 năm 2018, Anh Quốc đã cho tàu đổ bộ tấn công HMS Albion tham gia các cuộc tập trận chống ngầm ba bên cùng với Mỹ và Nhật Bản gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Các cuộc diễn tập rõ ràng nhằm vào đội tàu ngầm của Trung Quốc.
Điểm đáng nói là cuộc tập trận diễn ra chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc cáo buộc Anh Quốc về hành động bị cho là “khiêu khích”, khi cho chiến hạm Albion di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa đang do Trung Quốc chiếm đóng, nhưng Việt Nam vẫn đòi chủ quyền.
Trong những tuần tới, Anh Quốc sẽ cho tàu sân bay Queen Elizabeth, cùng với hai phi đội máy bay chiến đấu tấn công F-35B Lightning II, tới khu vực tranh chấp.
Luân Đôn đã thừa nhận rằng sự hiện diện đang gia tăng của họ trên Biển Đông đang khiến cho quan hệ với Bắc Kinh thêm phức tạp, nhưng Anh Quốc không có dấu hiệu lùi bước.
Pháp cũng can dự nhiều hơn vào Biển Đông
Theo chuyên gia Heydarian, Pháp, một cường quốc châu Âu khác có lợi ích lãnh thổ và hàng hải rộng lớn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, đã tăng cường sự hiện diện và hoạt động ở Biển Đông.
Vào tháng Tư, hộ tống hạm Pháp Vendémiaire của Pháp đã đi qua eo biển Đài Loan, một động thái khiến Trung Quốc hủy bỏ lời mời Pháp tham gia cuộc diễu hành hải quân quốc tế kỷ niệm 70 năm thành lập Hải Quân Trung Quốc.
Hành trình của tàu Pháp qua eo biển Đài Loan đã bị chiến hạm Trung Quốc theo dõi sát, Bắc Kinh đồng thời gởi công hàm cực lực phản đối Paris về hành động “xâm phạm bất hợp pháp” vùng biển của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp bà Florence Parly đã trả lời vào tháng 5 rằng Pháp sẽ tiếp tục cử tàu đến Biển Đông ít nhất hai lần một năm.
Cả Anh và Pháp đều cho rằng các hoạt động quá cảnh Biển Đông là những nỗ lực thường xuyên để bảo vệ tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế. Hiện người ta đang chờ đợi xem trả lời dứt khoát của Đức, cường quốc kinh tế châu Âu, nhưng tương đối nhẹ cân trong lãnh vực hải quân, trong việc tham gia vào công cuộc bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190701-bien-dong-mot-lien-minh-vi-quyen-tu-do-hang-hai-dang-hinh-thanh