Tin Khắp Nơi – 18/05/2017
Chiếc xe gây án tại quảng trường Times Square, New York , ngày 18/5/17.
Ô tô lao lề, gây án tại Times Square
Một ô tô lao lên lề đường giữa trung tâm quảng trường Times Square ở New York hôm 18/5, ủi thẳng vào khách bộ hành, khiến 1 người chết và 22 người khác bị thương, trước khi tài xế bị người qua đường khống chế.
Vụ việc xảy ra khi chiếc xe lủi vào một địa điểm du lịch đông đúc, băng qua rào chắn an ninh trên vệ đường, đâm sầm vào khách bộ hành trước khi lật nghiêng qua một bên với hai bánh bên phải hẫng trên mặt đất.
AP dẫn lời những người mục kích cho biết ‘Tài xế không thắng lại, cứ lao tới.’
Thủ phạm bị câu lưu, bị kiểm tra xem có tác động của rượu hay ma túy trong lúc điều khiển chiếc xe hay không, và đang chờ bị truy tố.
Các đoạn video tải lên mạng cho thấy chiếc xe trước khi thắng lại đã bị bốc khói một lúc.
Tài xế Richard Rojas, 26 tuổi, là một cựu quân nhân trong Hải quân Mỹ, trước đây từng 2 lần bị bắt vì lái xe trong lúc say xỉn vào năm 2008 và 2015.
Tuần trước, hung thủ từng bị bắt vì chĩa dao vào một nhân viên công chứng.
Cảnh sát đang lục soát nhà đương sự ở Bronx.
Nạn nhân thiệt mạng trong vụ tông xe hôm nay là một thiếu nữ 18 tuổi, trong số những người bị thương có em gái của cô này, 13 tuổi.
Cảnh sát không nghi vụ này có liên quan tới khủng bố, nhưng chiếc xe gây án đã được kiểm tra xem có chứa bom hay không và một số địa điểm tại New York đang được tăng cường an ninh.
Sau khi gây án, hung thủ nhảy ra khỏi xe và bỏ chạy trước khi bị dân quật ngã giao cho cảnh sát.
Quảng trường Times Square, địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố New York nhộn nhịp, là nơi có cảnh sát hiện diện 24/24.
www.voatiengviet.com/a/o-to-lao-le-gay-an-o-times-square-new…-/3861030.html
Tòa LHQ lệnh cho Pakistan không tử hình ‘điệp viên
Một tòa án của Liên Hiệp Quốc ra lệnh Pakistan không được hành hình một sĩ quan Ấn Độ bị kết tội làm tình báo.
Tòa nói phải chờ tòa có thời gian xem xét vụ kiện của Ấn Độ.
Ấn Độ nói tại Tòa Công lý Quốc tế rằng Pakistan vi phạm luật quốc tế vì không cho Ấn Độ gặp Kulbhushan Sudhir Jadhav.
Ông này bị bắt tháng Ba 2016 và bị kết án tháng trước
Ấn Độ bác bỏ tin nói ông này là điệp viên, còn Pakistan lại bác bỏ họ bắt cóc ông ta.
Đặt trụ sở ở Hague, tòa nói sẽ lắng nghe vụ kiện và luận cứ hai nước.
Việc hành hình điệp viên hiếm khi xảy ra.
Năm 1999, Pakistan treo cổ một người, 10 năm sau khi kết tội ông ta làm tình báo.
www.bbc.com/vietnamese/world-39961628
Trung Quốc vẫn ‘giận’ Thủ tướng Singapore?
Giới quan sát đặt câu hỏi vì sao Thủ tướng Singapore không được Trung Quốc mời tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường” cuối tuần rồi.
Trong 10 nước thuộc Asean, chỉ có ba nước không có nguyên thủ tham dự: Singapore, Thái Lan và Brunei.
Trường hợp Singapore đang gây bàn tán nhất vì tranh cãi ngoại giao thời gian qua giữa hai nước dường như cho thấy Bắc Kinh vẫn đang “giận” Singapore.
Bộ trưởng phát triển quốc gia Singapore Lawrence Wong dẫn đầu đoàn đến Bắc Kinh.
Singapore: Có oan uổng khi mang tiếng đắt đỏ?
VN: Chọn cả Trung Quốc lẫn Mỹ là ‘khôn ngoan’?
Khi được báo chí Singapore hỏi, ông Wong tiết lộ Trung Quốc “quyết định việc mời”.
Năm ngoái, khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, ông Lý Hiển Long ca ngợi vai trò của Mỹ.
“Sự lãnh đạo cá nhân và quyết định của ngài tái cân bằng sang châu Á đã đem lại cho Mỹ bạn bè mới, củng cố quan hệ đối tác cũ trong đó có Singapore,” ông nói.
Sau đó, tờ Global Times của Trung Quốc đã phê phán: “Quan trọng là ông ta ca ngợi chiến lược của Mỹ nhằm ‘tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương’ và công khai rằng toàn bộ quốc gia Đông Nam Á hoan nghênh.”
Kể từ đó, căng thẳng giữa hai nước xuất hiện công khai, với đỉnh điểm là việc Hong Kong thu giữ suốt hai tháng chín xe quân sự của Singapore tháng 11/2016.
Xue Li, nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với tờ South China Morning Post rằng việc không mời ông Lý phản ánh niềm tin rằng Singapore chỉ tìm kiếm lợi ích kinh tế từ Trung Quốc mà “dựa vào Mỹ về an ninh”.
“Trung Quốc đang dần nhận ra điều này và không quan tâm liệu Thủ tướng Singapore dự hay không,” ông Xue nói.
Chong Ja Ian, chuyên gia ngoại giao Trung Quốc ở Đại học Quốc gia Singapore, cũng nói: “Ta có thể đoán rằng Trung Quốc bày tỏ sự không vui về các vấn đề với người đứng đầu chính phủ Singapore.”
Tháng Tám 2004, vài tháng trước khi lên làm thủ tướng, ông Lý Hiển Long cũng khiến Trung Quốc giận dữ sau khi có chuyến thăm riêng tư tới Đài Loan. Tại đó, ông đề nghị làm trung gian giữa lãnh đạo Đài Loan và Bắc Kinh.
Cha ông, người sáng lập Singapore, Lý Quang Diệu, qua đời năm 2015, được xem là cổ vũ chính sách ngoại giao thân với mọi đại cường. Ông có quan hệ thân cận với các lãnh đạo Trung Quốc ngay cả sau khi đã nghỉ hưu.
Ông Xue Li nói: “Chính phủ hiện nay ở Singapore khác thế hệ Lý Quang Diệu.”
“Họ quen làm việc với Trung Quốc từ cái nhìn phương Tây rằng ta là thầy, chứ không phải là người theo, Trung Quốc.”
www.bbc.com/vietnamese/world-39961623
Độ tuổi của các bộ trưởng trong chính phủ Pháp
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 39 tuổi vừa hoàn tất việc bổ nhiệm 22 bộ trưởng vào tân nội các với các điểm đáng chú ý sau:
- Trong số 22 bộ trưởng có 11 người là nữ, gồm hai vị gốc nước ngoài, với một người chỉ vừa nhập tịch Pháp năm 2016.
- Các bộ trưởng thuộc cả ba phái tả, hữu và trung dung chứ không chỉ là người của đảng Nền Cộng hòa Tiến Bước của ông Emmanuel Macron.
- Về lứa tuổi, họ gồm các quan chức có kinh nghiệm và nhiều nhân vật đang lên trẻ hơn cả tổng thống:
Thủ tướng 46 tuổi, Edouard Philippe, nguyên thị trưởng Le Havre, thuộc phái hữu.
Bộ trưởng Kinh tế 48 tuổi, Bruno Le Maire, thuộc phái hữu, từng tham gia nội các thời Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Bộ trưởng phụ trách tài chính công, 34 tuổi, Gérard Darmanin.
Hiệp sỹ trẻ Macron sẽ cứu nước Pháp?
Thế hệ Macron hết nghĩ về VN qua HCM
Jean-Marie Le Pen từng khóc khi mất Điện Biên
Bộ trưởng Thể thao 45 tuổi, Laura Flessel: sinh tại đảo Guadeloupe vùng Carribean, bà từng đoạt huy chương vàng Olympisc môn đấu kiếm, và có nhiệm vụ vận động để Paris đăng cai Thế vận hội Mùa Hè 2024.
Bộ trưởng Lãnh thổ 54 tuổi, Richard Ferrand.
Quốc vụ khanh về công nghệ kỹ thuật số 33 tuổi, Mounir Mahjoubi: ông sinh ra trong gia đình cha mẹ mới đến Pháp từ Morocco trong thập niên 1970.
Bộ trưởng Tư pháp 66 tuổi, François Bayrou, cựu ứng viên tổng thống.
Bộ trưởng Nội vụ 69 tuổi, Gérard Collomb, thị trưởng Lyon khi Pháp ở trong tình trạng khẩn cấp.
Bộ trưởng Ngoại giao và châu Âu 69 tuổi, Jean-Yves Le Drian, cựu Bộ trưởng Quốc phòng thời François Hollande.
Bộ trưởng Môi trường 62 tuổi, Nicolas Hulot.
Bộ trưởng Quốc phòng 52 tuổi, Sylvie Goulard.
Bộ trưởng Y tế 54 tuổi, Agnès Buzyn, nguyên trưởng khoa tại Viện Nhi Necker, Paris.
Quốc vụ khanh về người khuyết tật 56 tuổi, Sophie Cluzel: bà có bốn con gồm một con gái bị chứng Down’s.
Bộ trưởng Văn hóa 65 tuổi, Françoise Nyssen, người gốc Bỉ.
Bộ trưởng Lao động 61 tuổi, Murielle Pénicaud.
- Các nhân vật trong bộ tham mưu tranh cử Macron nhận chức vụ quan trọng trong Điện Elysee:
Bí thư Phủ Tổng thống 44 tuổi, Alexis Kohler.
Cố vấn Đặc biệt, 30 tuổi, Ismaël Emelien, một trong những kiến trúc sư của cuộc vận động tranh cử và phong trào En Marche.
Cố vấn ngoại giao 61 tuổi, Philippe Etienne, thạo tiếng Đức và Anh, người thiết kế cuộc gặp Macron – Merkel ở Berlin tuần qua.
Chánh văn phòng Phủ Tổng thống 64 tuổi, Patrice Strzoda.
Chánh văn phòng báo chí 37 tuổi, Sibeth Ndiaye: sinh tại Senegal có ba con nhỏ, bà chỉ trở thành công dân Pháp năm ngoái và là “đạo diễn” cho các chương trình truyền hình tranh cử của ông Emmanuel Macron.
www.bbc.com/vietnamese/world-39960081
Công chúa Nhật từ bỏ tước hiệu, cưới thường dân
Một thành viên hoàng gia Nhật, Công chúa Mako, sẽ từ bỏ tước hiệu hoàng gia để kết hôn với một thường dân.
Cháu gái lớn nhất của Hoàng đế Akihito sẽ đính hôn với một nhân viên hãng luật Kei Komuro, người mà cô gặp khi học đại học.
Cả hai cùng 25 tuổi.
Luật của hoàng gia Nhật Bản yêu cầu công chúa phải rời khỏi hoàng gia khi kết hôn với một thường dân.
Một số báo châu Âu viết tựa: ‘Công chúa Nhật bỏ vương triều vì tình yêu’.
Công chúa Mako từng học đại học ở Dublin và có các bằng cấp từ đại học Leicester và Edinburgh, Anh Quốc, và có nhiều hoạt động từ thiện.
Nhật Hoàng úy lạo gia đình cựu binh Nhật
Doanh nghiệp Nhật bất an vì vụ ông Thăng?
Sự việc này gây ra một cuộc tranh luận về tương lai của hoàng tộc vốn ít thành viên.
Công chúa Mako và Kei Komuro gặp nhau năm 2012 khi theo học tại Đại học Công giáo Quốc tế tại Tokyo.
Ông Komuro từng giữ danh hiệu “Hoàng tử Đại dương” khi làm công tác quảng bá du lịch tại Nhật.
Khi được hỏi về kế hoạch đính hôn, ông Komuro nói hôm 17/5 rằng: “Bây giờ không phải là lúc tôi bình luận, nhưng tôi muốn tuyên bố vào một thời điểm thích hợp.”
Văn phòng Hoàng cung xác nhận với CNN rằng họ đang chuẩn bị cho lễ đính hôn của công chúa.
Hồi tháng 8/2016, Hoàng đế Akihito, 83 tuổi, có ý nói rằng ông muốn nhường ngôi vì quan ngại sức khỏe của ông sẽ ảnh hưởng đến việc trị vì.
Nhật đang cân nhắc thay đổi luật lệ cho phép hoàng đế thoái vị.
Không có vị hoàng đế Nhật nào thoái vị trong 200 năm trở lại đây và luật hiện tại không cho phép điều đó, nhưng dự luật mới dự kiến sẽ thay đổi luật chỉ truyền ngôi cho hoàng tử.
Hiện có chỉ có bốn người có thể kế vị: Các con trai của hoàng đế Akihito là Thái tử Naruhito và Hoàng tử Fumihito, Hoàng tử Hisahito (con trai của Fumihito) và Thân vương Masahito, em trai của hoàng đế,
www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39958419