Tin Biển Đông – 01/04/2017
Đài Loan ‘muốn hợp tác với Philippines’ về Biển Đông
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngỏ ý muốn hợp tác thêm nữa với Philippines về một số vấn đề, trong đó có Biển Đông, CNA đưa tin.
Trong cuộc gặp với cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos ở Đài Bắc hôm 31/3, bà Thái bày tỏ hy vọng rằng Đài Loan và Philippines có thể làm việc chung về các vấn đề như thương mại, ngăn ngừa thảm họa và Biển Đông.
Philippines là nước đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay, và được cho là đóng vai trò đầu tàu trong việc tổ chức một loạt các cuộc thảo luận nhằm tìm ra một khuôn khổ cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, theo Focus Taiwan News.
Báo chí Đài Loan dẫn một thông cáo của Văn phòng Tổng thống nói rằng bà Thái đã cám ơn ông Ramos vì “ủng hộ việc củng cố quan hệ Đài Loan – Philippines cũng như cố vấn cho chính phủ Philippines về sự tiến triển của mối quan hệ”.
Trong cuộc gặp, nữ tổng thống của Đài Loan cũng nêu lên một chính sách mới nhằm củng cố quan hệ giữa Đài Loan với các quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Á.
Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông và Đài Loan, Việt Nam trong tuần này phản đối Đài Loan tập trận bắn đạn thật quanh đảo Thái Bình mà Hà Nội gọi là Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa.
Phát ngôn viên Lê Hải Bình hôm 30/3 tuyên bố: “Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”.
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tái diễn các hành động tương tự.
Phát ngôn viên Lê Hải Bình nói.
Ông Bình nói thêm: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tái diễn các hành động tương tự”.
Trước đó, tờ Taipei Times đưa tin rằng cuộc cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài ba ngày trên đảo Thái Bình bắt đầu từ ngày 27/3.
Theo lực lượng tuần duyên Đài Loan, đây là cuộc diễn tập bắn đạn thận vào ban đêm đầu tiên dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Thái Anh Văn.
Đài Loan kiểm soát hòn đảo trên kể từ năm 1956. Ngoài Việt Nam, Philippines và Trung Quốc cũng tranh chấp Thái Bình.
http://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-muon-hop-tac-voi-philippines-ve-bien-dong/3792126.html
Philippines bác yêu cầu của Trung Quốc
Yêu cầu của Trung Quốc muốn tiến hành nghiên cứu hàng hải tại Benham Rise bị Philippines bác vì Trung Quốc không cho một nhà khoa học Philippines quan sát cuộc nghiên cứu, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Enrique Manalo cho biết.
Ông Manalo nói Trung Quốc hiện có hai yêu cầu chưa được giải quyết để thăm dò vùng Benham Rise giàu dầu mỏ và có thể được cấp phép nếu Bắc Kinh đáp ứng được những đòi hỏi của Philippines.
Ông Manalo nói Trung Quốc mấy năm nay đã yêu cầu được phép tiến hành nghiên cứu biển tại Benham Rise và một số yêu cầu đã bị bác.
Ông Manalo viện dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển nói rằng bất cứ quốc gia nào có kế hoạch nghiên cứu Benham Rise phải xin phép Philippines.
Ông cho hay sở dĩ yêu cầu của Trung Quốc bị bác một vài lần vì không đáp ứng điều kiện rằng một nhà khoa học Philippines phải được tham dự để quan sát cuộc nghiên cứu.
Benham Rise nằm ở phía đông Philippines trên Thái Bình Dương không có đảo hay quốc gia nào ở gần.
Benham Rise rộng 13 triệu héc-ta, có những nguồn tài nguyên chưa khai thác và rộng hơn các đảo Luzon, Samar và Leyte cộng lại.
Vào năm 2012, Ủy ban Liên hiệp quốc về Giới hạn Thềm Lục địa chấp nhận chủ quyền không tranh cãi của Philippines ở vùng Benham Rise.
Trong tuần qua, xuất hiện tin về các hành động tiếp diễn của Trung Quốc tại bãi cạn Panatag và Benham Rise.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay một tàu thăm dò của Trung Quốc bị phát hiện tại Benham Rise.
Trung Quốc nói vẫn tôn trọng chủ quyền của Philippines tại vùng biển giàu tài nguyên này và Bắc Kinh chỉ hành xử quyền tự do hàng hải mà thôi.
Philippines đã gửi công hàm mới yêu cầu Trung Quốc giải thích về hành động gần đây của họ tại Benham Rise.
http://www.voatiengviet.com/a/philippines-bac-yeu-cau-cua-trung-quoc-/3791916.html
Lo ngại Trung Quốc,
Philippines tính đổi tên biển khẳng định chủ quyền
Philippines hôm thứ Bảy cho biết nước này đang lên kế hoạch đổi tên một vùng biển phía Đông nhằm khẳng định chủ quyền trong bối cảnh các tàu của Trung Quốc vừa mới tiến hành thăm dò tại đây.
Năm ngoái, một tàu thăm dò của TQ đã bị phát hiện di chuyển vòng quanh khu vực Benham Rise- nằm trong thềm lục địa của Philippines được LHQ công nhận vào năm 2012, khiến Manila lo ngại.
Phía Trung Quốc cho biết chiếc tàu trên chỉ đơn thuần đi ngang qua khu vực này mà không tiến hành bất kì hoạt động nào khác. Ngoại trưởng TQ tuần trước cũng khẳng định nước này tuyệt đối tôn trọng chủ quyền của Philippines tại vùng biển Benham Rise.
Philippines hôm thứ Bảy cho biết muốn đổi tên vùng biển Benham Rise thành “Philippine Rise”. Đây là khu vực có diện tích gần bằng Hy Lạp và được các nhà khoa học cho là giàu tính đa dạng sinh học và cá ngừ.
Phát ngôn viên Tổng thống trong một thông cáo nói: “Đã có động thái nhằm nghiên cứu tính pháp lý và các vấn đề liên quan cho việc đổi tên này,”
Tổng thống Philippines đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và các văn phòng nội các nghiên cứu về việc đổi tên một vùng lãnh thổ nhằm khẳng định chủ quyền của nước này, phát ngôn viên Tổng thống cho biết thêm.
Tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc luôn là vấn đề trọng tâm trên Biển Đông, phía Tây Philippines. Trung quốc tuyên bố chủ quyền lên hầu hết khu vực vốn là tuyến đường lưu thông của lượng hàng hóa lên tới 5 ngàn tỉ một năm.
Tranh chấp Biển Đông: Việt Nam không phản đối
đàm phán song phương Philippines-TQ
Chính phủ Việt Nam đưa ra quan điểm trung lập trước tin Philippines và Trung Quốc sắp tổ chức đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông. Lên tiếng trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 30/3, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình nói “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là hoan nghênh các bên tranh chấp ở Biển Đông giải quyết các bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, hữu nghị, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.
Trước đó, Tân Hoa Xã trích lời người phát ngôn bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh xác nhận Trung Quốc sẽ mở cuộc họp song phương đầu tiên với Philippines vào tháng 5 tới đây để bàn về các vấn đề biển Đông.
Tại cuộc họp hôm 30/3 ở Hà Nội, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh rằng đối với các tranh chấp liên quan đến 2 bên thì giải quyết song phương, còn đối với các tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì “phải có sự tham gia của các bên liên quan.”
Trước đây khi Malaysia đàm phán biển Đông song phương với Trung Quốc, phản ứng của Việt Nam là khẳng định việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông cần dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và bằng biện pháp hòa bình.
Đầu tuần này, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ có trụ sở ở Washington công bố thông tin cho rằng Trung Quốc sắp hoàn tất các công trình quân sự lớn trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng tại quần đảo Trường Sa.
Trả lời câu hỏi liên quan đến thông tin này tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam nói “Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin này. Tuy nhiên, một lần nữa Việt Nam khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
Ông Bình nhấn mạnh rằng các bên liên quan cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa đến an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Việt Nam đã gặp nhau vào tháng trước để thảo luận về hợp tác hàng hải có thể bao gồm việc thăm dò dầu khí dưới biển. Đó là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm hối thúc các cuộc đối thoại riêng với các nước tranh chấp sau khi Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye ra phán quyết vào tháng Bảy năm ngoái nói rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với 95% diện tích biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý.
Malaysia và Philippines là 2 nước đầu tiên đối thoại với Trung Quốc về Biển Đông, nơi có nguồn hải sản và trữ lượng dầu khí dồi dào, và là một hải lộ quốc tế trọng yếu.
Việt Nam
“kiên quyết” phản đối Đài Loan tập trận trên biển Đông
Việt Nam vừa lên tiếng phản đối Đài Loan tập trận bắn đạn thật quanh đảo Ba Bình đang tranh chấp trên biển Đông.
Chính phủ Việt Nam gọi đây là hành động xâm phạm chủ quyền, đe dọa an ninh hàng hải trên biển Đông. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 30/3 cho biết “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tái diễn các hành động tương tự.”
Theo truyền thông quốc tế, Đài Loan tiến hành các cuộc tập trận trong tuần qua quanh hòn đảo đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, có tên quốc tế là Itu Aba, trong vùng quần đảo Trường Sa.
Reuters trích lời người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam nói tại một buổi họp báo tại Hà Nội rằng “việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông.”
Theo Thời báo Đài Bắc, Đài Loan trước đó loan báo tập trận bắn đạn thật trong 3 ngày từ 27-29/3 từ 8-21 giờ. Cơ quan Tuần duyên Đài Loan cho biết đây là cuộc tập trận bắn đạn thật vào ban đêm đầu tiên dưới quyền lãnh đạo của tổng thống Thái Anh Văn. Đài Loan nói các cuộc tập trận này nằm trong khuôn khổ những cam kết của bà Thái Anh Văn sẽ biến đảo Ba Bình thành một căn cứ cứu trợ nhân đạo.
Trong vài năm qua, Đài Loan đã có nhiều động thái khẳng định tuyên bố chủ quyền trên đảo này bằng cách đầu tư hàng triệu đô la vào cơ sở hạ tầng và tiến hành các cuộc tập trận cũng như tuần tra hàng hải. Những hành động này được tăng cường vào tháng 7 năm ngoái sau khi tòa trọng tài quốc tế tại La Haye ra phán quyết cho rằng đào Ba Bình thực chất chỉ là một bãi đá theo công ước quốc tế về luật biển, nên không được thừa nhận vùng biển thuộc phạm vi 200 hải lý là khu đặc quyền kinh tế.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối Đài Loan xâm phạm đảo Ba Bình một cách bất hợp pháp. Việt Nam là một trong 3 nước tuyên bố chủ quyền tại đảo Ba Bình và đã xây nhiều cơ sở và đưa quân đến các đảo lân cận.