Tiêu điểm: Đánh giá 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump
NHK World
Giáo sư Kubo Fumiaki:
Ban đầu, ông Trump ký một số sắc lệnh hành pháp để cho mọi người thấy hình ảnh một tổng thống quyết đoán sẽ đạt được nhiều mục tiêu. Tuy nhiên, tòa án đã chặn lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với công dân những nước có người Hồi giáo chiếm đa số và các nước ở Bắc Phi. Một số sắc lệnh hành pháp khác có nội dung không rõ ràng.
Nếu phải nêu tên các thành tựu của ông Trump, tôi nghĩ đó sẽ là tuyên bố rút khỏi Hiệp định Tự do thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc Thượng viện Mỹ thông qua đề cử của ông cho vị trí trong Tòa án Tối cao. Nếu nói về các hành động ông đã thực hiện, thì đó sẽ là vụ tấn công bằng tên lửa nhắm vào Syria.
Trong 100 ngày đầu tiên, ông Trump hứng chịu nhiều thất bại. Ví dụ, ông nhận thất bại khi bị buộc phải rút lại dự luật đòi hủy và thay thế Luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền, còn được gọi là Obamacare. Việc bổ nhiệm những vị trí chủ chốt trong chính quyền cũng bị chậm trễ. Tỷ lệ ủng hộ hiện tại của ông vào khoảng 40%. Tôi cho rằng mức này là thấp so với những tổng thống tiền nhiệm. Vì thế, trong 100 ngày đầu tiên, ông Trump chưa đạt được nhiều thành quả.
Về mặt ngoại giao, ông Trump dùng câu khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết” trong suốt chiến dịch tranh cử của mình để thể hiện ý định ưu tiên cho lợi ích quốc gia. Ông miêu tả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là lỗi thời. Ông cũng nói Mỹ không thể gánh chịu chi phí bảo vệ các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc và các nước này phải tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên, sau khi nhậm chức tổng thống, ông lại thay đổi lập trường, nói rằng NATO không lỗi thời và gửi đi thông điệp về tầm quan trọng của quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh. Ông cũng gây áp lực lớn đối với Bắc Triều Tiên. Những điều trên thể hiện những thay đổi lớn, cho thấy Mỹ quay trở lại với lập trường ngoại giao truyền thống, theo đuổi chủ nghĩa quốc tế thay vì chủ nghĩa biệt lập.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu sự chuyển hướng đột ngột sang chủ nghĩa quốc tế sẽ kéo dài trong bao lâu. Đó là vì các quyết định chính sách của ông Trump rất tùy hứng, và rất khó để hiểu được ông dự định cân bằng lợi ích của Mỹ và của thế giới như thế nào.
Về mặt thương mại song phương, lo ngại của Nhật Bản về việc Washington có thể gây áp lực ép Nhật Bản thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại đã giảm. Sở dĩ Mỹ bớt gây áp lực có thể là vì không kịp bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong chính quyền. Có thể ông Trump sẽ lại có những đòi hỏi khó khăn cho Nhật Bản một khi chính quyền của ông hoạt động ổn định. Thương mại được cho là hòn đá tảng của chính quyền Trump, và vì thế ông sẽ không dễ dàng từ bỏ vấn đề này.
Chìa khóa để đánh giá tương lai của chính quyền Trump là việc ông xác định rõ ràng các chính sách đối nội và đối ngoại của mình đến đâu trong 2 năm trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và trong 3 năm rưỡi trước khi ông mãn nhiệm.