Tìm một lối thoát cho cuộc tranh đấu ở Việt Nam
Theo thiển ý, tác giả tuy nêu lên rõ thực tế nhưng chưa có chiều sâu và thực chất về điều … “có 1 đảng phái nào đó khác đảng cộng sản có tiếng nói trong nghị trường” … vì sao :
– Hầu như các thỉnh nguyện thư, tuyên bố, cuộc biểu tình từ trước đến nay đều tác động từ Hà nội ngoài bắc trước do các giới “trí thức, chuyên gia, cựu đvcs …”, thanh niên khởi xướng, có chừng mực giới hạn và Sài gòn cùng hưởng ứng theo
– Nhưng không giống như ở HN, các cuộc biểu tình ở Sài Gòn được chiếu cố rất nghiệt ngã, bị đàn áp khốc liệt hơn và đã có ít nhiều đổ máu, cho thấy csVN biết rõ người miền nam, đặc biệt là SG đã sống dưới thể chế chính trị dân chủ của VNCH, hiểu rõ giá trị đích thực của quyền con người và các quyền tự do cho nên mức độ các cuộc biểu tình ở SG có tiềm năng vượt qua ngưỡng “giới hạn mang tính vừa phải” của MB vì dân chúng MN – không như dân MB đã bị nhồi sọ, cam phận quá lâu dưới chđcs nay đã qua thời bao cấp và được sống trong thời kinh tế mở cửa hội nhập bên ngoài, đời sống khá lên, giàu lên, nên trong sự phản đối đó mang tính “cam phận” và không vượt quá mức “chính trị” là thay đổi sang tự do dân chủ như người MN
– Nhưng hầu hết các cuộc thay đổi hay cách mạng màu khác trên thế giới đều xảy ra tại thủ đô cho nên cuộc thay đổi tại VN sẽ khác và không giống bất cứ cuộc cách mạng màu đã từng xảy ra !!! BBT
Tìm một lối thoát cho cuộc tranh đấu ở Việt Nam
March 6, 2024Việt Dũng/SGN
Vào cuối năm 2023, một bài báo trên RFA làm tôi chú ý, có tựa đề: ‘Đàn áp’ làm giới bất đồng chính kiến im lặng về chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình.
Bài báo cho biết, những phản đối (tại Việt Nam) giờ “chỉ còn trên mạng” chứ không “ghi nhận một hành động phản đối nào ở nơi công cộng” cả
Tuy đáng buồn, nhưng đó thực sự là thực trạng của giới đấu tranh tại Việt Nam hiện nay.
Nếu những ai đã “quen mắt” với những hình ảnh xuống đường rầm rộ với những biểu ngữ phong phú vào những năm 2015-2016, hẳn sẽ khó chấp nhận nỗi thực tế này. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vì sao phong trào dân chủ ở Việt Nam có thể sớm lụi tàn như vậy? Và, tương lai của Việt Nam sẽ ra sao?
Tuy nhiên, có một thực tế khác, mà có lẽ một số người đã tạm thời quên: Đó là, từ sau 30 Tháng Tư, 1975 xuyên suốt cho đến nay, Việt Nam chưa bao giờ được đánh giá là có không gian mở cho tiếng nói dân sự. Theo báo cáo mới nhất về chỉ số dân chủ (Democracy Index) từ The Economist Intelligence Unit (EIU), thì Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia độc tài hàng đầu, đứng thứ 136 trong tổng số 167 quốc gia được đánh giá, với điểm trung bình dành cho nền dân chủ Việt Nam năm 2023 chỉ có 2.62 điểm.
Có thể thấy, “chỉ số dân chủ” của VN từng tăng cao và đạt “đỉnh”, trùng thời điểm khi mà sự cạnh tranh và đấu đá nội bộ của đảng CSVN gia tăng và đạt đến cao trào. Còn từ khi quyền lực dần được thâu tóm về tay ông Nguyễn Phú Trọng thì càng ngày, những hoạt động dân chủ của Việt Nam ngày càng giảm xuống.
Như vậy, rõ ràng bản chất hoạt động dân chủ ở trong nước từ trước đến nay thực ra đều đến từ “tín hiệu đèn” từ đảng cầm quyền là đảng CSVN: “đèn xanh” thì bùng nổ, mà gặp “đèn đỏ” thì trầm lắng. Đó là thực tế mà chúng ta nên ghi nhận để tìm một hướng đi phù hợp hơn trong tương lai.
Việt Nam không ngại sức ép quốc tế?
Sức ép quốc tế dĩ nhiên quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào, nhưng có hiệu quả hay không và hiệu quả được đến đâu thực ra phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chính trị trong nước. Như chúng ta đã quan sát một thời gian dài, có thể thấy rằng trước đây, mỗi khi VN sắp ký kết một hiệp định (đặc biệt là hiệp định thương mại), hay gia nhập một tổ chức quốc tế, thì thường để đạt được mục đích, nhà cầm quyền thường nới lỏng chút nào đó về nhân quyền, để rồi lại bóp trở lại sau khi đã đạt được mục đích.
Tình hình thay đổi nhiều kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng nắm quyền Tổng Bí Thư: Khi mà càng ngày, quyền lực càng được củng cố, càng tập trung, thì càng ngày nhân quyền tại VN càng bị xâm phạm tệ hại.
“Phép thử” đầu tiên của ông Trọng đối với sự lên tiếng của quốc tế về tình trạng nhân quyền tại VN có lẽ là vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), tại Đức năm 2017. Thời điểm đó, hành động “quyết liệt và mạnh mẽ nhất” được ghi nhận là CHLB Đức đã trục xuất một quan chức của Đại sứ quán VN tại Đức về nước. Ngoài ra, phản ứng của quốc tế là yếu ớt, các mối bang giao vẫn được giữ nguyên. Điều đó mặc nhiên được CSVN hiểu là “tín hiệu đèn xanh” mà thế giới dành cho họ.
Kể từ đó đến nay, ông Trọng mở rộng đàn áp, không chỉ tiến hành trấn áp những nhóm được cho là không cùng phe với mình, mà còn mở rộng đàn áp ra cả giới bất đồng chính kiến cả trong và ngoài nước: Trong nước, đó là việc thông qua luật An Ninh mạng 2018, Chỉ thị 24 năm 2023 cùng những nghị định, thông tư, hướng dẫn… ngặt nghèo siết chặt vùng tự do của người dân. Ngoài nước, đó là việc tiến hành bắt cóc những người được coi là thuộc nhóm bất đồng chính kiến: Điển hình có vụ bắt cóc ký giả Trương Duy Nhất năm 2019, và bắt cóc Blogger/Youtuber Đường Văn Thái cùng tại Thái Lan.
Những ràng buộc “mạnh” nhất của Quốc tế đến tình trạng nhân quyền bị xâm phạm tại Việt Nam đến nay cũng chỉ dừng lại ở mức “khuyến nghị thực hiện,” hay “hối thúc,” mà không có ràng buộc mang tính trừng phạt về kinh tế nào.
‘Lối thoát’ nào cho Việt Nam?
Tiến trình dân chủ ở Việt Nam trước giờ vẫn chủ yếu xoay quanh quyền tự do hội họp và lập hội, quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình. Trước giờ vẫn có những người đã từng thử ứng cử Đại biểu quốc hội, nhưng là với tư cách cá nhân, không phải dưới tư cách một đảng phái chính trị khác. Mọi nỗ lực thành lập một đảng phái chính trị khác tư tưởng của đảng cộng sản từ trước đến nay đều bị đàn áp nặng nề.
Cá nhân tôi cho rằng, tiến trình dân chủ ở Việt Nam sẽ chỉ đạt đến một bước tiến quan trọng, khi có 1 đảng phái nào đó khác đảng cộng sản có tiếng nói trong nghị trường. Bởi khi mà đảng cộng sản còn độc tôn nắm hết mọi quyền lực, thì sự “bùng nổ” phong trào dân chủ hay không chỉ là hình thức.
Điểm “bùng nổ” của phong trào dân chủ được dự tính trong tương lai là khi ông Trọng qua đời. Khi đó sẽ có những sự cạnh tranh/đấu đá nội bộ mới. Khi đó sẽ có “tín hiệu xanh” dành cho giới bất đồng chính kiến nói riêng và người dân nói chung. Nhưng đó cũng chỉ là dân chủ hình thức, không mang nguyên lý bền vững.
Tôi cũng tin vào tầm quan trọng của sự hợp tác và sức ép quốc tế, nhưng quan trọng vẫn là lòng dân.
Chấp nhận thực tại để tìm ra hướng đi đúng đắn cho tương lai. Không có một công thức chung nào cho tất cả, bởi mỗi hội nhóm đảng phái hay cá nhân lại có một màu sắc riêng, nhưng nếu các tổ chức cá nhân đứng lên gây dựng được uy tín, thì tôi tin rằng người dân sẽ tìm về.
Suy cho cùng, “quan nhất thời, dân vạn đại” vẫn là câu nói phù hợp cho bối cảnh chính trị tại Việt Nam, xuyên suốt, ít ra cho đến lúc này.