Tin Biển Đông – 01/07/2017
Ba đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa
sẵn sàng được bố trí thiết bị quân sự
Ba đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc bồi đắp lên tại khu vực Trường Sa nay sẵn sàng để được bố trí các trang thiết bị quân sự như bệ phóng tên lửa…
Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải AMTI thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo gần đây và được truyền thông quốc tế loan đi vào cuối tháng 6.
Theo đó thì hoạt động xây dựng tại ba đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập thuộc Trường Sa với những công sự phòng thủ, đài radar, cơ sở hải quân, không quân… gần như hoàn thành. Bắc Kinh nay có thể bố trí những thiết bị quân sự gồm máy bay chiến đấu, dàn phóng tên lửa di động bất cứ lúc nào.
AMTI còn lưu ý những công trình ngầm chắc hẳn được xây dựng để chứa đạn dược và những trang thiết bị khác.
Theo nhận định của AMTI thì với 3 căn cứ không quân tại Trường Sa cùng một căn cứ khác trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ đủ khả năng cho máy bay quân sự quần thảo khắp khu vực Biển Đông.
Còn Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ trong phúc trình thường niên năm nay gửi Quốc hội nêu rõ mặc dù hoạt động cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc không củng cố về mặt pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh cũng như tạo thêm bất cứ lãnh hải mới nào cho Trung Quốc tại khu vực Biển Đông; nhưng nước này có thể sử dụng những thực thể tạo nên ở đó làm căn cứ quân sự cũng như dân sự nhằm gia tăng sự hiện diện, nâng cao khả năng kiểm soát khu vực.
Hoạt động củng cố các điểm tiền tiêu của Trung Quốc phản ánh tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông của Trung Quốc dù có những tranh chấp với một số nước khác trong khu vực như Philippines, Malaysia, Việt Nam.
Vào tháng tư vừa qua, cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Florida được đánh giá dường như hai nước xích lại gần nhau hơn; tuy nhiên thực tế cho thấy không thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi chiến lược biển của họ.
Trung Quốc xây thêm cơ sở quân sự trên biển Đông
Báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết Trung Quốc xây thêm các cơ sở quân sự mới trên các hải đảo ở biển Đông, một động thái có thể tăng thêm căng thẳng với Washington.
Washington luôn cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa tuyến hải lộ trọng yếu trong khu vực, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được giao thương hàng năm.
“Người thật không nên tin vào các đảo giả.”
Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ
Báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, công bố hôm 29/6 nói các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy có thêm các kho chứa thiết bị phóng tên lửa, thiết bị cảnh báo sớm và radar cũng như các cơ sở hạ tầng khác mới được xây dựng trên 3 đảo Đá Chữ thập, Đá Vành khăn và Đá Subi. Ba đảo này thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Hôm 28/6, Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris đã chỉ trích các đảo “giả” này của Trung Quốc và nói trong một bài phát biểu tại Trung tâm Chính sách Chiến lược Úc ở Brisbane rằng “Người thật không nên tin vào các đảo giả.” Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ lên án “Trung Quốc đang dùng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình để làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.”
Mỹ đã chỉ trích việc xây dựng các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên các hòn đảo nhân tạo và lo ngại rằng chúng có thể được sử dụng để hạn chế sự đi lại tự do trên biển Đông, theo Reuters.
Trung Quốc đã xây dựng thêm 4 kho chứa thiết bị phóng tên lửa tên đảo Đá Chữ thập cùng với 8 kho chứa khác đã được xây dựng trên hòn đảo này.
Báo cáo của AMTI ra ngày 29/6
Tháng trước, một tàu chiến Hải quân Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý của đảo Đá Vành khăn trong cái gọi là hoạt động tự do hàng hải. Đó là thách thức đầu tiên của Hải quân Mỹ đối với Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền trên vùng biển mà Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền trên hầu hết.
Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc của Mỹ rằng nước này đang quân sự hóa biển Đông mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền từng phần.
Báo cáo của AMTI cho biết Trung Quốc đã xây dựng thêm 4 kho chứa thiết bị phóng tên lửa tên đảo Đá Chữ thập cùng với 8 kho chứa khác đã được xây dựng trên hòn đảo này. Đá Vành khăn và Đá Subi mỗi đảo đều có 8 kho cùng loại, theo báo cáo trước đây của AMTI. Kho chứa trên Đá Chữ thập được cho là đủ lớn để chứa 24 chiến đấu cơ và 3 máy bay lớn hơn, kể cả máy bay ném bom.
Vào tháng 2, nguồn tin riêng của Reuters cho biết Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng các kết cấu để chứa tên lửa đất đối không tầm xa trên 3 đảo này.
Việt Nam là một trong những nước trong khu vực thường xuyên lên tiếng phản đối và tái khẳng định chủ quyền của mình trước những hoạt động củng cố quân sự của Trung Quốc trên biển Đông. Nhưng theo giáo sư Tạ Văn Tài trong một cuộc phỏng vấn với VOA mới đây, thì những phản đối của Việt Nam từ trước tới nay vẫn “chưa đủ quyết liệt.”
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-xay-them-co-so-quan-su-tren-bien-dong/3923201.html
Việt Nam muốn Nga đóng vai trò tích cực trên biển Đông
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng giải pháp hòa bình theo luật lệ quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại điện Kremlin hôm 29/6 để bàn việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược và ký kết thêm các hợp đồng hợp tác song phương, theo trang web của điện Kremlin.
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật rằng trong bản tuyên bố chung được đọc cho báo chí tại điện Kremlin, 2 nhà lãnh đạo đồng ý rằng bất cứ tranh chấp nào về lãnh thổ và biên giới cần được giải quyết một cách hòa bình và không sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982 (UNCLOS) của Liên Hiệp Quốc.
Kênh truyền hình tin tức của Nga Ruptly TV trích dẫn Chủ tịch nước Việt Nam nói: ”Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Nga và muốn Nga tiếp tục đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.”
Cả 2 nhà lãnh đạo kêu gọi nhanh chóng thông qua một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC). Tuyên bố chung nêu rõ “Nga và Việt Nam ủng hộ và thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.”
Hai bên còn đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng. Báo chí trong nước đặc biệt nêu bật tầm quan trọng của hợp tác đào tạo quân sự trong quan hệ Việt-Nga.
Nga đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Việt Nam để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mosow tại Đông Nam Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định rằng để thoát dần ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam đang tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác với cả Hoa Kỳ và Nga.
Một cuộc thăm dò công chúng do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào năm ngoái cho thấy 75% người Việt có quan điểm tích cực về nước Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng lên tiếng ủng hộ “vai trò lớn hơn của Nga trong các vấn đề toàn cầu”.
Việt Nam và Nga đặt chỉ tiêu tăng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 10 tỷ USD trước năm 2020. Dầu khí sẽ tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa 2 nước, theo tổng thống Putin. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác và mở rộng vùng thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.
Vietsovpetro, một liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Nga, chiếm 1/3 lượng dầu thô được khai thác ở Việt Nam.
Tranh cãi về khai thác dầu trên biển Đông được cho là lý do khiến mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc căng thẳng sau chuyến thăm bị cắt ngắn của một quan chức quốc phòng Trung Quốc tới Hà Nội.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer trên The Diplomat, vụ việc này “là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn trong vấn đề đối phó với các hoạt động khai thác dầu của Việt Nam và Philippines trên biển Đông.”
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-muon-nga-dong-vai-tro-tich-cuc-tren-bien-dong/3923131.html