Tiếp tục suy nghĩ về những vụ bắt bớ gần đây
Theo Blog RFA – Nguyễn Thị Từ Huy – 17-12-2014
Những gì diễn ra trong những năm gần đây và nhất là trong những ngày gần đây khiến tôi tự đặt cho mình câu hỏi này : phải chăng đang diễn ra một quá trình tái toàn trị hóa (trở lại với thời kỳ toàn trị) tại Việt Nam? Những nghiên cứu của Hannah Arendt cho phép bà xác định rằng khái niệm chủ nghĩa toàn trị (totalitarisme) được áp dụng cho hai hệ thống duy nhất : hệ thống cộng sản Liên Xô dưới thời Staline và hệ thống quốc xã Đức thời Hitler. Sau cái chết của hai lãnh tụ toàn trị này, hệ thống toàn trị sụp đổ, cái còn tiếp tục tồn tại được gọi là hệ thống độc tài cộng sản. Václav Havel không đồng ý với cách nhìn này. Trong những năm 70 của thế kỷ trước, ông dùng chữ chủ nghĩa hậu toàn trị (post-totalitarisme) để chỉ mô hình chính trị của các nước cộng sản Đông Âu. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là đến cuối những năm 80, ông sử dụng lại khái niệm «chủ nghĩa toàn trị» của Arendt một cách hệ thống để chỉ hình thái cộng sản Đông Âu, trong một bài viết có tựa đề là «Histoire et totalitarisme». Có lẽ đối với Havel, những yếu tố toàn trị luôn là một đặc điểm cố hữu của chủ nghĩa cộng sản. Nếu ta đồng ý với Arendt rằng chữ «chủ nghĩa toàn trị» chỉ phù hợp với một chế độ trong đó diễn ra việc thanh trừng hàng loạt, giết người với số lượng lớn, và giết những người vô tội, thì quả thật điều đó chỉ phù hợp với Liên Xô của Staline, và nước Đức của Hitler. Ở các nước cộng sản khác, dù số lượng người bị giết không nhiều như ở hai quốc gia nêu trên, nhưng vẫn diễn ra những vụ giết người hàng loạt. Ở Việt Nam, điều đó đã xảy ra trong cải cách ruộng đất. Bao nhiêu người vô tội đã bị giết chỉ vì thuộc thành phần địa chủ, và kể cả khi họ không phải là địa chủ, kể cả khi họ là ân nhân của những lãnh tụ cộng sản, họ bị giết chỉ vì cần phải có một số lượng người bị giết cho đủ chỉ tiêu. Nếu đặt trong guồng máy và logic của chủ nghĩa toàn trị và chủ nghĩa cộng sản để xem xét vụ cải cách ruộng đất, ta sẽ hiểu vì sao một việc như thế có thể xảy ra, và đã xảy ra. Có lẽ hiện đang có một quá trình tái toàn trị hóa tiệm tiến tại Việt Nam. Để xác định được nó bắt đầu từ lúc nào, cần phải có nghiên cứu, nhưng rất có thể (đây chỉ là một phỏng đoán chưa kiểm chứng) nó có nguồn gốc từ hội nghị Thành Đô, bởi trước đó Việt Nam đã biết đến một thời kỳ mở cửa với thành tựu trên nhiều mặt. Tôi dẫn ra đây những sự kiện mà tôi dựa vào đó để suy luận về một quá trình tái toàn trị hóa có thể đang diễn ra trên lãnh thổ chúng ta. Vụ Nhã Thuyên cho thấy sự trở về với những cuộc thanh trừng thời kỳ Nhân văn Giai phẩm. Dù rằng, về quy mô và tính chất không có sự tương đương, nhưng có một ý chí quyết tâm đưa sinh hoạt văn học nghệ thuật và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn trở lại thời kỳ Nhân văn Giai phẩm, và được thực hiện tinh vi hơn, kín đáo hơn. Thậm chí ý chí này được luật hóa bằng luật giáo dục. Việc xuất hiện «sự tố giác của quần chúng» chính là ngôn ngữ của thời cải cách ruộng đất. Và những người bị bắt mới đây, Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập, là những người bình thường như bao nhiêu người khác. Việc bắt bớ họ gây ngạc nhiên, gây sửng sốt bởi họ không giống Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, không giống Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào ở những điểm: họ không có một tuyên ngôn rõ ràng về quan điểm chính trị, không có quan điểm chống đối, không trực tiếp viết bài. Blog của họ chỉ làm nhiệm vụ đưa tin, như bao nhiêu blog khác. Thậm chí, dưới mỗi bài đăng lại trên Quê Choa đều có ghi: «Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của Quê Choa». Tôi ghi theo trí nhớ, vì khi vào tìm lại blog Quê Choa để kiểm tra thì không còn tìm thấy địa chỉ của Quê Choa trên google nữa. Ngoài số lượng người truy cập và số lượng bài giới thiệu, thì Quê Choa và Người Lót Gạch cũng giống như rất nhiều những blog khác. Và mọi người ngơ ngác, không hiểu tại sao hai người này bị bắt, và do đó đã có nhiều suy luận khác nhau về nguyên nhân, một điều bình thường trong bối cảnh chẳng có nguyên nhân nào được đưa ra một cách chính thức. Trước đây chính quyền chỉ bắt một người, bây giờ đã có dấu hiệu bắt hàng loạt, và bắt những người bình thường, theo « tố giác của quần chúng ». Đó là một dấu hiệu rõ rệt của sự quay trở lại với thời cải cách ruộng đất. Hẳn chúng ta chưa quên rằng cách đây ít lâu, có một triển lãm chính thức về cải cách ruộng đất tại thủ đô, và điều này cũng đã gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người. Khó có thể tìm thấy một lý do thích hợp cho việc tổ chức một triển lãm như vậy. Nhưng chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nhìn nó như dấu hiệu của một quyết tâm quay trở lại với thời kỳ dã man nhất của chủ nghĩa toàn trị cộng sản. Thực ra chính quyền cũng không dấu sự dã man của mình khi chọn bắt giam hai người có tuổi và đều đang bị bệnh nặng. Thông điệp của chính quyền là : dân chúng cần biết rằng họ đang được lãnh đạo bởi một chính quyền đủ khả năng đi tới tận ranh giới cuối cùng của sự vô nhân đạo. Khi đã đi tới chỗ bắt quả tang một nhà văn đang viết văn (có nhà văn nào mà không viết văn, không viết văn sao gọi nhà văn), có nghĩa là đi tới chỗ bắt một người đang làm công việc thường nhật của mình, thì có nghĩa mọi việc chẳng còn nằm trong bất kỳ một logic nào nữa. Ai cũng có thể bị bắt quả tang khi đang làm công việc thường nhật của mình : một nhà giáo sẽ bị bắt quả tang khi đang đứng trên bục giảng, một bác sĩ sẽ bị bắt quả tang khi đang khám cho bệnh nhân, một bà nội trợ sẽ bị bắt khi đang làm bếp, và có thể tới chỗ một ông chồng sẽ bị bắt quả tang khi đang ngủ với vợ mình… Thật ra chẳng còn gì đáng ngạc nhiên nữa kể từ khi hai cái bao cao su đã qua sử dụng bị bắt quả tang đang ở trong sọt rác của khách sạn, rồi hai xe máy bị bắt quả tang đi hàng ba… Một nhà văn bị bắt quả tang khi đang viết văn, có lẽ sự phi lý này có nhiều thi tính nhất trong số các sự vụ phi lý đã diễn ra!!! Chúng ta thực sự không biết được chính quyền này có quyết định quay trở về tới tận cái khởi điểm chết chóc của chủ nghĩa toàn trị, lúc mà hàng loạt người vô tội bị giết không cần lý do, không cần nguyên nhân, bị giết bởi chính sự vô tội của họ. Chúng ta không biết được, không ai suy đoán được. Chúng ta đã có bằng chứng trong lịch sử để thấy sự tàn bạo, bạo lực, bản năng giết người nằm sẵn trong con người như thế nào, và trong những điều kiện nào đó thì sự tàn bạo dâng lên và lây lan trên diện rộng. Bao nhiêu triệu người Do Thái đã bị giết chỉ vì họ là người Do Thái. Đã có bao nhiêu nghiên cứu về bạo lực, nhưng dĩ nhiên chưa ai có câu trả lời cuối cùng. Trên cái đà gia tăng bạo lực trong xã hội hiện nay, và với sự gia tăng đàn áp, gia tăng bạo lực từ phía chính phủ mà càng ngày dân chúng càng bị buộc phải chứng kiến như trong thời gian những năm gần đây, chúng ta khó mà biết được quá trình tái toàn trị hóa này sẽ dẫn Việt Nam tới đâu. Chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ nếu chúng ta còn có bộ não ở trong đầu. Chúng ta cần cảm thấy đau đớn trước việc những người vô tội càng ngày càng bị bắt nhiều hơn, nếu chúng ta còn có một trái tim trong lồng ngực. Và chúng ta cần hành động nếu cuộc sống của chính chúng ta bị đe dọa. Quyền bảo vệ mạng sống là quyền tự nhiên mà tất cả mọi người sinh ra đều có, đó là quyền mà không ai ban bố được cho ai, cũng không ai tước đoạt được của ai.
Paris, 17/12/2014