Tin Biển Đông – 01/03/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 01/03/2019

Phát triển tàu chiến không người lái:

Chiêu trò mới của TQ trên Biển Đông

Giới truyền thông Trung Quốc mới đây cho biết, Công ty đóng tàu quốc tế Trung Quốc (CSOI) đang phát triển một loại tàu mặt nước nhỏ không người lái có tên JARI USV. Tàu này nặng 20 tấn, dài 15m, nhỏ hơn rất nhiều so với các tàu khu trục Type -055 của hải quân Trung Quốc nhưng có cùng nhiệm vụ: chống ngầm, chống tàu mặt nước và cả phòng không.

Theo đó, JARI USV được trang bị các cảm biến điện-quang, radar mảng pha, thiết bị thủy âm, 8 ống phóng thẳng đứng, một ống phóng ngư lôi và một súng gắn phía mũi tàu, một dàn phóng rocket. Theo các thông tin giới thiệu sản phẩm, tàu robot của Trung Quốc có vẻ được chế tạo theo hình thức module, có thể tái cấu hình để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, nhưng chưa rõ nhiệm vụ gì là chủ chốt. Trong video giới thiệu, JARI bắn hạ các máy baykhông người lái, đánh chìm tàu ngầm, tàu mặt nước… Theo tin của Navy Recognition, tàu có thể được điều khiển từ một trạm đặt trên đất liền, hoặc từ tàu mẹ; Tốc độ của tàu đạt gần 80km/h, tầm hoạt động hơn 900km. JARI USV sẽ được biên chế cho hải quân Trung Quốc và có cả phiên bản xuất khẩu. Hiện nguyên mẫu JARI USV đang được vận hành thử nghiệm ở Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng, với việc nghiên cứu, chế tạo tàu JARI USV, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ ưu tiên biên chế cho Hạm đội Nam Hải nhằm nâng cao năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc đưa JARI USV ra Biển Đông sẽ là hành động vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các nước ven Biển Đông mà còn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động tự do hàng hải trong khu vực. Ngoài ra, cùng với việc triển khai JARI USV, năng lực tác chiến của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ vượt xa so với các nước trong khu vực, hành động này sẽ đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng đang thảo luận về mong muốn phát triển các công nghệ không người lái để tích hợp vào tàu chiến đấu mặt nước và tàu ngầm. Trong khi Trung Quốc mới chỉ trưng bày mô hình của tàu chiến robot, Mỹ đang phát triển các tàu chiến đấu mặt nước không người lái cỡ lớn và cỡ vừa, có thể hoặc không người lái, hoặc mang theo thủy thủ đoàn, tùy tình huống và nhiệm vụ. Theo chuẩn đô đốc RonBoxall, hải quân Mỹ đang dần tích hợp ngày càng nhiều các tàu không người lái vào hạm đội của họ. Trong thời gian trước mắt, các tàu này vẫn có thủy thủ đoàn. “Tôi cho rằng chúng chưa thể tự lái ngay lập tức”, ông Boxall nói. “Chúng tôi sẽ thiết kế các con tàu này với ý tưởng rằng trong thời gian trước mắt sẽ có người trên tàu. Và sẽ đến lúc tàu không cần người lái hoàn toàn khi chúng tôi thấy rằng công nghệ và cách thức sử dụng chúng đã hoàn thiện”. Ông Boxall nói hải quân Mỹ sẽ cần thời gian để tin tưởng hoàn toàn công nghệ không người lái này trong các cuộc thử nghiệm, ví dụ với lực lượng tuần duyên Mỹ, chịu trách nhiệm đảm bảo lưu thông hàng hải an toàn ở vùng biển xung quanh nước Mỹ, nhưng rồi các tàu kiểu này sẽ được hoàn thiện trong tương lai với vai trò là các tàu mang cảm biến và kể cả vũ khí.

http://biendong.net/bien-dong/26582-phat-trien-tau-chien-khong-nguoi-lai-chieu-tro-moi-cua-tq-tren-bien-dong.html

 

Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đàm phán

xây dựng COC giữa TQ và ASEAN trong năm 2019

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hôm 17/2 cho biết các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành đàm phán về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Sau khi “Dự thảo khung COC” lần đầu tiên được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc hồi tháng 8/2017, mặc dù các bên đều thể hiện thiện chí, song đến nay COC vẫn chưa có kết quả đột phá nào. Vậy đâu là nguyên nhân? Dưới đây là một số phân tích của giới nghiên cứu về những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình đàm phán xây dựng COC hiện nay.

Ý đồ chiến lược và hoạt động của TQ ở Biển Đông

Sau khi “Dự thảo khung COC” lần đầu tiên được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tổ chức ở  Philippines hồi tháng 8/2017, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố các đàm phán đáng kể về nội dung của bộ quy tắc sẽ chỉ có thể bắt đầu nếu “không có sự phá hoại lớn từ các bên bên ngoài”, một lời ám chỉ úp mở về Mỹ, nước mà Trung Quốc luôn cáo buộc là “can thiệp” vào cuộc tranh chấp. Thực chất, căn cứ vào tình trình xây dựng COC giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như những gì mà Trung Quốc đã nói và làm trên thực tế, dư luận đều nhận thấy rằng quá trình đàm phán COC đã kéo quá dài và gặp nhiều khó khăn, không phải do sự can thiệp của bên thứ 3 mà do chính phía Trung Quốc. Trước đây, Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã kêu gọi các bên thông qua COC, nhưng mãi đến năm 2013, Trung Quốc mới đồng ý cùng với các nước ASEAN gặp nhau để “tham vấn” về COC. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia xung quanh Biển Đông, đặc biệt là đối với Việt Nam và Philippines, một số thành viên ASEAN đã nhiều lần kêu gọi xúc tiến các cuộc đàm phán về COC. Sau khi Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 ra phán quyết lịch sử vào ngày 12/7/2016 thì Trung Quốc mới đồng ý đẩy nhanh tiến trình “tham vấn”. Theo nhận định của các học giả quốc tế thì có hai lý do có thể giải thích tại sao Trung Quốc đồng ý làm vậy. Một là để cứu vãn uy tín do Phán quyết Tòa Trọng tài đã thẳng thừng bác bỏ yêu sách phi lý theo đường “lưỡi bò” của Trung Quốc trong Biển Đông, Bắc Kinh muốn đánh lạc hướng sự chỉ trích việc nước này bác bỏ phán quyết của Tòa. Hai là, mặc dù phán quyết hoàn toàn ủng hộ Philippines, song Tổng thống Philippines Duterte đã quyết định đặt nó sang một bên và ưu tiên tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc song song với việc tiến hành đàm phán song phương để giải quyết các yêu sách về chủ quyền và quyền tài phán chồng chéo của hai nước. Trung Quốc cho rằng COC vẫn là một văn kiện chính trị, trong khi đó, một số thành viên ASEAN, đặc biệt là các nước có liên quan trực tiếp đến vấn đề tranh chấp Biển Đông đã đề nghị COC phải là một thỏa thuận ràng buộc pháp lý và phải được đề cập một cách toàn diện và hiệu quả hơn DOC, vốn chỉ là một tuyên bố chính trị. Ngoài các điều khoản chi tiết và cụm từ “có tính ràng buộc về mặt pháp lý”, có một vài vấn đề quan trọng không được đưa vào thỏa thuận. Một là, dự thảo khung này không đề cập đến phạm vi địa lý của COC. Hai là, trong khi văn bản này đề cập đến “các cơ chế giám sát việc thực thi”, nó lại không nói gì đến các biện pháp chế tài trong trường hợp nếu một bên cáo buộc một bên khác vi phạm bộ quy tắc này.

Thái độ với TQ và chính sách thực dụng của Philippines

Sau Phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016), nội bộ chính giới và dư luận Philippines cũng đã có những nhận thức, quan điểm khác nhau về kế sách có thể áp dụng cho thời kỳ hậu Phán quyết theo các hướng: Một là, tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với Trung Quốc, nhưng bằng lý lẽ ôn hòa, trên cơ sở thống nhất nhận thức về tính khả thi của Phán quyết Trọng tài trong điều kiện và bối cảnh quốc tế hiện nay để có sách lược đấu tranh thích hợp, vừa không đẩy tranh chấp lên đỉnh điểm dễ dẫn đến xung đột, vừa tiếp tục duy trì giá trị của Phán quyết Tòa Trọng tài nhằm sử dụng trong quá trình đàm phán và đấu tranh pháp lý với Trung Quốc trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, chống lại các hành động bất chấp luật pháp của Trung Quốc. Hai là, trước sức ép của Trung Quốc, vì lợi ích kinh tế, chính trị trong quan hệ với Bắc Kinh, Philippines phải xuống thang, nhân nhượng Trung Quốc bằng cách trực tiếp hay gián tiếp phớt lờ thành quả đấu tranh pháp lý của chính mình do Phán quyết Trọng tài mang lại. Thực tế đến này, nhiều ý kiến đã nghiêng về hướng thứ 2. Philippines đã thay đổi trong chính sách từ chống Trung Quốc kịch liệt sang hòa hoãn, thắt chặt quan hệ để tìm kiếm lợi ích từ mối quan hệ với Trung Quốc. Cả Tổng thống Duterte lẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều tuyên bố quan hệ Trung Quốc – Philippines đang trong kỳ trăng mật và nhiều hứa hẹn trong tương lai. Philippines đã nhận được cam kết viện trợ 24 tỉ USD đầu tư từ Trung Quốc.

Vai trò dẫn dắt, trung tâm của ASEAN

ASEAN có vai trò rất quan trọng trong quá trình giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Bởi vì, các quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của hầu hết các quốc gia thành viên của ASEAN đều bị vi phạm, trực tiếp hoặc gián tiếp, bởi các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong Biển Đông. Trong lịch sử các thành viên của Hiệp hội ASEAN đã có nhiều đóng góp rất quan trọng cho tiến trình giải quyết các tranh chấp phức tạp này thông qua các Nghị quyết, Tuyên bố, điển hình như DOC. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, ASEAN đã có lúc bộc lộ những điểm yếu của mình về sự đoàn kết, thống nhất nội bộ. Thậm chí có lúc không ra được Tuyên bố chung, không có tiếng nói đồng thuận trong một số vấn đề pháp lý, chính trị liên quan đến tình hình Biển Đông. Việt Nam và Philippines cần tiếp tục vận động trên cơ sở có lý có tình, thông cảm đến hoàn cảnh của từng thành viên để có cách ứng xử thích hợp, trên cơ sở chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm chung. Trong cuộc đàm phán sắp tới có thể Philippines sẽ tiếp tục thể hiện thái độ “hòa dịu” hơn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. ASEAN cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.

Vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam

Xuất phát từ chính sách đối ngoại hòa bình, nên từ trước khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nhiệt liệt ủng hộ Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông. Sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào việc soạn thảo, thương lượng nội dung các quy định trong DOC. Sau khi DOC được ký, chúng ta tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm tuân thủ các cam kết trong DOC; có các bước đi thích hợp để các nước hiểu rõ lập trường của nước ta về Biển Đông, kiên trì cùng các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng COC nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Xây dựng COC là việc làm cấp thiết, đem lại lợi ích không chỉ cho ASEAN và Trung Quốc mà cho tất cả các nước ở trong và ngoài khu vực. Là thành viên trong ASEAN, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình tích cực tham gia xây dựng COC thực sự là cơ sở pháp lý hàng đầu, nhân tố quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định, an ninh cho vùng Biển Đông nói riêng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới nói chung.

Kết luận: Để có được COC đóng vai trò như một bộ Luật Biển khu vực vẫn còn nhiều trở ngại cần được vượt qua. Nguyên nhân chính là do có những tranh chấp phức tạp về mặt pháp lý trong việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa xuất phát từ việc giải thích và áp dụng khác nhau các quy định của UNCLOS 1982; tranh chấp chủ quyền đối với các hải đảo trong Biển Đông. Đặc biệt là một số thành viên khi tham gia với những động cơ chính trị khác nhau, tiêu biểu là Trung Quốc, một thành viên đã có những hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và các cam kết chính trị đã đạt được. Trung Quốc đã và đang tìm cách trì hoãn quá trình thương thảo để tranh thủ tạo được lợi thế trong đàm phán về COC. Chừng nào yêu sách “lưỡi bò” của Trung Quốc chưa được hợp thức hóa trong việc xác lập phạm vi điều chỉnh COC thì chừng đó không thể có được COC. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường số một thế giới đối trọng với Mỹ. Và như vậy có thể thấy rằng cái gọi là “đã đạt được bản thảo đầu tiên của Bộ quy tắc

ứng xử của các bên trên Biển Đông” do Trung Quốc chủ động thông tin là cố ý thổi phồng, nhằm mục đích tuyên truyền, mê hoặc dư luận vì động cơ chính trị. Có chăng chỉ có thể là “đã đạt tiến triển tốt trong việc xây dựng“bộ khung COC với Trung Quốc” như phía Philppines thông báo.

http://biendong.net/bien-dong/26583-nhung-yeu-to-anh-huong-den-qua-trinh-dam-phan-xay-dung-coc-giua-tq-va-asean-trong-nam-2019.html

 

Mỹ quan ngại về hành động của TQ ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan ngại trong chuyến thăm Philippines sau khi tháp tùng Tổng thống Donald Trump đến Hà Nội.

Theo Đài ABC, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến căn cứ không quân Villamor ở Philippines vào tối 28.2 và có cuộc họp kín với Tổng thống Rodrigo Duterte.

Nội dung cuộc họp không được công bố nhưng trên chuyến bay từ Hà Nội, ông Pompeo tiết lộ với báo giới rằng ông sẽ thảo luận về lo ngại của Mỹ đối với những hành động của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông.

“Chúng tôi lo ngại rằng Trung Quốc đang dùng sức mạnh để áp chế tự do hàng hải trong khu vực và đó là điều hệ trọng đối với mọi quốc gia ở châu Á”, ông nói.

Khi được hỏi liệu Mỹ có lo ngại về các hành động của Trung Quốc hay không, ông Pompeo nói rằng đó là điều “chắc chắn”, và Washington có chiến lược an ninh quốc gia nhằm đối phó.

Sau cuộc gặp gần 1 tiếng đồng hồ kể từ lúc 21 giờ 5 (giờ địa phương), Tổng thống Duterte đáp chuyến bay đến thành phố Davao. Trong khi đó, dự kiến ông Pompeo sẽ gặp người đồng cấp Philippines Teddy Locsin Jr. trước khi về nước vào ngày 1.3.

http://biendong.net/bi-n-nong/26598-my-quan-ngai-ve-hanh-dong-cua-tq-o-bien-dong.html

 

Mỹ hứa bảo vệ Philippines

nếu bị TQ tấn công vũ trang tại Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo, vào ngày 1 tháng 3 đưa ra cam kết bảo vệ đồng minh Philippines khi bị tấn công vũ trang tại khu vực Biển Đông.

Cam kết của người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ được đưa ra sau cuộc gặp Tổng thống Rodrigo Duterte. Theo lời Ngoại trưởng Mike Pompeo được AFP dẫn lại là những hành động của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á là một mối đe dọa.

Ông Mike Pompeo nhắc lại hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo và những hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đang đe dọa đến chủ quyền, an ninh và như thế là đe dọa đến sinh kế của những quốc gia trong khu vực và kể cả Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo lập luận rằng Biển Đông là một phần Thái Bình Dương, nên bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm đến lực lượng quân đội, máy bay hay tàu thuyền của Philippines tại Biển Đông đều buộc Hoa Kỳ thực thi cam kết theo Điều 4 của Thỏa ước Phòng Thủ Chung giữa đôi bên.

Phát biểu như vừa nêu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo được ghi nhận là tuyên bố công khai lần đầu tiên về cam kết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh Philippines khi bị tấn công tại khu vực Biển Đông. Manila gọi đây là Biển Tây Philippines, còn Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Thỏa ước Phòng Thủ Chung Hoa Kỳ- Philippines được ký kết năm 1951, theo đó thì trong trường hợp một trong hai phía bị tấn công tại Thái Bình Dương, phía kia có bổn phận bảo vệ cho bên bị tấn công.

Trong thời gian qua, lực lượng quân đội và ngư dân Philippines thường xuyên lên tiếng về việc bị lực lượng an ninh hàng hải Trung Quốc nhũng nhiễu.

Ngay sau khi có cam kết của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo bảo vệ đồng minh Philippines như vừa nêu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ông Lục Khảng, lên tiếng rằng đối với những quốc gia ngoài khu vực như Hoa Kỳ… không nhất thiết phải cố tình kích động hay gây bất ổn trong khu vực.

Theo lời Ông Lục Khảng thì Bắc Kinh cam kết duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền đến 90% khu vực Biển Đông.

Đường đứt khúc 9 đoạn này bị Philipines đưa ra kiện ở tòa án quốc tế, và vào  ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ở La Haye ra phán quyết đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền là phi pháp, không có căn cứ cả về mặt pháp lý và lịch sử.

Tuy vậy Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa và tiếp tục hoạt động bồi lắp các đảo nhân tạo, quân sự hóa các nơi đó thành những căn cứ tiền tiêu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-def-phi-att-03012019084734.html