Tin Biển Đông – 01/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 01/03/2018

Thăm Việt Nam,

tàu sân bay Mỹ ‘duy trì hòa bình khu vực’

Viễn Đông

Chuyến thăm lịch sử sắp tới của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson không những củng cố quan hệ song phương mà còn đóng góp vào ổn định khu vực, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng tuyên bố như vậy hôm 1/3, bốn ngày trước khi tàu sân bay của Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ tới quốc gia cựu thù kể từ những năm 60.

Tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam, báo Trung Quốc lên tiếng

‘Hoàng đế Tập Cận Bình’: Việt Nam mừng hay lo?

Hiện Hoa Kỳ chưa có thông báo công khai nào về lịch trình chuyến đi Việt Nam kéo dài từ ngày 5 tới 9/3 của USS Carl Vinson cũng như tàu tuần duyên USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meye.

Chuyến thăm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực.

Bà Lê Thị Thu Hằng nói.

“Chuyến thăm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực”, bà Hằng nói.

Nữ phát ngôn viên này nói thêm rằng chuyến thăm của nhóm tàu chiến Mỹ “được thực hiện theo thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, nêu trong tuyên bố chung của Việt Nam và Hoa Kỳ” nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 11 năm ngoái.

Tin cho hay, ngoài các hoạt động trao đổi kỹ thuật, đôi bên còn giao lưu thể thao và tiến hành một số hoạt động vì cộng đồng.

Nhận định về sự hiện diện của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Việt Nam, giáo sư Carl Thayer cho rằng nó cho thấy Hà Nội “tiếp tục theo đuổi trao đổi quốc phòng với Hoa Kỳ một cách đều đặn và thận trọng”.

USS Carl Vinson và các tàu tháp tùng mang sức mạnh tới Biển Đông còn hơn tất cả bảy hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer nói.

“Tàu sân bay USS Carl Vinson là một biểu tượng sức mạnh hàng hải. USS Carl Vinson và các tàu tháp tùng mang sức mạnh tới Biển Đông còn hơn tất cả bảy hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông”, ông Thayer nói.

Mới đây, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia của nước này nói rằng sự kiện đội tàu tấn công của Mỹ tới Việt Nam cho thấy Washington tăng cường hợp tác quân sự với Hà Nội để “kiềm tỏa” Bắc Kinh.

Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng sự hiện diện thường xuyên của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và có thể dẫn tới sóng gió trong mối quan hệ Trung – Mỹ.

Trong khi đó, giáo sư Thayer nhận định rằng Việt Nam “hoan nghênh” sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông “chừng nào nó đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực”.

Mới đây, trước thềm chuyến thăm Việt Nam, Thiếu tá Tim Hawkins nói từ tàu sân bay USS Carl Vinson rằng “các lực lượng Hoa Kỳ không nao núng trước hành động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, và sẽ tiếp tục tuần tra ở bất kỳ nơi nào “luật pháp quốc tế cho phép” trên vùng biển chiến lược này”.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-san-bay-my-duy-tri-hoa-binh-khu-vuc-khi-tham-viet-nam/4275751.html

 

TQ và ASEAN sẽ họp chung tại Việt Nam về DOC

Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tổ chức họp Nhóm Công tác chung lần thứ 23 về việc thực hiện Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) từ ngày 1 đến mùng 2 tháng 3 tại Nha Trang.

Tân Hoa Xã ngày 28 tháng 2 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong một cuộc họp báo rằng các bên liên quan sẽ trao đổi quan điểm về việc thực hiện DOC, thúc đẩy hợp tác hàng hải cũng như tư vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Cũng theo ông Lục Khảng, hiện tại tình hình ở Biển Đông đã được ổn định do nỗ lực của Trung Quốc và các nước trong khu vực, nói thêm là Trung Quốc và các nước ASEAN có ý chí và sự tự tin để tiếp tục đối thoại và hợp tác, phấn đấu đạt được nhiều tiến bộ hơn và củng cố việc cải thiện tình hình trong khu vực.

Trong thực tế giới chuyên gia căn cứ vào những hình ảnh vệ tinh hay không ảnh về những căn cứ quân sự trên những đảo nhân tạo mà Trung Quốc lập nên ở khu vực Trường Sa, cũng như các cơ sở tại Hoàng Sa, cho rằng Bắc Kinh đang tiến hành chiến lược ‘tằm ăn dâu’, đặt sự việc đã rồi buộc các nước khác phải chấp nhận thực tế theo ý đồ của Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-asean-to-hold-joint-meeting-on-doc-implementation-03012018092132.html

 

Manila ‘thanh minh’

về hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông với TQ

Bất kỳ hợp đồng thăm dò năng lượng tiềm năng nào ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh đều là thỏa thuận với công ty, chứ không phải với chính quyền Trung Quốc, Reuters dẫn lời một giới chức cấp cao của Philippines nói hôm 1/3.

Phát biểu trên kênh truyền hình ANC, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, Harry Roque, nói: “Chúng tôi có thể sẽ ký thỏa thuận với một tập đoàn của Trung Quốc, chứ không phải với nhà nước Trung Quốc”.

Tháng trước, hai nước đã đồng ý thành lập một hội đồng đặc biệt để hợp tác thăm dò dầu khí ở những khu vực thuộc Biển Đông mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền, mà không cần phải đụng đến vấn đề nhạy cảm về chủ quyền.

Việc theo đuổi một dự án chung sẽ rất phức tạp và nhạy cảm, vì việc chia sẻ trữ lượng dầu khí có thể được xem là ủng hộ tuyên bố chủ quyền của quốc gia kia.

Ông Roque khẳng định: “Chúng tôi không tham gia một thỏa thuận về chủ quyền để thăm dò tài nguyên. Nếu có, thì đó sẽ là một thỏa thuận giữa hai thực thể công ty.”

Buổi chiều ngày hôm trước, Tổng thống Duterte cho biết Trung Quốc đề xuất thăm dò chung theo “kiểu như đồng sở hữu” và làm như vậy tốt hơn là cả hai tranh giành với nhau.

Tại cuộc họp báo ngày 1/3, ông Roque nhấn mạnh rằng đây là vấn đề thăm dò và khai thác chung, là một giải pháp thiết thực để Philippines tiếp cận với các nguồn tài nguyên mà không vấp phải xung đột về chủ quyền.

Ông nói Tổng thống Duterte đã sử dụng từ “đồng sở hữu” như một lối so sánh để cố gắng đơn giản hóa vấn đề.

Philippines đã đình chỉ việc thăm dò tại Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào năm 2014 để theo đuổi một vụ kiện về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye minh định về quyền chủ quyền của Manila trong việc tiếp cận các mỏ dầu khí ở Biển Đông, bao gồm Bãi Cỏ Rong, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của nước này.

Ông Roque cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Philippines và một công ty nhà nước Trung Quốc, nhưng ông từ chối nêu tên của tập đoàn này.

Philippines, tập đoàn CNOOC của Trung Quốc và PetroVietnam đã cùng tiến hành thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong từ năm 2003 đến năm 2008.

Tuy nhiên, theo lời phát ngôn viên Roque, một số người nghi ngờ tính khả thi của thỏa thuận chung vì Trung Quốc không thích các hoạt động chung.

Quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc đã nồng ấm hơn dưới quyền của Tổng thống Duterte. Ông Duterte đã gạt các vụ tranh chấp lãnh thổ sang một bên để đổi lấy các cơ hội thương mại, và cam kết tài trợ của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng Philippines.

https://www.voatiengviet.com/a/manila-thanh-minh-ve-hop-dong-khai-thac-dau-khi-o-bien-dong-voi-tq/4275808.html

 

Tàu tuần tra Trung Quốc bị phát hiện gần đảo Thị Tứ

Một trong những tàu tuần duyên được trang bị vũ khí đầy đủ của Trung Quốc bị phát hiện gần Đá Hoài Ân, tiếng Anh là Sandy Cay. Đá này cách đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa chừng 6,5 kilomet về phía tây.

Mạng báo philstar.com của Philippines loan tin vào ngày 28 tháng 2 dẫn phát biểu của phó giáo sư Ryan Martinson thuộc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải Trung Quốc rằng chiếc tuần duyên CCG46301 của Bắc Kinh bị phát hiện tại vị trí vừa nêu vào ngày 25 tháng 2.

Chiếc tàu tuần duyên này có thể đe dọa các tàu nước ngoài nhỏ hơn trong vùng biển tranh chấp hiện nay.

Mạng báo philstar.com nêu rõ trong những tháng qua các tàu cá Trung Quốc, tàu tuần duyên và tàu chiến của chính phủ Bắc Kinh vẫn duy trì sự hiện diện gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa.

Tin nói thêm tàu Trung Quốc còn có thể neo đậu gần khu vực đó; đặc biệt ở Đá Subi. Đây là một trong ba đảo nhân tạo lớn nhất tại Trường Sa mà Trung Quốc bồi lấp nên trong thời gian qua và tiến hành xây dựng căn cứ quân sự trên đó.

Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như trọng Biển Đông trong đường đứt khúc chín đoạn do Trung Quốc vạch ra. Vào tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA ở La Haye ra phán quyết đường do Trung Quốc vạch ra như thế không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/tau-trung-quoc-vi-phat-hien-gan-dao-thi-tu-03012018081104.html

 

Chủ tịch nước Việt Nam công du Ấn Độ

bàn về Biển Đông và quốc phòng

Thu Hằng

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đến thăm Ấn Độ từ ngày 02/03/2018. Biển Đông, quốc phòng và thương mại là chủ đề nghị sự chính trong chuyến công du Ấn Độ đầu tiên, kéo dài ba ngày, của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.

Trả lời trang Economic Times, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho biết phái đoàn tháp tùng ông Trần Đại Quang có 18 người, trong đó có phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh, bộ trưởng Công-Thương và bộ trưởng bộ Kế Hoạch-Đầu Tư, cùng với 65 doanh nhân.

Hai bên sẽ ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nông nghiệp, thương mại và đầu tư. Vẫn theo đại sứ Tôn Sinh Thành, vấn đề Biển Đông với những yêu sách ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cũng sẽ được đưa ra thảo luận. Chủ tịch nước Việt Nam sẽ gặp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 03/03 và sẽ có bài diễn văn chính sách quan trọng vào ngày 04/03.

Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết quốc phòng là một yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương và hai nước đã duy trì « quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ và hiệu quả ». Tuy nhiên, ông không trả lời về ý định của Việt Nam mua tên lửa BrahMos.

Vào đầu năm 2018, lần đầu tiên quân đội Việt Nam và Ấn Độ đã cùng tập trận chung. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của thủ tướng Modi, hai nước đã nâng tầm quan hệ, từ « đối tác chiến lược » thành « đối tác chiến lược toàn diện ».

Trên lĩnh vực thương mại, doanh nghiệp hai nước có thể sẽ ký một số thỏa thuận về xây dựng một khu khai thác than đá tại Việt Nam và cùng phát triển một hải cảng. Năm 2017, tổng trao đổi mậu dịch giữa hai nước đạt 7,6 tỉ đô la, tăng 40% so với năm 2016.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180301-bien-dong-quoc-phong-trong-chuyen-cong-du-an-do-cua-chu-tich-viet-nam