Tin Biển Đông – 01/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 01/01/2019

Mỹ hối thúc đồng minh

gia tăng sức ép lên TQ ở biển Đông

Quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc ở châu Á đã kêu gọi Úc và những đồng minh khác của Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông – The Australian đưa tin ngày 28-12.

Ông Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách an ninh châu Á – Thái Bình Dương, còn cảnh báo sự quan tâm của Trung Quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương là một tín hiệu cho thấy họ có thể có tham vọng thiết lập các căn cứ quân sự ở đó.

Cũng theo ông Schriver, Mỹ hoan nghênh việc Úc đã tăng cường hoạt động hải quân tại khu vực tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên, theo ông Schriver, Mỹ và đồng minh có thể gia tăng sức ép lên Trung Quốc nếu họ cùng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể gia tăng sức ép lên Trung Quốc nếu những đối tác và đồng minh khác cùng tham gia vào các hoạt động này. Nếu không thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải, họ chỉ cần tuần tra, thực hiện các hoạt động hiện diện” – ông Schriver nói.

Mỹ đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông để thách thức Trung Quốc.

Không chỉ thách thức Trung Quốc trên biển Đông, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn gây sức ép lên Bắc Kinh trong hàng loạt vấn đề khác, như chiến tranh thương mại và cáo buộc Bắc Kinh hoạt động gián điệp nhằm vào Washington và đồng minh.

Các đồng minh của Mỹ cũng đã tăng cường hiện diện quân sự trên biển Đông để thách thức Trung Quốc. Hồi cuối tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Úc khi đó là bà Marise Payne cho biết Úc đã “tăng cường hiện diện quân sự khá đáng kể” trên biển Đông trong suốt 18 tháng trước đó.

Ông Schriver cho biết những đồng minh khác của Mỹ, trong đó có Anh, Pháp và Canada, cũng đã làm điều tương tự. “Chúng ta đã thấy sự gia tăng đáng kể hoạt động của các quốc gia quan tâm đến vấn đề biển Đông. Tôi cho rằng đây là một sự công nhận về việc sự xói mòn luật pháp và các quy tắc ứng xử trên biển Đông có tác động toàn cầu” – ông Schriver nhấn mạnh.

http://biendong.net/bi-n-nong/25558-my-hoi-thuc-dong-minh-gia-tang-suc-ep-len-tq-o-bien-dong.html

 

Việt Nam ‘cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông’?

Việt Nam đang nỗ lực kiềm chế các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, Reuters bình luận dựa trên bản dự thảo Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) mà hãng tin này tiếp cận được.

Việt Nam dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán cứng rắn về vấn đề Biển Đông trong khi đang tích cực thúc đẩy các điều khoản có thể khiến Bắc Kinh không hài lòng, theo bản dự thảo COC đang đàm phán mà Reuters được tiếp cận.

Phương Tây gửi mẫu hạm đến Biển Đông, đối phó TQ

Mỹ: TQ ‘uy hiếp láng giềng’ ở Biển Đông

Phi cơ ném bom TQ hạ cánh xuống Biển Đông

Hà Nội muốn định chế hóa hàng loạt hành động mà Trung Quốc đã thực hiện trên vùng biển Biển Đông đang tranh chấp là các hành động bất hợp pháp, bao gồm việc xây dựng đảo nhân tạo, phong tỏa và triển khai các vũ khí tấn công như tên lửa, Reuters dẫn chiếu tới nội dung bản dự thảo COC mà các bên đang đàm phán. Tuy nhiên, Reuters không nêu rõ bản dự thảo mà họ có được là bản nào.

Dự thảo cũng cho thấy Hà Nội đang thúc đẩy lệnh cấm đối với bất kỳ tuyên bố mới nào về Khu vực Nhận dạng Phòng không – điều mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố trên Biển Hoa Đông hồi năm 2013.

Các quan chức Trung Quốc không bác bỏ khả năng sẽ có tuyên bố tương tự đối với Biển Đông.

Bản dự thảo cho thấy Hà Nội cũng đang đòi các nước phải làm rõ những yêu sách của họ đối với tuyến giao thương huyết mạch trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, một nỗ lực rõ ràng nhằm phá vỡ Đường Chín Đoạn gây tranh cãi mà Trung Quốc tự tuyên bố.

“Sẽ có một số trao đổi đầy thử thách giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng qua văn bản của thỏa thuận này,” Reuters dẫn lời ông Ian Storey, một chuyên gia kỳ cựu ở Biển Đông, người đã xem bản dự thảo này, nói.

“Phía Việt Nam muốn bộ quy tắc COC sẽ bao gồm những điểm hoặc hoạt động bị cấm vì Trung Quốc đã thực hiện những điều/hoạt động này trong 10 năm qua.”

Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết các cuộc đàm phán về COC đã có một số tiến bộ gần đây, với việc Việt Nam tích cực tham gia và các quốc gia khác thể hiện tinh thần xây dựng và hợp tác.

‘Cấm nước ngoài tập trận trên Biển Đông’

Dự thảo cũng xác nhận thông tin từ các báo cáo trước đó rằng Trung Quốc muốn các cuộc tập trận quân sự của các cường quốc ‘bên ngoài’ khác trên Biển Đông sẽ bị cấm trừ phi được sự đồng ý của tấn cả các bên ký kết COC.

Bắc Kinh cũng muốn không cho các hãng dầu khí nước ngoài vào hoạt động tại Biển Đông với việc hạn chế các thỏa thuận phát triển chỉ trong phạm vi khai thác chung giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.

Giới chuyên gia trông đợi là cả hai nội dung trên sẽ bị một số nước ASEAN phản đối mạnh mẽ.

Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tại Myanmar trong quý một 2019, Reuters dẫn nguồn một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết.

Vào tháng Tám, các quan chức Trung Quốc và ASEAN đã ca ngợi biên bản đàm phán ban đầu là một cột mốc và một bước đột phá khi được các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN và Trung Quốc ủng hộ.

COC sẽ được đàm phán trong năm tới bởi các quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc và chưa được công bố công khai.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tháng trước kêu gọi các bên ký kết hiệp ước vào năm 2021, một thời gian biểu mà một số đặc phái viên và các nhà phân tích cho là khó có thể đạt được.

Đòi hỏi của Trung Quốc

Bộ quy tắc COC được xây dựng dựa trên Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) vốn được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.

Tuy nhiên, tài liệu chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được trong vấn đề Biển Đông này đã không ngăn chặn được việc khu vực có tuyến giao thương đường biển quốc tế quan trọng này trở thành nơi tranh chấp gay gắt giữa các bên.

Trung Quốc kể từ 2014 đã tăng cường hiện diện quân sự và gia tăng việc xây cất, bồi đắp các đảo nhân tạo tại vùng biển có tranh chấp.

Hoa Kỳ và các cường quốc khu vực khác, trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ, không phải là các bên tham gia đàm phán, nhưng có mối quan tâm to lớn đối với tuyến hải hành nối Đông Bắc Á với Trung Đông và Châu Âu.

Một số quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Úc, đã cùng Hoa Kỳ tăng cường triển khai các hoạt động hải quân trên Biển Đông. Tuy nhiên, các hoạt động này thường bị hải quân Trung Quốc theo sát.

Mỹ đang thúc đẩy các nước đồng minh Thái Bình Dương tăng cường sự hiện diện quân sự trên Biển Đông trong nỗ lực đối đầu với Trung Quốc, theo Stars and Stripes.

Bản thảo dài 19 trang vẫn còn chưa làm rõ các lĩnh vực chính bao gồm phạm vi địa lý chính xác, liệu nó có ràng buộc về mặt pháp lý hay không và các tranh chấp sẽ được giải quyết như thế nào, Reuters nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46726972