Tin Biển Đông – 01/04/2020
Lợi dụng dịch bệnh, Trung Quốc ngang nhiên
đưa máy bay quân sự ra đảo Trường Sa
Tâm Tuệ
Trong lúc cả thế giới hướng sự lo lắng về đại dịch virus Vũ Hán, Trung Quốc điều máy bay vận tải quân sự Y-8 trái phép xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 28/3.
ImageSat International (ISI), hãng cung cấp hình ảnh vệ tinh của Israel, hôm 29/3 đăng lên Twitter hình ảnh vệ tinh cho thấy một máy bay vận tải quân sự Thiểm Tây Y-8 của Trung Quốc “có thể đưa hàng tiếp tế” đến đá Chữ Thập ở Trường Sa của Việt Nam – khu vực bị Trung Quốc cưỡng chiếm và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.
“Hoạt động định kỳ của máy bay quân sự ở khu vực Biển Đông có thể cho thấy quân đội Trung Quốc gần như không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế tại nước này”, ISI viết kèm hình ảnh chụp ngày 28/3, đề cập đến đại dịch virus Vũ Hán khởi phát từ Trung Quốc và đang bùng phát trên toàn cầu.
Về sự việc này, một số bên ngoại giới đã lên tiếng phản ứng. Chuyên gia quốc phòng Swee Lean Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định với báo Philippine Daily Inquier rằng, Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động ở Biển Đông, nhưng vì đại dịch virus Vũ Hán đang hoành hành trên toàn cầu, khiến cộng đồng quốc tế giảm chú ý tới những hành động của Bắc Kinh ở khu vực.
Trước đó ít ngày, Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc thừa nhận rằng, họ đã khánh thành hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), bao gồm nhiều phòng lab về sinh thái học, địa chất học và môi trường.
Phía Việt Nam, ngày 26/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng về hành động của chính quyền Trung Quốc. Bà Hằng nói: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức
tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, Theo Zing.
Đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và đá Subi là 3 trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa biến các thực thể này thành tiền đồn ở Biển Đông.
TQ với chiêu trò ‘chạy tội’
tạo cớ gây căng thẳng trên Biển Đông
Gần đây, tổ chức tham vấn SCSPI nổi lên như một đơn vị nghiên cứu chuyên công bố các báo cáo nhằm đổ lỗi cho nước khác liên quan tình hình Biển Đông.
Một đơn vị nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa công bố báo cáo về tình hình Biển Đông, với nội dung gần như đổ lỗi cho nước khác về tình hình Biển Đông, đồng thời ẩn chứa dấu hiệu chủ động leo thang căng thẳng.
Ngày 30.3, tờ South China Morning Post, thuộc Tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma, đăng bài phân tích US military operations in South China Sea increase risk of confrontation, think tank says (tạm dịch: Tổ chức tham vấn đánh giá các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ).
Đánh giá trách nhiệm
Theo đó, chính các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực khiến cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Bài viết trên tổng hợp từ báo cáo về hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông, vừa được công bố vào ngày 28.3 bởi Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) – Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).
Đọc toàn bộ báo cáo vừa nêu dài 47 trang, thực tế chỉ cung cấp thông tin về một phía là Mỹ với các nội dung như Washington năm 2019 đã đẩy mạnh điều tàu chiến các loại từ tàu khu trục, tàu ngầm, tàu sân bay… hoạt động ở Biển Đông; thực thi tự do hàng hải (FONOP); tăng cường hợp tác quân sự và viện trợ quân sự với nhiều nước trong khu vực…
Báo cáo trên cũng cho rằng phía Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động như thế, đồng thời “nói quá” việc Trung Quốc tăng cường triển khai vũ khí để “bảo vệ chủ quyền” ở các rạn san hô, thực thể nhân tạo ở Biển Đông.
Chối bỏ thực tế
Rõ ràng, báo cáo trên đã quá phiến diện, thiếu khách quan để dẫn dắt bản chất tình hình Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Tạm bỏ qua động cơ của Washington khi tăng cường hoạt động quân sự trên Biển Đông, thì rõ ràng chính Bắc Kinh mới là nguồn cội của những động thái khiến thế giới cũng như các nước trong khu vực phải lo ngại.
Kẻ đàn – người hát
Gần đây, SCSPI nổi lên như một đơn vị nghiên cứu chuyên công bố các báo cáo nhằm đổ lỗi cho nước khác liên quan tình hình Biển Đông. Ngoài báo cáo ngày 28.3 về hoạt động quân sự của Mỹ, SCSPI vừa qua cũng đã tung ra báo cáo vô căn cứ khi cho rằng tàu cá VN “vây hãm” đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Trong khi SCSPI chuyên “sản xuất” báo cáo có lợi cho Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) của nước này lại có nhóm chuyên gia ra sức đăng tải các bài viết theo kiểu đánh tráo khái niệm, nhằm đổ lỗi cho các nước khác. Điển hình trong số này là các chuyên gia như TS Mark Valencia (học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Nam Hải) và ông Ngô Sĩ Tồn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải). Rất nhiều lần, TS Valencia đã dùng báo cáo của SCSPI làm “bằng chứng” cho luận điểm khi nhận xét về Biển Đông.
Cụ thể, từ trước khi Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự vào năm 2019 như báo cáo trên kết luận, Trung Quốc đã có nhiều năm cấp tập xây dựng hạ tầng, quân sự hóa, bố trí vũ khí với hỏa lực hạng nặng trên các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Cụ thể như từ năm 2016, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã xây dựng xong đường băng dài 3.000 m, nhà chứa máy bay cỡ lớn… ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng năm 2016, các hình ảnh khác cũng chỉ ra hiện trạng tương tự trên hai bãi đá Xu Bi và Vành Khăn (quần đảo Trường Sa) mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.
Chỉ thời gian ngắn sau khi hoàn thành các cơ sở hạ tầng, Trung Quốc lại tiến thêm một bước là điều động nhiều loại máy bay quân sự đến khu vực này, dù chưa rõ có đồn trú hay không. Đến năm 2018, ngoài dấu vết máy bay quân sự tại các bãi đá này, những loại vũ khí như hệ thống tên lửa đối hạm YJ-12B, tên lửa đối không HQ-9B cũng đã được triển khai đến các bãi đá ở Trường Sa, theo hình ảnh vệ tinh và phân tích được công bố bởi Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ).
Đó là chưa kể các loại radar và nhiều phương tiện quốc phòng khác cũng được Trung Quốc đưa đến khu vực trên. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên điều động chiến hạm thường xuyên xuất hiện tại Biển Đông và quấy phá nhằm vào các nước trong khu vực.
Mở đường tạo căng thẳng
Không chỉ “chạy tội”, phía Trung Quốc có dấu hiệu muốn tạo cớ để leo thang căng thẳng trên Biển Đông bằng cách tăng cường tập trận. Bằng chứng là ngày 29.3, tức 1 ngày sau khi SCSPI công bố báo cáo trên, tờ South China Morning Post đăng bài viết Beijing may step up drills in South China Sea amid rising tensions with US military, analysts say (tạm dịch: Chuyên gia nhận định Bắc Kinh có thể tăng cường tập trận ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng gia tăng với quân đội Mỹ).
Chuyên gia mà bài báo dẫn trích là nhà phân tích Zhou Chenming từ Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng Trung Quốc có thể xem các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông như “động lực” để tăng cường tập trận nhằm nâng cao khả năng tác chiến. Thực tế, trong 3 tháng vừa qua, Bắc Kinh cũng đã tiết lộ việc hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông – diễn biến mà giới chuyên gia quốc tế nhận xét là nhằm đe dọa các nước khác trong khu vực.
Chính vì vậy, những dấu hiệu trên ẩn chứa nguy cơ Trung Quốc “mượn cớ” để tăng cường tổ chức tập trận trên Biển Đông dẫn đến tình hình thêm căng thẳng.
TQ đã nắm được công nghệ then chốt
để khai thác băng cháy trên Biển Đông
Với việc khai thác thành công số lượng lớn băng cháy và khí đốt ở vùng biển sấu 1.225m cho thấy Trung Quốc đã nắm được công nghệ then chốt để khai thác nguồn tài nguyên mới trên Biển Đông.
Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc (26/3) cho biết, trong một tháng khai thác (17/2 – 18/3), Trung Quốc khai thác kỷ lục 862.400 m3 khí tự nhiên từ băng cháy ở Biển Đông và lượng khí thu được trong một ngày đạt 287.000 m3. Hoạt động khai thác trên được tiến hành tại một khu vực nằm ở phía Bắc Biển Đông, ở độ sâu 1.225 m. Hiện chưa rõ chính xác vị trí khai thác này. Đáng chú ý, Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc cho biết, trong quá trình khai thác lần này, Trung Quốc đã sử dụng công nghệ kỹ thuật khoan giếng thẳng đứng, đánh dấu Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ này để khai thác băng cháy.
Băng cháy được hình thành từ những phân tử mêtan nằm trong các phân tử nước kết tinh, thường được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, quy trình khai thác loại năng lượng này khó khăn và rất tốn kém. Trong khi đó, khí mêtan được chiết xuất bằng cách nâng nhiệt độ, hoặc giảm áp lực, để phân giải các hydrat thành khí và nước. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, 1m3 mêtan hydrat có thể tỏa 164m3 khí mêtan và 0,83m3 nước. Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về trữ lượng mêtan hydrat trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Mỹ, trữ lượng loại khí này có thể lớn hơn cả “khối lượng của tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch đã được biết” (như dầu mỏ, than đá…). Các nhà nghiên cứu độc lập thì tỏ ra ngập ngừng trong việc đưa ra số liệu về quy mô của các mỏ băng cháy. Nhưng theo họ, số lượng các mỏ này rất lớn và có thể “làm thay đổi cán cân” đối với các nước có trữ lượng hạn chế về năng lượng hóa thạch truyền thống.
Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc từng công bố phát hiện một trữ lượng khí hydrate (băng cháy) lớn ở lưu vực sông Châu phía bắc Biển Đông và sẽ có thể khai thác trên quy mô thương mại sau năm 2030. Theo thông báo, khu vực phát hiện khí hydrate ở bể trầm tích sông Châu kéo dài 55km2 với trữ lượng ước tính tương đương khoảng 100 – 150 tỷ m3 khí tự nhiên. Trữ lượng này tương đương với mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất của Trung Quốc tại Tứ Xuyên. Ngoài ra, kết quả khảo sát trong vòng 4 tháng
qua của Cục Khảo sát Địa chất biển Quảng Châu còn cho thấy, tại 23 giếng phía nam vùng biển ngoài khơi Quảng Đông, có 2 tầng chứa hydrate dày từ 15-30m ở độ sâu từ 600 – 1.000m dưới đáy biển.
Được biết, băng cháy lần đầu được phát hiện ở phía Bắc nước Nga (năm 1960), song việc nghiên cứu khai thác chúng dưới đáy biển sâu chỉ bắt đầu khoảng 10-15 năm gần đây. Nhật Bản là nước tiên phong trong lĩnh vực khai thác băng cháy do thiếu tài nguyên thiên nhiên. Tháng 3/2013, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) đã tiến hành thử nghiệm sản xuất khí đốt từ băng cháy ở khu vực vịnh Nankai, chiết xuất thành công trung bình 20.000m3 khí đốt trong 6 ngày. Cơ quan Tài nguyên tự nhiên và Năng lượng Nhật Bản (ANRE) dự kiến Nhật Bản sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhằm khởi động các dự án thương mại hóa sản xuất khí đốt từ băng cháy vào khoảng giữa năm 2020.
Mỹ và Canada cũng đang nghiên cứu cách khai thác băng cháy dưới lớp băng vĩnh cửu ở khu vực phía Bắc Alaska và Canada. Đại học Texas ở Austin đã và đang chủ sự một chương trình nghiên cứu đa ngành về băng cháy ở Vịnh Mexico từ năm 2014-2020, với sự hỗ trợ của Bộ Năng lượng Mỹ. Khi bắt đầu chương trình vào năm 2014, Giáo sư Peter Flemings, Viện Nghiên cứu Địa vật lý thuộc Đại học Texas – một trong những nhà khoa học chính tham gia vào chương trình nói trên đã lưu ý: “Công việc chính của dự án này là lấy các mẫu nguyên vẹn, để chúng ta có thể hiểu rõ hơn cách tạo ra các lớp trầm tích này. Điều này cũng tương tự như cách chúng ta đã từng nghiên cứu về dầu và khí đá phiến 20, 30 năm trước. Khi đó, không ai trong chúng ta nghĩ rằng có thể sản xuất ra hydrocarbon từ đá phiến”.
Trong khi đó, Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng hội Địa chất Việt Nam đánh giá vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam hội tụ đủ điều kiện hình thành băng cháy như độ sâu đáy biển, đặc điểm địa mạo, nhiệt độ đáy biển, trầm tích, nguồn khí, các dấu hiệu địa hóa, địa vật lý… Đặc biệt là cấu trúc địa chất, bối cảnh địa chất và một trong các điều kiện tiên quyết là sự xuất hiện của các bể chứa dầu khí Sông Hồng, Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây, Nam Côn Sơn, các nhóm bể Hoàng Sa, Trường Sa. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam có 4 khu vực có trữ lượng băng cháy lớn, gồm: Quần đảo Hoàng Sa, Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây và quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên việc nghiên cứu băng cháy ở Việt Nam còn gặp rất khó khăn, đặc biệt về công nghệ khai thác. Vì vậy, khó có khả năng Việt Nam sẽ khai thác thành công băng cháy trong tương lai gần.
TQ đang đi quá giới hạn chịu đựng
của các nước trên Biển Đông
Không chỉ tiến hành xâm chiếm biển đảo của nước khác, Trung Quốc còn ngang nhiên tiến hành quân sự hóa trên các đảo, đá chiếm đóng trái phép; tăng cường tuần tra, tấn công tàu thuyền nước khác; đâm va, cản phá các nước thăm dò khai thác dầu khí trên biển; lợi dụng vấn đề nghiên cứu khoa học để củng cố cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông… những hành vi trên của Trung Quốc đã đi quá giới hạn chịu đựng của các nước trong khu vực.
Trung Quốc liên tục khiêu khích
Từ cuối năm 2019 đến nay, Trung Quốc liên tục tăng cường các hoạt động phi pháp trên Biển Đông, đe dọa nghiệm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực và khiêu khích giới hạn chịu đựng của các nước.
Trung Quốc tiến hành tuần tra, tập trận phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã liên tục tiến hành tuần tra, tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough (chiếm từ tay Philippines vào năm 2012). Trung Quốc vừa tiến hành “tuần tra chiến đấu”, vừa tiến hành tập trận chiến đấu thực tế, cho thấy quân đội Trung Quốc có thể triển khai “chiến đấu” bất cứ lúc nào. Điều này thể hiện Trung Quốc quyết tâm kiểm soát bằng được vùng biển, vùng trời theo yêu sách “đường chín đoạn” vô lý, phi pháp ở Biển Đông.
Không những vậy, Trung Quốc ngang nhiên điều tàu dân quân biển, tàu chấp pháp vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Malaysia, Indonesia…; cho tàu cản phá hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia; đưa tàu cá, tàu chấp pháp vào hoạt động trái phép trong vùng biển Natuna của Indonesia… buộc các nước phải điều chỉnh chính sách, đưa lực lượng chấp pháp ra ngăn chặn, xua đuổi tàu Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đơn phương xây dựng, triển khai và đưa vào vận hành nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học trá hình trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc được cho là lợi dụng chiêu bài nghiên cứu khoa học để phục vụ âm
mưu kiểm soát Biển Đông và hoạt động quân sự trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa tàu chiến, máy bay chiến đấu theo đuổi, gây hấn với tàu chiến của Mỹ khi tuần tra tự do hàng hải hợp pháp trong khu vực Biển Đông.
Các nước chung tay đối phó Trung Quốc
Mỹ liên tục cử máy bay, tàu chiến tiến hành tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trong các hoạt động trên của Mỹ, nhiều lần nước này đã cử tàu chiến đi vào trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Hành động này của Mỹ được coi là thách thức “giới hạn đọ” và yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyên gia Jeff M.Smith, Giám đốc chương trình Nam Á, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ ở Washington cho rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Hoa Đông đã vượt xa ranh giới khu vực, do đó, đã đến lúc Mỹ phải đặt ra “giới hạn đỏ” đối với Trung Quốc. Theo chuyên gia Jeff M. Smith, vấn đề chủ quyền hàng hải trong vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông bao gồm nhiều nội dung hơn chứ không chỉ đơn giản là tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Nó cũng liên quan đến một loạt bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và đặc biệt là quyền của quân đội Mỹ tiến hành các hoạt động giám sát ở khu vực đó. Mỹ cần phải vạch ra “giới hạn đỏ” về những hành vi, thái độ không thể chấp nhận trong lĩnh vực hàng hải của Trung Quốc. Mỹ có lẽ là nước duy nhất có khả năng vạch ra và thực thi “giới hạn đỏ” với Trung Quốc, bởi chính quyền Bắc Kinh trong khi bắt nạt các nước láng giềng, nhưng vẫn phải thừa nhận và tôn trọng sức mạnh của Mỹ. Hơn nữa các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang phụ thuộc vào Mỹ là một bức tường lửa chống lại sự xâm lược của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Không chỉ tuần tra tự do hàng hải, Mỹ còn tăng cường hợp tác quân sự song phương, đa phương với các nước trong khu vực để đối phó với Trung Quốc. Mới đây nhất, Mỹ đã điều tàu chiến hiện đại tham gia cuộc tập trận “Hổ mang vàng” với Thái Lan; điều tàu sân bay USS Theodore Roovelft thăm Việt Nam; đưa tàu chiến di chuyển qua eo biển Đài Loan…
Trong khi đó, các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Việt Nam… đã tăng cường lực lượng chấp pháp hiện diện trên Biển Đông để ngăn chặn, xua đuổi tàu Trung Quốc hoạt động trái phép. Indonesia một mặt tăng cường hiện đại hóa lực lượng hải quân và lực lượng chấp pháp, mua sắm nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại như tàu chiến, máy bay chiến đấu; mặt khác, Indonesia gia tăng hiện diện quân sự trên thực địa, sẵn sàng đáp trả hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Mới đây, khi Trung Quốc đưa gần 100 tàu cá và tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng biển Natuna, Chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có những động thái cứng rắn nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển. Ngoài việc điều thêm lực lượng, tàu chiến, máy bay chiến đấu tới tuần tra vùng biển này, Tổng thống Joko Widodo cũng đã tới thị sát trên thực địa nhằm khẳng định quyết tâm của Chính quyền trong việc bảo vệ chủ quyền. Không những vậy, quân đội Indonesia đã điều cả máy bay F-16 giám sát, xua đuổi các tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Natuna.
Giải pháp khả thi
Về phương diện khoa học luật quốc tế, các quốc gia không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, mà phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định, hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế là một nghĩa vụ pháp lý của tất cả các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế. Căn cứ vào bản chất, thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp, các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế có thể được chia làm hai nhóm cơ bản:
Thứ nhất, các biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính ngoại giao, gồm các biện pháp đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, giải quyết trước các tổ chức quốc tế bằng các hiệp định khu vực, với đặc điểm cơ bản là giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, thương lượng thông qua các diễn đàn, Hội nghị quốc tế do các bên tranh chấp hoặc bên thứ ba tổ chức. Có thể kể đến là các tổ chức quốc tế liên chính phủ như ASEAN, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi,… Kết quả giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp này thường là các nghị quyết, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế hoặc các cam kết và các điều ước quốc tế được các bên tranh chấp ký.
Thứ hai, các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán. Các biện pháp này có đặc điểm là giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp, thông qua hoạt động xét xử với kết quả giải quyết tranh chấp là các phán quyết của Tòa án quốc tế hoặc Trọng tài quốc tế có giá trị chung thẩm, bắt buộc các bên liên quan phải tuân thủ và thực hiện.
Ngoài hai nhóm biện pháp trên, một biện pháp mới không được đề cập trong Hiến chương nhưng được áp dụng rất nhiều trong thực tiễn là môi giới giải quyết tranh chấp. Nghĩa là, các cá nhân có uy tín lớn
trong quan hệ quốc tế như Nguyên thủ quốc gia, Tổng thư ký hoặc nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được các bên tranh chấp đề nghị đứng ra thuyết phục để các bên gặp gỡ, tiếp xúc nhằm giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước 1982 đã dành ra 9 điều và 4 phụ lục để quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong khuôn khổ Công ước 1982, Điều 287 quy định bốn cơ quan giải quyết tranh chấp: (1) Tòa quốc tế về Luật biển được thành lập theo Phụ lục VI; (2) Tòa án Công lý quốc tế; (3) Tòa Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII, để giải quyết một hay nhiều tranh chấp đã được quy định rõ trong đó; (4) Tòa trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII. Một lưu ý rằng, nếu các bên trong tranh chấp không chọn trước hay không thỏa thuận được cơ quan giải quyết tranh chấp nào trong bốn cơ quan trên, thì phải dùng đến Tòa trọng tài quốc tế. Nghĩa là, nếu các bên không có tuyên bố trước hoặc có thỏa thuận khác, biện pháp giải quyết bằng Tòa trọng tài quốc tế mặc nhiên được áp dụng.
Đối với căng thẳng ở Biển Đông hiện nay, việc tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu và duy nhất là khó có khả thi. Tuy nhiên, các nước liên quan tranh chấp chủ quyền, cũng như các nước có lợi ích ở Biển Đông có thể triển khai một số biện pháp nhằm hạn chế gia tăng căng thẳng, tăng cường hợp tác, trao đổi để từng bước xây dựng nền móng giải quyết triệt để tranh chấp ở Biển Đông. Cụ thể: (1) Để có giải pháp chung cuộc đối với tranh chấp trên Biển Đông thì các nước liên quan cần sẽ theo đuổi con đường đàm phán, trao đổi với các bên có tranh chấp để đạt được thỏa thuận hợp lý. (2) Trong khi chờ đợi có được giải pháp lâu dài đó, các nước liên quan cũng cần sẵn sàng chấp nhận những giải pháp tạm thời, bao gồm hợp tác trên những vấn đề không nhạy cảm như tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ môi trường và hợp tác cùng khai thác. Riêng trên vấn đề hợp tác cùng khai thác (dầu khí) mà Bắc Kinh lâu nay vẫn vận động các nước thực hiện theo nguyên tắc “gạt tranh chấp, cùng hợp tác” trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không thể chấp nhận được. (3) Các bên liên quan cũng cần phải kiên trì, có thiện chí và xây dựng lòng tin chính trị để cùng tiến tới đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, các bên cần phải tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau cũng như kiểm soát tình cảm dân tộc cực đoan, kích động hận thù, bài ngoại của người dân trong nước vốn gây cản trở cho quá trình đàm phán. (4) Các nước cần tuyệt đối tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và Hiến chương LHQ và các thỏa thuận, tuyên bố chính trị song phương, đa phương đã ký kết trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.